Sự nguy hiểm của các học sinh giỏi

Ở một góc độ nào đó, các học sinh kém và các học sinh giỏi đều là như nhau vì chúng đều cần có sự hỗ trợ. Nếu không nó sẽ dẫn đến hậu quả chung đó là sự giảm sút về kết quả học tập, đánh mất đi những năng lực vốn có. Nhưng học sinh giỏi đôi khi còn nguy hiểm hơn.

0 2,941

Có nhiều cách diễn đạt khác nhau khi nói về những học sinh giỏi trong lớp học như “học sinh tài năng” “học sinh thông minh” “học sinh xuất sắc” hay đơn giản hơn “học sinh giỏi”. Những học sinh này khiến chúng ta cảm thấy khá hài lòng, đôi khi còn là chỗ dựa, nguồn động viên cho mỗi ngày lên lớp. Tuy nhiên, sự thực không phải lúc nào cũng như vậy. Bài viết này sẽ đưa ra một số vấn đề của những học sinh thông minh từ cả hai góc nhìn “phía giáo viên” và từ “chính các em học sinh đó”.

Chúng ta thường gọi một số học sinh là học sinh xuất sắc, tuy nhiên sự thực có phải là như vậy không? tôi nghĩ là không hoàn toàn. Vì có em học sinh có thể là xuất sắc khi bắt đầu năm học, nhưng đến cuối năm thì đã không còn duy trì được điều đó. Thậm chí những học sinh đó chưa chắc đã thực sự là học sinh giỏi. Một số có thể giỏi trong môn toán nhưng không giỏi trong môn văn. Một số có thể giỏi trong các hoạt động thực hành nhưng không thể ghi nhớ các thông tin chi tiết. Một số học sinh có khả năng ghi nhớ tuyệt vời trong một khoảng thời gian ngắn nhưng sau đó điều này cũng lại mất đi rất nhanh…

Ở một góc độ nào đó, các học sinh kém và các học sinh giỏi đều là như nhau vì chúng đều cần có sự hỗ trợ. Nếu không nó sẽ dẫn đến hậu quả chung đó là sự giảm sút về kết quả học tập, đánh mất đi những năng lực vốn có. Nhưng học sinh giỏi đôi khi còn nguy hiểm hơn, vì các giáo viên thường có tâm lí chủ quan và cho rằng sự quan tâm nên dành cho các em học sinh kém hơn trong lớp. Dưới đây là những nguyên nhân lí giải vì sao, các giáo viên cần quan tâm đến nhu cầu của các học sinh giỏi:

Các học sinh giỏi dễ trở thành học sinh lười suy nghĩ mặc dù chúng vẫn đạt điểm cao trong trường. Điều này khá phổ biến trong các lớp học. Chúng ta thấy có những học sinh thông minh nhưng điểm số lại không cao. Hoặc có học sinh đã đạt điểm cao nhưng sau đó điểm số lại thấp dần. Nguyên nhân là do sự chủ quan, lười suy nghĩ, dễ dàng hài lòng với những gì mình đã đạt được. Điều này lại được bổ trợ thêm bởi sự khen ngợi của các thầy cô hoặc khi các thầy cô lấy học sinh giỏi làm tấm gương cho các học sinh khác.

Các học sinh giỏi dễ rơi vào cái “bẫy thành công”. Họ luôn nghĩ rằng điểm số và kết quả học tập quan trọng hơn tư duy, sự sáng tạo. Sự khen ngợi từ thầy cô có giá trị hơn so với nỗ lực vượt qua thử thách. Việc đưa ra đáp án đúng, sai quan trong hơn việc khám phá, phát hiện những điều mới mẻ. Điều đáng buồn là, hầu hết các học sinh thông minh đều có khả năng học rất nhanh, họ dễ dàng làm hài lòng các tiêu chí của thầy cô. Họ tìm kiếm cảm giác ‘an toàn” và “thoải mái” hơn là sự thành công trong tương lai.

Học sinh giỏi có thể trở thành người theo chủ nghĩa hoàn hảo. Khi giáo viên trao cho học sinh giỏi các danh hiệu như “người đạt giải Nobel vật lí” hay “nhà văn của thế kỉ”… giao cho học sinh đó công việc hỗ trợ các học sinh khác hoặc chí ít dùng học sinh đó như một hình mẫu. Lâu dần, sẽ khiến chính học sinh đó rơi vào chủ nghĩa “hoàn hảo”. Thay vì mạnh dạn thử, sai như một học sinh bình thường, các học sinh giỏi có xu hướng đáp ứng các tiêu chuẩn của giáo viên hoặc biết cách làm giáo viên hài lòng. Họ cảm thấy không thoải mái khi mình làm sai điều gì đó và sợ bị “mất hình tượng”. Chính điều này là nguyên nhân cản trở sự sáng tạo trong tương lai. Bởi vì những ý tưởng mới được hình thành chủ yếu qua sự sai lầm.

Những học sinh giỏi có thể đánh mất niềm tin vào bản thân. Sự tự trọng được tạo ra bởi niềm tin rằng bạn là quan trọng, bạn có giá trị hay thành công. Cảm giác tin vào bản thân thì trái ngược lại nó được tạo nên từ việc định hình bản thân mình để đạt đến những mục tiêu mà mình tin là mình có thể đạt được. Mặc dù hầu hết những học sinh giỏi đều có lòng tự trọng, nhưng điều đáng buồn rằng một số lại không phát triển được niềm tin vào bản thân. Họ lo sợ sự thất bại, họ sợ rằng họ không thể làm được những điều mới mẻ và thử thách.

Học sinh giỏi có thể thất bại trong học tập cũng như là việc tập trung vào các kĩ năng. Khi học sinh học tập trong nhà trường với ít sự nỗ lực, họ có cảm giác rằng họ là những người thành công (vì khi đó một số học sinh khác phải bò ra học mà kết quả vẫn không cao bằng). Một ngày kia, khi áp lực được tăng lên, khi phải làm các công việc đòi hỏi phải nỗ lực họ cảm thấy sợ hãi, không dám nghĩ và không dám làm. Thêm vào đó, những cách mà họ đạt điểm cao chỉ là các kinh nghiệm học tập để đối phó với bài kiểm tra. Trên thực tế, họ chưa có bằng chứng đủ thuyết phục về những kiến thức, kinh nghiệm tương ứng với điểm số mà họ đạt được. Đó cũng là lí do giải thích tại sao sau khi bắt tay vào công việc, họ lại ít có cơ hội thành công hơn so với các học sinh bình thường nhưng nỗ lực.

Như vậy, học sinh giỏi cũng giống như những học sinh khác. Chúng đều cần được sự quan tâm và có phương pháp hỗ trợ kịp thời, phù hợp. Khi các giáo viên không đủ nhạy cảm để nhận ra điều này, giáo viên thường đặt ra các mục tiêu về kiến thức quá thấp, các mục tiêu về kĩ năng không khiến học sinh giỏi cảm thấy thử thách. Việc học khi đó sẽ không còn là niềm vui, sự hứng thú, khi đó những mặt trái trên sẽ phát huy tác dụng. Hậu quả là chúng ta đã lấy đi thành công của một học sinh trong tương lai.

Nguyễn Hữu Long 

Leave A Reply

Your email address will not be published.