5 cách giúp thanh thiếu niên ứng phó với sự thay đổi

0 17,436

Tôi khao khát sự chắc chắn và an toàn. Mặc dù tôi hiểu rằng cuộc sống là bất định nhưng vẫn cảm thấy hài lòng với việc tạo ra trật tự giữa sự hỗn loạn. Sự chắc chắn đi liền với sự rõ ràng và dự đoán.

Theo TS. David Rock, tác giả của cuốn sách Làm chủ bộ não (Handbook of NeuroLeadership), sự vô tri về những gì sắp diễn ra khiến con người hoang mang và có thể bị suy nhược vì khi đó chúng ta cần thêm năng lượng thần kinh. Nói một cách đơn giản, bộ não của chúng ta phải làm việc chăm chỉ hơn để xử lý những điều không mong muốn.

Nhưng điều gì xảy ra khi cuộc sống đẩy bạn vào một tình huống bất ngờ mà bạn không và không thể lên kế hoạch?

Mặc dù luôn lập kế hoạch chi tiết cho cuộc sống của mình nhưng trên hành trình đó vẫn xuất hiện những điều không biết trước: chia tay, ốm đau, tốt nghiệp, thay đổi nghề nghiệp, khó khăn tài chính, thay đổi chỗ ở…

Nhiều người trong chúng ta đều nếm trải những sự kiện gây áp lực không nhỏ trong đời.

Và nếu người lớn đủ mạnh mẽ để vượt qua khó khăn thì thanh thiếu niên lại chật vật hơn với những bất trắc không thể tránh khỏi của cuộc sống.

Sinh viên năm nhất nhiều thế kia, tôi sẽ kết bạn mới được nhỉ?

Họ vừa công bố danh sách mới nhưng… không có tên tôi…

Chúng tôi hẹn hò cả năm nay và giờ cô ấy muốn chia tay. Nỗi buồn này bao giờ mới nguôi ngoai?

Làm thế nào để cuộc đời này có ý nghĩa?

Sự hiện diện của các biến số chưa biết dễ làm xáo trộn ngay cả những người vững vàng nhất trong chúng ta. Đối với thanh thiếu niên, sự thay đổi không mong muốn hoặc không lường trước được có thể dẫn đến cảm giác mất kiểm soát và kiệt sức. Chúng ta biết rằng căng thẳng quá mức hoặc lâu dài gây hậu quả nguy hiểm đối với sức khỏe tinh thần, cảm xúc và thể chất.

Thay vì “nước đến chân mới nhảy”, thanh thiếu niên có thể dự đoán và phản ứng trong khi vượt qua những trở ngại không thể tránh khỏi của cuộc sống.

Dưới đây là một số chiến thuật có thể giúp con bạn ứng phó với sự thay đổi:

1. Nhận thức cảm xúc

Bước đầu tiên trong việc quản lý cảm xúc khi đối mặt với bất kỳ loại thay đổi nào trong cuộc sống chỉ đơn giản là cho phép bản thân trải nghiệm cảm xúc. Sự thay đổi, giống như việc tốt nghiệp, dường như hoàn toàn tích cực với người ngoài cuộc nhưng có thể khiến một sinh viên cảm thấy sợ hãi và lo lắng. Thực tế, bước sang chương mới của sự tự lập có thể cực kỳ nan giải. Sự thay đổi ở trường học hay đổ vỡ trong một mối quan hệ đều có thể mang lại cảm giác tức giận, bài xích và buông xuôi. Khuyến khích con bạn chia sẻ cảm xúc bằng cách viết nhật ký, trò chuyện với một nhà trị liệu hoặc bạn bè để giúp con xử lí những cảm xúc khó khăn.

2. Tập trung vào các giá trị

Trong cuộc sống, có nhiều tình huống khiến chúng ta ước mình có thể trốn tránh an toàn cho đến khi mối đe dọa biến mất. Nói với con rằng không sao đâu nếu con không thể trả lời mọi câu hỏi hoặc biết mọi điều sẽ diễn ra. Hãy ghi nhớ những điều quan trọng với con – gia đình, bạn bè, biểu hiện sáng tạo – là lá chắn mạnh mẽ chống lại mọi cảm xúc tiêu cực phát sinh. Gợi ý con viết ra các giá trị của bản thân và giúp con thích ứng với sự thay đổi.

3. Chia sẻ kinh nghiệm

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người trải nghiệm các sự kiện mới trong cuộc sống – trường học mới, mối quan hệ mới hoặc công việc mới – sẽ có những nỗi muộn phiền khác nhau, kể cả khi họ đã chuẩn bị tinh thần. Chia sẻ kinh nghiệm với con bạn khi họ phải đối mặt với một sự thay đổi đáng kể và xử lí nó, mặc dù ban đầu có thể con sẽ sợ hãi. Bạn có nhớ bạn đã lo lắng thế nào khi mới lên cấp ba không? Đôi khi, những sự kiện lạ lẫm không đáng sợ như ta tưởng và chỉ cần chút thời gian để thích nghi.

4. Quan điểm thay đổi

Chúng ta làm chủ cuộc đời mình bằng tư duy và cảm nhận riêng. Hãy nói với con rằng những thay đổi, dù được mong đợi hay bất ngờ, là một trải nghiệm của con người và là cơ hội để phát triển. Thay vì nuối tiếc những gì đã mất, hãy xem xét lợi ích tiềm năng. Làm thế nào để “chuyển bại thành thắng”? Ví dụ, nếu gần đây con chuyển đến một trường hoặc thành phố khác, hãy cùng con xem ở đó có những thuận lợi gì cho sự phát triển của con. Giúp con học cách tận dụng tốt nhất các tình huống mới. Cuối cùng con sẽ thấy mọi thay đổi trong cuộc sống đều có lợi cho sự phát triển cá nhân của họ.

5. Yêu thương bản thân

Dù ta có cố gắng và lên kế hoạch cẩn thận bao nhiêu, cuộc sống thường không diễn ra theo cách mà ta dự định. Thực tế, nó có thể đầy áp lực và gây thất vọng. Thay vì cho phép sự thất vọng và nghi ngờ bản thân bén rễ trong lòng, hãy khuyến khích con bạn cảm thông với chính mình. Nhà nghiên cứu, TS. Kristin Neff giải thích làm thế nào để yêu thương bản thân. Nếu bạn đang phải đối mặt với một trải nghiệm đau đớn, thay vì phớt lờ nỗi đau hoặc tự trách mình, TS. Neff khuyên bạn nên tự nhủ: “Bây giờ điều này thật khó vượt qua, tôi phải an ủi và chăm sóc bản thân thế nào đây?” Tự yêu lấy mình và những người xung quanh tốt hơn là phán xét và phê bình gay gắt.


Đặng Thanh Hiền – Táo Trường Học dịch

Nguồn: /theparentcue

Leave A Reply

Your email address will not be published.