Chiến thuật giải quyết vấn đề cho phụ huynh và giáo viên
Mối quan hệ tốt đẹp giữa phụ huynh và giáo viên
Một mối quan hệ tốt với giáo viên và nhà trường là xuất phát điểm tuyệt vời để xử lý mọi vấn đề xảy ra ở trường.
Bạn có thể đặt nền tảng cho mối quan hệ đó bằng cách giới thiệu bản thân và làm quen với giáo viên dạy con bạn càng sớm càng tốt. Trao đổi và thiết lập mối quan hệ với giáo viên dạy con bạn tốt hơn là chỉ liên lạc với giáo viên khi con bạn gặp rắc rối.
Mối quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên tốt đẹp thì trẻ em:
• học tập và phát triển tốt về mặt tình cảm, xã hội
• hạnh phúc hơn khi ở trường
• đi học thường xuyên hơn
• cư xử tốt hơn.
Rắc rối ở trường: phải làm gì
Trẻ em gặp rắc rối khi đi học là chuyện rất bình thường.
Một số vấn đề không đáng kể – ví dụ, bỏ lỡ buổi tập trung toàn trường hoặc quên mặc đồng phục thể dục. Bạn và con có thể tự giải quyết chúng.
Một số khác lại phức tạp hoặc dai dẳng hơn. Ví dụ, con bạn có thể liên tục gặp rắc rối với một đứa trẻ khác và các chiến thuật mà bạn đề xuất cho con đều không hiệu quả. Khi đó, bạn có thể cần nói chuyện với giáo viên dạy con để tìm giải pháp.
Cách mở lời với giáo viên
Khi bạn cần nói chuyện với giáo viên, cần mở lời với thái độ bình tĩnh và tích cực. Điều đó có thể sẽ mang lại kết quả khả quan cho con bạn. Sau đây là những gì phải làm.
Tạm dừng để bình tĩnh
Nếu con bạn buồn, bạn cũng cảm thấy khó chịu. Hãy cố gắng dành thời gian để tĩnh tâm trước khi làm bất cứ điều gì. Việc đó sẽ giúp bạn tránh gây ra hành động đáng tiếc như gửi email chỉ trích nặng nề.
Bạn có thể nói: “Bố mẹ biết con đang rất khó chịu và bố mẹ cũng buồn. Chúng ta cần bình tĩnh để có thể suy nghĩ xem nên làm gì tiếp theo”. Việc làm này sẽ giúp con bạn học được chiến thuật.
Tận dụng nó như một cơ hội giảng dạy
Ngay cả với một vấn đề nghiêm trọng, bạn có thể làm mẫu quy trình giải quyết tích cực cho con bằng cách cân nhắc các giải pháp và trao đổi với giáo viên. Thế tốt hơn là phàn nàn hoặc hung hăng.
Bạn có thể nói điều gì đó như: “Con hỏi thầy Smith xem có cách nào giải quyết vấn đề này không”. Việc làm này cho con bạn thấy rằng bạn đánh giá cao ý kiến của giáo viên.
Nhận xét một cách trân trọng
Bất kể bạn nghĩ gì, điều quan trọng là bạn phải nhận xét một cách tích cực và tôn trọng về giáo viên dạy con bạn, trường học và những đứa trẻ khác trước mặt con. Nếu bạn phàn nàn hoặc chỉ trích giáo viên/ những đứa trẻ khác và gia đình chúng, con bạn cũng bắt chước.
Đúng quy trình
Bạn nên trao đổi trực tiếp với giáo viên dạy con bạn, thay vì hiệu trưởng. Khiếu nại với hiệu trưởng có thể “chuyện bé xé ra to”. Tốt nhất là hẹn gặp giáo viên để bạn có thể trao đổi riêng.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vấn đề và độ tuổi của con, bạn có thể cho con tham dự cuộc họp này.
Tránh thái độ dè chừng
Khi có rắc rối, đôi khi mọi người cảm thấy dè chừng. Ví dụ, nếu bạn hoặc giáo viên cảm thấy bị chỉ trích, cả hai đều dễ sinh ra dè chừng.
Điều đó có thể cản trở việc giải quyết vấn đề, vì vậy, tốt nhất là trao đổi thẳng thắn quan điểm của bản thân với giáo viên. Ví dụ, ‘Tôi thấy việc cô phải dành thời gian ăn trưa ở sân chơi cùng Ethan là không khả thi. Nhưng tôi rất lo vì con cô đơn và không có ai để chơi cùng. Chúng ta phải làm sao để giúp con đây cô?”
Quy trình giải quyết vấn đề sử dụng trong cuộc họp với giáo viên
Nếu bạn quyết định gặp giáo viên để trao đổi về một vấn đề nghiêm trọng, các bước sau đây có thể giúp bạn và giáo viên hợp tác để có kết quả tích cực.
1. Xác định vấn đề
Hãy yêu cầu con làm rõ và cụ thể hóa vấn đề – ví dụ, chuyện gì đã xảy ra, mức độ thường xuyên, ai có liên quan và ai bị ảnh hưởng. Có thể biến chúng thành câu hỏi. Ví dụ, vấn đề “Làm thế nào để giúp Brenna kết bạn?” dễ giải quyết hơn là “Không ai chơi với Brenna”.
Bạn cũng nên hỏi giáo viên của con về vấn đề này. Qua đó, bạn xem xét tình huống từ quan điểm của người khác. Ví dụ, “Brenna nói không ai muốn chơi với con. Cô có thấy như vậy không?”
2. Xác định mong muốn, nhu cầu và mối quan tâm
Cho phép mọi người xác định nhu cầu, mong muốn và mối quan tâm của họ. Nếu bạn muốn giáo viên dạy con bạn đánh giá cao mối quan tâm của bạn, bạn nên thể hiện rằng bạn đánh giá cao vai trò của giáo viên.
Sử dụng các mẫu câu như “Tôi hiểu…”, “Tôi quan tâm đến…”, “Tôi cần…” và “Tôi muốn…”. Ví dụ, “Tôi hiểu rằng đó là một lớp học lớn, nhưng tôi lo Alistair bị bỏ rơi vì con không hiểu môn Toán”.
3. Hãy đưa ra giải pháp khả thi
Trao đổi với giáo viên để đưa ra càng nhiều giải pháp khả thi cho vấn đề càng tốt. Giáo viên dạy con bạn có rất nhiều kinh nghiệm xử lý các rắc rối. Họ cũng có những chiến thuật đã kiểm chứng hiệu quả. Điều quan trọng bây giờ là không đánh giá ý tưởng. Có như vậy thì cơ hội tìm ra giải pháp phù hợp cho vấn đề của con bạn mới tăng.
4. Đánh giá các giải pháp
Một khi bạn và giáo viên đã liệt kê càng nhiều ý tưởng càng tốt, hãy nghĩ về những lợi thế, bất lợi và hậu quả của từng giải pháp. Nếu một giải pháp có nhiều nhược điểm hoặc hậu quả tiêu cực hơn lợi thế, hãy gạch bỏ nó khỏi danh sách của bạn. Tiếp tục làm điều này cho đến khi chỉ còn các giải pháp hữu ích và khả thi.
Khi đó, điều quan trọng là phải thực tế. Ví dụ, sẽ là không hợp lý nếu mong đợi một giáo viên ngồi cùng con bạn trong các hoạt động khó khăn nhưng kỳ vọng giáo viên thường xuyên quan tâm đến con bạn là điều chính đáng.
5. Chọn và tiến hành một giải pháp
Chọn ý tưởng tốt nhất hoặc kết hợp các ý tưởng để thử nghiệm. Viết ra những gì bạn và giáo viên đã đồng ý, ai sẽ làm gì và khi nào. Quyết định cuộc hẹn tiếp theo với giáo viên để đánh giá hiệu quả của giải pháp. Tiến hành áp dụng giải pháp trong 1-2 tuần trước khi bạn nói về nó một lần nữa.
6. Đánh giá hiệu quả
Xem xét mọi ý kiến và ghi nhận những nỗ lực của bạn trong khi đánh giá hiệu quả của giải pháp:
• Điều gì hiệu quả?
• Điều gì chưa hiệu quả?
• Chúng ta có thể làm gì khác để cải tiến giải pháp?
Nếu vấn đề vẫn chưa được giải quyết hoặc khắc phục, bạn có thể cần phải kêu gọi sự hỗ trợ từ người khác để có các giải pháp khả thi. Những người này có thể bao gồm ban giám hiệu. Đó là một ý tưởng hay để cho giáo viên biết bạn muốn trao đổi với cả các nhân viên khác.
Đặng Thanh Hiền – Táo Trường Học dịch
Nguồn: raisingchildren