Giáo dục năng lực: Các câu hỏi thường gặp của phụ huynh

Tôi đã làm việc cho một cụm trường và trường trung học đã thực hiện quá trình chuyển đổi từ hệ thống báo cáo và chấm điểm truyền thống sang mô hình dựa trên năng lực khoảng năm năm trước. Là một trong những trường đầu tiên tham gia phong trào cải cách giáo dục quốc gia, các quản trị viên đồng nghiệp của tôi và tôi thường nhận được câu hỏi từ các đồng nghiệp trên toàn quốc đang tìm kiếm lời khuyên khi họ thực hiện chuyển đổi tương tự trong trường học hoặc địa phương của họ. Một trong những loại câu hỏi lớn nhất mà chúng tôi nhận được từ các ban giám hiệu khác là trao đổi với phụ huynh về mô hình giáo dục năng lực. Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ với bạn một số câu hỏi thường gặp nhất và cách chúng tôi trả lời.

Xem thêm: Giúp con bạn phát triển các năng lực quan trọng

Mô hình giáo dục năng lực khác với mô hình truyền thống như thế nào?

Giáo dục năng lực dựa trên nguyên tắc điểm số mà học sinh nhận được đo lường những gì học sinh biết và có thể làm. Các khóa học được tổ chức thành các năng lực đo lường khả năng chuyển hóa nội dung và kỹ năng trong các lĩnh vực nội dung và liên ngành của học sinh. Học sinh được đánh giá dựa trên các năng lực này thông qua các đánh giá hiệu suất – bài tập nhiều bước với các tiêu chí, kỳ vọng và quy trình rõ ràng để đo lường mức độ học sinh chuyển hóa kiến ​​thức và áp dụng các kỹ năng phức tạp nhằm tạo hoặc tinh chỉnh một sản phẩm gốc. Giáo viên sử dụng rubric để đo lường việc học của học sinh trong các đánh giá này và báo cáo tình hình học tập trên sổ liên lạc và bảng điểm theo kỹ năng hoặc năng lực.

Xem thêm: Hướng dẫn dành cho phụ huynh học tập phát triển năng lực là gì

Giáo dục năng lực chuyển hướng mạnh mẽ khỏi phương pháp “đồng phục” truyền thống. Trong những ví dụ tốt nhất, học sinh được trao nhiều cơ hội và nhiều con đường để chứng minh rằng họ có năng lực. Họ có thể tiến bộ theo tốc độ riêng. Giáo viên của họ cung cấp hướng dẫn cá nhân và huấn luyện họ thông qua tiến trình học tập của họ. Giáo viên hợp tác phát triển các đánh giá sẽ đo lường mức độ hiệu quả của học sinh. Kết quả là một nền giáo dục nghiêm ngặt hơn, xác định chính xác những gì học sinh biết, có thể làm và ở mức độ nào.

Thầy/ cô có thể giải thích cách thực hành chấm điểm dựa trên năng lực, như cho phép đánh giá lại, giúp chuẩn bị cho con tôi vào đại học như thế nào không?

Khi trưởng thành, chúng ta coi mình là người học suốt đời. Chúng ta không giới hạn bản thân trong thời gian biểu khi lập biểu đồ trưởng thành với tư cách là người học. Ví dụ, hầu hết chúng ta sẽ kỳ vọng mình lái xe tốt hơn so với hồi mười sáu tuổi và làm bài kiểm tra lái xe lần đầu tiên. Chúng ta là những nhà văn tốt hơn. Chúng ta là những diễn giả tốt hơn. Chúng ta có vốn hiểu biết sâu rộng hơn về chính trị và thế giới xung quanh. Khi trưởng thành, chúng ta thừa nhận rằng việc học xảy ra mọi lúc và điều đó chỉ có ý nghĩa rằng khi chúng tôi tin mình có được các kỹ năng mới, chúng tôi nên được tạo cơ hội thể hiện hiểu biết của mình. Khi một luật sư không vượt qua kỳ thi luật, họ được yêu cầu đánh giá lại. Khi một giáo viên không vượt qua kỳ thi cấp chứng chỉ, họ có cơ hội thử lại. Trừ phi bạn là vận động viên Olympic trong cuộc thi giành huy chương Vàng, đánh giá lại là một phần tự nhiên được chấp nhận trong cuộc sống.

Triết lý tương tự phải được đưa vào các thực hành chấm điểm của chúng ta ở cấp lớp. Nếu học sinh không thành thạo một bài tập cụ thể, họ nên có cơ hội đánh giá lại. Như vậy có nghĩa là điểm cuối cùng của họ sẽ phản ánh chính xác hơn về những gì họ biết và có thể làm.

Có đúng là trong một hệ thống giáo dục năng lực, thời hạn không phải vấn đề?

Trong một mô hình giáo dục năng lực thực thụ, điểm được tách khỏi các hành vi học thuật như đáp ứng thời hạn. Cả hai đều được giáo viên chú trọng và đánh giá thường xuyên. Trong hệ thống toàn trường của chúng tôi, đáp ứng thời hạn là một kỳ vọng hành vi giống như bất kỳ nội quy nào khác. Trường chúng tôi không trừng phạt học sinh học vì điểm thấp mà chỉ thúc đẩy học sinh bằng cách đánh giá họ chưa hoàn thành nhiệm vụ và sau đó yêu cầu nỗ lực bổ sung. Chúng tôi xử lý hành vi này thông qua cách tiếp cận theo từng cấp, sử dụng cho bất kỳ hành vi không đạt kỳ vọng nào khác của học sinh. Nó bắt đầu ở cấp lớp, giáo viên làm việc với học sinh và gia đình của họ để xử lý hành vi. Đối với những học sinh cần can thiệp bổ sung, cố vấn học tập và giám thị có thể cũng tham gia giải quyết. Đối với những học sinh vẫn cần can thiệp bổ sung, sự việc sẽ được chuyển lên ban giám hiệu.

Tại sao lại chuyển từ thang điểm 100 sang thang điểm 4?

Trong hệ thống giáo dục năng lực, thang điểm 4 chính xác và đáng tin cậy hơn nhiều so với thang điểm 100 truyền thống. Với thang điểm 100 truyền thống, mọi điểm thường bắt đầu ở mức 100% và sẽ trừ hao dần nếu học sinh không hoặc chưa hoàn thành phần nào đó. Những khoản trừ hao này có thể rơi vào bất kỳ nhiệm vụ hoặc môn học nào và phụ thuộc vào kỳ vọng đặt ra cho mỗi bài tập. Nhiều học sinh nghĩ rằng trong một hệ thống như vậy, họ phải tích lũy một số điểm nhất định theo thời gian để được lên lớp.

Rubric là một biểu đồ liệt kê các tiêu chí và cấp độ khác nhau, mô tả mức độ thành thạo trong suốt khóa học. Với thang đo rubric, giáo viên xác định điểm bằng cách nhìn vào công việc của học sinh và đánh giá mức độ phù hợp nhất cho công việc đó. Giáo viên thường phát triển các rubric cụ thể cho khóa học, năng lực hoặc kỹ năng mà họ đang đánh giá. Học sinh được cung cấp các rubric này khi nhận nhiệm vụ để họ nắm rõ những kỳ vọng và hoàn thành nhiệm vụ ở mức độ thành thạo hoặc cao hơn.

Hệ thống này có ảnh hưởng đến cơ hội đỗ đại học tốt của con tôi không?

Giáo dục dựa trên năng lực đang nhanh chóng được các tổ chức giáo dục đại học công nhận là mô hình đánh giá nghiêm ngặt và đáng tin cậy hơn nhiều so với mô hình truyền thống mà các trường học của chúng ta đã sử dụng trong nhiều thế kỷ. Việc chuyển đổi từ mô hình giáo dục truyền thống sang mô hình giáo dục năng lực tạo ra rất ít thay đổi trên bảng điểm thực tế của chúng ta. Bảng điểm của chúng ta vẫn liệt kê mỗi khóa học mà một học sinh đã tham gia, điểm tổng kết và số tín chỉ mà học sinh đã tích lũy. Chúng ta vẫn liệt kê các thông tin khác như thứ hạng trong lớp, điểm trung bình, điểm danh và loại bằng tốt nghiệp.

Chúng tôi thường xuyên gặp gỡ các trường đại học và cao đẳng để giải thích với họ rằng ở trường chúng tôi, khác biệt lớn nhất giữa các học sinh tham gia mô hình cũ và mới là các học sinh ngày nay đã được đo lường theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn. Chúng tôi tự tin rằng điểm số của họ phản ánh chính xác hơn về những gì họ biết và có thể làm. Hệ thống của chúng tôi dạy học sinh trở thành những nhà tư duy phản biện và người giải quyết vấn đề. Học sinh của chúng tôi có thể phân tích các tình huống và thích nghi với cái mới. Trường học phải mô phỏng đời thực. Chỉ ghi nhớ các sự kiện và số liệu là không đủ. Một mô hình giáo dục năng lực thúc đẩy môi trường học tập nghiêm ngặt hơn, chuẩn bị cho học sinh của chúng ta tương tác tốt hơn với thế giới luôn thay đổi ở trường đại học và xa hơn thế.

Thông tin về các tác giả:Brian M. Stack nhận bằng khen Hiệu trưởng của năm, khu vực New Hampshire do Hiệp hội Hiệu trưởng Trường Trung học Quốc gia trao tặng. Ông là Hiệu trưởng của Trường trung học Khu vực Sanborn ở Kingston, NH, một tác giả của Solution Tree, đồng thời cũng là chuyên gia của Understood.org, một bộ phận của Trung tâm Khuyết tật học tập Quốc gia ở Washington.

Brian M. Stack

Đặng Thanh Hiền – Táo Trường Học dịch

dạy học phát triển năng lựcgiáo dục năng lựchọc tập dựa trên năng lựcphụ huynh cần biếtPhụ huynh và giáo dụctáo trường học
Comments (0)
Add Comment