10 cách giúp con bạn thành công ở trường tiểu học

0 1,975

Sự hỗ trợ từ cha mẹ là chìa khóa để con trẻ học tập tốt. Dưới đây là 10 phương pháp giúp cha mẹ định hướng con hoàn thành tốt các nhiệm vụ ở trường.

1. Tham dự ngày hội tựu trường và các cuộc họp phụ huynh

Trẻ em học tốt hơn ở trường khi cha mẹ quan tâm đến đời sống học tập của chúng. Tham dự ngày hội tựu trường vào đầu năm học là một cách tuyệt vời để tìm hiểu giáo viên của con bạn và kỳ vọng của họ. Ban giám hiệu nhà trường cũng có thể thảo luận về các chương trình và chính sách của toàn trường.

Tham dự các cuộc họp phụ huynh là một cách khác để nắm bắt thông tin. Các cuộc họp thường được tổ chức một vài lần trong năm học, thông thường  vào cuối các học kỳ. Các buổi họp này là cơ hội để bắt đầu hoặc tiếp tục trao đổi với giáo viên của con bạn và thảo luận về các chiến thuật tạo động lực cho con bạn khi đến lớp. Việc thường xuyên liên lạc với giáo viên cũng cho con bạn biết rằng cha mẹ nắm được tình hình trên lớp của chúng.

Nếu con bạn có nhu cầu học tập đặc biệt, bạn có thể lên lịch họp riêng với giáo viên và nhân viên khác trong trường để xem xét việc thiết lập hoặc điều chỉnh các kế hoạch giáo dục cá nhân (IEP), kế hoạch giáo dục 504 hoặc kế hoạch giáo dục năng khiếu.

Hãy nhớ rằng cha mẹ hoặc người giám hộ có thể yêu cầu các cuộc họp với giáo viên, hiệu trưởng, cố vấn học tập hoặc nhân viên khác của trường bất cứ lúc nào trong năm học.

2. Ghé thăm trường và cập nhật thông tin trên trang web của trường

Nắm rõ khuôn viên trường học có thể giúp con dễ kể chuyện trường lớp cho bạn hơn. Thật tốt khi biết vị trí của văn phòng chính, phòng y tế, nhà ăn, nhà thể chất, sân vận động, sân chơi, khán phòng và các lớp học đặc biệt.

Trên trang web của trường, bạn có thể tìm thấy thông tin về:

  • lịch học
  • thông tin liên lạc của nhân viên
  • các sự kiện sắp tới
  • các kỳ kiểm tra

Nhiều giáo viên lập trang web riêng để thông báo chi tiết bài tập về nhà, ngày kiểm tra và các sự kiện cũng như chuyến tham quan của lớp. Tài liệu đặc biệt dành cho phụ huynh và học sinh cũng thường có sẵn trên các trang web của nhà trường hoặc giáo viên.

3. Hỗ trợ con làm tập về nhà

Bài tập về nhà củng cố và mở rộng việc học trên lớp, giúp trẻ thực hành các kỹ năng học tập quan trọng. Nó cũng giúp con hình thành ý thức trách nhiệm và đạo đức – những điều này sẽ mang lại lợi ích cho con khi bước ra khỏi lớp học.

Ngoài việc cho con bạn biết rằng bạn xem bài tập về nhà là ưu tiên hàng đầu, bạn có thể giúp con bằng cách tạo ra một môi trường học tập hiệu quả. Bất kỳ không gian làm việc đủ ánh sáng, thoải mái và yên tĩnh với các vật dụng cần thiết sẽ hữu ích với con. Tránh gây xao nhãng (tiếng ti vi chẳng hạn) và thiết lập thời gian hoàn thành bài tập cũng là những giải pháp tốt.

Một nguyên tắc tốt giúp con làm bài tập về nhà hiệu quả là tăng dần 10 phút khi con lên một lớp ở bậc tiểu học. Chẳng hạn, học sinh lớp bốn sẽ có khoảng 40 phút làm bài tập về nhà vào buổi tối. Nếu bạn thấy con thường mất nhiều thời gian hơn so với nguyên tắc này, hãy trao đổi với giáo viên của con.

Trong khi con bạn làm bài tập về nhà, hãy sẵn sàng để giải thích, hướng dẫn, trả lời các câu hỏi và kiểm tra mức độ hoàn thành của con. Nhưng bạn cần hạn chế cầm tay chỉ việc. Học hỏi từ những sai lầm là một phần của quá trình và con bạn cần trải nghiệm nó.

4. Chuẩn bị cho con sẵn sàng đến trường 

Một bữa sáng bổ dưỡng cung cấp năng lượng cho trẻ và giúp chúng sẵn sàng hoạt động cả ngày. Nói chung, những đứa trẻ ăn sáng có nhiều năng lượng hơn và học giỏi hơn ở trường. Trẻ em được ăn sáng đầy đủ cũng ít khi nghỉ học hoặc xin xuống phòng y tế vì đau dạ dày hoặc đói.

Bạn có thể tăng cường khả năng chú ý, tập trung và trí nhớ của trẻ bằng cách cung cấp thực phẩm giàu ngũ cốc, chất xơ, protein nhưng ít đường cho bữa sáng. Nếu con bạn đi học muộn vào một số buổi sáng, hãy chuẩn bị sẵn cho con trái cây tươi, các loại hạt, sữa chua hoặc một chiếc sandwich phết bơ đậu phộng kẹp chuối. Nhiều trường cung cấp bữa sáng bổ dưỡng trước khi vào học.

Trẻ cũng cần ngủ đủ giấc để tỉnh táo và sẵn sàng học cả ngày. Hầu hết trẻ em ở độ tuổi đi học cần ngủ 10-12 giờ mỗi đêm. Khó khăn khi đi ngủ có thể phát sinh ở tuổi này vì nhiều lý do. Bài tập về nhà, chơi thể thao, các hoạt động sau giờ học, ti vi, máy tính và trò chơi điện tử, cũng như lịch trình gia đình bận rộn, có thể góp phần khiến trẻ không ngủ đủ giấc.

Thiếu ngủ có thể gây nên hiện tượng cáu kỉnh, hiếu động và mất tập trung trong lớp ở trẻ. Điều quan trọng là có thói quen đi ngủ đều đặn, đặc biệt là vào các buổi tối con phải làm bài tập. Hãy chắc chắn dành đủ thời gian cho con bạn thư giãn trước khi tắt đèn đi ngủ và hạn chế các hoạt động kích thích não bộ như xem ti vi, chơi game và truy cập Internet.

5. Dạy kỹ năng tổ chức

Khi những đứa trẻ hình thành thói quen ngăn nắp, chúng có thể tập trung thay vì nhớ nhớ quên quên và mất thời gian tìm kiếm mọi thứ.

Kỹ năng tổ chức của trẻ em ở cấp tiểu học là gì? Đối với việc học, kỹ năng tổ chức trước hết là có một cuốn vở bài tập và file bài tập về nhà (nhiều trường cung cấp những thứ này) để theo dõi bài tập về nhà và các dự án.

Kiểm tra vở bài tập và file bài tập về nhà của con bạn mỗi tối để bạn nắm được bài tập của con và con không bị tụt lại phía sau. Chuẩn bị một cái hộp đựng các giấy tờ của con mà bạn cần kiểm tra hoặc ký tên. Ngoài ra, hãy dành riêng một cái hộp cho các dự án đã hoàn thành và chấm điểm, vứt các giấy tờ không cần thiết.

Nhắc nhở con bạn dọn bàn học cho ngăn nắp để không bị mất giấy tờ. Dạy con bạn sử dụng lịch hoặc kế hoạch cá nhân.

Cũng rất hữu ích nếu bạn dạy con lập danh mục công việc cần hoàn thành. Nó có thể đơn giản như:

1. bài tập về nhà

2. bóng đá

3. cất quần áo 

Không ai sinh ra đã thành thạo các kỹ năng tổ chức – con trẻ cần được học và thực hành.

6. Dạy kỹ năng học tập

Ôn kiểm tra có thể là việc đáng sợ đối với trẻ nhỏ và nhiều nhà giáo dục cho rằng cha mẹ nên hỗ trợ con trong những năm học đầu đời. Dạy con từ thuở còn thơ thì sau này con sẽ hưởng lợi từ những thói quen học tập tốt trong suốt cuộc đời.

Ở trường tiểu học, trẻ em thường phải làm bài kiểm tra định kỳ các môn Toán, Chính tả, Khoa học và Nghiên cứu xã hội. Hãy nắm rõ lịch kiểm tra để giúp con bạn ôn tập trước thời hạn thay vì học gạo đêm trước khi kiểm tra. Bạn cần nhắc con mang về nhà những tài liệu học tập phù hợp, chẳng hạn như ghi chú, hướng dẫn học tập hoặc sách.

Dạy con bạn cách chia nhỏ các nhiệm vụ tổng thể thành các phần dễ quản lý để việc ôn tập kiểm tra không quá khó khăn. Bạn cũng có thể giới thiệu cho con các chiến thuật ghi nhớ thông tin. Nhắc con cứ sau 45 phút học thì lại nghỉ một quãng ngắn vì như thế tốt cho việc ghi nhớ. 

Con bạn có thể sẽ phải hoàn thành các bài kiểm tra tiêu chuẩn ở trường tiểu học. Một số giáo viên cung cấp bài kiểm tra thử để học sinh bớt căng thẳng.

Nói chung, nếu việc học tập và kiểm tra trở thành nguồn áp lực đối với con bạn, hãy thảo luận với giáo viên hoặc cố vấn học tập của nhà trường.

7. Nắm rõ nội quy nhà trường 

Các trường thường ghi nội quy (đôi khi được gọi là bộ quy tắc ứng xử của học sinh) trong sổ tay học sinh. Nội quy bao gồm các kỳ vọng và hậu quả của việc không đáp ứng các kỳ vọng về hành vi học sinh, trang phục và sử dụng các thiết bị điện tử.

Nội quy có thể viết rất chi tiết về việc đi học đầy đủ, các hành vi phá hoại, gian lận, gây gổ và tàng trữ/ sử dụng vũ khí. Nhiều trường cũng có hình thức kỷ luật cụ thể dành cho hành vi bắt nạt. Bạn cần biết định nghĩa bắt nạt của nhà trường, hậu quả đối với những kẻ bắt nạt, hỗ trợ nạn nhân và các thủ tục báo cáo hành vi này.

Điều quan trọng là con bạn phải nắm rõ những kỳ vọng của nhà trường và biết bạn sẽ không bao che nếu con vi phạm nội quy. Thật dễ dàng cho học sinh khi kỳ vọng của nhà trường và gia đình có sự tương đồng bởi trẻ em sẽ cảm thấy cả hai môi trường đều an toàn.

8. Tham gia

Cho dù trẻ mới lên mẫu giáo hay sắp tốt nghiệp tiểu học, có rất nhiều lý do để phụ huynh tình nguyện hỗ trợ các sự kiện của nhà trường. Đó là một cách tuyệt vời để cha mẹ thể hiện rằng họ quan tâm đến quá trình giáo dục con họ.

Nhiều học sinh thích nhìn thấy cha mẹ ở trường. Nhưng hãy thảo luận với con bạn xem con muốn cha mẹ tham dự đến mức độ nào. Nếu con bạn có vẻ không thoải mái với sự hiện diện hoặc tham gia của bạn vào một hoạt động ngoại khóa, hãy cân nhắc hỗ trợ một cách âm thầm. Hãy nói rõ rằng bạn không ở đó để theo dõi – bạn chỉ đang cố gắng giúp đỡ cộng đồng trường học.

Phụ huynh có thể tham gia bằng cách:

  • tham gia ban phụ huynh
  • tổ chức và/ hoặc hỗ trợ các hoạt động gây quỹ và các sự kiện đặc biệt khác, như bán bánh, rửa xe và hội chợ sách
  • các chuyến đi thực địa
  • lập kế hoạch tổ chức liên hoan cho lớp
  • tham dự các cuộc họp hội đồng nhà trường
  • tham gia Hội CMHS
  • làm trợ lý thư viện
  • đọc truyện cho cả lớp
  • diễn thuyết trong ngày hội hướng nghiệp
  • tham dự các buổi hòa nhạc hoặc các vở kịch của nhà trường

Cập nhật thông tin trên trang web của trường hoặc hỏi giáo viên để tìm cơ hội tình nguyện phù hợp với lịch trình của bạn. Dù chỉ tham gia hỗ trợ một vài giờ trong cả năm học, bạn vẫn có thể tạo ấn tượng mạnh mẽ với con bạn.

9. Theo dõi sát sao

Nếu con trẻ bị sốt, buồn nôn hoặc tiêu chảy thì bạn nên cho con nghỉ học. Và cả khi con ăn không ngon, bám bố mẹ hoặc thờ ơ, kêu đau hoặc cư xử khác thường, con cũng có thể được phép nghỉ học.

Mặt khác, điều quan trọng là trẻ em đến trường đúng giờ mỗi ngày, bởi vì việc đuổi kịp công việc trên lớp và làm dồn bài tập về nhà có thể gây căng thẳng và cản trở việc học.

Nếu con bạn vì nghỉ ốm mà bỏ lỡ nhiều bài học, hãy trao đổi với giáo viên về những nhiệm vụ con cần làm bổ sung. Đây cũng là cơ hội để bạn biết nội quy của nhà trường về vấn đề nghỉ học. 

Đôi khi học sinh muốn ở nhà vì các vấn đề với bạn cùng lớp, bài tập hoặc điểm số, thậm chí là với giáo viên. Điều này có thể dẫn đến các triệu chứng thực sự như đau đầu hoặc đau dạ dày. Nếu bạn nghĩ rằng con đang gặp một vấn đề gì ở trường, hãy nói chuyện với con – và có thể là với giáo viên nữa – để tìm hiểu nguyên nhân. Cố vấn học tập hoặc tâm lý cũng có thể giúp đỡ bạn.

Cố gắng cho con ngủ nghỉ đúng giờ, nếu không con sẽ trở nên uể oải và mệt mỏi. Một lịch trình ngủ phù hợp cũng có thể giúp học sinh tiểu học.

10. Dành thời gian để nói chuyện trường lớp với con

Thật dễ dàng để nói chuyện với học sinh tiểu học về những gì đang diễn ra trong lớp và những tin tức mới nhất ở trường. Bạn có thể biết con đang đọc sách gì và làm quen với dạng Toán nào. Nhưng cha mẹ nhiều khi bận rộn và quên hỏi những câu hỏi đơn giản nhưng có khả năng ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ trên lớp

Dành thời gian để nói chuyện với con bạn mỗi ngày, để con biết rằng những gì diễn ra ở trường rất quan trọng với bạn. Khi bọn trẻ biết cha mẹ quan tâm đến đời sống học tập của chúng, chúng cũng sẽ nghiêm túc với việc đi học. 

Bởi vì giao tiếp là một con đường hai chiều, cách bạn nói và lắng nghe con bạn có thể ảnh hưởng đến việc con bạn lắng nghe và phản hồi tốt như thế nào. Điều quan trọng là phải lắng nghe cẩn thận, giao tiếp bằng mắt và tránh vừa làm vừa nói. Hãy chắc chắn rằng bạn không trả lời nhát gừng với con. 

Bên cạnh những bữa ăn gia đình, những khoảng thời gian thích hợp để trò chuyện bao gồm những chuyến đi bằng ô tô (tất nhiên là không cần giao tiếp bằng mắt), đi dạo, chuẩn bị bữa ăn hoặc xếp hàng mua đồ tại cửa hàng.

Những năm đầu con trẻ cắp sách đến trường là thời gian quan trọng mà cha mẹ cần được thông báo, hỗ trợ trong việc giáo dục con và tạo tiền đề cho con phát triển, trưởng thành với tư cách là những người học trẻ.

Kathryn Hoffses, PhD

Đặng Thanh Hiền – Táo Trường Học dịch

Xem thêm:

Lời khuyên cho việc chọn trường tiểu học cho con

Giúp con có khởi đầu học tập thuận lợi

Leave A Reply

Your email address will not be published.