6 bước giải quyết vấn đề với thanh thiếu niên (Phần 2)

Ở phần trước chúng tôi đã đề cập đến lí do tại sao cần phải hướng dẫn thanh thiếu niên giải quyết vấn đề và 6 bước để giải quyết vấn đề là gì. Ở phần này tiếp tục là tình huống nếu có xung đột vấn đề xảy ra thì giải quyết vấn đề là như thế nào kèm theo ví dụ để quý phụ huynh theo dõi.

Xem lại phần 1

Khi xung đột là vấn đề

Khi con đến tuổi niên thiếu, bạn có thể xung đột với con thường xuyên hơn trước. Bạn có thể không đồng ý về một loạt các vấn đề, đặc biệt là con bạn cần hình thành tính độc lập.

Bạn có thể khó buông bỏ thẩm quyền của mình và để con có nhiều tiếng nói hơn trong việc ra quyết định. Nhưng điều này là một phần của hành trình mà con trở thành một thanh niên có trách nhiệm.

Bạn có thể sử dụng các bước giải quyết vấn đề tương tự để xử lý xung đột. Có nhiều lời khuyên trong bài viết của chúng tôi về quản lý xung đột.

Ví dụ

Hãy để tưởng tượng rằng bạn và con đang xung đột vì một bữa tiệc vào cuối tuần.

Bạn muốn:

• đưa và đón con 

• chắc chắn rằng có người lớn giám sát

• yêu cầu con về nhà trước 11 giờ đêm.

Con muốn:

• đi với bạn bè

• về nhà bằng taxi

• về nhà khi con muốn.

Làm thế nào để cả hai đều có được điều mình muốn?

Chiến thuật giải quyết vấn đề được mô tả ở trên có thể áp dụng cho các loại xung đột này. Có các bước sau:

1. Xác định vấn đề

Làm rõ vấn đề. Ví dụ:

• Con muốn đi dự tiệc với bạn bè và về nhà bằng taxi.

• Bố mẹ lo là tụi trẻ các con uống rượu trong bữa tiệc và không biết có người lớn giám sát bữa tiệc không.

• Khi con ra ngoài, bố mẹ lo lắng không biết con đang ở đâu và muốn biết con đang thế nào. Nhưng chúng ta cần tìm cách để con có thể đi chơi với bạn bè và bố mẹ cảm thấy an tâm về con. 

2. Nghĩ xem tại sao đó là vấn đề

Tìm hiểu xem điều gì quan trọng đối với con bạn và giải thích cho con hiểu bạn coi trọng điều gì. Ví dụ, bạn có thể hỏi: “Tại sao con không muốn về nhà trước 11 giờ đêm?” Sau đó hãy lắng nghe quan điểm của con bạn.

3. Động não các giải pháp khả thi

Hãy sáng tạo và nhắm đến ít nhất bốn giải pháp cho mỗi vấn đề. Ví dụ, bạn có thể đề nghị đón con bạn nhưng cho con lựa chọn thời gian về. Hoặc con bạn có thể nói: “Liệu con có thể bắt taxi về cùng hai bạn gần nhà mình không ạ?”

4. Đánh giá các giải pháp

Xem xét ưu và nhược điểm của từng giải pháp, bắt đầu với ưu điểm trước. Có thể hữu ích khi bắt đầu bằng cách loại bỏ các giải pháp mà một trong hai không đồng ý. Ví dụ, bạn không đồng ý cho con đi taxi về nhà một mình.

Bạn có thể muốn đặt ra một số quy tắc rõ ràng về thời gian – ví dụ, con bạn phải có mặt ở nhà trước 11 giờ đêm trừ khi có thỏa thuận khác.

Hãy chuẩn bị sẵn một kế hoạch dự phòng trong trường hợp có sự cố xảy ra, chẳng hạn như tài xế được chỉ định say rượu hoặc không sẵn sàng rời đi. Thảo luận về kế hoạch dự phòng với con bạn.

5. Vận dụng giải pháp

Sau khi bạn đạt được thỏa hiệp và có kế hoạch hành động, bạn cần làm rõ các điều khoản trong thỏa thuận. Có thể soạn văn bản bao gồm ghi chú người nào làm việc gì, khi nào và như thế nào.

6. Đánh giá kết quả

Sau khi thử giải pháp, hãy dành thời gian để xem liệu nó có hiệu quả không và liệu thỏa thuận có công bằng không.

Bằng cách đầu tư thời gian, công sức phát triển các kỹ năng giải quyết vấn đề của con, con sẽ thấy rằng bạn coi trọng tiếng nói của con trong các quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng. Điều này có thể củng cố mối quan hệ của bạn với con.

Đặng Thanh Hiền _ Táo Trường Học dịch

Nguồn: raisingchildren.net.au

6 bước giải quyết vấn đềGiải quyết vấn đềhỗ trợ con các mối quan hệ xã hộikhi con ở tuổi teentáo giáo dụctáo trường họcTuổi dậy thìTuổi thanh thiếu niên
Comments (0)
Add Comment