Chúng ta nói chuyện với trẻ em về tầm quan trọng của việc không nhượng bộ trước áp lực, nhưng nhiều người trong chúng ta có thể không nhận ra chính mình bị ảnh hưởng bởi các bậc cha mẹ khác như thế nào. Mặc dù nhận được lời khuyên và thông tin từ các phụ huynh khác là việc tốt, đôi khi chúng ta có thể bị ảnh hưởng bởi áp lực của cha mẹ nhiều hơn chúng ta tưởng.
Ví dụ, các bậc cha mẹ cho rằng đứa con 7 tuổi của họ không nên xem những bộ phim dán nhãn PG-13 có thể cảm thấy áp lực khi để con đến một bữa tiệc có chiếu phim dán nhãn PG-13; và nếu bộ phim đó kiểu như Hiệp sĩ bóng đêm, khiến nếu con bạn gặp ác mộng trong nhiều tuần thì đó không phải là một điều tốt.
Giống như cha mẹ hay khuyên con cố gắng đừng để áp lực ngang hàng ảnh hưởng đến hành động của mình, bản thân cha mẹ cũng cần ghi nhớ điều đó.
Làm thế nào để biết liệu bạn có bị ảnh hưởng bởi áp lực từ các cha mẹ khác hay không?
Lần tới, khi bạn cảm thấy áp lực trước lựa chọn hoặc làm điều gì đó mà bạn không cảm thấy phù hợp với con hoặc gia đình bạn, hãy tự hỏi mình những câu quan trọng sau:
1. Quyết định đó có dựa trên kinh nghiệm hoặc niềm tin của riêng bạn? Hay bạn luôn luôn nghe theo ý kiến của người khác? Bạn có thực sự nghĩ rằng quyết định nuôi dạy con của bạn là tốt nhất cho con và gia đình bạn, hay bạn chỉ làm theo các bậc cha mẹ khác trong nhóm xã hội của bạn? Khi bạn nghĩ đến điều gì (chẳng hạn như cách xử lý thách thức hoặc phân vân liệu trẻ em có nên uống soda không), hãy nghĩ về những yếu tố dẫn bạn đi đến quyết định. Nếu bất kỳ cha mẹ nào trong cộng đồng xã hội của bạn trong gia đình bạn nói rằng một ly soda mỗi ngày cho một đứa trẻ là tốt nhưng bạn nghĩ rằng soda có đường không lành mạnh cho trẻ em, hãy làm theo ý bạn. Con bạn có thể sẽ phản đối rằng những đứa trẻ khác được phép uống soda thường xuyên, nhưng bạn có thể giải thích rằng bạn nghĩ nó không tốt cho sức khỏe của con và gia đình mình.
2. Lựa chọn của bạn có phải là kết quả nghiên cứu của riêng bạn? Dù bạn đang cân nhắc xem con trẻ được tự do đến đâu là đủ, sử dụng công nghệ nào và ra sao là tốt hay suy nghĩ về bất cứ vấn đề nuôi dạy con nào, có rất nhiều nghiên cứu giúp cha mẹ đưa ra chủ kiến. Ví dụ, nếu một số bạn bè hoặc thành viên gia đình ủng hộ việc đánh đòn nhưng bạn không đồng ý vì bằng chứng áp đảo cho thấy hình phạt về thể xác có thể có tác động tiêu cực rất rõ ràng đối với trẻ em, hãy lựa chọn dựa trên sự thật thay vì những gì phụ huynh khác có thể tin.
3. Bạn có đang làm những gì tốt nhất cho con bạn, cũng như tính cách và sở thích của trẻ? Đây là một câu hỏi quan trọng khi đưa ra quyết định nuôi dạy con cái. Ví dụ, nếu con bạn ghét những bộ phim đáng sợ nhưng một bữa tiệc sinh nhật mà con được mời lại chiếu phim ma, đừng bị thuyết phục để rồi cho phép con tham gia. Điều quan trọng là phải tôn trọng nhu cầu cá nhân của con và việc chứng kiến áp lực của cha mẹ sẽ giúp con học được cách xử lý áp lực ngang hàng của chính con.
4. Hành động của bạn có vô tình bị ảnh hưởng bởi những phụ huynh khác xung quanh bạn? Đôi khi, chúng ta chỉ làm theo để hòa đồng với tập thể và thậm chí không nhận ra rằng chúng ta đang làm những việc mà bình thường chúng ta không làm. Ví dụ, nếu bạn tham gia một bữa tiệc trong đó các bậc cha mẹ uống nhiều rượu, bạn có thể dễ dàng uống nhiều hơn bình thường.
5. Quyết định của bạn có thể gây hại cho con bạn hay chính bạn không? Đây là một trong những câu hỏi rất quan trọng. Nếu bạn tham gia một bữa tiệc trong đó mọi người đều uống nhiều và không chú ý đến những đứa trẻ đang chơi trong bể bơi, đây là một tình huống nguy hiểm cho các con. Bằng cách nói không với rượu và canh chừng bên bể bơi, đồng thời lên tiếng và khuyến khích chủ trì bữa tiệc nhắc nhở các bậc cha mẹ còn tỉnh táo chịu trách nhiệm cứu hộ, bạn có thể ngăn chặn một tai nạn thảm khốc và khủng khiếp.
6. Có phải áp lực ngang hàng điều khiển bạn thực hiện hành vi bạn không mong muốn? Nếu một số cha mẹ mà bạn tiếp xúc hay soi mói, ngồi lê đôi mách hoặc cư xử theo những cách tiêu cực và độc hại khác, bạn phải quyết định xem có nên làm theo hay tự mình đối phó với sự tiêu cực theo hướng tích cực, chẳng hạn như cố gắng điều khiển hành vi xấu của họ theo hướng tốt đẹp hơn.
Làm thế nào để giải quyết khi đối mặt với áp lực này ?
Là con người, tất cả chúng ta đều được truyền cảm hứng và ảnh hưởng lẫn nhau. Sau đây là những gì bạn có thể làm để đảm bảo bạn chịu ảnh hưởng theo hướng tích cực:
1. Tự hỏi mình xem áp lực ngang hàng của cha mẹ dẫn đến hệ quả tốt hay xấu cho bạn và con. Ví dụ: Nếu các phụ huynh khác có những lời khuyên tuyệt vời giúp bạn cho con đi ngủ đúng giờ hoặc hình thành thói quen buổi sáng hợp lý, đó là điều đáng hoan nghênh. Nếu cha mẹ trong khu phố, trường học, nhà thờ/giáo đường, nhóm tôn giáo hoặc cộng đồng khác tình nguyện và giúp đỡ lẫn nhau hoặc làm việc trong một dự án từ thiện, đó là công việc tuyệt vời truyền cảm hứng và thu hút sự tham gia. Nhưng nếu cha mẹ trong phạm vi xã hội của bạn đang cho phép những đứa trẻ của họ uống một chút rượu ở trường để giúp trẻ cai rượu (nghiên cứu cho thấy rõ ràng phương thức này không hiệu quả và không ngăn cản việc uống rượu trong tương lai), hãy dứt khoát từ chối.
2. Lập danh mục kiểm tra tinh thần về những điểm mạnh trong quá trình nuôi dạy con. Hãy tin vào bản thân. Bạn có thể chuẩn bị một bữa tối lành mạnh và tập hợp mọi người trong gia đình lại với nhau không? Bạn có lắng nghe con bạn và khiến chúng cảm thấy bạn là người mà chúng tâm sự được? Bạn có một mối quan hệ bền chặt với con không? Hãy điểm qua tất cả những điều bạn đang làm đúng với tư cách là cha mẹ và tin tưởng chính mình.
3. Nói với các bậc phụ huynh có thể đang cố gắng khiến bạn thay đổi suy nghĩ về điều gì đó rằng bạn trân trọng sự quan tâm của họ, nhưng bạn sẽ đi con đường của riêng bạn. Rất có thể, họ nghĩ rằng những cố gắng của họ là hữu ích. Nhưng hãy kiên định với quyết định của bạn và giải thích rằng đó là điều mà bạn cảm thấy phù hợp nhất với bạn và con, rằng bạn đã cân nhắc kỹ lưỡng. Yêu cầu họ tôn trọng quyết định của bạn giống như bạn tôn trọng lựa chọn của họ. Sau đó, tìm những điều mà bạn đồng tình và tập trung vào những khía cạnh trong mối quan hệ của bạn.
4. Hãy nhớ rằng bạn đang làm gương cho con nên con có thể sẽ bắt chước cách xử lý những tình huống như chia bè phái và áp lực ngang hàng của bạn. Cách bạn xử lý áp lực ngang hàng của cha mẹ sẽ dạy con cách xử lý áp lực ngang hàng trong cuộc sống của chính con.
Đặng Thanh Hiền – Táo Trường Học dịch
Xem thêm
6 vấn đề cuộc sống học đường cần được giải quyết