Giáo viên thực sự tồi là rất hiếm, nhưng không phải không có. Hầu hết các giáo viên ngày nay được yêu cầu phải có bằng đại học và hoàn thành khóa thực tập giảng dạy mới đủ điều kiện đứng lớp. Con đường trở thành một giáo viên chuyên nghiệp đủ thách thức để ngăn chặn hầu hết những người không phù hợp với nghề giáo trở thành giáo viên.
Tuy nhiên, bằng cách nào đó, đôi khi vẫn có người không phù hợp nhưng lại nhận được vị trí giảng dạy. Nếu con bạn rơi vào một lớp học với giáo viên tồi, có lẽ bạn sẽ quan tâm đến những gì con bạn được dạy và trải nghiệm của con trong lớp học đó.
Bạn có thể lo lắng rằng toàn bộ năm học chiếm thời lượng lớn trong sự nghiệp học tập của con bạn. Bạn hiểu rằng trẻ cần dành mỗi năm học để tiếp thu các khái niệm học tập sâu sắc cùng các tiêu chuẩn khắt khe mới được áp dụng trên toàn quốc. Trong khi mối quan tâm của bạn là hợp lý, tình hình không mấy khả quan.
Các bước cần thực hiện khi con bạn gặp phải một giáo viên tồi
Bạn có thể thực hiện một số bước để cải thiện tình hình, trong đó có việc cung cấp thông tin phản hồi đúng đắn cho nhà trường. Một việc khác mà bạn có thể làm là cố gắng thích nghi – một kỹ năng sống mà tất cả chúng ta cần. Đôi khi chúng ta không có được những gì chúng ta muốn.
Việc lựa chọn những chiến thuật tốt nhất để thực hiện khi đối mặt với tình huống không mong đợi có thể giúp chúng ta chuẩn bị cho bản thân và lũ trẻ xử lý những vấn đề khó khăn phát sinh trong tương lai.
Xem thêm: Kinh nghiệm đối phó với các giáo viên đến từ “địa ngục”
Nhận tất cả thông tin
Thông thường, các bậc cha mẹ lo lắng con mình bị giao cho một giáo viên tồi vì một trong hai lý do: con bạn đi học về và kể cho bạn nghe những câu chuyện khủng khiếp trên lớp hoặc bạn đã nghe những câu chuyện khủng khiếp từ các phụ huynh khác. Dù bằng cách nào, bạn cần nhớ rằng bạn chưa tận mắt nhìn thấy tình hình trong lớp. Bạn cũng đang nhận được một quan điểm hạn chế về những gì đang xảy ra.
Bản năng đầu tiên của bạn có thể là can thiệp tức thời và thực hiện những thay đổi. Bạn cần dừng lại và thực sự cố gắng để hiểu mọi chuyện trước khi làm bất cứ điều gì. Những câu chuyện mà bạn đã nghe từ con cái hoặc bạn bè có thể không phải là toàn bộ câu chuyện hoặc thậm chí không có thật.
Con bạn có thể đã hiểu nhầm những gì giáo viên truyền đạt với con, hoặc lặp lại một tin đồn ngớ ngẩn được lũ trẻ truyền tai nhau trong trường. Bạn bè của bạn vốn ác cảm với một giáo viên nào đó có thể không tin rằng con trẻ mới là người gây rắc rối ở trường.
Bí kíp để thu thập thông tin
Đặt những câu hỏi mở cho con bạn để thu thập các chi tiết chính. Tránh đặt câu hỏi có – không vì chúng không mô tả hoàn cảnh. Ví dụ có thể bao gồm:
“Chuyện gì đã xảy ra hôm nay ở trường?”
“Tình hình trước/ sau đó như thế nào?”
Đừng cố suy đoán hoặc đưa ra gợi ý về sự việc, vì những câu hỏi này có thể khiến trẻ em bối rối.
Cẩn trọng lời nói
Trong những giai đoạn đầu này, bạn muốn cẩn trọng, không nói bất cứ điều gì tiêu cực về giáo viên. Trẻ em rất nhạy cảm với thái độ của cha mẹ về giáo viên và giáo dục. Ngay cả khi bạn không đồng ý với những gì giáo viên đang làm, bạn vẫn muốn con mình biết rằng giáo viên nên được tôn trọng ở trường.
Xác định vấn đề thực sự
Dạy học có thể là một nghề nghiệp cực kỳ bổ ích. Nó cũng căng thẳng và đầy biến động. Ngay cả những giáo viên tài năng cũng có lúc mệt mỏi hoặc mắc một lỗi đơn giản. Có những giáo viên tuyệt vời, những giáo viên cần sự khuyến khích để cải thiện, và cả những giáo viên thực sự tồi – họ sẽ liên tục sai lầm.
Bốn kiểu giáo viên tồi
1. Giáo viên nhàm chán: Đây là giáo viên nói một lúc rồi phát bài tập. Trong khi các giáo viên hiện đại thực hiện các bài giảng và phát phiếu học tập, họ cũng sẽ đưa ra các nhiệm vụ thực hành, dự án, thảo luận nhóm và truyền cảm hứng cho học sinh.
2. Giáo viên không kiểm soát: Giáo viên này ngồi trong lớp nhưng vẫn để lớp như cái chợ không có sự giám sát của người lớn. Học sinh nói chuyện với giáo viên, thậm chí có thể ném đồ trong lớp. Phụ huynh sẽ nghe những câu chuyện khác nhau từ con cái của họ về giáo viên này. Một số học sinh có thể thích giáo viên này, nhưng không thể kể cho phụ huynh biết họ đang được dạy những gì. Các học sinh khác có thể phàn nàn về lớp học ồn ào, hỗn loạn và cảm giác căng thẳng hoặc quá tải.
3. Giáo viên nhỏ nhen: Kiểu giáo viên này luôn tin rằng trẻ em lúc nào cũng sẵn sàng lợi dụng bằng mọi giá. Họ sẽ hiếm khi hoặc không bao giờ đưa ra ngoại lệ cho những học sinh thực sự gặp khó khăn. Giáo viên này sẽ thực hiện theo yêu cầu tối thiểu trong bản IEP hoặc không hợp tác chút nào. Họ có thể la mắng trẻ em, trợn mắt khi được hỏi và nói chung là không thích học sinh.
4. Giáo viên dễ dãi: Kiểu giáo viên này không đi sâu khai thác bất cứ tài liệu nào. Con bạn có thể phàn nàn về việc chán học hoặc bài học quá dễ. Bạn sẽ nhận thấy việc học ở trường của con bạn dễ dàng hơn nhiều so với trước đây và đòi hỏi ít tư duy. Giáo viên kiểu này sẽ không thể giải thích các bài học họ đang dạy liên quan thế nào đến các tài liệu cần thiết và các tiêu chuẩn khắt khe hoặc kỳ vọng học tập của tiểu bang/ nhà trường.
Một số giáo viên bị căng thẳng hoặc mệt mỏi có thể rơi vào một trong những loại này nhưng chỉ trong một thời gian ngắn. Giáo viên thực sự tồi sẽ luôn rơi vào một hoặc nhiều loại trên.
Các cách phụ huynh nên thử cho vấn đề này
Nếu bạn lo lắng về giáo viên của con bạn nhưng tình hình không nghiêm trọng hoặc kéo dài như những điều được liệt kê ở trên, bạn có thể muốn thảo luận tích cực với giáo viên để họ có thể tự giải quyết. Nếu các vấn đề nghiêm trọng và kéo dài, bạn có thể thử cách sau:
# Khéo léo tiếp cận giáo viên
Con bạn được xếp vào lớp học này trong năm nay. Bạn muốn làm hết sức mình để có một mối quan hệ tích cực với giáo viên và nhà trường vì đó là nơi con bạn sẽ học tập và làm việc gần như cả ngày cho đến hết năm.
Bạn nên làm sao để hỗ trợ giáo viên giải quyết vấn đề, hướng đến mục đích là tạo mối quan hệ tốt nhất giữa nhà trường, giáo viên, con bạn và bạn.
Xem thêm: Chiến thuật giải quyết vấn đề cho phụ huynh và giáo viên
# Quyết định những hành động cần thực hiện
Vận dụng tri thức để đưa ra động thái đúng đắn. Hãy nhớ rằng bạn có thể tìm hiểu thêm về tình huống trong quá trình giải quyết nó. Nếu con bạn có một giáo viên thực sự tồi, bạn có thể sẽ cần sử dụng nhiều hơn một trong những chiến thuật sau.
Giáo viên tiếp tục học hỏi và thay đổi trong suốt sự nghiệp của họ. Ba năm đầu đi dạy vẫn là thời gian giáo viên tích lũy kinh nghiệm. Họ thậm chí có thể cải thiện bằng cách nhận phản hồi thông qua các bước sau, đặc biệt nếu họ là giáo viên không kiểm soát.
Các giáo viên kỳ cựu đã giảng dạy trong nhiều năm nhiều khả năng sẽ làm theo cách của họ và từ chối thay đổi. Tuy nhiên, các trường học trên toàn quốc đã cải tiến quy trình đánh giá hàng năm để giúp các giáo viên kỳ cựu nhận thấy điểm yếu của họ và cải thiện.
Những hành động này sẽ giúp một giáo viên có tinh thần cầu thị quyết tâm cải thiện và một giáo viên thực sự tồi thấy rõ rằng họ cần tìm công việc khác.
# Giúp con bạn giải quyết vấn đề
Đề xuất những cách mà con bạn có thể sử dụng để cải thiện tình hình. Nếu giáo viên không trả lời các câu hỏi, con bạn có thể tìm câu trả lời trong sách vở, từ các bạn cùng lớp, trên một trang web hoặc ghi chép của họ không? Nếu lớp học hỗn loạn, con bạn có thể di chuyển đến một nơi yên tĩnh trong phòng hoặc hành lang để làm việc không? Nếu công việc ở trường nhàm chán, con bạn có thể góp ý nhẹ nhàng cho giáo viên thiết kế dự án không? Con bạn có thể tự tạo một hệ thống khen thưởng để khích lệ bản thân làm những công việc không thú vị ở trường không? Con bạn có thể học các kỹ năng tự điều chỉnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ trên lớp.
Xem thêm: 6 bước giải quyết vấn đề với thanh thiếu niên (phần 1)
# Nói chuyện với giáo viên
Sắp xếp thời gian để nói chuyện với giáo viên. Tốt nhất là gặp trực tiếp nếu có thể. Hãy để giáo viên bình tĩnh tiếp nhận những gì con bạn đã nói với bạn và cho giáo viên một cơ hội trình bày. Hãy cẩn thận thuật lại những gì con bạn đã nói mà không gây áp lực cho giáo viên.
Ví dụ, bạn có thể nói “Con trai tôi hình như nghĩ rằng thầy/ cô không thích nó, nó nói rằng khi nó yêu cầu sự giúp đỡ trong tiết Toán của thầy/ cô, thầy/ cô thường bảo con tự thử làm lại xem. Nó cảm thấy môn Toán thật khó hiểu. Thầy/ cô có thể cho tôi biết tình hình trên lớp cụ thể là như thế nào không ạ?”
Giáo viên có thể có lời giải thích khác về các sự kiện. Giáo viên có thể không ý thức được ngôn ngữ cơ thể của họ và biết đâu họ sẽ thay đổi sau khi lắng nghe về cảm giác của học sinh. Giáo viên hiệu quả có thể giải thích những gì đã xảy ra, hoặc sử dụng phản hồi để tạo thay đổi tích cực.
Nếu không có gì khác, điều này sẽ khiến giáo viên nhận ra rằng con bạn nói chuyện với bạn về tình hình trên trường lớp. Nếu họ là giáo viên thực sự tồi, họ có thể trù dập đứa trẻ nếu biết phụ huynh phàn nàn.
# Quan sát lớp học
Đôi khi nhìn thấy những gì xảy ra trong lớp học sẽ giúp bạn hiểu vấn đề.
Mỗi trường học có nội quy khác nhau về vấn đề cho phụ huynh tham quan, vì vậy hãy kiểm tra thông tin trước khi bạn đến để quan sát. Bạn có thể phải ghé thăm một vài lần để nắm được mô hình tổng thể. Đừng lo lắng rằng giáo viên có thể che giấu nếu họ gặp vấn đề nghiêm trọng. Giáo viên thực sự tồi sẽ không dạy tốt hơn chỉ vì bạn đến thăm ngày hôm đó.
Bạn có thể phát hiện ra con bạn là người thực sự gây rắc rối. Một giáo viên có thể từ chối giúp đỡ vì con bạn không chịu làm theo chỉ dẫn hoặc ghi bài trong lớp.
Sử dụng những quan sát của mình để nói chuyện với con hoặc giáo viên. Nếu bạn quan ngại sâu sắc về an toàn của con sau chuyến thăm, hãy nói chuyện với hiệu trưởng.
# Nói chuyện với hiệu trưởng
Đây là giải pháp cuối cùng hoặc gần như cuối cùng.
Chỉ nói chuyện với hiệu trưởng nếu bạn cảm thấy không còn giải pháp nào giữa con bạn, giáo viên và bạn.
Ban giám hiệu vô cùng bận rộn và sẽ cố gắng coi nhân viên của họ như những chuyên gia. Nếu hiệu trưởng tin rằng đó là vấn đề giữa giáo viên và học sinh hoặc phụ huynh mà thôi, hiệu trưởng sẽ cố gắng giải quyết vấn đề ở cấp độ đó.
Báo cáo lên hiệu trưởng là phàn nàn với người giám sát về giáo viên. Giáo viên có thể bực bội vì bạn đối đầu với họ. Một giáo viên nhỏ nhen có thể để bụng và trù dập con bạn. Một lần nữa, bài viết này tập trung vào kiểu giáo viên tồi cực kỳ hiếm có. Một giáo viên chuyên nghiệp không có khả năng trù dập học sinh vì khiếu nại của phụ huynh.
Nhiều khả năng một giáo viên có thể cảm thấy dè chừng với bạn. Bước này không thể dẫn đến một mối quan hệ thoải mái giữa bạn và giáo viên. Tuy nhiên, nếu một giáo viên thực sự tồi, đây là một bước quan trọng.
Hãy chuẩn bị để giữ bình tĩnh và tập trung vào sự thật khách quan như bạn đã biết. Bắt đầu bằng cách trình bày ngắn gọn (1-2 câu) những gì bạn thấy lo ngại. Hãy chuẩn bị để giải thích làm sao bạn biết những điều đó, bao gồm sự việc và ảnh hưởng của sự việc.
Ví dụ: “Lớp học của thầy Smith vô tổ chức và con tôi không thể học được. Con tôi đã nhiều lần nói với tôi rằng con cảm thấy căng thẳng vì tiếng ồn và không thể hoàn thành bất kỳ nhiệm vụ nào ở trường. Tôi đến và quan sát tiết học đọc của thầy Smith hai lần trong 20 phút. Một số học sinh nói to trong khi thầy Smith cố gắng dạy và một vài em khác đang vo giấy ném khắp lớp. Thầy Smith thấy rõ nhưng không có động thái gì.”
Đừng hy vọng hiệu trưởng sẽ trình bày chi tiết cách họ định xử lý bất kỳ vấn đề nào với giáo viên. Mỗi hành vi kỷ luật là một vấn đề nhân sự và thường phải được xử lý một cách hợp lý.
Điều bạn quan tâm là liệu tình hình có cải thiện đối với con bạn hay không. Nếu nó không được cải thiện và bạn cảm thấy lớp học không thể chấp nhận được trong phần còn lại của năm, hãy tìm cách xin đổi giáo viên hoặc chuyển trường.
# Yêu cầu đổi giáo viên hoặc chuyển trường
Điều này nên là lựa chọn cuối cùng. Chuyển lớp có nghĩa là phải làm quen với bạn mới, giáo viên mới và nội quy mới. Một số trường có thể không cung cấp một giáo viên khác do giới hạn nhân sự hoặc chính sách của nhà trường. Điều này sẽ dẫn đến lựa chọn duy nhất là chuyển trường, đòi hỏi bạn phải thay đổi nhiều hơn, thậm chí có thể liên quan đến vấn đề đi lại.
Nếu bạn không thể xin đổi giáo viên hoặc chuyển trường học, hãy cố gắng hết sức để giúp con bắt kịp cả lớp càng nhanh càng tốt. Tìm kiếm dịch vụ gia sư hoặc học bên ngoài trường. Điều này sẽ giúp con chuẩn bị cho năm sau, với một giáo viên khác.
# Tìm gia sư hoặc chương trình gia sư sau giờ học
Nói chuyện với con bạn về nhiều bài tập ở trường nhất có thể
Việc giúp con bạn nghĩ về các tài liệu mà con nên học ở trường có thể khơi gợi trí tò mò và trở thành một bài thực hành. Giáo viên không hiệu quả có thể đưa ra bài tập nhưng không thực sự theo dõi để kiểm tra hiểu biết của học sinh. Để tăng cường khả năng học tập của con bạn, hãy đặt câu hỏi khiến con bạn tư duy sâu hơn về tài liệu. Một số câu hỏi ví dụ:
Con có thể dạy bố/ mẹ những gì con đã học hôm nay không?
Con còn băn khoăn điều gì?
Con nghĩ con có thể sử dụng kiến thức đó trong tương lai như thế nào? (Hãy đưa ra một vài ý tưởng của riêng bạn nếu cần)
Nói về công việc ở trường không chỉ thúc đẩy học tập, mà còn cung cấp thông tin về tình hình dạy học trên lớp.
Hãy nhớ rằng một năm học trọn vẹn với một giáo viên không hiệu quả cách rất xa điều kiện lý tưởng nhưng nó không phải là dấu chấm hết cho sự nghiệp học hành của con bạn. Những năm học khác sẽ đem đến cho con bạn các giáo viên khác nhau. Điều quan trọng là coi đây như một bài học về cách xử lý các tình huống khó khăn hoặc không mong muốn. Con bạn sẽ sớm học được cách đối phó với những người khó tính, một kỹ năng có thể rất hữu ích trong suốt cuộc đời họ.