Học sinh không phát triển các năng lực cần thiết để thành công trong cuộc sống: trường học phải đổi mới chương trình hướng vào các kĩ năng.
Hệ thống trường học không hướng nghiệp cho những người trẻ tuổi vì nó quá tập trung vào yêu cầu của kì thi tuyển sinh đại học vốn đã “lỗi thời”.
Charles Fadel, người sáng lập Trung tâm Đổi mới chương trình giảng dạy cho rằng: Trường học cần chú ý nhiều hơn đến những gì các nhà tuyển dụng kì vọng ở học sinh tốt nghiệp tại trường, rút ngắn khoảng cách giáo dục – việc làm.
Ở đây, học giả và tác giả, trình bày quan điểm của ông về các kĩ năng mà học sinh cần được dạy.
Charles, ông có suy nghĩ gì khi đứng trước những lo ngại của nhà tuyển dụng rằng học sinh không có kĩ năng cần thiết để làm việc hiệu quả trong công ty của họ?
Trong hai thập kỷ qua, nhà tuyển dụng đã tuyên bố rằng họ đang tìm kiếm nhân viên hội đủ “4C”: tư duy phê phán (Critically) – giải quyết vấn đề, ra quyết định, làm việc Sáng tạo (Creatively), có khả năng giao tiếp
(Communicate) và hợp tác (Collaborate) cơ bản.
Đây là những mục tiêu cốt lõi mà chúng tôi phát triển trong Khung năng lực học tập thế kỉ XXI (P21).
Chúng tôi đã xem các cuộc khảo sát được thực hiện bởi tổ chức nghiên cứu Conference Board và P21, Ủy ban Tư vấn Kinh doanh và Công nghiệp (BIAC) tại OECD, nhấn mạnh rằng “4C” mô tả rõ nét tiêu chuẩn tuyển dụng trên toàn thế giới. Đây không phải là một nhu cầu mới nhưng ngày càng trở nên quan trọng vì sự cạnh tranh và áp lực thời gian từ thị trường ngày càng tăng.
Tất nhiên, công bằng mà nói, các nhà tuyển dụng kì vọng học sinh, sinh viên sẵn sàng bước vào thế giới của công việc cũng như cuộc sống. Chúng đi đôi với nhau và không có gì sai khi giáo dục hướng nghiệp và cuộc sống.
Ông sẽ nói gì với một sinh viên vừa tốt nghiệp đã làm việc cho một tổ chức nổi tiếng và một sinh viên không thể tìm được công việc ổn định với chế độ đãi ngộ tốt?
Trước tiên, tôi nói: “Tôi rất thông cảm với em và xin lỗi em vì hệ thống giáo dục đã không định hướng cho em tốt hơn, đặc biệt là với số học phí mà em và gia đình đã đầu tư. Tất nhiên bằng cấp rất quan trọng nhưng kĩ năng cũng quan trọng không kém và hệ thống hiện tại đang tập trung vào tấm bằng tốt nghiệp đại học chứ chưa thực sự quan tâm vấn đề hướng nghiệp”.
Sau đó, tôi sẽ nói: “Nếu em còn đang học đại học, hãy chắc chắn rằng em tham gia các hoạt động thực tập và các dự án. Thêm nữa, bất kể là trước hay sau khi tốt nghiệp, hãy ghi lại trung thực kinh nghiệm phát triển kĩ năng của bản thân thông qua mỗi khóa học, Như vậy, em có thể nói về điều đó trong các cuộc phỏng vấn sau này”.
Hãy nói về kĩ năng. Các kĩ năng thiết yếu nào bị giảm tải hoặc không được chú trọng đúng mức trong chương trình giảng dạy?
Trước tiên, hãy hiểu rõ đây là các kĩ năng, không phải là phẩm chất – những thứ này đã được đề cập ở những phần khác trước đây. Các kĩ năng chúng ta đang nói đến là: sáng tạo, tư duy phê phán, giao tiếp và hợp tác. Chúng rất cần thiết cho sự thành công trong nghề nghiệp và cuộc sống.
Tất nhiên, giáo dục ngày nay đã đạt được phần nào các kĩ năng trên, với mức độ thành công khác nhau. Thứ nhất, giả sử việc dạy một môn học cụ thể sẽ thúc đẩy các kỹ năng tư duy bậc cao hơn. Nó hầu như không có cơ sở, vì trong thời gian ngắn, học sinh phải bao quát phạm vi tài liệu rộng hơn là đào sâu kiến thức.
Thứ hai, phương pháp sư phạm cần phải thay đổi – ví dụ, khó có thể tưởng tượng được người nghe thụ động sẽ học cách giao tiếp và cộng tác như thế nào.
Những hạn chế chủ yếu về cách thức tổ chức chương trình giảng dạy hiện tại trong việc phát triển các kĩ năng cần thiết là gì?
Chương trình giảng dạy ngày nay trong các trường học và giáo dục đại học giả định rằng các kỹ năng sẽ được phát triển tự nhiên khi học sinh nắm bắt kiến thức. Nhưng không gì có thể thay đổi chân lí: Tri thức có thể vẫn hoàn toàn bất động. Kĩ năng là cách sử dụng tri thức nhưng nếu người ta học rập khuôn thì kĩ năng cũng không phát triển.
Một cuộc tranh luận lâu dài trong giáo dục xoay quanh giả định sai lầm rằng việc dạy kĩ năng sẽ làm giảm việc dạy kiến thức; đây là một sự tách biệt sai lầm. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi người học tiếp nhận kiến thức một cách thụ động, không có kĩ năng, kiến thức đó chỉ là bề nổi, không dùng được trong thực tế.
Hiểu biết sâu sắc và năng lực thực hành trong thế giới thực sẽ chỉ xảy ra khi các kĩ năng đi kèm tri thức và hai bên hỗ trợ nhau.
Để tích hợp tốt hơn sự phát triển kĩ năng cần thiết vào chương trình giảng dạy, cần thực hiện những bước nào?
Có ba bước cần thực hiện: Trước hết, rà soát chương trình giảng dạy xem có phần nào đã lỗi thời để giải phóng thời gian và không gian cho việc đào sâu nghiên cứu, từ đó, phát triển kỹ năng. Ví dụ, nếu chúng ta học Toán để phát triển sự sáng tạo, điều này cần sự khám phá và đòi hỏi các khả năng khác nhau. Vì cần thời gian, chúng ta phải điều chỉnh thời lượng dành cho các chủ đề ít quan trọng hơn.
Thứ hai, xác định phần nào của chương trình phù hợp cho việc dạy kĩ năng nào: mọi môn học đều có thể bao gồm những kĩ năng đơn lẻ, nhưng một số lại phù hợp với kĩ năng cụ thể do bản chất của chúng: Toán – tư duy phê phán, Ngôn ngữ – giao tiếp, nghệ thuật – sáng tạo, v.v.
Thứ ba, việc đào tạo giáo viên để biết cách vận hành những cơ chế đó, hợp tác với các chuyên gia khác trong tích hợp liên môn, ở trong và ngoài trường học (bao gồm cả các chuyên gia trong nghề). Không có lý do gì để các nhà giáo dục bị cô lập.
Làm thế nào nhà tuyển dụng và nhà giáo dục có thể thống nhất với nhau về các kĩ năng?
Các nhà tuyển dụng phải cho biết nhu cầu của mình và các tổ chức giáo dục phải chấp nhận rằng giáo dục phục vụ cuộc sống và công việc. Cuộc sống khó khăn đối với hầu hết những người không có việc làm. Việc làm không chỉ mang lại thu nhập mà còn là danh dự và sự hài lòng trong việc cống hiến.
Tác giả: C.M. Rubin
Đặng Thanh Hiền – TGD dịch