Trong mô hình truyền thống, học sinh nhận được điểm và qua môn nhờ “thời gian lên lớp” – tham gia một khóa học và kiếm được điểm số. Một số học sinh không thực sự hiểu tài liệu nhưng vẫn được lên lớp. Điểm số của chúng trên lớp phụ thuộc một phần vào việc chúng có thể hiện mức độ thành thạo trong các bài kiểm tra, hoàn thành bài tập về nhà và các nhiệm vụ khác hay không.
Trong mô hình học tập dựa trên năng lực, học sinh phải thể hiện sự thành thạo các khái niệm, kiến thức và kỹ năng để chuyển sang cấp độ cao hơn. Một số học sinh có thể tiến bộ nhanh chóng, trong khi những em khác phải mất nhiều thời gian hơn để chứng minh rằng họ hoàn toàn hiểu tài liệu.
Học tập dựa trên năng lực vẫn là một sự đổi mới đang bắt đầu được thử nghiệm gần đây ở một số trường học trên cả nước. Nó được gọi bằng nhiều tên khác nhau bao gồm học tập dựa trên mức độ thành thạo, dựa trên kết quả hoặc dựa trên hiệu suất.
Bởi vì học sinh tiến bộ với nhịp độ khác nhau, giáo dục dựa trên năng lực thường được kết hợp với học tập hỗn hợp, một cách tiếp cận kết hợp giữa học tập dựa trên máy tính và học tập cá nhân. Một số trường đã phát triển toàn bộ nền tảng phần mềm tùy chỉnh với sự hỗ trợ từ các nhà phát triển tại Facebook nhằm củng cố phương pháp học tập, đo lường và chấm điểm của trường.
Nó có ý nghĩa gì đối với trường học và con tôi?
Việc chuyển sang một hệ thống dựa trên năng lực thay đổi rất nhiều yếu tố khác nhau trên phạm vi toàn trường. Nó thay đổi cách giáo viên đánh giá và chấm điểm học sinh cũng như những thông tin mà học sinh và phụ huynh có về sự tiến bộ của các em, bao gồm sổ liên lạc. Nó cũng dẫn đến sự thay đổi trong mối quan hệ giáo viên – học sinh – thách thức học sinh trở thành những người học độc lập và tự tạo động lực, chỉ ra cách điều chỉnh hệ thống và vai trò của giáo viên cũng như các nhân viên khác để họ có thể hỗ trợ đáp ứng mục tiêu của học sinh.
Học sinh được xếp loại theo tiêu chuẩn học tập cụ thể. Thay vì đạt điểm B môn Sinh, một học sinh có thể đăng kí tín chỉ để nắm vững 15 mục tiêu. Trường Trung học Burnett ở San Jose đã loại bỏ hệ điểm chữ và hiện đang “phân loại dựa trên tiêu chuẩn”. Ngoài việc đánh giá học sinh về mức độ thực hiện của họ (thay vì thời gian lên lớp và hoàn thành), mô hình này được kỳ vọng cung cấp một cái nhìn đa chiều về thế mạnh và các lĩnh vực phát triển của học sinh.
Giáo dục dựa trên năng lực thực tế như thế nào?
Summit Denali ở Sunnyvale là một trường học thuộc Thung lũng Silicon đang thực hiện phương pháp tiếp cận dựa trên năng lực.
Giáo viên hợp tác trong việc “thiết kế lộ trình học tập” – một chuỗi các mục tiêu có thể đo lường – trong mọi môn học, vì vậy học sinh biết chính xác họ nên học những gì. Học sinh học từ giáo viên, trên mạng, thông qua các dự án với các bạn cùng lớp hoặc – ở một số trường – thông qua thực tập, dịch vụ cộng đồng hoặc nghiên cứu độc lập.
Học sinh nhìn thấy sự tiến bộ của chúng mỗi ngày và có thời gian để làm việc độc lập trên các lĩnh vực mà họ cần phải trau dồi. Hầu hết thời gian trong ngày của họ dành cho việc hợp tác với các học sinh khác trong các dự án. Họ kiểm tra tiến độ mỗi tuần dưới sự giám sát của một huấn luyện viên, cha mẹ của họ cũng có thể đăng nhập bất cứ lúc nào và theo dõi sự tiến bộ của họ.
Khi học sinh của Summit đăng nhập vào nền tảng, họ có quyền truy cập tất cả các khóa học và dự án hợp tác, bài kiểm tra của họ, danh mục học tập với các tài nguyên và video được giáo viên của họ chọn lọc. Họ tiến bộ theo nhịp độ riêng. Nền tảng này cho học sinh biết họ cần nắm vững bao nhiêu thông tin vào một thời điểm nhất định trong năm học và dành nhiều thời gian hơn để bắt kịp hoặc liệu họ có vượt qua mục tiêu thành thạo của mình không.
Những trường học và địa phương nào đang triển khai mô hình học tập dựa trên năng lực?
Hiện tại có một số ít trường học và địa phương trên cả nước bắt đầu thử nghiệm phương pháp này, bao gồm cả bang New Hampshire, nơi đang chuyển sang hệ thống dựa trên năng lực. Với sự chấp thuận của liên bang, bốn địa phương đang thay thế các bài kiểm tra của nhà nước bằng “các thang đo lường việc học tập của học sinh được thiết kế tại địa phương” ở một số cấp học, theo báo cáo của Christian Science Monitor.
Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy tại hai trường trung học ở New Hampshire, mức độ tham gia và việc học tập của học sinh được cải thiện khi chuyển sang mô hình dựa trên năng lực. Tỷ lệ bỏ học, trượt tốt nghiệp và các vấn đề kỷ luật giảm đáng kể. “Học sinh cho biết việc học tập của chúng tuy có nhiều thử thách hơn nhưng sự tương tác của chúng với giáo viên bổ ích hơn,” Ronald Volk ghi chú trên Education Week.
Phương pháp học tập này cũng bắt đầu được khám phá ở cấp đại học. Một số các trường đại học xem xét và áp dụng cho sinh viên học theo tín chỉ để trực tiếp thể hiện việc học hơn là hoàn thành giờ lên lớp. Ví dụ như toàn bộ chương trình của Đại học Western Governors dựa trên năng lực với tất cả học sinh làm việc theo nhịp độ của riêng họ. Có đủ dữ liệu để xem liệu phương pháp này có hiệu quả đối với học sinh hay không và nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bằng cấp như thế nào.
Nguồn: Innovate Public Schools