Con bạn sẽ làm gì nếu đến chơi nhà một người bạn và ai đó mời con một cốc bia? Con bạn sẽ làm gì nếu một người bạn bắt đầu phát video YouTube có nội dung không phù hợp và mời con xem?
Tất cả chúng ta đều muốn con mình đưa ra quyết định tốt nhất khi đối mặt với áp lực đến từ bạn bè chúng. Nhưng với một đứa trẻ 13 hoặc 17 tuổi đang cố gắng để hòa nhập, việc đưa ra quyết định đúng đắn có thể là một thách thức hàng ngày.
Là một người lãnh đạo nhóm nhỏ trong mười năm qua, tôi đã từng hỗ trợ hàng chục học sinh cấp hai và cấp ba xử lý các tình huống có khả năng gây tổn hại. Uống rượu khi chưa đủ tuổi, gian lận thi cử, xem phim không phù hợp, vượt qua ranh giới với bạn gái. . . – việc học sinh luôn phải đối mặt với áp lực đến từ bạn bè có thể dẫn đến các quyết định tồi tệ.
Nếu có điều gì mà tôi đúc kết được khi làm việc với các học sinh thì đó là họ cần một kế hoạch “thoát hiểm”. Họ phải biết cách thoát khỏi những khoảnh khắc đầy áp lực đó. Bởi vì sự thật là, hầu hết thanh thiếu niên không muốn chịu áp lực đến từ bạn bè, họ chỉ không biết làm thế nào thôi.
Đây là lúc cha mẹ cần ra tay hỗ trợ. Bạn có thể cùng con lập kế hoạch “thoát hiểm”, giúp họ tránh những quyết định tồi tệ đó. Dưới đây là danh mục gợi ý cho kế hoạch “thoát hiểm”:
Để thoát khỏi những tình huống lớn – như một bữa tiệc vượt khỏi tầm kiểm soát hoặc một bộ phim không phù hợp – cần có kế hoạch X. Con sẽ nhắn tin “X” cho cha mẹ nếu con cảm thấy mình đang trong tình thế bị ép buộc. Khi cha mẹ nhận được tin nhắn đó, họ biết rằng con cần được đón về ngay lập tức.
Nhưng còn những tình huống khẩn cấp không kịp gửi một tin nhắn thì sao? Chẳng hạn như một người bạn mời con uống bia, yêu cầu con giúp họ gian lận trong bài kiểm tra, hoặc bắt con xem một video âm nhạc không phù hợp? Một học sinh chỉ có vài giây để trả lời trong những tình huống này.
Khi đó, việc chuẩn bị một vài cách diễn đạt “thoát hiểm” mà học sinh có thể sử dụng là rất hữu ích. Bạn có thể cùng con thử nghĩ các cách diễn đạt khi gặp một tình huống bất ngờ như vậy.
Nếu con bạn vẫn đang trong quá trình tạo dựng niềm tin và hình thành kỹ năng thuyết phục cũng như ra quyết định, mục tiêu có thể chỉ đơn giản là thoát khỏi một tình huống khó khăn. Nếu có bạn nào cho con một điếu thuốc, cụm từ “thoát hiểm” có thể là: “Không, cảm ơn. Bố mẹ tớ có thể ngửi thấy mùi thuốc lá và tớ sẽ gặp rắc rối to.” Nếu một học sinh đang cố gắng tránh gian lận, cụm từ “thoát hiểm” có thể là: “Xin lỗi, nếu tớ bị bắt gian lận, dù tớ không phải người đầu têu thì tớ cũng bị đuổi khỏi đội bóng. Tớ không thể làm cho đội của mình thất vọng.”
Tuy nhiên, nếu con bạn đang trong quá trình tạo dựng niềm tin, có lẽ đã đến lúc họ phải đến gần hơn với sự thật và chính kiến. Nếu ai đó yêu cầu họ xem một video YouTube không phù hợp, cụm từ “thoát hiểm” có thể là: “Xin lỗi, tớ thực sự không thích xem loại nội dung này. Chúng ta có thể xem thứ gì khác không? Hoặc nếu ai đó mời bia, cụm từ “thoát hiểm” có thể là: “Không, cảm ơn. Tớ nghĩ là cậu không nên uống rượu ở trường. Tối nay tớ muốn uống soda.”
Con bạn sẽ dễ đối phó với áp lực ngang hàng trong một tình huống khó khăn nếu họ có sự chuẩn bị. Bạn có cơ hội thảo luận với con về kế hoạch “thoát hiểm” đó.
Nhiều ý kiến cho rằng những ý tưởng này chỉ áp dụng cho thanh thiếu niên đua đòi. Nhưng sự thật là, tất cả các học sinh lúc nào cũng có thể gặp phải những tình huống này. Chỉ cần một quyết định tồi tệ cũng đưa một đứa trẻ đến con đường sai lầm.Cùng con chuẩn bị một kế hoạch “thoát hiểm” có lẽ sẽ không dễ dàng. Nó đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực từ phía bạn để con có thể cởi mở trò chuyện về vấn đề này. Có lẽ họ cũng không bao giờ về nhà và nói: “Mẹ ơi, con đã dùng cách mà mẹ con mình thảo luận lần trước và nó thành công đấy ạ!” Nhưng sẽ có những tình huống khiến con bạn khó chịu và những cụm từ này sẽ xuất hiện trong đầu họ. Cái gì cũng có giá trị của nó.
Đặng Thanh Hiền – Táo Trường Học dịch
Nguồn: theparentcue