Tình bạn tuổi teen

Khi con bạn bước vào tuổi thiếu niên, bạn bè sẽ trở nên quan trọng hơn. Những tình bạn đẹp dựa trên sự đồng cảm và hỗ trợ lẫn nhau là một phần quan trọng trong hành trình trưởng thành của con bạn.

0 3,018

Khi con bạn bước vào tuổi thiếu niên, bạn bè sẽ trở nên quan trọng hơn. Những tình bạn đẹp dựa trên sự đồng cảm và hỗ trợ lẫn nhau là một phần quan trọng trong hành trình trưởng thành của con bạn.

Tại sao tình bạn tuổi teen trở nên quan trọng?

Đối với thanh thiếu niên, những người bạn tốt giống như một nhóm hỗ trợ cá nhân. Bạn bè và tình bạn cho thanh thiếu niên:

  • cảm giác thân thuộc, được coi trọng và giúp phát triển sự tự tin
  • cảm giác an toàn và thoải mái khi ở bên những người có cùng trải nghiệm với mình
  • thông tin về những thay đổi thể chất và tinh thần mà tuổi dậy thì mang lại
  • một cách để va chạm với các giá trị, vai trò, cá tính và ý tưởng khác nhau
  • kinh nghiệm hòa đồng với những người khác giới
  • cơ hội trải nghiệm tình yêu mới lớn
  • một nhóm xã hội để thử những điều mới lạ, đặc biệt là những việc mà ở nhà không được phép làm.

Tình bạn tích cực là một phần quan trọng trong hành trình đến tuổi trưởng thành. Chúng giúp thanh thiếu niên học các kỹ năng xã hội và cảm xúc quan trọng, như thấu hiểu suy nghĩ và cảm xúc của người khác.


Giúp con bạn hình thành các kỹ năng kết bạn

Thanh thiếu niên có thể tập trung vào bạn bè của họ nhưng vẫn cần sự giúp đỡ và hỗ trợ của bạn để củng cố và duy trì tình bạn đẹp.

Mối quan hệ tốt giữa cha mẹ và con cái có xu hướng dẫn đến việc trẻ có mối quan hệ tích cực với bạn bè đồng trang lứa. Vì vậy, hãy hỗ trợ, kết nối và tích cực lắng nghe con bạn để có thể giúp con phát triển các kỹ năng kết bạn. Bạn sẽ cùng con tháo gỡ những rắc rối trong tình bạn.

Làm gương cho con cũng là điều quan trọng. Cha mẹ biết trân trọng tình bạn của họ nhiều khả năng sẽ định hướng cho con có những mối giao hảo lành mạnh. Bạn cũng cần cho con thấy cách kết bạn sao cho thiện cảm và tình bạn là một mối quan hệ hai chiều.

Khen ngợi con khi bạn thấy chúng đối xử công bằng, tin tưởng và hỗ trợ lẫn nhau, khuyến khích chúng duy trì những đặc điểm xã hội tích cực đó.

Làm quen với bạn bè của con để con thấy rằng bạn tôn trọng tình bạn đó. Bạn có thể khuyến khích con kết bạn và cho chúng một không gian trong nhà mình để tâm sự và vui chơi.

Giúp đỡ những thanh thiếu niên gặp khó khăn trong việc kết bạn

Mỗi đứa trẻ là một thực thể khác biệt. Không phải đứa trẻ nào cũng hướng ngoại và quảng giao. Nếu con bạn như thế nhưng nhìn chúng có vẻ hạnh phúc và hài lòng thì bạn không cần phải làm gì cả.

Tuy nhiên, nếu con bạn gặp khó khăn trong việc kết bạn và lo lắng về điều đó, bạn có thể làm cùng con vài điều:

  • Tìm hiểu sở thích và điểm mạnh của con bạn. Từ đó, bạn có thể cho con lựa chọn các hoạt động ngoại khóa mới hoặc khuyến khích con tham gia một câu lạc bộ, đội thể thao hoặc nhóm xã hội. Gặp gỡ những người có chung sở thích là một cách tuyệt vời để bắt đầu tình bạn và xây dựng sự tự tin.
  • Dành thời gian với gia đình và bạn bè. Lên kế hoạch cho một bữa tiệc nướng hoặc đi chơi, nơi con bạn có thể kết thân với những người đã quen biết.
  • Giúp con bạn lên kế hoạch cho một hoạt động với bạn bè. Có thể là xem phim, tiệc ngủ hoặc uống trà chiều tại nhà, chơi thể thao ở công viên gần nhà.
  • Hãy chắc chắn rằng con bạn cảm thấy thoải mái khi mời bạn bè về nhà và cho con một không gian đủ tự do.
  • Suy nghĩ về một công việc bán thời gian hoặc hoạt động tình nguyện. Làm việc, đặc biệt trong môi trường có các nhân viên hoặc tình nguyện viên trẻ khác, tạo cơ hội cho con bạn thực hành các kỹ năng xã hội cũng như tích lũy kinh nghiệm cho tương lai.
  • Cố gắng tìm hiểu xem con gặp những khó khăn gì khi kết bạn, như thiếu cơ hội, thiếu kỹ năng xã hội cụ thể hoặc thiếu tự tin. Sau đó suy nghĩ về các cách kết bạn. Bạn có thể muốn lắng nghe lời khuyên từ các chuyên gia cho các vấn đề phức tạp.
  • Khen ngợi và khích lệ con để hình thành lòng tự trọng. Cố gắng không gây áp lực cho con về việc kết bạn hoặc liên tục thảo luận về chuyện này.

Không phải tất cả các mối quan hệ bạn bè đều tích cực hoặc tốt cho trẻ em. Các mối quan hệ tiêu cực gọi là “tình bạn gây hại” và những người bạn như thế gọi là “bạn xấu”. Con bạn có thể cần được giúp đỡ để tránh hoặc đối phó với tình bạn độc hại.


Thấu hiểu sự cân bằng giữa bạn bè và cha mẹ

Thanh thiếu niên dành ít thời gian cho cha mẹ và nhiều thời gian hơn cho bạn bè. Một số phụ huynh lo lắng rằng những tình bạn mãnh liệt sẽ lấn át tình cảm gia đình.

Nhưng con bạn không thể sống thiếu bạn. Quan tâm và luôn bên con khi con cần. Khi những đứa con trưởng thành hơn, chúng cũng sẽ đỡ đần cha mẹ.

Thanh thiếu niên chia sẻ và bắt chước bạn bè rất nhiều. Ví dụ, thanh thiếu niên có thể thay đổi hành vi, ngoại hình hoặc sở thích của mình để cho thấy rằng họ thuộc về một nhóm bạn nhất định. Những thay đổi này thường chỉ là thử nghiệm. Chừng nào con bạn không phá phách hay làm gì nguy hiểm thì những điều đó thực sự có thể là dấu hiệu tích cực cho thấy con bạn được hỗ trợ và đủ tự tin để thử điều gì đó mới.

Cha mẹ và bạn bè đóng những vai trò khác nhau trong cuộc sống của thanh thiếu niên. Bạn ảnh hưởng đến những quyết định dài hạn của con bạn, như các giá trị và đạo đức. Bạn bè của con bạn nhiều khả năng ảnh hưởng đến các lựa chọn ngắn hạn, như ngoại hình và sở thích. Mối quan hệ mạnh mẽ với cả cha mẹ và bạn bè giúp thanh thiếu niên trưởng thành với các kỹ năng xã hội mạnh mẽ.


Tình bạn tuổi teen như thế nào?

Trong những năm đầu tuổi thiếu niên, tình bạn trở nên mãnh liệt, gần gũi và bền chặt hơn. Số lượng bạn bè mà thanh thiếu niên tiếp xúc sẽ tăng lên.  

Tình bạn tuổi teen có xu hướng dựa trên sự tương đồng, chấp nhận và chia sẻ cá nhân. Tình bạn đồng giới là tiêu chuẩn trong những năm đầu trung học. Tuy nhiên, khi lớn lên, nhiều thanh thiếu niên cũng kết bạn với người khác giới.

Con gái có xu hướng thân nhau thông qua trò chuyện còn con trai thường thích chia sẻ các hoạt động. Nhưng nhiều nam sinh cũng ưa các cuộc trò chuyện sâu sắc và nhiều nữ sinh lại thích đi chơi và làm việc cùng nhau.

Internet cho phép thanh thiếu niên thực hiện và duy trì tình bạn thông qua phương tiện truyền thông xã hội. Tuy nhiên, họ sẽ tự nhiên mong muốn mở rộng các mối quan hệ ngoài đời thực.

Đặng Thanh Hiền – Táo Trường Học dịch ǀ Nguồn: raising children

Leave A Reply

Your email address will not be published.