Phải làm sao khi con ghét trường học?

Khi con bạn bắt đầu ghét trường học, các chiến thuật này sẽ hỗ trợ con và đảm bảo kết quả tốt nhất đối với trường học. Một độc giả đã nhắn cho tôi vào tuần trước. Đây là một phiên bản câu chuyện của cô ấy.

0 1,679

Khi con bạn bắt đầu ghét trường học, các chiến thuật này sẽ hỗ trợ con và đảm bảo kết quả tốt nhất đối với trường học.

Một độc giả đã nhắn cho tôi vào tuần trước. Đây là một phiên bản câu chuyện của cô ấy.

Cô con gái 6 tuổi của tôi thức dậy ngay trước bình minh và tâm sự về bạn bè của con ở trường. Đôi mắt nâu to tròn của cô bé lấp lánh khi con kể lại những sự kiện của ngày hôm trước.

“Mẹ biết không, Abby được tặng quà sinh nhật là một máy chơi game rất to.”

“Ở trường, mỗi ngày khi con viết tên mình, con thêm một trái tim vào cuối. Thế là mọi người sẽ biết con đã kí tên!”

“Trong bữa trưa ngày hôm kia, Lane đẩy Charles. Lane gặp rắc rối nhưng con thì chỉ nghĩ cậu ấy đang có một ngày tồi tệ.”

Con kể với một sự sôi nổi đáng ngạc nhiên.

Con gái tôi tự lập từ bé. Ngày đưa con đến trường mẫu giáo, tôi tự nhủ mình sẽ phải “vận hết công lực” để dỗ nếu con khóc. Tôi sợ con sẽ nhớ hoặc cần tôi. Chính con đã hăm hở tự đi vào trường. Ngày hôm đó, con bước qua cánh cổng trường màu đỏ khổng lồ và không ngoái đầu lưu luyến.

Đó mới là xuất phát điểm.

Tôi lo lắng không biết con có thích nghi được với môi trường mới không. Hơn sáu tiếng đồng hồ ở trường dường như là quá dài đối với một đứa trẻ 5 tuổi. Nhưng khi tan trường về nhà, con vô cùng phấn chấn kể lại những câu chuyện về sự hài hước thái quá của cô giáo và tên những người bạn thân của con. Khi nhận thẻ phản hồi của con, tôi viết kín hơn hai trang để mô tả sự hòa đồng của cô bé. Con yêu trường học và điều đó thật tuyệt vời.

Cuối tuần, con nài nỉ được đến trường. Khi con bị ốm, tôi cảm thấy mình phải gắng hết sức để dỗ con ở nhà.

Con bắt đầu vào lớp Một và vẫn hào hứng như hồi đi mẫu giáo.

Khi con gái tôi bắt đầu ghét trường học …

Lần đầu tiên tôi cảm thấy có vấn đề là ngày tôi tình nguyện đến vườn bí ngô. Chúng tôi lội trong lớp bùn ngập đến mắt cá chân, giữa các hàng bí ngô màu cam và chưa chín hẳn. Tôi, con gái tôi và hai bạn nữ khác trong lớp con được phân công đảo qua từng quả bầu sáng bóng, tìm kiếm quả bí ngô hoàn hảo để chạm khắc. Đó là lúc cậu học sinh nhỏ nhất trong lớp của con gái tôi quyết định giở trò lựa bịp.

Cậu bỏ chạy.

Khi đó, tất cả những người hái bí ngô dừng tay, dõi theo giáo viên bắt đứa trẻ lại.

Và vấn đề xuất hiện đúng vào thời điểm đó.

Giáo viên bắt kịp đứa trẻ, nắm lấy cả hai tay nó, ấn nó quỳ xuống, lắc tay nó và hét lên: “Không! Chúng ta không làm thế! Không bao giờ.

Tôi chờ mong biện pháp kỷ luật và huấn luyện, chứ không phải cơn thịnh nộ. Tôi đã bị sốc.

Nhưng vì con gái tôi vẫn hạnh phúc ở trường, tôi không nói gì với bất cứ ai. Tôi kìm nén cảm xúc của mình và hy vọng điều tốt nhất.

Dần dần, con tôi – cô gái không bao giờ muốn nghỉ học – đã xin được nghỉ.

Sau đó, con nài nỉ.

Những câu chuyện về trường học của con vẫn là bạn bè và thành tích học tập. Nhưng giờ thì có thêm chuyện cô giáo la hét và viết tên những đứa trẻ không nghe lời lên bảng.

Một ngày nọ, câu nói định mệnh mà tôi chưa từng nghĩ sẽ được nghe, cuối cùng cũng đến.

“Con ghét trường học.”

Mặc dù chuyện này đã có dấu hiệu từ lâu, tôi vẫn cảm thấy quá bất ngờ. Đứa con chín chắn của tôi thẳng thừng bày tỏ thái độ đối với trường học. Tôi không biết nói sao. Tôi muốn giúp con giúp giải quyết vấn đề ghét trường học. Nhưng tôi không muốn làm chuyện trở nên nghiêm trọng hơn. Tôi sợ nói chuyện với giáo viên sẽ chỉ tạo thêm áp lực cho con. Tôi không biết phải làm gì.

Phải làm sao khi trẻ em ghét trường học?

Mẹ tôi, một cựu hiệu trưởng, hiện đang giảng dạy tại Khoa Giáo dục của một trường đại học ở địa phương, đã cùng tôi giải đáp thắc mắc của độc giả trên. Dưới đây là lời khuyên tốt nhất dựa trên kinh nghiệm nuôi dạy con cái tích cực của tôi và kinh nghiệm giáo dục hơn 40 năm của mẹ tôi.

  1. Lắng nghe tích cực và phản hồi với những gì con nói

Khi con chúng ta sử dụng những từ ngữ nặng nề để mô tả ai đó hay điều gì đó, phản ứng của chúng ta thường là: “Không, con không nên.” Khi chúng ta áp đặt cảm nhận của con, con sẽ thấy bức bối và “giận cá chém thớt”. Các tác giả của Nói sao cho trẻ chịu nghe và Nghe sao cho trẻ chịu nói, Faber và Mazlish nói rằng tốt nhất là cố gắng thấu hiểu ngay cả những lời nặng nề nhất.

Tránh các phản hồi áp đặt như:

  • “Nhưng con vẫn luôn yêu trường mà,”
  • “Con sẽ vượt qua thôi,”
  • “Con có bạn mà,”
  • “Đừng nói con ghét.”

Thay vào đó, hãy trả lời với sự hiểu biết. Điều này sẽ giúp con bạn bình tĩnh nhanh hơn. Bạn có thể nói:

  • “Bố/ mẹ biết con đang thực sự khó chịu,”
  • “Thật là bực bội nhỉ,”
  • “Con cảm thấy tổn thương phải không?”
  • “Điều đó thật tệ, phải không con?”

Lắng nghe cho đến khi con bạn kể hết sự tình. Yêu cầu con bạn vẽ hoặc ghi lại cảm nhận để giải tỏa cảm xúc và giúp con tự chủ hơn.

Khuyến khích trẻ ghi chép hoặc vẽ lại cảm xúc của mình về trường học. Điều này cung cấp các tình huống và thông tin chi tiết về cảm xúc của con.

  1. Đừng thêm dầu vào lửa. Hãy bày tỏ quan điểm một cách tích cực về nhà trường và giáo viên.

Sự đồng cảm cho phép con bạn nói ra tất cả cảm xúc tiêu cực. Nhưng chúng ta làm thế để có thể phân tích cảm xúc của trẻ chứ không phải cổ vũ con có thái độ tệ hơn. Không nên nhầm lẫn đồng cảm với “thêm dầu vào lửa”. Trong trường hợp đồng cảm, phụ huynh chỉ diễn đạt lại những gì đứa trẻ đã nói bằng cách khác. Ví dụ: Trẻ em: “Con ghét trường học.” Phụ huynh: “Con thực sự tức giận. Điều đó thật khó khăn cho con.”

Ngược lại, thêm dầu vào lửa tức là đứa trẻ nói: “Tôi ghét trường học.” và phụ huynh đáp: “Bố/ mẹ thấy giáo viên của con cư xử thật thô lỗ trong buổi đi hái bí ngô. Bố/ mẹ cũng không thích cô ấy.”

Chúng ta phải thể hiện thái độ càng tích cực càng tốt để con cảm thấy được tự chủ giải quyết các vấn đề hàng ngày ở trường tốt nhất có thể.

  1. Đọc sách và thay đổi nhận thức.

Các câu chuyện giúp trẻ em hiểu rõ hơn về cảm xúc của bản thân và cụ thể hóa các giải pháp.

  1. Sắp xếp một cuộc họp trực tiếp với giáo viên để giải quyết các mối bận tâm của bạn.

Email rất tiện lợi cho các cuộc trao đổi ngắn hoặc đặt lịch hẹn. Tuy nhiên, vấn đề có thể dễ dàng bị hiểu sai. Sắp xếp một cuộc gặp mặt trực tiếp với giáo viên.

Khi gặp giáo viên, hãy nhớ rằng có thể con bạn nói đúng, nhưng còn tùy bối cảnh. Hãy khách quan và đặt câu hỏi để hiểu rõ hơn tình huống của con. Bày tỏ thiện chí với giáo viên để có kết quả tốt nhất. Giáo viên này có thể sẽ phụ trách con bạn cho đến hết năm. Trình bày với giáo viên những nghi ngại của mình sẽ khiến mọi chuyện suôn sẻ hơn.

  1. Nếu tất cả mọi giải pháp đều không hiệu quả, hãy nói chuyện với hiệu trưởng.

Đây là phương án cuối cùng, sau gặp giáo viên. Tránh đề cập với giáo viên về một vấn đề trong lớp học của anh/ cô ấy thì tốt hơn. Song, hầu hết các hiệu trưởng đều yêu cầu bạn gặp giáo viên trước. Cuộc họp với hiệu trưởng là nơi bàn đến những chuyện như cho con chuyển lớp hoặc các giải pháp toàn diện hơn.

Có hy vọng.

Thật phiền lòng khi thấy một đứa trẻ ghét đi học. Tin vui là có những giải pháp thực tiễn để cải thiện thái độ của con bạn về trường học. Là phụ huynh, điều quan trọng là phải phản hồi với sự hiểu biết, tôn trọng trẻ em và giáo viên. Ấn tượng của trẻ về trường học có thể kéo dài suốt đời. Vì vậy điều quan trọng là con tôi thích đi học.

Alana Pace

Táo trường học dịch

Leave A Reply

Your email address will not be published.