Mẹ tôi không ngại lên tiếng thay tôi khi có vấn đề phát sinh ở trường. Bà thường trao đổi cởi mở với các giáo viên của tôi và bày tỏ quan điểm khi cần thiết với một sự tao nhã khéo léo mà tôi rất ngưỡng mộ. Ngày nay, với nhiều thay đổi xảy ra trong công cuộc cải cách giáo dục và xã hội nói chung, bạn buộc phải biết mình nên làm gì nếu không đồng tình với chương trình giảng dạy mà nhà trường đề ra nhằm đảm bảo những năm học của con bạn diễn ra thuận lợi.
Trong hai mươi năm kể từ khi tôi vào tiểu học, những thay đổi xã hội lớn đã diễn ra và một số lựa chọn chương trình giảng dạy của những năm trước có thể xa lạ đối với các bậc cha mẹ ngày nay. Ví dụ, mẹ tôi hoàn toàn không có ý kiến gì khi ký vào giấy phép cho tôi – hồi học lớp 5 – xem Cuốn theo chiều gió trong tiết Lịch sử. Ngày nay, các yếu tố bối cảnh về chế độ nô lệ và phân biệt chủng tộc lộ liễu trong phim sẽ khiến tôi do dự khi cho học sinh ở độ tuổi tiểu học của mình xem. Tôi sẽ có xu hướng đặt nhiều câu hỏi liên quan đến việc thông tin trong phim sẽ được chia sẻ với con tôi như thế nào và mục đích của việc cho một bộ phim như vậy vào chương trình giảng dạy là gì.
Phụ huynh có thể phản đối các yếu tố nhất định trong chương trình giảng dạy hoặc các môn học nói chung vì nhiều lý do. Là cha mẹ, bạn có quyền thảo luận với giáo viên về việc giáo dục con bạn. Cho dù bạn phản đối một yếu tố nhất định trong chương trình giảng dạy vì lý do tôn giáo, xung đột xã hội hoặc văn hóa hoặc bạn không hiểu nhu cầu cần có một phương pháp giảng dạy nhất định, hãy thẳng thắn và cởi mở trao đổi với giáo viên của con bạn. Tôi đã nói chuyện với một số chuyên gia giáo dục để xem họ khuyên phụ huynh làm những gì khi đối mặt với sự bất đồng trong chương trình giảng dạy. Tất cả đồng ý rằng bước đầu tiên là nói chuyện trực tiếp với giáo viên của con.
Theo giáo viên toán lớp 5, Bethany Austin, nếu phụ huynh chưa nắm rõ chương trình giảng dạy dành cho con mình, họ nên “trao đổi với giáo viên để hiểu rõ hơn sự liên kết giữa các bài học và tầm quan trọng của chúng.” Cô nói rằng giáo viên thường không thể đi ngược lại chương trình giảng dạy, nhưng luôn sẵn sàng giải thích tại sao các yếu tố giáo dục nhất định là cần thiết. Cô gợi ý phụ huynh nên gửi mail cho giáo viên để bày tỏ mối lo ngại và để họ biết rằng bạn sẵn sàng thảo luận vấn đề sao cho thuận tiện nhất, qua điện thoại hay gặp trực tiếp. Dù bạn sẽ phải thể hiện sự thất vọng, nhưng hãy cho giáo viên thời gian chuẩn bị một cuộc trò chuyện, giải thích sự lựa chọn chương trình giảng dạy.
Casey Smith, giáo viên môn Ngôn ngữ ở trường trung học, đồng ý rằng phụ huynh nên bắt đầu trò chuyện về mối quan tâm trong chương trình giảng dạy với giáo viên, nhưng cô nói rằng đây không phải là lần giao tiếp đầu tiên bạn có với giáo viên của con mình. “Tôi sẽ nói rằng điều tốt nhất mà giáo viên có thể làm là bắt đầu năm học mới bằng sự trao đổi cởi mở giữa họ, học sinh và phụ huynh,” cô nói với Meyer. “Giáo viên đã đặt ra các tiêu chuẩn và kỹ năng mà họ buộc phải dạy. Nhưng trước khi cung cấp nội dung đó, nếu có điều gì đó mà phụ huynh không đồng ý, họ nên có niềm tin và trao đổi với giáo viên của con họ.”
Smith nói thêm rằng giáo viên có trách nhiệm thiết lập mối liên hệ này vào đầu năm học. “Bạn không muốn cuộc trò chuyện đầu tiên của mình với phụ huynh có không khí tiêu cực”, Smith nói. Nhưng ngay cả khi giáo viên của con bạn chưa làm công tác đó, bạn vẫn nên đề nghị một cuộc trò chuyện hữu ích về chương trình giảng dạy với thầy/ cô ấy.
Các thuật ngữ giáo dục như “cốt lõi chung” và “chấm điểm dựa trên tiêu chuẩn” khiến các bậc cha mẹ nhầm lẫn, ngay cả những điều cơ bản của chương trình giảng dạy cũng có thể trở nên khó hiểu và cần được làm rõ theo thời gian. Bạn có thể cần đặt câu hỏi liên quan đến chương trình giảng dạy khi con bạn chuyển lên một cấp mới trong hệ thống giáo dục. Vì vậy, việc trao đổi với giáo viên của con bạn về chương trình giảng dạy là quan trọng, dù bạn đồng tình hay phản đối nó
Đặng Thanh Hiền – Táo Trường Học dịch
Xem thêm
Chia sẻ của giáo viên: Cha mẹ học sinh nên biết gì về bài tập về nhà