3 chiến thuật hiệu quả giúp trẻ bình tĩnh dành cho phụ huynh

0 14,630

Có một hôm, con trai tôi đánh mất sự bình tĩnh. Nó thở hổn hển trong nước mắt và tất cả chỉ vì một hộp pizza bị bay mất miếng. Chúng tôi đã ra ngoài ăn tối và khi lên xe, chồng tôi đặt hộp bánh pizza còn dư lên xe. Chúng tôi lái xe đi và (thật bất ngờ!) chiếc hộp bay khỏi đầu xe.

Chồng tôi nói “Ôi”, tôi đã phản ứng kiểu “Thôi xong” và con trai tôi hoàn toàn mất kiểm soát. Cả đường về nhà, nó khóc nức nở. Giữa chừng, trong hơi thở gấp gáp, con nói: “Con… không… thể… ngừng… khóc!” khiến chúng tôi hoàn toàn bất ngờ vì trước hết, con không thích pizza cho lắm và thứ hai, đó chỉ là chuyện vặt.

Đôi khi, những điều dường như không đáng kể đối với chúng ta lại to tát đối với con trẻ và khi chúng rơi vào tình huống khó khăn, nơi cảm xúc nắm quyền kiểm soát, có thể mất một thời gian để chúng bình tĩnh lại.

Xem thêm: Cha mẹ điềm tĩnh có thể giúp trẻ em xử lý sự thất vọng tốt hơn

Con bạn đã bao giờ nói rằng chúng không thể ngừng khóc chưa? Hoặc thất vọng đến nỗi cảm thấy bị đả kích? Hoặc run rẩy mất kiểm soát?

Dưới đây là ba lời khuyên ngắn gọn của tôi để giúp đỡ trẻ vượt qua cơn bùng phát cảm xúc.

1. Thả lỏng cơ mặt ra nào!

Trẻ nhỏ nghĩ mọi thứ là cố định và không thể thay đổi, chúng cũng nhìn nhận cảm xúc theo hướng đó. Chúng không nhận ra hoặc đôi khi không nhớ rằng điều chúng đang cảm thấy sẽ không tồn tại mãi mãi.

Chúng cũng cần được nhắc nhở rằng chúng có thể kiểm soát cảm xúc của bản thân.

Khi con trai tôi gắt gỏng hoặc cáu kỉnh, tôi luôn sử dụng thủ thuật này.

Đầu tiên, tôi gọi tên cảm xúc. Tôi nói: “Hôm nay con có vẻ gắt gỏng. Con có nhớ rằng mình thay đổi được cái nhíu mày đó không? Con có thể khiến khuôn mặt gắt gỏng đó trở nên hạnh phúc không?” Sau đó, tôi chứng minh bằng cách diễn tả cường điệu một cái nhíu mày và một nụ cười. Chúng tôi biến việc đó thành một trò chơi cho đến khi con quen với việc chuyển từ trạng thái khó chịu sang vui vẻ. Tôi dẫn dắt con bằng cách nói “Con đã làm được rồi đấy! Con đảo lộn cái nhíu mày của chính mình! Con đã thay đổi cách cảm nhận bên trong. Con có cảm thấy tốt hơn không? Nào, bây giờ thì hãy tận hưởng một ngày tuyệt vời đi nhé!” Thực sự có khá nhiều nghiên cứu cho thấy việc cố gắng nở nụ cười khiến bạn cảm thấy hạnh phúc hơn, thậm chí có thể giảm căng thẳng.

2. Thổi nến sinh nhật!

Đôi khi cảm xúc thực sự mất kiểm soát và giữa lúc khóc hoặc nổi cơn thịnh nộ, bạn có thể thấy con bạn thực sự không sao bình tĩnh nổi. Con trai tôi thậm chí đã nói trước rằng “Con không thể ngừng khóc!”

Trong những tình huống này, điều tốt nhất bạn có thể làm là giúp con điều hòa nhịp thở.

Nhưng khi con thực sự buồn bã, đôi khi chỉ nói rằng “Hãy hít thở thật sâu” là chưa đủ. Việc cùng con điều hòa nhịp thở có thể hữu ích, đặc biệt nếu bạn tập thở vào những lúc khác. Ví dụ, trước khi đi ngủ, tôi thường hát một “bài ca thư giãn” và một phần của nó là hít thở sâu ba lần. Tôi đặt tay lên bụng con và dạy con đưa hơi thở vào bụng sao cho tay tôi nâng lên hạ xuống.

Khi bọn trẻ thực sự buồn bã, bạn có thể cần một cái gì đó cụ thể hơn mà chúng có thể tưởng tượng để thở. Tôi đã thấy các kỹ thuật khác nhau như thổi bong bóng hoặc nến sinh nhật. Nến đã phát huy hiệu quả cao nhất đối với chúng tôi. Tôi giơ một ngón tay lên và nói “Thổi tắt nến và thở”! Có lần con thổi vài cái, tôi giả vờ làm động tác ngón tay “rơi xuống” và con bật cười trong khi mắt vẫn còn đỏ hoe. Một khi con trẻ bình tĩnh lại, bạn có thể bắt đầu xử lý cảm xúc. Hơi thở giúp đẩy lùi phản ứng căng thẳng đi kèm với những cảm xúc nặng nề, cho phép trẻ bình tĩnh trở lại.

3. Ném quả bóng tức giận đó đi!

Những cảm xúc như tức giận và thất vọng, với tần suất phù hợp, có thể thực sự hữu ích. Nỗi thất vọng có thể giúp trẻ em kiên trì với nhiệm vụ cho đến khi hoàn thành và gia tăng quyết tâm. Nhưng quá nhiều thất vọng và tức giận thì phản tác dụng. Hầu hết trẻ em thường tức giận vì mục tiêu của chúng bị cản trở bằng cách nào đó. Khó khăn có thể đến từ chính mục tiêu hoặc do bạn ngăn cấm con (có lẽ vì lý do chính đáng) hoặc một số chướng ngại khác.

Bạn không muốn coi sự tức giận và thất vọng là tiêu cực vì chúng có thể tốt với tần suất phù hợp.

Đầu tiên, gọi tên cho cảm xúc. “Con có vẻ tức giận/ thất vọng. Có phải vì con không thể ___? Bố/ mẹ thấy một quả bóng giận dữ to đùng trong con! Quá nhiều sự tức giận! Hãy ném nó đi!” Ngay sau đó, tôi làm mẫu bằng cách ném một quả bóng tưởng tượng mạnh hết sức có thể.

Điều này giúp con trẻ giải phóng phần nào cơn tức giận bằng cách giả vờ ném. Một khi con đã thực hiện cú ném mạnh nhất có thể, con thường cảm thấy tốt hơn một chút. Nhưng tôi không muốn con đánh mất quyết tâm. Vì vậy, nếu đó là việc mà con có thể làm, tôi sẽ khuyến khích con thử lại. Nếu đó là việc mà con không nên làm, tôi định hướng cho con làm việc khác hoặc giải thích lý do chúng ta không thể làm việc đó.

Trên đây là ba lời khuyên ngắn gọn của tôi để giúp con trẻ bình tĩnh và điều chỉnh cảm xúc. Một khi con bạn bình tĩnh trở lại, hãy nói chuyện với chúng về cảm xúc mà chúng đang nhận thấy. Gọi tên cảm xúc và giúp con hiểu tại sao con cảm thấy như vậy. Sau đó, hãy nói về những gì con có thể thử vào lần tới hoặc coi đây là một cơ hội để thấu hiểu con bạn hơn và những yếu tố khiến con bị kích thích.

Hãy nhớ rằng cảm xúc không xấu – chúng ta không muốn thoát khỏi cảm xúc mà muốn điều chỉnh chúng. Cảm xúc là năng lượng thô. Chúng ta phải dạy con cái cách khai thác nguồn năng lượng đó để có thể kiên trì, hình thành động lực và đạt được mục tiêu.

Ashley Soderlund

Đặng Thanh Hiền – Táo Trường Học dịch

Leave A Reply

Your email address will not be published.