Muốn được bằng bạn bằng bè là tâm lý bình thường của một thiếu niên. Ảnh hưởng ngang hàng hoặc áp lực ngang hàng không phải lúc nào cũng là điều xấu nhưng đôi khi nó có thể là nguồn cơn gây lo âu cho con bạn. Nếu điều này xảy ra, bạn có thể làm những điều sau để giúp con khắc phục tình hình.
Ảnh hưởng ngang hàng và áp lực ngang hàng
Ảnh hưởng ngang hàng là khi bạn chọn một điều mình không thích chỉ vì bạn muốn được bạn bè chấp nhận và đánh giá cao. Nó không đơn thuần chỉ là làm điều gì trái với mong muốn của mình.
Có thể bạn đã từng nhiều lần nghe thấy khái niệm “áp lực ngang hàng”. Tuy nhiên, “ảnh hưởng ngang hàng” là khái niệm tốt hơn để mô tả hành vi của thanh thiếu niên nảy sinh khi chúng muốn được thuộc về một nhóm bạn.
Áp lực hoặc ảnh hưởng ngang hàng có thể tích cực. Ví dụ, con bạn trở nên quyết đoán hơn, có động lực thử các hoạt động mới hoặc tham gia các sự kiện của nhà trường nhiều hơn.
Dù vậy, nó cũng có thể tiêu cực. Một số thanh thiếu niên thử làm những viêc mà họ thường không ham thích, chẳng hạn như hút thuốc hoặc gây mất trật tự xã hội.
Ảnh hưởng ngang hàng có thể khiến thanh thiếu niên:
- chọn quần áo, kiểu tóc hoặc đồ trang sức giống như bạn bè của họ
- nghe nhạc hoặc xem các chương trình truyền hình giống như bạn bè của họ
- thay đổi cách nói năng hoặc sử dụng từ ngữ
- làm những điều mạo hiểm hoặc vi phạm nội quy
- chăm học hơn hoặc chểnh mảng học hành
- hẹn hò
- hút thuốc, sử dụng rượu hoặc các chất kích thích khác.
Giải quyết tốt ảnh hưởng ngang hàng là đạt đến sự cân bằng, “hòa hợp chứ không hòa tan”.
Một số trẻ em có xu hướng bị ảnh hưởng tiêu cực hơn bởi các bạn đồng lứa – ví dụ, những đứa trẻ tự ti, ít bạn bè và có nhu cầu đặc biệt. Chúng có thể cảm thấy rằng cách duy nhất để được chấp nhận trong các nhóm xã hội là bắt chước hành vi, thái độ và quan điểm của nhóm đó.
Trẻ em có lòng tự trọng cao chống chọi tốt hơn với ảnh hưởng ngang hàng tiêu cực. Nếu con bạn cảm thấy hạnh phúc khi được là chính mình và hài lòng với những lựa chọn của mình, con ít có khả năng bị ảnh hưởng bởi người khác. Lòng tự trọng thiết lập những mối quan hệ tốt và ngược lại, tình bạn tích cực củng cố lòng tự trọng.
Giúp con bạn giải quyết áp lực ngang hàng và ảnh hưởng ngang hàng
Bạn có thể lo lắng rằng con đang bị ảnh hưởng quá nhiều bởi các bạn đồng lứa hoặc con đang đánh mất giá trị của bản thân (hoặc của bạn) để phù hợp với bạn bè của con. Bạn cũng có thể lo ngại rằng con không biết cách từ chối nếu bị ép thử những điều mạo hiểm, chẳng hạn như hút thuốc.
Nhưng nghe cùng nhạc và mặc quần áo giống như bạn bè thì không phải vấn đề gì quá nghiêm trọng.
Con bạn có thể làm một số điều mà bạn bè của chúng làm. Bạn cũng có ảnh hưởng đối với con bạn, đặc biệt là trong thời gian dài hơn. Nếu con bạn có ý thức mạnh mẽ về giá trị của bản thân, nhiều khả năng con sẽ biết tránh các rủi ro.
Dưới đây là một số ý tưởng giúp con bạn giải quyết áp lực ngang hàng và ảnh hưởng ngang hàng:
- Duy trì đối thoại. Bạn có thể thường xuyên trò chuyện cởi mở với con. Điều này giúp con thoải mái chia sẻ hơn về việc con bị ép làm điều gì đó mà con không thích.
- Dạy con cách từ chối. Con bạn có thể cần phải học cách từ chối lịch sự khi cảm thấy bị ép để làm điều gì đó mà con không muốn. Ví dụ, bạn con khuyến khích con thử hút thuốc. Thay vì chỉ đơn giản nói “Không”, con có thể diễn đạt khéo léo hơn: “Không, hút thuốc làm bệnh suyễn của tớ nặng thêm” hoặc “Không, hút thuốc hôi miệng lắm”.
- Sẵn sàng hỗ trợ. Nếu con bạn cảm thấy mình đang ở trong một tình huống nguy hiểm hoặc khó khăn, sẽ rất hữu ích nếu con có thể nhắn tin hoặc gọi điện cho bạn mà không lo bạn cáu kỉnh. Nếu con bạn cảm thấy ngại gọi điện, bạn có thể gợi ý con ra ám hiệu. Ví dụ, con có thể nói rằng con đang đi thăm một cụ già ốm yếu và bạn sẽ biết rằng thực ra con đang xin trợ giúp.
- Thúc đẩy thiết lập một mạng xã hội rộng lớn. Nếu con bạn có cơ hội phát triển tình bạn từ nhiều nguồn, bao gồm các hoạt động thể thao, gia đình hoặc câu lạc bộ, điều đó có nghĩa là con có nhiều lựa chọn và nguồn hỗ trợ khác nếu tình bạn đang trở nên xấu đi.
- Dạy con về lòng tự trọng. Điều này có thể giúp con cảm thấy tự tin hơn khi đưa ra quyết định của riêng mình và đẩy lùi ảnh hưởng ngang hàng.
Khi bạn lo lắng về áp lực ngang hàng và ảnh hưởng ngang hàng
Khuyến khích con bạn kết bạn và dẫn bạn bè của chúng về nhà chơi. Khi đó, bạn sẽ biết được con mình có chơi với những người bạn tốt hay không. Điều này cũng tạo cơ hội để bạn kiểm tra xem liệu con mình có bị ảnh hưởng ngang hàng tiêu cực hay không.
Tạo dựng mối quan hệ tích cực với con bạn giúp con thoải mái chia sẻ nếu con cảm thấy ảnh hưởng tiêu cực từ các bạn đồng lứa.
Nếu bạn lo lắng bạn bè của con gây ảnh hưởng tiêu cực, việc chỉ trích chúng chỉ càng khiến con bạn chống đối vì con nghĩ rằng bạn không chấp nhận bạn bè của mình.
Vì vậy, thay vì công kích bất kỳ đứa trẻ nào, bạn có thể thử nói chuyện với con bạn về hành vi của đứa trẻ đó làm bạn không thích. Thảo luận về những hậu quả có thể xảy ra của hành vi, thay vì phán xét bạn bè của con.
Bạn cũng nên thỏa hiệp với con trong một số trường hợp. Ví dụ, cho phép con mặc quần áo hoặc cắt tóc giống bạn bè để con cảm thấy kết nối với chúng bạn, ngay cả khi bạn không thích con nhuộm tóc xanh hoặc mặc quần jean rách.
Có bạn bè và được công nhận là thành viên của một nhóm mang lại cho thanh thiếu niên cảm giác thuộc về và được đánh giá cao, giúp phát triển sự tự tin. Tình bạn cũng giúp thanh thiếu niên học các kỹ năng xã hội và tình cảm quan trọng, chẳng hạn như thấu hiểu suy nghĩ, cảm xúc và niềm hạnh phúc của người khác.
Dấu hiệu của ảnh hưởng ngang hàng và áp lực ngang hàng
Nếu bạn nhận thấy con có những thay đổi về tâm trạng, hành vi, thói quen ăn uống hoặc giấc ngủ mà bạn nghĩ có liên quan đến bạn bè của con, đã đến lúc nói chuyện với con.
Một số thay đổi tâm trạng và hành vi là bình thường ở thanh thiếu niên. Nhưng nếu con bạn có tâm trạng tồi tệ hoặc tỏ ra chán những thứ mà bình thường con rất thích trong vòng hơn hai tuần, bạn nên suy nghĩ về sức khỏe tâm thần của con bạn.
Các dấu hiệu cảnh báo bao gồm:
- tâm trạng tồi tệ, mau nước mắt hoặc cảm thấy tuyệt vọng
- hành vi hung hăng hoặc chống đối xã hội không bình thường ở con bạn
- thay đổi đột ngột về hành vi, thường không có lý do rõ ràng
- khó ngủ, ngủ không sâu hoặc dậy sớm
- chán ăn hoặc ăn nhiều quá mức
- miễn cưỡng đi học
- rút khỏi các hoạt động mà con bạn đã từng thích
- tuyên bố về việc muốn từ bỏ hoặc cuộc sống không đáng sống.
Nếu bạn lo lắng, hãy bắt đầu bằng cách nói chuyện với con. Bước tiếp theo là nói chuyện với bác sĩ gia đình của bạn, người có thể giúp bạn liên lạc với trung tâm y tế hoặc một chuyên gia thích hợp khác.
Đặng Thanh Hiền – Táo Trường Học dịch
Nguồn: raisingchildren