Tôi vừa là phụ huynh và cũng là giáo viên

Bài viết này là những điều mà tôi suy ngẫm khi đặt mình vào vị trí của các anh chị - những người vừa phải đảm nhận vai trò một người giáo viên cũng đồng thời là một người mẹ trong cùng một thời điểm:

0 2,670

Nếu bạn vừa trong vai trò của một giáo viên đồng thời cũng là một phụ huynh, bạn có thể một sự khó chịu không hề nhẹ vì những triết lý và thái độ mà bạn nắm giữ khi cha mẹ đôi khi xung đột với những suy nghĩ và giá trị của một giáo viên. Tôi nghĩ rất nhiều về điều này, và tôi cảm thấy rằng những cảm xúc trong con người tôi đang càng ngày càng xa nhau.

Đây là vài ví dụ:

Tôi, là phụ huynh, rất quan tâm đến điểm thi của con mình. Vì tôi không biết chính xác điều gì đang diễn ra trong lớp học và ở trường. Điểm số là cách duy nhất để tôi có thể biết được sự tiến bộ của con. Nói gì thì nói tôi vẫn cảm thấy vui và tự hào khi con được điểm cao. Tôi vẫn hãnh diện với bạn bè, đồng nghiệp khi con tôi là học sinh giỏi được tham gia những gì thi quốc gia quốc tế hay được nhận những giải thưởng, những suất học bổng.

Tôi, là giáo viên, tôi ghét phải dạy rồi cho học sinh làm bài kiểm tra. Tôi thực sự ghét nó. Tôi cố gắng dạy để học sinh có thể đáp ứng được tiêu chuẩn cơ bản đủ để làm tốt bài kiểm tra. Nhưng thực sự tôi không quan tâm về điểm số trừ khi nó quá thấp. Tôi luôn muốn cho các con biết rằng còn nhiều điều cần phải học hơn là một bài kiểm tra. Tôi muốn các con có được những trải nghiệm mới trong lớp học hơn là những con số vô hồn. Tôi muốn con được phát triển tư duy sáng tạo, khả năng phản biện hơn là cố gắng học thuộc để trả bài một cách máy móc. Tôi muốn con có năng lực giao tiếp, khả năng thấu cảm, biết yêu thương và chia sẻ thực sự chứ không phải là những bài viết với ngôn từ bóng bẩy khoa trương.

Tôi, là cha mẹ, không muốn có nhiều bài tập ở nhà. Tôi có công việc riêng của mình và chúng tôi cũng phải làm việc ở nhà. Tôi không thích lắm các bài tập, các dự án học tập trong đó giáo viên bắt tôi phải tham gia cùng con. Không có gì tồi tệ hơn khi giáo viên bắt tôi và con xem một bộ phim truyền hình đi kèm với các yêu cầu trong dự án học tập.

Tôi, giáo viên, muốn có môi trường học tập tốt nhất có thể, vì vậy tôi cố gắng tạo nên các dự án học tập càng thường xuyên càng tốt. Tôi thích nhìn thấy cách tiếp cận các dự án mà có sự hỗ trợ của cha mẹ. Tôi ghét các bài tập về nhà vì hầu hết trẻ em không làm tốt công việc đó, nhưng tôi vẫn gửi về nhà nhiều vì chúng không thể làm tất cả trên lớp. Tôi muốn phụ huynh để giúp con, đồng hành cùng con trong việc học.

Tôi, là cha mẹ, muốn con trở thành một công dân tốt trong lớp và sống hòa hợp, thân ái với người khác. Tôi muốn thầy cô là người giúp con biết cách cư xử và hành vi thân thiện ở trường và ngoài xã hội. Tôi kì vọng ở thầy cô giáo và giao phó trách nhiệm cho thầy cô.

Tôi, là giáo viên, muốn giúp phụ huynh trong việc trở thành một người bạn tuyệt vời của con ở trường và giúp con trở thành công dân tốt trong tương lai. Tôi có thể tạo dựng và củng cố các hành vi tích cực, nhưng tôi muốn chính phụ huynh phải là người đầu tiên dạy con những điều đó. Tôi muốn phụ huynh đừng phó mặc toàn bộ việc giáo dục con cho các thầy cô giáo.

Tôi, là cha mẹ, muốn con học những chuyên ngành đang hot, giỏi toán, lí, hóa, thi vào các trường đại học danh tiếng, có một công việc lương cao, sống cuộc sống an nhàn hạnh phúc, được mọi người tôn trọng. Tôi muốn con sẽ là một đứa trẻ ngoan, biết nghe lời, luôn làm theo những điều tôi mong muốn, hiểu được những gì tôi kì vọng.

Tôi, giáo viên, muốn các con sống mạnh mẽ, có niềm tin và lí tưởng, biết yêu thương và chia sẻ, có hoài bão và đam mê. Tôi muốn học sinh của tôi dũng cảm, dám tin vào bản thân, dám vượt ra khỏi những giới hạn an toàn, dám thử thách bản thân mình, dám thách thức mọi trở ngại. Tôi muốn con dám vượt ra khỏi những khuôn khổ, những ràng buộc và định kiến của xã hội, tạo dựng những giá trị mới cho cuộc sống của chính con, của thế hệ những học sinh như con và của xã hội tương lai.

Khối mâu thuẫn này là một phần quan trọng của mối quan hệ gia đình – trường học. Một cuộc trò chuyện, một bài viết chắc chắn không thể giải quyết hết được. Chúng tôi là những nhà giáo dục, chúng tôi có sự hiểu biết về trách nhiệm của bản thân cũng như của phụ huynh. Nhưng khi tôi ở vị thế của phụ huynh dường như chính tôi lại mâu thuẫn với mình, chính tôi cũng không hiểu được rằng tôi đang muốn điều gì ở con và ở các thầy cô. Chính tôi cũng đang mắc kẹt giữa hai vai trò ở trong một nền giáo dục hỗn loạn. Và tôi nhận ra sự khủng hoảng đang đến từ chính tôi, những mâu thuẫn về giá trị đang nằm chính trong trái tim và khối óc của mình.

Tôi nhận thấy một khoảng cách khá xa giữa những gì thầy cô mong muốn ở cha mẹ và những gì cha mẹ kì vọng ở thầy cô. Tôi cũng cảm rất buồn khi những học sinh đang làm tốt những gì tôi dạy trên lớp nhưng lại không đạt được những kì vọng của cha mẹ chúng. Liệu học sinh của tôi có đáng phải trả giá cho việc này? Có công bằng cho những gì mà người lớn chúng ta đang nhân danh? Đã có những lúc tôi thấy mình là một phụ huynh tồi khi không có thời gian đồng hành cùng con. Vậy mà trên lớp và trong các cuộc họp phụ huynh tôi vẫn nói rằng phụ huynh cần hỗ trợ con trong quá trình học tập, phải đồng hành và làm bạn cùng con.

Có lẽ những cuộc đối thoại như thế này cần phải có thường xuyên hơn, cho dù là chỉ diễn ra trong nội tâm. Dường như cuộc sống gia đình của một đứa trẻ đang ngày càng phức tạp hơn. Còn hệ thống trường học với những mong muốn và kì vọng thì đan xen, chồng chéo. Tôi nghĩ đó thực sự là một vấn đề. Tôi đã và đang ở cả hai vị trí. Tôi hiểu sự thất vọng của một giáo viên khi thấy phụ huynh không quan tâm gì đến con, nhưng chính tôi cũng vậy, cuộc sống bận rộn dẫn dắt tôi đi khiến tôi cảm thấy có lí do cho mọi chuyện. Đôi khi tôi yêu cầu phụ huynh đọc sách cùng con, hoặc giúp đỡ con trong các dự án, và trong cùng một ngày tôi đã chẳng hỏi cậu con trai của tôi về những gì xảy ra ở trường, tôi chẳng có đến 5 phút để nói chuyện với con nói chi đến việc đọc sách và hoàn thành các dự án mà giáo viên đã giao.

Chẳng lẽ câu chuyện này bế tắc vậy sao? có lẽ phải có giải pháp chứ? Có một giải pháp? Đó là sự đồng cảm hơn giữa cha mẹ, thầy cô và nhà trường. Điều có thể tạo ra tác động lớn cho sự trưởng thành và hoàn thiện của mỗi đứa trẻ. Trong mối quan hệ đó, cha mẹ có thể thành thật hơn với giáo viên, cho biết thời gian và khả năng họ có thể hỗ trợ con ở nhà, và có một kế hoạch, một lộ trình để thực hiện nó. Tôi nghĩ rằng cả hai bên cần có những cam kết và dũng cảm hơn trong việc nhận trách nhiệm thay vì đổ lỗi và trút mọi thứ lên đầu trẻ nhỏ. Tôi muốn sự đồng cảm và chia sẻ sẽ mang đến hạnh phúc và thành công thực sự cho đứa trẻ trong tương lai.

Nguyễn Hữu Long

Leave A Reply

Your email address will not be published.