Làm thế nào để có được một bản Chương trình Giáo dục Cá nhân (IEP) cho con bạn

0 30,224

Chương trình Giáo dục Cá Nhân ( IEP – Individualized Education Program hoặc Individualized Education Plan) là một tài liệu được soạn thảo cho mỗi học sinh trường công lập đủ điều kiện thụ hưởng giáo dục đặc biệt. IEP được tạo ra thông qua nỗ lực của nhóm và được xem xét ít nhất mỗi năm một lần.

Xem thêm bài viết IEP là gì?

Cho dù bạn đang yêu cầu một bản IEP cho con, đã được giáo viên giới thiệu hoặc con bạn được xác định là đủ điều kiện nhận dịch vụ bởi chương trình Tìm kiếm trẻ em của địa phương bạn đang sinh sống, quy trình cụ thể sẽ diễn ra tuần tự. Các bước sau đây, từ giới thiệu ban đầu cho đến cung cấp dịch vụ, được trích từ Phát triển IEP cho con bạn, một ấn phẩm của Trung tâm Phổ cập quốc gia dành cho trẻ khuyết tật. (Hướng dẫn dành cho phụ huynh ngày 9 tháng 10 năm 2002)

Yêu cầu một bản IEP

1. Giới thiệu hoặc yêu cầu đánh giá. Một chuyên gia trường học có thể yêu cầu đánh giá một đứa trẻ xem có mắc khuyết tật không. Phụ huynh cũng có thể liên hệ với giáo viên dạy con hoặc các chuyên gia khác trong trường để yêu cầu cho con mình được đánh giá. Yêu cầu này có thể bằng lời hoặc văn bản. Cần có sự đồng ý của cha mẹ trước khi trẻ có thể được đánh giá. Công tác đánh giá cần phải được hoàn thành trong một thời gian hợp lý sau khi cha mẹ đồng ý.

2. Trẻ được đánh giá. Phải đánh giá đứa trẻ trong tất cả các lĩnh vực liên quan. Các kết quả sẽ được sử dụng để quyết định quyền hưởng chế độ giáo dục đặc biệt và các dịch vụ liên quan cũng như quyết định một chương trình giáo dục phù hợp cho trẻ. Nếu cha mẹ không đồng ý với đánh giá, họ có quyền cho con tham gia Đánh giá giáo dục độc lập (IEE). Họ có thể yêu cầu nhà trường chi trả cho việc kiểm tra này.

3. Kết luận đứa trẻ đủ điều kiện thụ hưởng giáo dục đặc biệt. Một nhóm các chuyên gia có trình độ và phụ huynh cùng xem kết quả đánh giá đứa trẻ. Họ thống nhất quyết định xem đứa trẻ có “mắc khuyết tật” hay không, theo định nghĩa của IDEA. Phụ huynh có thể yêu cầu một phiên điều trần để phản bác kết luận của hội đồng thẩm định.

4. Đứa trẻ được xác định đủ điều kiện hưởng các dịch vụ. Nếu đứa trẻ được xác định “mắc khuyết tật” theo định nghĩa của IDEA, thì trẻ đủ điều kiện thụ hưởng chế độ giáo dục đặc biệt và các dịch vụ liên quan. Trong vòng 30 ngày kể từ khi một đứa trẻ được xác định đủ điều kiện, nhóm IEP phải họp để viết một bản IEP cho đứa trẻ.

5. Cuộc họp IEP. Nhà trường xếp lịch và tiến hành cuộc họp IEP. Nhân viên nhà trường phải: liên hệ với những người tham gia, bao gồm cả phụ huynh; thông báo sớm cho phụ huynh để đảm bảo họ tham dự được; chọn thời gian và địa điểm thuận tiện cho cả phụ huynh và nhà trường; thông báo cho phụ huynh mục đích, thời gian và địa điểm của cuộc họp; giới thiệu thành phần tham dự cuộc họp với phụ huynh; nói với phụ huynh rằng họ có thể mời một số người liên quan đến cuộc họp.

6. Tổ chức cuộc họp IEP và thảo văn bản IEP. Nhóm IEP thảo luận về nhu cầu của học sinh và thảo văn bản IEP. Phụ huynh và học sinh (khi thích hợp) là một phần của nhóm này. Trước khi nhà trường có thể cung cấp chương trình giáo dục đặc biệt và các dịch vụ liên quan cho trẻ ngay từ đầu, phụ huynh phải cho ý kiến.

7. Cha mẹ có quyền không từ chối. Nếu phụ huynh không đồng ý với IEP và sắp xếp của nhà trường, họ có thể bày tỏ mối quan ngại của mình với các thành viên khác trong nhóm IEP và cố gắng đi đến một thỏa thuận. Nếu vẫn không đồng ý, phụ huynh hoặc nhà trường có thể yêu cầu hòa giải. Phụ huynh có thể nộp đơn khiếu nại với cơ quan giáo dục địa phương và yêu cầu phiên điều trần theo đúng thủ tục, tại thời điểm đó phải có hòa giải.

8. Dịch vụ được cung cấp. Nhà trường đảm bảo rằng chương trình IEP được thực hiện như cam kết. Phụ huynh được cung cấp một bản sao của IEP. Mỗi giáo viên và nhà cung cấp dịch vụ đều có quyền xem IEP và nắm rõ trách nhiệm cụ thể của mình trong việc thực hiện IEP. Điều này bao gồm công tác hỗ trợ thích nghi, điều chỉnh và phụ đạo phù hợp với IEP.

9. Tiến độ được theo dõi và báo cáo cho phụ huynh. Sự tiến bộ của trẻ so với các mục tiêu hàng năm được theo dõi, như đã nêu trong IEP. Cha mẹ thường xuyên được thông báo về tiến bộ của con mình và liệu tiến bộ đó có đủ để trẻ đạt được các mục tiêu vào cuối năm hay không. Các báo cáo tiến độ này phải được cung cấp cho cha mẹ thường xuyên như đối với mọi quá trình học tập thông thường khác.

10. IEP được rà soát. Chương trình giảng dạy dành cho trẻ em được nhóm IEP đánh giá ít nhất một lần một năm hoặc thường xuyên hơn nếu phụ huynh hoặc nhà trường yêu cầu. Khi cần thiết, IEP sẽ được sửa đổi. Phụ huynh, với tư cách là thành viên trong nhóm, phải được mời tham dự các cuộc họp này. Phụ huynh có thể đưa ra các đề xuất thay đổi, đồng tình hoặc phản đối với các mục tiêu của IEP hay sắp xếp của nhà trường này.

11. Đứa trẻ được đánh giá lại. Ít nhất cứ sau ba năm, đứa trẻ phải được đánh giá lại. Mục đích của nó là tìm hiểu xem đứa trẻ có còn” mắc khuyết tật” theo định nghĩa của IDEA hay không và nhu cầu giáo dục của đứa trẻ là gì. Tuy nhiên, đứa trẻ phải được đánh giá lại thường xuyên hơn nếu điều kiện cho phép hoặc phụ huynh/ giáo viên yêu cầu đánh giá mới.

Đặng Thanh Hiền – Táo Trường Học dịch

Nguồn: verywellf Family.com

Xem thêm:

Trường học nên chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai cho học sinh chứ không phải các kỳ thi

7 loại trường học cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt

Leave A Reply

Your email address will not be published.