1) Tôi thành thật, thành thật xin lỗi
Tôi muốn nói câu nói này hàng trăm, hàng ngàn lần trong những năm qua và cả những năm tới nữa. Tôi sẽ nói điều này hàng ngày, hàng tuần, hàng năm và tôi thành thật, thành thật xin lỗi các thầy cô!
Tôi xin lỗi vì tôi mà thầy cô phải chấp nhận con tôi trong lớp học. Tôi đã phải đấu tranh tư tưởng để có thể gửi con đến lớp học hay gửi con vào một trường chuyên biệt, vì các bác sĩ và các chuyên gia giáo dục đặc biệt nói với tôi rằng cách tốt nhất để giúp con tôi có thể phát triển và hòa nhập chính là môi trường lớp học với các bạn bè bình thường.
Tôi xin lỗi vì tôi biết rằng các thầy cô không được đào tạo để dạy những đứa trẻ tự kỉ.
Tôi xin lỗi vì tôi biết rằng thầy cô có đến 30 em học sinh trong lớp với sự khác biệt về năng lực học tập về nền tảng gia đình về năng lực hành vi và giờ đây thầy cô còn phải chú ý thêm cả con của tôi nữa.
Tôi xin lỗi vì thầy cô đang phải hàng ngày giải quyết các vấn đề về hành vi không bình thường của con.
Tôi xin lỗi vì những gì con làm hàng ngày, có thể tấn công, làm tổn thương những đứa trẻ khác trong lớp hay phá vỡ đi nội quy lớp học.
Tôi xin lỗi vì tôi không có tất cả những câu trả lời, đáp án cho những gì mà con làm.
2) Tôi là người luôn bênh vực con
Trước khi tôi biết được tự kỉ là gì, tôi đã được điều khiển bằng một quan điểm rằng, tôi sẽ chiến đấu, chiến đấu và chiến đấu…
Trước khi tôi hoàn toàn hiểu về sự kiên trì là gì và cảm giác gần gũi là gì, tôi đã tham gia trong một cuộc họp cùng nhà trường, một tập tài liệu dày cộp và các giải pháp.
Và tôi đã chiến đấu những năm tháng qua, tôi đã có những lời khuyên của chuyên gia về con tôi cần điều gì. Nhưng tôi hiểu nó dựa trên những mối quan hệ với nhà trường.
Tôi cũng nhận ra rằng mối quan hệ hợp tác có ích cho cả tôi và nhà trường cũng như con tôi hơn sự tranh luận, đổ lỗi. Vâng tôi vẫn đang bào chữa. Con trai tôi đã tham gia học ở trường trong một thời gian khá dài và tôi muốn tất cả chúng ta hãy làm việc cùng nhau mang đến những điều hứng thú nhất cho nó. Nếu nó thất bại, tôi có thể chiến đấu. Nếu vẫn không thành công, tôi sẽ muốn làm việc nhiều hơn với các thầy cô.
3) Các cuộc họp giữa nhà trường và gia đình đều chán ngắt!
Nhân danh con trai mình, tôi sẽ ngồi đó trong sự cô đơn
7 hoặc 8 thầy cô, hoặc ban giám hiệu nhà trường sẽ ngồi đó đại diện cho trường học.
Các thầy cô tất cả ngồi xung quanh một chiếc bàn và nói cho tôi một loạt những kĩ năng mà con tôi thiếu: Thầy cô nói với tôi rằng cháu không biết giao tiếp, cháu không biết cách lắng nghe, cháu luôn tấn công và làm tổn thương các bạn, cháu không chú ý, tập trung trong giờ học. Các thầy cô sẽ nói với tôi rằng con thường xuyên nói tự do trong lớp, con không kiểm soát được chính cơ thể của mình… Mỗi người sẽ lần lượt nói với tôi về tất cả những điểm “tội lỗi” của con.
Phải chăng đó chính là mục đích của cuộc họp giữa nhà trường và phụ huynh? Nó thiên về sự kể tội, kêu ca, phàn nàn hơn là đi tìm kiếm các giải pháp. Và các thầy cô đang cô lập con hơn là tìm cách hỗ trợ và giúp đỡ con tôi…
Tôi sẽ một lần nữa nói rằng “tôi xin lỗi, tôi thành thật xin lỗi!”. Tôi sẽ bỏ cuộc họp đó mà bước thật nhanh ra ngoài vì nó giống như vô vàn những cuộc họp khác, tôi giống như một người bị đấu tố, một luật sư ngoan cố đang cố gắng bào chữa cho một tên tội phạm mà tội ác đã quá rõ ràng. Tôi đã khóc, khóc vì thương con, khóc vì thất bại – Đó cũng là hành động cuối cùng mà những ông bố, bà mẹ có con bị tự kỉ thường xuyên làm. Tôi cảm thất bị thất bại, vô dụng, nỗi buồn cứ đè nặng trong tôi từng ngày.
Lần tiếp theo, nếu các thầy cô tham gia cuộc họp, làm ơn hãy nói với tôi điều gì đó tốt hơn có được không? Hãy kể cho tôi nghe về một điều gì đó mà con của tôi làm khiến thầy cô cảm thấy ngạc nhiên. Chúng tôi không cần biết về các lỗi lầm, chúng tôi hiểu rõ về con mình mà, nhưng chúng tôi thực sự muốn nghe những điều tích cực từ các thầy cô.
- Tôi không muốn biện hộ cho những hành vi của con; nhưng, có một vài nguyên nhân dẫn đến cách con hành xử như vậy
Tôi không thể nói với thầy cô bao nhiêu lần tôi đã nghe những từ như “Chị thật là bà mẹ tuyệt vời khi chị không thuộc nhóm người đổ lỗi các hành vi của con là do sự “khuyết tật” của chúng. Các thầy cô có biết rằng điều đó có ý nghĩa gì với tôi?
Có một lí do dẫn đến những gì mà chúng làm. Tôi ước mình có thể giải thích cho thầy cô để thầy cô có thể nhận thức những vấn đề sâu hơn và giúp con tránh được vấn đề đó trong lần tiếp theo – nhưng tôi không thể. Bởi vì thầy cô sẽ xem những lời nói của tôi giống như những lời biện hộ hoặc bào chữa ngoan cố cho các hành vi sai lầm. Nhưng, “tôi xin lỗi” đó là lời tôi sẽ nói và sẽ nói mỗi ngày vì thầy cô cũng không chắc chắn được rằng, các hành vi của con tôi sẽ không tái diễn vào ngày hôm sau.
5) Tôi không biết TẠI SAO?
“Con anh chị đã lấy bút chì đâm vào tay của bạn trong giờ thảo luận nhóm. Tại sao con làm như vậy?”
“Tại sao con anh chị đã đẩy ngã các bạn trong hành lang của trường trong khi xếp hàng vào lớp. Tại sao?”
TÔI KHÔNG BIẾT!
Tôi cần thầy cô cho tôi thêm thông tin. Tôi cần điều đó để nói với con tôi. Tôi sẽ cần phải hỏi con những câu để chắc chắn rằng con hiểu và tôi biết được điều gì xảy ra. Tôi sẽ cần để kiểm chứng.
Các thầy cô cũng cần làm điều đó phải không? Nó có thể sẽ làm mất thời gian của các thầy cô, tôi xin lỗi, vì tôi biết thầy cô đã quá bận rộn rồi – nhưng nếu đồng hành cùng nhau chúng ta có thể thay đổi điều gì đó.
Tại sao con tôi lại làm tổn thương những đứa trẻ khác? Vì những đứa trẻ khác xúi nó làm như vậy. Tôi chắc chắn rằng đứa trẻ đó cũng chỉ đang đùa thôi – nhưng con tôi thì hoàn toàn không hiểu điều đó. Nó sẽ tin vào bất kì thứ gì mà người khác nói. Suy nghĩ của con rất đơn giản và ngây thơ. Con sẽ không phân biệt được các sắc thái khác nhau trong lời nói và con sẽ cảm thấy khó hiểu khi mình bị phạt vì chỉ đơn giản là làm theo những gì mà người khác nói.
Tại sao con lại trở nên hiếu chiến, vì con đang sống giữa một nhóm học sinh ngỗ nghịch, cá biệt, không bị kiểm soát,… hãy cho ở một chỗ nào đó khác và con sẽ không nhìn thấy những hành vi đó. Vì vậy, không phải lúc nào tôi cũng biết được lí do tại sao – nhưng chúng ta khi ngồi lại cùng nhau (tôi và các thầy cô) thì có thể làm đươc điều đó.
6) Tôi muốn liên hệ nhiều hơn với các thầy cô. Các thầy cô cũng hãy liên hệ với tôi
Hãy làm điều đó nhiều nhất có thể. Nó giúp chúng ta đồng cảm và thấu hiểu nhau hơn. Tôi biết các thầy cô rất bận rộn, nhưng tôi cần phải liên hệ với thầy cô. Hãy gọi cho tôi. Hãy email cho tôi. Hãy nói với tôi, làm ơn hãy cho tôi biết khi con tôi có một ngày tuyệt vời ở trường. Hãy nói cho tôi biết tại sao điều đó lại tuyệt vời. Nói cho tôi khi con có một ngày tồi tệ và hãy dành một chút thời gian để nói về điều đó. Tôi nghĩ nếu chúng ta có thể cùng chung sức để bắt đầu từ những giải pháp đơn giản, và ngày mai sẽ đẹp hơn ngày hôm nay.
7) Tôi muốn các thầy cô giúp tôi
Tôi muốn trở thành “đối tác của các thầy cô”. Tôi và các thầy cô giống như những con người cùng đi trên một con thuyền, đang đối diện với sóng gió, khi các thầy cô giúp tôi nghĩa là các thầy cô cũng tự giúp chính bản thân mình. Tôi biết các thầy cô bận rộn và các thầy cô đã quá mệt mỏi vì lũ trẻ. Hãy để tôi giúp thầy cô làm công việc đó trở nên dễ dàng hơn bằng việc chia sẻ những cách đơn giản để giúp con.
8) Tôi muốn thầy cô hãy giúp con
Dưới đây là những cách vô cùng đơn giản mà thầy cô có thể làm:
– Hãy nói với con một cách ĐƠN GIẢN và TRỰC TIẾP, sau đó sẽ hướng dẫn con làm các bước tiếp theo. Cho con có thời gian chuyển tiếp giữa các hoạt động.
– Con là một đứa trẻ đơn giản. Khi con nói “cho con thêm 1 phút” thì con sẽ bắt đầu đếm đúng một phút.
– Chú ý tới những dấu hiệu khác thường. Nếu con tự làm đau mình hay làm tổn thương người khác. Đó là khi con đang tức giận hoặc cảm thấy không an toàn. Hãy cho con thời gian và một nơi yên tĩnh để làm việc.
– Làm ơn hãy làm mẫu cho con, chỉ cho con một cách thật chi tiết phải làm như thế nào, hơn là chỉ giao một nhiệm vụ như các học sinh khác. Làm hơn hãy nói đi nói lại với con nhiều lần. Thường khi con đã học được cách làm từ ngày hôm qua thì hôm nay tự con sẽ làm được nó. Hãy giúp con thầy cô nhé!
– Hãy để ý đến các các vấn đề tâm lí của con. Lớp học không phải là một nơi thoải mái cho con. Ánh sáng, đồng hồ và những đứa trẻ tất cả có thể làm tổn thương đến đôi tai và ánh mắt của con. Khi nó đã tác động đến con, con sẽ mất đi khả năng kiểm soát hành vi.
– Hãy cho con một nơi yên tĩnh. Điều này sẽ giúp con bình tĩnh trở lại khi con có cảm giác bị tấn công.
– Hãy giúp con có thời gian chuyển tiếp giữa các hoạt động, luôn cho con một phương án B để lựa chọn.
– Giúp con hiểu thế nào là một hành vi không phù hợp trong một tình huống cụ thể và nói với con rằng thầy cô hiểu con. Giúp con học cách giải quyết các tình huống trong cuộc sống và cho con thấy con đã làm tốt như thế nào.
9) Hãy yêu thương con và đối xử với chúng như một cá thể độc lập
Làm ơn đừng đánh giá con bằng những khuyết tật của con. Hãy nhìn vào những điểu mạnh của nó và thầy cô sẽ tìm thấy được rất nhiều. Mỗi đứa trẻ tự kỉ đều rất khác nhau. Vì vậy, làm ơn hãy nhìn con như một cá tính độc đáo và giúp con làm tốt nhất có thể.
Tôi trao gửi con cho thầy cô 5 ngày/ tuần trong một môi trường mà tôi biết là không hề dễ dàng gì đối với con. Ở nhà, tôi có thể bảo vệ con, quan tâm đến con, hiểu và chia sẻ với con, làm việc cùng con, hỗ trợ con. Tôi muốn các thầy cô hãy làm những điều như vậy với con ở trường. Khi thầy cô thực sự quan tâm, thầy cô sẽ nhận ra rằng con thật là đáng yêu với nụ cười trên khuôn mặt đang đi vào trong lớp học của thầy cô.
10) Tin tưởng
“Niềm tin và hành động nó là thứ không thể nào bị đánh bại” — Charles F. Kettering
Tin tưởng rằng thầy cô sẽ khiến con tôi trở nên khác biệt. Khuyến khích con để con có thể phát huy tối đa khả năng của mình. Giúp con tin vào chính mình. Giúp các bạn trong lớp học cũng tin vào con. Tin vào những điều kì diệu trong cuộc sông. Tin rằng con có thể thành công và đạt kết quả cao trong học tập. Tin tưởng thật nhiều và nhiều hơn nữa…
Tác giả: Bonnie Zampino, Engagement Specialist, Ukeru Systems
(Người dịch: Nguyễn Hữu Long)