Tôi là một giáo viên có chuyên môn và dày dạn kinh nghiệm giảng dạy học sinh lứa tuổi từ 16 đến 19. Trong suốt sự nghiệp giảng dạy của mình, tôi luôn được đánh giá là một giáo viên xuất sắc. Nhưng cứ sau 9h sáng, khi có tiếng chuông báo hiệu bắt đầu tiết học đầu tiên, tôi thường nói đùa với các đồng nghiệp rằng: “Chúng ta lại bắt đầu công việc của người chỉ đường nào!”. Đây chỉ là một câu nói đùa hay thực chất là một nhận định chính xác? Giáo viên chúng tôi nên thể hiện đúng nghĩa là giáo viên hay nên thể hiện là một người định hướng cho học sinh nhiều hơn?
Giáo viên không thể bắt học sinh học mà chỉ có thể có tác động đến việc học của các em: hoặc là khuyến khích các em hăng say học tập, hoặc là khiến các em trở nên chán học.
Nhưng tại sao một số người trưởng thành lại ghét học đến như vậy? Tại sao một số người thờ ơ với việc học? Tại sao một số người coi thường việc học và nói rằng việc học không dành cho họ? Đây là một điều hết sức bình thường chứ không phải họ ghét học bẩm sinh. Bài viết này là những suy nghĩ của tôi sau khi tôi đọc một số tài liệu về giáo dục cho người trưởng thành, đồng thời cũng là những chiêm nghiệm của tôi trên cương vị là một giáo viên.
Sau đây tôi xin trình bày 5 nguyên tắc học tập:
NGUYÊN TẮC 1: Kiến thức tự bản thân nó vốn không là gì
Hầu hết kiến thức “được học” ở trường lớp đều bị quên lãng ngay sau khi làm bài kiểm tra. Nếu chúng ta sẽ quên những kiến thức chúng ta đã học thì tại sao lại phải học?
Quan điểm truyền thống về một lớp học của một số giáo viên là sẽ thấy ở đó những cái đầu trống rỗng của học sinh để sau đó giáo viên sẽ đổ thông tin vào. Nhưng trên thực tế, thông tin vào tai bên này và rơi rụng ở tai bên kia. Nay học mai quên. Bạn có thấy mình trong đó? Hơn nữa, nếu chỉ có kiến thức đơn thuần nó sẽ vô ích đối với cuộc sống, thay vào đó cần phải dạy thêm các kĩ năng để học sinh sử dụng, cũng như phát triển các kĩ năng thu thập thông tin khi học sinh cần.
NGUYÊN TẮC 2: Điều quan trọng nhất của việc học là học phương pháp học
Càng sớm để học sinh học mà không có sự giúp đỡ của giáo viên thì học sinh đó sẽ càng tiến bộ nhanh hơn. Khi học sinh tự tìm ra phương pháp học và phát triển sự độc lập trong học tập thì các em có thể sẽ rất thích thú với việc học.
NGUYÊN TẮC 3: Để học sinh tự lập, nhưng cần định hướng để các em tìm ra con đường cho riêng mình
Đây là quan điểm của Rolf Arnold. Thay vì là một “bảo mẫu”, chúng ta nên là một cố vấn học tập – người hướng dẫn và định hướng học sinh cách tự học.
NGUYÊN TẮC 4: Việc học phương pháp học diễn ra ở 3 khía cạnh học tập
– Nhận thức: Các kĩ năng về trí óc (kiến thức)
– Cảm xúc: Phát triển cảm xúc hoặc các khía cạnh cảm xúc (thái độ hoặc bản ngã)
– Vận động: Các kỹ năng liên quan đến hoạt động cơ hoặc tâm trí
Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi nhận thấy thông thường học sinh có thể phát triển sự tự tin sớm hoặc phát triển tự nhiên một trong ba năng lực trên. Sau khi học sinh thể hiện khả năng học tập vượt trội ở năng lực này, các em sẽ chuyển khả năng học tập sang một năng lực khác. Vì thế, học sinh cần xác định được những khía cạnh mà mình cần cải thiện. Lúc này, giáo viên cần cố gắng trở thành một cố vấn giỏi, và lớp học là nơi giáo viên khích lệ học sinh tự chịu trách nhiệm cho việc học của các em. Nhờ vậy mà học sinh sẽ phát triển được sự tự tin và khả năng học tập.
NGUYÊN TẮC 5: Những người trưởng thành là các chuyên gia học tập độc lập và có thể “làm gương” cho học sinh.
Trẻ em có thể có năng lực học tập xuất sắc nhưng để trở thành một chuyên gia học tập độc lập thì cần phải học. Chúng ta có thể rất ngạc nhiên trước khả năng trẻ tiếp nhận thông tin như bọt biển. Do vậy, giáo viên hoặc phụ huynh cần chỉ cho trẻ thấy đâu là điều cần làm và cách thực hiện việc đó.
Ngoài ra, giáo viên cũng phải dần vai trò là một “cố vấn học tập”, giúp học sinh học phương pháp học, học cách trở thành một người học độc lập, nâng cao sự tự tin trong học tập và phát triển tình yêu với việc học.
Tóm lại, chúng ta cần sáng tạo và phát triển khả năng làm việc độc lập và làm việc theo nhóm của học sinh. Điều này sẽ giải phóng thời gian của giáo viên, giúp giáo viên không phải mất thời gian để “mớm kiến thức” cho học sinh. Làm được điều này là giáo viên đang dạy học sinh cách tự học, giúp các em khám phá năng lực học tập đáng kinh ngạc của bản thân.
Tôi chưa bao giờ biết tại sao tôi được đánh giá là một giáo viên xuất sắc. Nhưng sau khi đọc cuốn sách “Cách dạy học mà không cần giảng” của Rolf Arnold, tôi đã có câu trả lời cho mình: Tôi không phải là một giáo viên xuất sắc, mà là một người định hướng học tập xuất sắc!
Táo Trường học dịch