Ba bước dạy kỹ năng tự chăm sóc cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt

Phải thừa nhận rằng, việc giúp trẻ hình thành kỹ năng cơ bản như kỹ năng thích nghi, kỹ năng sống là rất khó thì đối với trẻ có nhu cầu đặc biệt còn khó hơn nhiều. Bởi đó là các kỹ năng cần thiết liên quan đến cuộc sống thường ngày của trẻ và các mối quan hệ giao tiếp với mọi người xung quanh. Đó những điều cơ bản nhưng quan trọng để trẻ có thể tự thiết lập nếp sống và sự tái tạo trong cộng đồng lớn hơn sau này. Dưới đây là bài viết Dạy kỹ năng tự chăm sóc cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt cung cấp các ý tưởng về việc dạy kỹ năng tự chăm sóc. Đây là bài viết mà các cha mẹ và các giáo viên, những người chăm sóc và dạy dỗ trẻ có nhu cầu đặc biệt không nên bỏ qua.

Trong thế giới nhu cầu đặc biệt, các kỹ năng cơ bản nhất được gọi là Kỹ năng thích nghi (Adaptive Living Skills – ADL). Các kỹ năng phức tạp hơn như giặt đồ, bắt xe buýt hoặc thực hiện lịch trình hàng ngày, đôi khi được gọi là Kỹ năng sống hoặc Kỹ năng thường nhật. Mặc dù không nhất thiết phải có nhưng chúng cực kỳ quan trọng đối với bất kỳ ai dự tính làm việc và tái tạo trong một cộng đồng hiện đại.

Mọi người đều cần những kỹ năng nhất định để sống dễ dàng. Các kỹ năng liên quan đến ăn uống, mặc quần áo và vệ sinh cá nhân là yêu cầu bắt buộc đối với bất kỳ ai muốn sống ngay cả một cuộc sống phụ thuộc. Ngoài những kỹ năng rất cơ bản này là nhiều kỹ năng chúng ta sử dụng mỗi ngày để điều tiết cuộc sống ở nhà và trong cộng đồng.

Hầu hết mọi người học ADL và nhiều kỹ năng sống thường nhật khi còn trẻ. Họ học thông qua tổ hợp hướng dẫn – bắt chước – thử nghiệm – sai lầm. Ví dụ, một đứa trẻ có thể học cách tự tắm thông qua việc nhớ lại trải nghiệm được người khác tắm cho, bắt chước hành động của cha mẹ và tự khám phá ra rằng nếu mở nước nóng quá lâu thì sẽ bị bỏng.

Tại sao việc dạy kỹ năng sống cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt lại khác?


Trẻ em có nhu cầu đặc biệt như tự kỷ, mắc khuyết tật học tập hoặc ADHD, học tập khác với trẻ em bình thường. Đó là vì trẻ em có nhu cầu đặc biệt:

  • Không phát triển hoặc phát triển kỹ năng bắt chước muộn hơn nhiều so với mức trung bình.
  • Không phát triển hoặc phát triển khả năng hiểu và thể hiện bản thân bằng ngôn ngữ nói muộn hơn nhiều so với mức trung bình.
  • Không phát sinh nhu cầu “bắt chước” hoặc gây ấn tượng với người khác bằng các kỹ năng và khả năng của họ.
  • Có thể cảm thấy khó khăn khi làm theo chỉ dẫn, đặc biệt nếu chỉ dẫn bao gồm nhiều bước.
  • Có thể không biết hành vi “mong đợi” hoặc “bình thường” là thế nào.
  • Có thể thiếu khả năng tập trung vào một nhiệm vụ trong thời gian dài.
  • Có thể dễ dàng nản lòng.
  • Có thể gặp vấn đề về cảm giác hoặc tri giác.

Nếu con bạn gặp một số hoặc tất cả những thách thức trên, có thể chỉ là con không “có được” các kỹ năng sống thường nhật như các bạn đồng trang lứa. Nhưng điều đó không có nghĩa là con không thể học hầu hết hoặc thậm chí tất cả những kỹ năng đó với phương pháp giảng dạy đúng đắn.

Cách dạy kỹ năng sống cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt


Giáo viên, nhà trị liệu và phụ huynh đã và đang cùng nhau hoặc độc lập phát triển một bộ kỹ thuật, có thể rất hiệu quả trong việc dạy các kỹ năng sống cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt. Tin tốt là những kỹ thuật này có thể có hiệu quả tương đương đối với việc dạy bất kỳ kỹ năng nào cho bất kỳ ai, dù khả năng hay thách thức của họ là gì.

Bước một: Phân tích nhiệm vụ

Phân tích nhiệm vụ là quá trình chia nhỏ một nhiệm vụ nhất định thành các bộ phận. Ví dụ, đánh răng bao gồm tìm bàn chải, kem đánh răng và cốc, xịt kem đánh răng lên bàn chải, đánh hàm dưới, súc miệng, đánh hàm trên, súc miệng lần nữa, rửa bàn chải và cất các đồ dùng đúng chỗ.

Bước hai: Tạo chỉ dẫn trực quan

Nhiều bậc cha mẹ tạo các chỉ dẫn trực quan để giúp đứa con có nhu cầu đặc biệt hiểu, ghi nhớ và thoải mái trong khi hoàn thành nhiệm vụ. Chỉ dẫn trực quan có thể bao gồm tranh ảnh minh họa từng bước trong quy trình.

Nhiều bậc cha mẹ tạo các chỉ dẫn trực quan để giúp đứa con có nhu cầu đặc biệt hiểu, ghi nhớ và thoải mái trong khi hoàn thành nhiệm vụ. Chỉ dẫn trực quan có thể bao gồm tranh ảnh minh họa từng bước trong quy trình.

Bước ba: Duy trì để tạo thói quen tự giác


Lúc đầu, một đứa trẻ có nhu cầu đặc biệt có thể cần rất nhiều sự giúp đỡ trong việc ghi nhớ và hoàn thành đúng từng bước trong một nhiệm vụ. Nhắc nhở có thể là cầm tay chỉ việc. Khi con học, cha mẹ sẽ bắt đầu “làm mờ” các gợi ý. Đầu tiên, họ sẽ ngừng hỗ trợ trực tiếp, và thay vào đó chỉ hướng dẫn bằng lời “Đừng quên rửa bàn chải đánh răng”. Sau đó, họ sẽ bắt đầu tạo thói quen tự giác cho con bằng cách không nhắc nhở nữa.

Công cụ giảng dạy bổ sung


Tùy vào cách con bạn học, có một vài công cụ bổ sung hữu ích. Những công cụ này đặc biệt hiệu quả với các kỹ năng nâng cao đòi hỏi trẻ phải tương tác với mọi người, trong cộng đồng rộng hơn. Bao gồm:

Xâu chuỗi

Mỗi nhiệm vụ bao gồm một loạt các bước hoạt động giống như các mắt xích trong một chuỗi. Ví dụ, bạn không thể đánh răng nếu chưa xịt kem đánh răng lên bàn chải. Một số người nhắc nhở con họ từng bước trong chuỗi và nhắc nhở ít dần cho đến khi trẻ tự làm được. Cuối cùng, trẻ có thể hoàn thành nhiệm vụ chỉ bằng một lời nhắc nhở đơn giản.

Câu chuyện xã hội

Câu chuyện xã hội là một bước tiến lên từ hướng dẫn trực quan được mô tả ở trên. Thay vì chỉ liệt kê các bước, phụ huynh sử dụng hình ảnh và từ ngữ để mô tả “hành vi dự kiến”. Hầu hết các câu chuyện xã hội được điều chỉnh cho phù hợp với mỗi cá nhân. Ví dụ: “Mỗi buổi sáng sau khi ăn, Johnny đánh răng. Đầu tiên, Johnny gõ cửa phòng tắm. Nếu không có ai ở bên trong, Johnny có thể vào ” và câu chuyện cứ thế tiếp diễn. Cha mẹ có thể đọc câu chuyện này cho Johnny nghe thường xuyên đến khi Johnny ghi nhớ và có thể hoàn thành tất cả các bước mà không cần nhắc nhở.

Video làm mẫu

Nhiều trẻ em có nhu cầu đặc biệt là những người học trực quan và hầu hết họ học tốt thông qua các video. Bạn có thể mua các video làm mẫu, tải trên mạng hoặc tự làm. Họ có thể làm nổi bật các diễn viên đang thực hiện một nhiệm vụ hoặc chỉ cho trẻ thấy chính con đang trải qua quá trình đó. Tự dựng một video về con bạn để bé có thể xem và xác định bất kỳ sai lầm nào mà bé mắc phải, đó cũng là một ý hay.

Ứng dụng

Trẻ lớn hơn, hoặc trẻ có vấn đề nhẹ hơn, có thể học thông qua các ứng dụng di động hướng dẫn họ vượt qua các hoạt động hoặc trải nghiệm cụ thể. Họ cũng có thể dùng các ứng dụng lịch và thời gian biểu cơ bản để sắp xếp thời gian.

Kết luận
Tất cả các công cụ nói trên đều được các nhà trị liệu và giáo viên sử dụng nhưng bạn có thể dễ dàng tìm thấy hoặc tự chế tạo chúng. Là cha mẹ, bạn thừa khả năng giúp trẻ có nhu cầu đặc biệt phát triển các kỹ năng cần thiết để tự lập.

Đặng Thanh Hiền – Táo Trường Học dịch

Nguồn: www.verywellfamily.com

Xem thêm:

Biểu đồ hành vi cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt

Các kỹ năng xã hội quan trọng mà học sinh lớp ba cần có

dạy kỹ năng cho trẻGiáo dục đặc biệtkỹ năngkỹ năng tự chăm sóctáo giáo dụctáo trường học
Comments (0)
Add Comment