10 thách thức chủ yếu mà các trường công phải đối mặt
“Kiểm tra, kiểm tra, kiểm tra, thế điểm kiểm tra có ý nghĩa gì? Chúng ta có nghiên cứu hồ sơ điểm thi để từ đó tìm ra giải pháp hỗ trợ những người không đạt chuẩn không? Không!”
Các trường công lập của chúng ta có đang trong tình trạng khủng hoảng không? Tìm hiểu 10 vấn đề lớn nhất mà các trường công lập hiện nay phải đối mặt, đứng từ quan điểm của cả những người quản lí nhà trường và giáo viên.
Rất ít người có niềm tin vào hệ thống giáo dục, dường như mọi người cho rằng các trường công không thể cải thiện được. Tuy nhiên, phải khẳng định việc xây dựng chiến lược định hướng cho các trường học là việc dễ nói nhưng khó làm. Thách thức đầu tiên nằm ở việc xác định các vấn đề cơ bản khiến học sinh không hứng thú với việc học tập. Thách thức này, một phần, là do khác biệt trong quan điểm nhìn nhận của học sinh, phụ huynh, các cấp quản lí giáo dục và cả hệ thống chính sách. Hãy cùng nhín nhận về 10 thách thức lớn mà các trường công lập đang đối mặt dưới đây, dựa trên quan điểm của nhiều người tham gia vào thế giới giáo dục ngày nay.
- Quy mô lớp học
Nhiều địa phương trong cả nước đang phải đối mặt với tình trạng quá tải các lớp học. Một báo cáo của NEA Today hai năm trước đã thảo luận về giải pháp cho các trường học trong xu thế cắt giảm tài chính, không gì khác ngoài việc tăng số lượng học sinh/ lớp miễn là hệ thống trường học vẫn có thể kiểm soát được. Gần đây, một số trường học khác cũng đã xem xét đề xuất tăng quy mô lớp học khi đối mặt với sự cắt giảm ngân sách đáng kể.
Khi tài chính eo hẹp, số lớp học thường bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, hầu hết các giáo viên đều đồng ý rằng họ không thể dạy hiệu quả mọi học sinh trong lớp học, nếu lớp học vượt quá 30 người. Các vấn đề về quy mô lớp học trong một nghiên cứu được thực hiện bởi Tennessee Star đã cho thấy các lớp mẫu giáo 3 tuổi có 15-17 học sinh đảm bảo hoàn thành mục tiêu lâu dài và trước mắt của cả học sinh và giáo viên. Học sinh dân tộc thiểu số, những em có hoàn cảnh khó khăn và học sinh nam dường như được hưởng lợi nhiều nhất từ các lớp học quy mô nhỏ hơn.
- Sự nghèo đói
Mùa thu năm ngoái, Technorati báo cáo rằng 22% số trẻ em ở Hoa Kỳ sống ở hoặc dưới mức nghèo. American Graduate xác định mức độ nghèo đói là một gia đình bốn người với mức thu nhập hàng năm là 23,050 USD hoặc thấp hơn. American Graduate cũng trích dẫn một báo cáo từ Quỹ Giáo dục phía Nam, trong đó cho thấy ở 17 tiểu bang trên khắp nước Mỹ, học sinh có thu nhập thấp hiện nay bao gồm phần lớn các học sinh trường công lập ở các tiểu bang. Một số cuộc khảo sát dự đoán mức độ nghèo đói của học sinh trường công lập sẽ sớm tiến đến mức 25%.
Học sinh sống ở hoặc dưới mức nghèo có nguy cơ bỏ học cao nhất. Các nghiên cứu cho thấy rằng những học sinh ăn hoặc ngủ không đủ thì ít có khả năng phát huy hết tiềm năng học tập của mình. Trường học biết những sự thật này ngay từ đầu và dù có nỗ lực bao nhiêu để tạo điều kiện cho học sinh, giáo viên, quản trị viên và nhà lập pháp hiểu rằng không thể chu toàn được.
- Yếu tố gia đình
Các yếu tố gia đình cũng đóng một vai trò đối với năng lực giảng dạy của giáo viên. Hiệu trưởng và giáo viên đồng tình rằng các vấn đề của gia đình sẽ ảnh hưởng đến xu hướng học tập của học sinh. Ly hôn, cha mẹ độc thân, nghèo đói, bạo lực và nhiều vấn đề khác là tất cả những thách thức mà một học sinh mang đến trường mỗi ngày. Trong khi làm việc với trẻ em trong môi trường gia đình không lý tưởng, một số giáo viên và quản trị viên chỉ biết cố gắng nhiều hơn nữa – đặc biệt nếu cha mẹ không sẵn sàng hợp tác với nhà trường.
- Công nghệ
Kids Health Guide báo cáo rằng ngày nay học sinh am hiểu về công nghệ hơn cả một số giáo viên, điều này gây bất lợi cho giáo viên. Tuy nhiên, theo NEA Today, công nghệ cũng khiến học sinh có xu hướng chểnh mảng việc học tập. Nếu giáo viên không hiểu biết về kỹ thuật để sử dụng thành thạo các thiết bị đó, bằng cách đưa giáo dục và công nghệ lại với nhau, có thể sẽ khó khăn trong việc thu hút sự quan tâm, chú ý của học sinh và dạy đúng các khái niệm mới.
Công nghệ cần phải được vận dụng vào lớp học để theo kịp nhu cầu học tập của thế kỷ XXI. Các trường học eo hẹp về tài chính có thể sẽ vấp phải thách thức không thể vượt qua trong việc quyết định ngân sách dành cho máy tính và các trang thiết bị công nghệ khác. Scholastic đưa ra một số lời khuyên cho các trường muốn chi tiêu hợp lý cho công nghệ, bao gồm cả việc kêu gọi sự ủng hộ của các cá nhân. Trang web cũng đề xuất thương lượng giá cả trang thiết bị công nghệ nếu có thể và cho phép học sinh tự mang các thiết bị của mình đến trường.
- Bắt nạt
Bắt nạt không phải là một vấn đề mới, nhưng nó ảnh hưởng sâu sắc đến khả năng học tập của nhiều học sinh ngày nay. Công nghệ đã mở đường cho những kẻ bắt nạt đe dọa nạn nhân – thông qua mạng xã hội, nhắn tin và các tương tác ảo khác. Bắt nạt trên mạng đã trở thành một vấn đề lớn đối với các trường học, minh chứng là số vụ tự tử xuất phát trực tiếp từ các sự kiện bắt nạt. Thực tế là các đạo luật vẫn chưa có quy chế rõ ràng về đe doạ trực tuyến – vì thế, cha mẹ, giáo viên và các cấp quản lí giáo dục không chắc chắn về cách xử lý hợp pháp các vấn đề đó.
- Thái độ và hành vi của học sinh
Nhiều giáo viên trường công cũng phàn nàn về thái độ của học sinh, chẳng hạn như sự thờ ơ và thiếu tôn trọng đối với giáo viên, coi đó như một vấn đề lớn của các trường học ngày nay. Một cuộc khảo sát từ Trung tâm Thống kê Giáo dục Quốc gia cho thấy các vấn đề như sự thờ ơ, đi học muộn, thiếu tôn trọng và nghỉ học đặt ra những thách thức đáng kể cho giáo viên. Những vấn đề này thường xuyên hơn ở cấp trung học, chứ không phải là cấp tiểu học.
- Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau
Nhiều học sinh, phụ huynh và giáo viên thấy đạo luật No Child Left Behind (NCLB) là một “áp lực” đối với môi trường giáo dục công ngày nay. Mặc dù chính quyền Obama hiện đang nỗ lực cải cách các chính sách NCLB, trọng tâm giáo dục ở cả cấp quốc gia và cấp tiểu bang vẫn chỉ trong quá trình thử nghiệm. Điểm thi của học sinh hiện đang được một số tiểu bang sử dụng như một cách đánh giá hiệu quả dạy học của giáo viên, giáo viên cảm thấy áp lực hơn vì phải “dạy để kiểm tra”.
NEA Today trích lời GS dang dự của Kansas – Shelly Dunham: “Kiểm tra, kiểm tra, kiểm tra, thế điểm kiểm tra có ý nghĩa gì? Chúng ta có nghiên cứu hồ sơ điểm thi để từ đó tìm ra giải pháp hỗ trợ những người không đạt chuẩn không? Không!” Nhiều giáo viên tin rằng họ buộc phải dạy các bài kiểm tra tiêu chuẩn hàng năm và các hoạt động như giờ giải lao hay ăn trưa bị cắt giảm để dành nhiều thời gian hơn cho các bài kiểm tra mới.
- Sự hợp tác của phụ huynh
Giáo viên thường chẳng mấy vui vẻ khi nói đến sự tham gia của cha mẹ, theo Kids Health Guide. Một số phụ huynh vắng mặt trong suốt năm học, dù có chuyện gì xảy ra. Những người khác lại dường như không bao giờ biến mất, theo dõi sát sao cả đứa trẻ lẫn giáo viên và can thiệp vào quá trình giáo dục. Có nhiều cách để cha mẹ có thể tham gia và hỗ trợ giáo dục con em mình nhưng giáo viên không phải lúc nào cũng hài lòng với cung cách làm việc của cha mẹ.
- Sức khỏe học sinh
Béo phì đã trở thành một dịch bệnh ở Hoa Kỳ và thói quen ăn uống không điều độ dẫn đến vấn đề béo phì cũng có thể góp phần làm giảm thành tích của học sinh. Béo phì cũng làm tăng nguy cơ học sinh mắc các tình trạng khác như tiểu đường và huyết áp cao, điều này có thể dẫn đến tình trạng nghỉ học thường xuyên và nhiều vấn đề về học tập.
Phong trào ăn trưa ở trường phát động trên phạm vi toàn quốc Let’s Move! đã hiệu quả trong việc lành mạnh hóa thực đơn ăn trưa của các trường học. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã ban hành các chỉ thị mới trong năm 2012 để nâng cao chất lượng dinh dưỡng của các bữa ăn ở trường của học sinh. Các chương trình tập thể dục cũng được đưa vào trường học trên khắp đất nước để thúc đẩy nhiều hoạt động thể chất hơn cho các học sinh ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, có vẻ như cả nước vẫn còn một chặng đường dài phía trước trên con đường nỗ lực vì một sức khỏe tốt hơn trên quy mô lớn.
- Ngân sách
Cắt giảm ngân sách gây nên những vấn đề khổng lồ cho hầu hết các trường công trong những năm gần đây. Ít kinh phí tức là ít nhân viên, tài nguyên hạn chế và nghèo nàn dịch vụ dành cho học sinh. Trong khi nhiều ý kiến cho rằng đổ thêm tiền không giải quyết được các vấn đề giáo dục thì một số khác lại nhận thấy ngân sách eo hẹp là nguồn cơn của nhiều vấn đề.
Trường công lập gánh trên mình không ít vấn đề nhưng tìm ra giải pháp thì coi như xong nửa cuộc chiến. Với danh sách các thách thức cần đối mặt, phụ huynh và các nhà lập pháp cần ngồi lại với nhau và bắt đầu tìm kiếm giải pháp – vì lợi ích của học sinh trường công ngày nay.
Grace Chen
Táo trường học dịch