Dạy kĩ năng cho trẻ em: những cách tiếp cận khác

Dạy kỹ năng cho trẻ em có thể là bước đầu tiên quan trọng trong việc quản lý hành vi của chúng. Ví dụ, nếu con bạn không biết cách dọn mâm cơm, con có thể từ chối làm việc đó - bởi vì con không thể làm được. Giải pháp là gì? Hãy dạy con cách làm

Những vấn đề chính

  • Đôi khi hành vi khó khăn xảy ra vì trẻ em không thể làm những gì bạn mong đợi. Điều này có nghĩa là các kỹ năng mới có thể giúp xử lí hành vi khó.
  • Bạn có thể hướng dẫn bằng lời nói, làm mẫu và thực hành từng bước trong khi dạy các kỹ năng thể chất và xã hội.
  • Thực hành, lặp đi lặp lại, khen ngợi và khuyến khích là chìa khóa để học các kỹ năng mới.

Cha mẹ dạy kỹ năng cho con

Bạn là người thầy đầu tiên và quan trọng nhất của con. Mỗi ngày, bạn sẽ giúp con học thông tin, kỹ năng và cách ứng xử mới.

Dạy kỹ năng cho trẻ em có thể là bước đầu tiên quan trọng trong việc quản lý hành vi của chúng. Ví dụ, nếu con bạn không biết cách dọn mâm cơm, con có thể từ chối làm việc đó – bởi vì con không thể làm được. Giải pháp là gì? Hãy dạy con cách làm.

Có ba cách chủ yếu bạn có thể giúp trẻ học mọi thứ, từ tự chăm sóc bản thân đến các kỹ năng xã hội phức tạp hơn:

  • chỉ dẫn
  • làm mẫu
  • làm từng bước một.

Hãy nhớ rằng các kỹ năng cần có thời gian để phát triển và thực hành là điều quan trọng. Nhưng nếu bạn có bất kỳ lo ngại nào về hành vi, sự phát triển hoặc khả năng học hỏi các kỹ năng mới của con bạn, hãy trao đổi với bác sĩ gia đình.

Khi bạn dạy con một kỹ năng, bạn có thể sử dụng nhiều hơn một phương pháp cùng một lúc. Ví dụ, con bạn có thể thấy dễ hiểu hơn nếu bạn chia nhỏ kĩ năng hoặc nhiệm vụ thành các bước. Tương tự, việc làm mẫu có thể hiệu quả hơn nếu bạn đồng thời đưa ra hướng dẫn.

Chỉ dẫn: dạy kỹ năng bằng lời nói

Bạn dạy con cách làm một cái gì đó thông qua giải thích những gì cần làm hoặc làm thế nào. Bạn có thể đưa ra chỉ dẫn và giải thích cho con của bạn mọi lúc.

Làm thế nào để đưa ra chỉ dẫn tốt

  • Chỉ hướng dẫn khi con bạn chú ý lắng nghe. Gọi tên con và khuyến khích con nhìn bạn trong khi bạn nói.
  • Hạ trình độ ngôn ngữ của mình xuống để con bạn nghe hiểu được.
  • Loại bỏ bất kỳ nguồn gây xao nhãng nào như TV.
  • Nói những câu ngắn và đơn giản.
  • Giọng nói rõ ràng, điềm tĩnh.
  • Sử dụng cử chỉ để nhấn mạnh những điều mà bạn muốn con bạn chú ý.
  • Dần dần thôi chỉ dẫn khi con bạn bắt đầu ghi nhớ cách thực hiện nhiệm vụ.

Một poster hoặc hình minh họa có thể giúp con bạn dễ nhớ những chỉ dẫn mà bạn đưa ra. Con bạn có thể tự kiểm tra poster khi đã sẵn sàng tự làm việc thông qua các chỉ dẫn. Một poster cũng hữu ích đối với những đứa trẻ gặp khó khăn trong việc nghe hiểu từ ngữ.

Đôi khi con bạn không làm theo hướng dẫn. Điều này có thể xảy ra vì rất nhiều lý do: con bạn không hiểu, không có kỹ năng để thực hiện những yêu cầu của bạn hoặc không muốn làm. Bạn có thể giúp con học cách hợp tác thông qua việc cân đối các chỉ dẫn và yêu cầu.

Làm mẫu: dạy kỹ năng bằng hành động

Khi con quan sát bạn, con sẽ biết phải làm gì và làm như thế nào. Khi đó, bạn đang “làm mẫu”.

Làm mẫu thường là cách hiệu quả nhất để dạy trẻ một kỹ năng mới. Ví dụ, hành động sẽ tốt hơn lời nói trong việc dạy con cách dọn giường, quét nhà hoặc ném bóng.

Bạn cũng có thể làm mẫu các kỹ năng và hành vi của liên quan đến giao tiếp phi ngôn ngữ, như ngôn ngữ cơ thể và giọng nói. Ví dụ, bạn có thể chỉ ra cách nhìn người khác khi bạn nói chuyện với họ, hoặc nhìn vào mắt họ và mỉm cười khi bạn cảm ơn.

Cũng có thể làm mẫu cho các kỹ năng xã hội. Nhắc nhở con bạn nói những cụm từ như “Cảm ơn mẹ” hay “Bố ơi, cho con xin thêm thức ăn ạ” là một ví dụ điển hình.

Làm mẫu thế nào cho tốt

Thực hiện các bước sau:

  • Thu hút sự chú ý của con và chắc chắn rằng con đang nhìn bạn.
  • Cho con quan sát trước, sau đó lần lượt thực hiện các bước của kỹ năng để trẻ có thể thấy rõ những gì bạn làm.
  • Chỉ ra những phần quan trọng trong quá trình thực hiện. Ví dụ: “Hãy quan sát kĩ những gì mẹ/ bố làm nhé”. Bạn cần làm điều này sau khi thị phạm cho con các kĩ năng xã hội như chào hỏi.
  • Tạo cơ hội để con tự luyện tập sau khi quan sát bạn làm – ví dụ, “Bây giờ là lúc con thực hành”.

Từng bước: dạy kỹ năng bằng cách chia nhỏ các nhiệm vụ

Một số nhiệm vụ/ hoạt động phức tạp hoặc liên quan đến một chuỗi các hành động. Trong trường hợp đó, bạn có thể chia nhiệm vụ thành các bước nhỏ hơn.

Ý tưởng của việc dạy từng bước là thực hiện các bước liên tiếp nhau để hình thành nên một kĩ năng. Khi con bạn đã học được bước đầu tiên, bạn dạy bước tiếp theo, rồi bước tiếp theo,… Chỉ chuyển sang bước tiếp theo khi con bạn có thể thực hiện bước trước một cách đáng thuần thục và không cần sự trợ giúp của bạn. Bạn tiếp tục cho đến khi con có thể tự hoàn thành toàn bộ nhiệm vụ.

Nếu nhiệm vụ phức tạp, hãy làm mẫu phần đầu tiên của nhiệm vụ và cho con bạn cơ hội thực hành. Sau đó chuyển sang bước tiếp theo. Bắt đầu với những phần dễ nhất nếu bạn có thể.

Dạy từng bước: ví dụ

Bạn có thể dạy con cách mặc quần áo theo quy trình sau:

  • Lấy quần áo ra.
  • Mặc quần đùi.
  • Đi tất.
  • Mặc áo phông.
  • Mặc quần dài.
  • Mặc áo chui đầu.

Bạn cũng có thể chia nhỏ từng bước thành các thao tác nếu nhiệm vụ phức tạp hoặc con bạn gặp khó khăn trong học tập. Ví dụ: Bạn có thể dạy con cách mặc áo chui đầu như thế này:

  • Cầm áo đúng chiều (để lúc mặc vào không bị ngược mặt trước ra sau).
  • Kéo áo qua đầu.
  • Xỏ một cánh tay vào.
  • Xỏ nốt cánh tay kia.
  • Kéo áo xuống.

Bước tiến hay lùi?

Bạn có thể dạy các bước bằng cách chuyển:

  • tiếp – dạy bước đầu tiên, sau đó là bước thứ hai,…
  • lùi – dạy bước cuối cùng, rồi lùi dần về bước đầu tiên.

Dạy ngược có một số lợi thế. Con bạn ít có khả năng làm sai vì học bước cuối cùng dễ và nhanh hơn. Ngoài ra nhiệm vụ hoàn thành ngay sau khi con bạn làm được bước này. Thường thì điều tuyệt vời nhất trong công việc hoặc nhiệm vụ là hoàn thành nó!

Ở ví dụ trước, bạn có thể dạy con mặc quần áo bằng cách bắt đầu với áo chui đầu. Trong trường hợp này, bạn sẽ giúp con mặc quần áo cho đến bước cuối cùng – áo chui đầu.

Bạn có thể giúp con chui đầu vào áo sau đó xỏ tay – rồi để con tự kéo áo xuống. Một khi con có thể làm điều này, bạn hãy khuyến khích con tự mình xỏ tay rồi kéo áo xuống. Điều này sẽ tiếp tục cho đến khi đứa trẻ thành thạo từng bước của nhiệm vụ và có thể tự mình làm tất cả mọi việc.

Khi con bạn đang học một kỹ năng thể chất mới như mặc quần áo, bạn có thể cầm tay con và hướng dẫn các động tác. Không giúp đỡ nữa khi con bạn bắt đầu hình dung ra mình phải làm thế nào nhưng hãy tiếp tục chỉ dẫn bằng lời. Sau đó, chỉ cần ra hiệu cho con. Khi con đã làm chủ được kỹ năng, bạn cũng không cần ra dấu nữa.

Dạy kỹ năng: sử dụng hiệu quả các phương pháp

Dù bạn sử dụng phương pháp nào kể trên, chúng cũng giúp con bạn học các kỹ năng mới:

  • Trước khi bắt đầu, hãy chắc chắn rằng con bạn có sự phối hợp, khả năng thể chất và tư duy phát triển để xử lý kỹ năng mới. Bạn có thể cần dạy con một số kỹ năng cơ bản trước khi thực hiện các kỹ năng phức tạp hơn.
  • Xem xét thời gian và môi trường. Trẻ học tốt hơn khi chúng tỉnh táo và tập trung. Vì vậy, tránh dạy các kỹ năng mới ngay trước giờ ngủ trưa hoặc bữa ăn chẳng hạn. Bạn cũng nên loại bỏ các nguồn gây xao nhãng trong môi trường của con như TV hoặc anh chị em.
  • Cho con bạn cơ hội để thực hành kỹ năng. Kỹ năng cần có thời gian để học và con bạn thực hành càng nhiều càng tốt. Làm mẫu hoặc giải thích bước hoặc nhiệm vụ một lần nữa nếu cần.
  • Khen ngợi và khích lệ, đặc biệt trong giai đoạn đầu học tập. Khen ngợi con khi con làm theo chỉ dẫn của bạn hoặc thực hành kỹ năng và nhận xét chính xác những gì con đã làm tốt.
  • Tránh đưa ra nhiều phản hồi tiêu cực khi con bạn không làm đúng. Có thể chỉ cần nhận xét một hoặc hai điều mà con bạn có thể cải thiện vào lần sau. Thay vì nói rằng con bạn đã làm sai, hãy sử dụng từ ngữ và cử chỉ để giải thích những gì bé có thể làm khác đi vào lần tới.

Hãy nhớ rằng con bạn có thể liên tục làm sai trước khi thật sự cải thiện được hành vi, đặc biệt nếu bạn đòi hỏi con quá nhiều. Một cách tiếp cận tích cực và mang tính xây dựng có thể hữu ích – ví dụ, “Con đã luồn dây giày rất đúng đấy! Hôm nay con có muốn thử buộc chúng lại với nhau không?”

 

Đặng Thanh Hiền – Táo Trường Học dịch ǀ Nguồn: raising children

dạy con kỹ năng như thế nàodạy trẻ kỹ nănghình mẫu cho conlàm mẫu cho con
Comments (0)
Add Comment