Khi xã hội thay đổi, các công cụ của nó cũng thay đổi theo. Định nghĩa về mục tiêu và chất lượng của các trường học cũng phải được sửa đổi liên tục. Vậy nhà trường nên “làm” gì? Thay đổi có nên hay không? Làm thế nào chúng ta có thể đánh giá một ngôi trường tốt hay không tốt?
Điều này có vẻ là một vấn đề vĩ mô. Còn bây giờ, hãy xem xét các trường học chỉ đơn giản như những hệ sinh thái lớn. Các hệ sinh thái gần nhất mà chúng ta tham gia là nhân loại và văn hóa. Với tư cách là những phần của hệ sinh thái (nhân loại), khi một thứ thay đổi, mọi thứ khác cũng vậy. Khi trời mưa, nước dâng cao trong các con suối, đồng cỏ ẩm ướt, cỏ ba lá nở rộ và những con ong nhộn nhịp. Khi hạn hán, mọi thứ khô ráo, cũ kĩ và tĩnh mịch.
Công nghệ thay đổi, tác động đến những nhu cầu và mong muốn của chúng ta. Chúng ta thích những điều mới mẻ, công nghệ cập nhật để tìm cách thích ứng. Điều tương tự cũng – hoặc nên – xảy ra với giáo dục. Hãy xem xét một vài ý tưởng chính trong nền giáo dục tiên tiến. Học tập mọi lúc mọi nơi, công dân kỹ thuật số, tư duy thiết kế, cộng tác, sáng tạo và trên quy mô lớn hơn, kỹ năng số, 1: 1 và nhiều hơn nữa là các năng lực mà mọi học sinh sẽ thụ hưởng qua tiếp xúc và làm chủ công nghệ. Khi công nghệ du nhập trường học, lớp học, bài tập và tư duy thiết kế của giáo viên, đó là lẽ hiển nhiên.
Khi những “thứ” này bị ép vào một nơi nào khác, tính xác thực của mọi thứ đều chết. Bản thân hệ sinh thái bị đe dọa.
Mục tiêu của trường học trong thời đại thay đổi
Trường học nên dạy gì và dạy như thế nào? Làm sao chúng ta biết được liệu chúng ta có làm tốt không? Đây là những câu hỏi vô cùng quan trọng, cần phải được trả lời với nhu cầu xã hội, năng lực của giáo viên và tri thức về công nghệ. Bây giờ, chúng ta tiếp cận ngược lại. Dưới đây là những gì tất cả học sinh nên biết, giờ thì hãy tìm hiểu cách chúng ta có thể sử dụng những gì chúng ta dạy. Nếu chúng ta không nhận thức vấn đề trong bối cảnh đầy đủ của nó thì sẽ không giải quyết được tận gốc.
Cơ sở vật chất của nhà trường như thế nào, học sinh học cái gì và tại sao phải học, những điều đó cần được xem xét kỹ lưỡng, tinh tế, chặt chẽ và tận tâm như khi chúng ta tiết kiệm xăng xe, tải tài liệu xuống điện thoại và máy tính bảng hoặc nghiên cứu hệ điều hành đồng hồ của chúng ta. Hầu hết các tiêu chuẩn học thuật hiện đại đều tiếp cận giáo dục chỉ qua con đường kiến thức. Điều này, với tôi, dường như là một phương pháp tiếp cận ngắn hạn, cản trở nỗ lực đổi mới của chúng ta.
Tại sao giáo dục, với tư cách là một hệ thống, không thể tự tái tạo một cách mạnh mẽ như công nghệ kỹ thuật số? Điều này đang gây nên nhiều tranh cãi. Tính linh hoạt của một giáo trình cụ thể ít nhất phải phù hợp với tính linh hoạt của các nhu cầu kiến thức hiện đại có liên quan. Phải chăng bước đầu tiên trong việc theo đuổi cách tiếp cận sáng tạo và hiện đại trong dạy – học là xem xét lại vai trò cốt lõi của chương trình giảng dạy đối với các mô hình học tập?
Chú trọng chất lượng là một cách nhìn nhận, tuy nhiên, đó không phải là các tiêu chuẩn mới mà đã tồn tại trong nhiều năm. Thực tế, trong thời đại của thông tin, những phương tiện thông minh và sự chênh lệch kinh tế xã hội, chúng ta cần cân nhắc xem có nên chỉ dạy cho học sinh nội dung hay còn dạy cả tư duy, thiết kế lộ trình học tập riêng và tạo ra giá trị riêng?
Trước đây chúng ta tưởng rằng phương án đó có hiệu quả – nếu học sinh có thể đọc, viết, làm toán, soạn thảo và trình bày ý tưởng chính, làm chủ một kiến thức (hiện đã được phổ cập trong hệ thông giáo dục), tức là họ sẽ học cách tư duy và suy luận những ý tưởng phức tạp, tạo ra những điều đáng mới lạ và tự định vị bản thân mình trong quá trình này. Rằng nền tảng tri thức càng đầy đủ, học sinh càng có nhiều khả năng tạo ra bản sắc lành mạnh và chấp nhận tư duy khác biệt, hoàn thành tốt công việc, tư duy toàn cầu và tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn.
Chúng ta có xu hướng đánh giá cao thành công của trường thay vì thành công của mọi người. Chúng ta tạo ra “trường học tốt” mà điểm số tốt nghiệp của học sinh có rất ít hy vọng cho tương lai. Làm thế nào một ngôi trường có thể tự cho mình là “tốt” khi nó đào tạo nên những học sinh không tự nhận thức được về bản thân, thế giới hay vị trí của họ trong đó?
Vậy thì, đây là một định nghĩa mới cho “trường học tốt”.
Các đặc điểm của một trường học tốt
- Một trường học tốt sẽ góp phần cải thiện cộng đồng mà nó đang tồn tại.
- Một trường học tốt có thể thích nghi nhanh chóng với nhu cầu của con người và thay đổi công nghệ.
- Một trường học tốt đào tạo nên các học sinh không chỉ biết đọc, biết viết mà còn biết lựa chọn.
- Một trường học tốt luôn biết tự nhìn nhận, suy ngẫm về chính nó.
- Một trường học tốt có các giải pháp phù hợp và thành công mà mọi gia đình và cộng đồng đều hiểu và coi trọng.
- Một ngôi trường tốt có các học sinh không chỉ hiểu/biết “nhiều”, mà là biết những gì đáng để biết/hiểu.
- Một trường học tốt biết rằng nó không thể làm tất cả, do đó, tìm cách làm tốt nhất có thể.
- Một trường học tốt có khả năng cải thiện, tác động đến các trường học và các tổ chức văn hóa khác.
- Một trường học tốt luôn luôn mở cửa và không bao giờ đóng cửa. (Nó không phải là một nhà máy.)
- Một trường học tốt đảm bảo rằng mọi học sinh và gia đình đều cảm thấy được chào đón và đối xử bình đẳng.
- Một ngôi trường tốt có các học sinh không chỉ biết đặt câu hỏi tốt mà còn ham học hỏi.
- Một trường học tốt thay đổi học sinh; học sinh khiến trường học trở nên tuyệt vời.
- Một trường học tốt hiểu được sự khác biệt giữa các vấn đề liên quan đến lỗi tư duy và lỗi thực hành.
- Một trường học tốt tôn trọng tiếng nói của học sinh.
- Một trường học tốt không bao giờ hứa suông, không hoa mĩ để lừa phỉnh phụ huynh và các thành viên trong cộng đồng. Họ luôn xác thực và minh bạch.
- Một trường học tốt đánh giá cao vai trò của giáo viên, ban giám hiệu và phụ huynh đối với sự thành công của học sinh.
- Một trường học tốt luôn hướng đến cá nhân hóa việc học tập qua dạy học phân hóa.
- Một trường học tốt dạy tư duy chứ không dạy nội dung.
- Một trường học tốt làm chủ được công nghệ, chương trình giảng dạy, chính sách và các “phần” khác. (Bạn đã từng đi xem một vở ballet và tập trung vào sự chuyển động nhịp nhàng của cơ thể chưa?)
- Một trường học tốt phản đối hành vi văn hóa xấu (bao gồm sự phân biệt chủng tộc, giàu nghèo, đức tin, giới tính, trình độ học vấn và thờ ơ đối với môi trường).
- Một trường học tốt đào tạo nên các học sinh có năng tự nhận thức về bản thân trong bối cảnh riêng của họ, biết đưa ra các quyết định và lựa chọn. Điều này bao gồm văn hóa, cộng đồng, ngôn ngữ và nghề nghiệp.
- Một trường học tốt tạo nên các học sinh có hoài bão cá nhân và có kế hoạch cụ thể cho tương lai, tin tưởng và chia sẻ nó với những người khác.
- Một trường học tốt tạo nên các học sinh có thể thấu cảm, phê phán, bảo vệ, yêu thương, truyền cảm hứng, sáng tạo, khôi phục và hiểu hầu hết mọi thứ – và coi đó là thói quen.
- Một trường học tốt sẽ kìm hãm xu hướng xã hội đối với sự tham lam, tham nhũng các nguồn lực.
- Một trường học tốt chú trọng thực hành văn hóa chứ không chỉ thực hành sư phạm đối với học sinh và gia đình hơn ở các trường học hoặc môi trường giáo dục khác.
- Một trường học tốt giúp học sinh phân biệt kiến thức phổ thông và kiến thức chuyên môn, tri thức hàn lâm và tri thức ứng dụng, trí khôn và trí tuệ.
- Một trường học tốt sẽ chấp nhận trải nghiệm sự xáo trộn trong các khuôn mẫu, thử nghiệm và giá trị riêng của nó bởi vì họ coi trọng sự sáng tạo, tự chủ và cởi mở, họ sẵn sang cho những thay đổi không thể đoán trước.
- Một trường học tốt sẽ tạo nên các học sinh có khả năng tư duy nghiêm túc về các vấn đề đáng quan tâm của nhân loại, lòng ham hiểu biết, nghệ thuật, di sản, chăn nuôi, nông nghiệp và hơn thế.
- Một trường học tốt sẽ giúp học sinh nhìn nhận bản thân họ trong bối cảnh lịch sử, gia đình, xã hội và toàn cầu.
Terry Heick
Táo trường học dịch