Tầm nhìn và tuyên bố sứ mệnh là vấn đề định hướng chiến lược cho một tổ chức – bao gồm cả các trường học – nó chỉ ra mục đích và những ưu tiên của nhà trường. Đối với các trường học, đó là tuyên ngôn về mục đích của giáo dục và phương pháp học sinh được giáo dục.
Các tuyên bố về tầm nhìn phác thảo ra mục tiêu của trường. Sứ mệnh cho biết trường học sẽ làm như thế nào để đạt được tầm nhìn đó. Các trường học có thể có một hoặc cả yếu tố trên.
Tầm nhìn và sứ mệnh trong trường học cũng đưa ra tuyên bố công khai về các giá trị của nhà trường. Nhưng những tuyên bố như vậy có thực sự hữu ích không, hay chỉ để trang trí cho đẹp? Phải khẳng định là, chúng vô cùng hữu ích – nhưng nó phụ thuộc vào cách chúng ta nhìn nhận về nó và đưa nó vào toàn bộ các hoạt động của nhà trường.
Những lợi ích của tầm nhìn và sứ mệnh của trường học
Các tuyên bố về tầm nhìn và sứ mệnh sẽ cho biết những giá trị mà nhà trường hướng đến và đại diện. Nó chi phối đến tất cả mọi hoạt động của trường học.
Các trường luôn gặp vấn đề trong việc cân bằng giữa lợi ích của phụ huynh, cộng đồng, áp lực chính trị, thông tin sai lệch và áp lực liên tục về thời gian và nguồn lực. Tầm nhìn và tuyên bố sứ mệnh có thể giúp lãnh đạo nhà trường và toàn thể cộng đồng trường luôn đi đúng hướng, kiên định các mục tiêu mà không bị hoang mang dao động.
Tầm nhìn và tuyên bố sứ mệnh là những hợp đồng bất thành văn giữa trường học và các bên liên quan khác nhau. Một tuyên ngôn về tầm nhìn, sứ mệnh tốt có thể hướng dẫn việc ra quyết định, phân bổ nguồn lực, quyết định chính sách và cách thức hoạt động của trường. Bằng cách làm cho mục đích của họ rõ ràng, các trường học có thể đưa các mục tiêu và chương trình hành động.
Trường học đại diện cho những giá trị nào?
Gần đây chúng tôi đã điều tra tầm nhìn và tuyên bố sứ mệnh của 308 trường trung học trên khắp Victoria (Mỹ). Có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên, hầu hết (88%) tuyên bố về tầm nhìn và sứ mệnh đều đưa thành tích học tập là ưu tiên hàng đầu.
Bên cạnh đó, nhiều trường học tin rằng thành tích học tập không phải là mục đích duy nhất của giáo dục. Nhiều trường cho rằng, việc nâng cao sức khỏe tinh thần, sống hạnh phúc là vấn đề được ưu tiên (chiếm 66,2% ) cùng với đó là cảm giác “thuộc về” của học sinh và giáo viên (57,5%).
Trong một nghiên cứu thứ hai, chúng tôi thấy rằng việc đưa vào tầm nhìn sứ mệnh mục tiêu nâng cao sức khỏe tinh thần có mối tương quan với việc nâng cao thành tích học tập. Điều này không có nghĩa là lúc nào việc đưa các mục tiêu này vào tầm nhìn sứ mệnh cũng mang lại thành công, nhưng khi các trường xác định các mục tiêu khác trong tầm nhìn và tuyên bố sứ mệnh thành công trong học tập vẫn không bị cản trở.
Tuy nhiên, 34% trường học không đề cập đến việc nâng cao sức khỏe tinh thần. OECD và các chuyên gia trong lĩnh vực này cho biết các trường hiện đang quá coi trọng thành tích học tập hơn là sự phát triển toàn diện của học sinh.
Các trường học cần đóng một vai trò quan trọng trong việc mang lại niềm vui, hạnh phúc, các kĩ năng giao tiếp xã hội và cảm xúc của học sinh.
Các vấn đề với tầm nhìn và sứ mệnh
Mặc dù có nhiều lợi ích, tầm nhìn và sứ mệnh cũng bị phê phán ở nhiều góc độ. Nhiều trường sẽ dùng các ngôn từ hoa mỹ, những cách diễn đạt rất lọt tai hoặc đưa ra những điều “lý tưởng” nhưng khi thực hiện thì “đầu voi đuôi chuột” hoặc “nói một đằng làm một nẻo”. Giáo viên trong trường không nhận thức được tầm nhìn sứ mệnh của trường là gì? Nó có liên quan gì đến việc giảng dạy hoặc thậm chí là không cần quan tâm đến tầm nhìn, sứ mệnh. Điều này có nghĩa là các giá trị mà trường học tuyên bố đã bị ngắt kết nối với những gì thực sự xảy ra trong trường.
Trong một số trường hợp, tầm nhìn sứ mệnh chỉ là những hứa hẹn “suông” chứ không phải là một “cam kết thực hiện” với cộng đồng. Nhiều trường hợp, tầm nhìn, sứ mệnh mang tính không thực tế và mơ hồ, khó có thể đưa vào thực tế.
Làm thế nào tầm nhìn sứ mệnh thực sự có thể tác động đến trường học?
Các trường học nên sửa đổi tầm nhìn và tuyên bố sứ mệnh một cách thường xuyên, để đảm bảo chúng phù hợp với nhu cầu của học sinh và cộng đồng. Tầm nhìn sứ mệnh cần được vạch ra bởi tất cả các bên liên quan, chẳng hạn như giáo viên, phụ huynh và lãnh đạo nhà trường. Khi đó mọi người sẽ cam kết và ủng hộ nhiều hơn những gì họ đã tạo ra.
Tầm nhìn hoặc tuyên bố sứ mệnh nên tránh các từ và cụm từ phô trương, sáo rỗng, hoặc chỉ đơn giản chạy theo các “mốt” hoặc “đòi hỏi” của một nhóm phụ huynh. Các trường học nên đặt mục tiêu xác thực và trung thực trong việc thực hiện tầm nhìn sứ mệnh đã vạch ra.
Tầm nhìn, sứ mệnh phải đủ rộng để bao quát sự đa dạng của các ưu tiên của giáo dục trong thời kỳ hiện đại, nhưng vẫn đủ cụ thể để hướng dẫn phương hướng và hoạt động của trường.
Các trường học nên nghiên cứu kĩ xem tầm nhìn, sứ mệnh sẽ được thực hiện như thế nào. Nó sẽ được truyền đạt như cho ai? Bằng cách nào? Lập kế hoạch để đưa tầm nhìn và sứ mệnh gắn kết với chiến lược phát triển và chính sách thực tiễn của trường học.
Các trường cần đảm bảo cộng đồng nhà trường hiểu và cam kết với tầm nhìn sứ mệnh. Những tuyên bố này sẽ là vô nghĩa nếu không có những nỗ lực chân thành của các lãnh đạo trường học, giáo viên, nhân viên nhà trường và các nhà hoạch định chính sách để đưa những từ đó thành hành động. Sự hiểu biết về tầm nhìn, sứ mệnh cũng có thể giúp các giáo viên ưu tiên thời gian và năng lượng của họ theo cách phù hợp với các giá trị của trường.
Tầm nhìn sứ mệnh cũng nên xác định trách nhiệm của các bên liên quan. Các trường học chịu trách nhiệm cho các tầm nhìn, sứ mệnh của họ. Phụ huynh thường chọn trường dựa trên các giá trị phù hợp với chính mình và các tuyên bố giúp thực hiện những mong muốn đó. Tầm nhìn sứ mệnh cũng có thể giúp hạn chế các yêu cầu vô lý của phụ huynh khi nó vượt ra ngoài trọng tâm của trường học.
Các tuyên bố về sứ mệnh và tầm nhìn được phát triển và cam kết tốt đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp các trường học trở thành cộng đồng học tập tích cực và hiệu quả.