Các vấn đề rối loạn tâm lý thường gặp ở trẻ em trong trường học và cách giải quyết chúng (phần 1)

0 5,384

Hàng triệu người đấu tranh với các vấn đề sức khỏe tâm thần hàng ngày, nhưng không ai muốn nghĩ rằng những vấn đề này có thể ảnh hưởng đến trẻ em. Là cha mẹ, bạn có trách nhiệm biết con bạn cần gì và đáp ứng. Điều này bao gồm xác định các vấn đề hành vi và tìm cách điều trị khi con bạn cần giúp đỡ.

Một thực tế của cuộc sống là trẻ em đôi khi sẽ phá luật. Một thực tế khác là đôi khi chúng sẽ bộc phát cảm xúc hoặc nổi cơn thịnh nộ giữa cửa hàng tạp hóa. Sự phát triển thời thơ ấu là thời gian cố gắng và trẻ em thường không được trang bị đầy đủ để hiểu hoặc xử lý đúng đắn những thay đổi mà chúng đang trải qua.

Nhưng có một điểm mà các vấn đề hành vi vượt khỏi ngưỡng bình thường. Nếu con bạn đang trở nên cực kỳ thu mình và tránh giao tiếp xã hội, có thể đó là một vấn đề nghiêm trọng. Nếu con bạn đang bộc lộ những suy nghĩ và hành vi giận dữ hoặc bạo lực, đó có thể là hiện tượng đáng lo ngại. Sức khỏe tâm thần là một điều khó đánh giá, nhưng bạn có thể thấy các dấu hiệu khi con bạn thể hiện những hành vi bất thường so với tính cách vốn có của chúng hoặc với những đứa trẻ đồng trang lứa. Là cha mẹ, việc của bạn là phát hiện những thay đổi và tìm kiếm sự giúp đỡ.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ khám phá các vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ em trong trường học. Chúng tôi sẽ nói về những vấn đề phổ biến nhất ảnh hưởng đến trẻ em trong độ tuổi đi học cũng như cách phụ huynh và giáo viên có thể hợp tác để xác định những vấn đề đó. Chúng tôi cũng sẽ nói về những gì trường học và phụ huynh có thể làm để hỗ trợ trẻ em này.

Các vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến ở trẻ em như thế nào?

Theo Liên minh Quốc gia về Bệnh tâm thần (NAMI), hơn 19% người Mỹ trưởng thành bị bệnh tâm thần mỗi năm – tức là cứ khoảng 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh. Các vấn đề sức khỏe tâm thần ảnh hưởng đến hàng triệu người mỗi năm, mặc dù sự nhận thức đang lan rộng và nhiều người đang tìm kiếm sự giúp đỡ.

Nhưng những người không hiểu tình trạng của chính họ thì sao? Làm sao họ có thể nhận được sự giúp đỡ mà họ cần nếu họ không biết?

Các vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ em có thể khó xác định đối với cha mẹ. Không chỉ nhiều cha mẹ không biết các dấu hiệu của bệnh tâm thần, mà những thay đổi trong hành vi là bình thường ở độ tuổi dậy thì. Thật khó để nói liệu những thay đổi nhất định có nên được quy cho sự phát triển bình thường hay có thể là dấu hiệu sớm của một vấn đề nghiêm trọng. Hơn nữa, sự kỳ thị đối với sức khỏe tâm thần khiến nhiều bậc cha mẹ bỏ qua các dấu hiệu sớm của bệnh tâm thần nếu họ có chú ý đến chúng.

Theo Hiệp hội Sức khỏe Tâm thần Trẻ em (ACMH), cứ 5 trẻ em và thanh thiếu niên thì có 1 người mắc một số loại rối loạn sức khỏe tâm thần, hành vi hoặc tâm thần có thể chẩn đoán. Hơn nữa, 1 trong 10 thanh thiếu niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần đủ nghiêm trọng để làm suy giảm chức năng của họ ở nhà hoặc ở trường.

Trong nhiều trường hợp, khi một đứa trẻ gặp khó khăn ở trường, sức khỏe tâm thần không phải là nguyên nhân tiềm năng đầu tiên được điều tra. Việc đổ lỗi cho gia cảnh, tình trạng kinh tế xã hội hay thậm chí khả năng học tập của trẻ sẽ dễ dàng hơn là phát hiện điều gì đó sâu sắc hơn – thay vì nhận ra rằng đứa trẻ có thể cần được hỗ trợ.

Những vấn đề sức khỏe tâm thần đáng lo ngại nhất ở trẻ em là gì?

Trẻ em có thể bị ảnh hưởng bởi các vấn đề sức khỏe tâm thần giống như người lớn, mặc dù biểu hiện thường khác nhau. Ví dụ, một người trưởng thành bị trầm cảm có thể gặp khó khăn trong việc tập trung hoặc tận hưởng các hoạt động mà họ từng thích. Ở trẻ em bị trầm cảm, khó chịu là một triệu chứng phổ biến hơn là buồn bã. Nhiều khả năng những thay đổi hành vi ở trẻ cũng là một biểu hiện của các vấn đề tâm thần. Đối với nhiều trẻ em, chúng xuất hiện dưới dạng các vấn đề hành vi như rối loạn thách thức đối lập (ODD), rối loạn hành vi (CD) hoặc rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD).

Một số vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến nhất ảnh hưởng đến trẻ em trong  trường học là:

– Rối loạn lo âu

– Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)

– Rối loạn phổ tự kỷ (ASD)

– Rối loạn ăn uống

– Rối loạn tâm trạng

Rối loạn lo âu có nhiều hình thức. Ở trẻ em, một số loại phổ biến nhất là rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn căng thẳng hậu chấn thương, nỗi sợ xã hội và rối loạn lo âu tổng quát. Một số nỗi lo âu là bình thường đối với bất kỳ người nào, trẻ em hoặc người lớn, nhưng khi nó khiến trẻ khó hoạt động ở trường hoặc trong các tương tác xã hội, có thể đó là một vấn đề nghiêm trọng hơn.

Rối loạn tăng động giảm chú ý là một hội chứng rối loạn phát triển thần kinh phức tạp, biểu hiện ở một loạt các triệu chứng. Nhiều người cho rằng khó tập trung là triệu chứng chủ yếu, nhưng không nhất thiết là như vậy. ADHD ảnh hưởng đến khả năng xử lý cảm xúc của chính mình cũng như nhận diện cảm xúc và nhu cầu của người khác. Điều này thường biểu hiện dưới dạng thiếu kiên nhẫn và bồn chồn nhưng cũng có thể liên quan đến quá trình học tập và hiện tượng thường xuyên gà gật trong lớp.

Một vấn đề sức khỏe tâm thần khác rất khó xác định và thấu hiểu là rối loạn phổ tự kỷ. Đây là một hội chứng rối loạn phát triển ảnh hưởng đến giao tiếp và hành vi của trẻ em. Nó thường biểu hiện trong ba năm đầu đời và được gọi là rối loạn phổ hồng ngoại vì các triệu chứng đa dạng về loại và mức độ nghiêm trọng. Triệu chứng ASD ở mỗi trẻ là khác nhau, nhưng nhiều trẻ bị rối loạn gặp khó khăn trong giao tiếp và tương tác với người khác, đó có thể là một thách thức khi đến trường.

Ngoài các vấn đề về sức khỏe tâm thần có nền tảng thần kinh, một số hội chứng rối loạn sức khỏe tâm thần có thể phát triển theo thời gian từ tình huống hoặc môi trường của trẻ em.

Rối loạn ăn uống và rối loạn tâm trạng có thể ảnh hưởng đến trẻ em ở mọi lứa tuổi và theo chẩn đoán ban đầu thường do căng thẳng hoặc chấn thương. Đôi khi, trẻ em gặp khó khăn trong việc xác định và xử lý cảm xúc nên chúng phát triển các cơ chế đối phó không lành mạnh. Rối loạn ăn uống như chán ăn, ăn ói và ăn mất kiểm soát có thể đe dọa tính mạng; rối loạn tâm trạng có thể dẫn đến những suy nghĩ nguy hiểm và thậm chí là tự tử.

Hành vi nào là “bình thường” đối với trẻ em đang lớn?

Là cha mẹ, mọi người có thể sẽ kỳ vọng bạn hiểu mọi thứ con bạn làm. Tuy nhiên, bạn nên hiểu con mình đủ để nhận ra những thay đổi. Bạn có thể không biết lý do nhưng nếu nhận thấy điều gì đó, hãy trao đổi với bác sĩ nhi khoa. Ngoài việc phát hiện những thay đổi trong hành vi của con, bạn cũng nên biết điều gì là bình thường ở lứa tuổi của chúng.

Dưới đây là tổng quan nhanh về hành vi bình thường của trẻ em ở các độ tuổi khác nhau:

Mầm non (4-5 tuổi) – Trẻ em ở độ tuổi này bắt đầu hình thành sự tự lập và học cách từ chối. Có thể có những cơn bộc phát cảm xúc nhỏ nhưng trẻ nên học cách sử dụng từ ngữ để biểu đạt. “Hết giờ” là một kỹ thuật kỷ luật hiệu quả ở độ tuổi này.

Độ tuổi đến trường (6-9 tuổi) – Trẻ em ở độ tuổi này bắt đầu có trách nhiệm hơn và muốn tự do nhiều hơn (thường là nhiều hơn mức chúng có thể xử lý). Chúng yêu cầu hướng dẫn để hoàn thành nhiệm vụ học tập nhưng sẽ bắt đầu tự giải quyết vấn đề. Chúng sẽ bắt đầu trải nghiệm những cảm xúc phức tạp hơn như thất vọng, lo lắng và có thể thiếu sự kiểm soát bộc phát bằng lời. Kỷ luật theo phong cách củng cố tích cực có hiệu quả ở độ tuổi này.

Tuổi thiếu niên (10-12 tuổi) – Ở độ tuổi này, trẻ muốn độc lập hơn nữa và thường đối đầu, tranh luận nhẹ nhàng với cha mẹ. Chúng có thể thiếu khả năng nhìn thấy hậu quả lâu dài của hành vi và có thể gặp khó khăn với các kỹ năng xã hội.

Thanh thiếu niên (13 tuổi trở lên) – Trẻ em ở độ tuổi này thích nghĩ mình là người lớn nhưng vẫn sẽ gặp khó khăn trong việc đưa ra những quyết định lành mạnh. Thanh thiếu niên trải qua nhiều giai đoạn khác nhau khi đấu tranh để nhìn nhận bản thân như là cá nhân và có thể thường xuyên thay đổi các nhóm xã hội. Nổi loạn một chút là bình thường nhưng thanh thiếu niên nên nâng cao tinh thần tự giác khi làm việc vặt và bài tập về nhà.

Như bạn có thể thấy (và có lẽ đã trải nghiệm), hành vi của con trẻ ​​sẽ thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên, khi con bạn đạt đến một độ tuổi nhất định, chúng sẽ dành nhiều thời gian hơn ở trường và bạn có thể không nhận thấy những thay đổi nhanh chóng. Đọc tiếp để tìm hiểu xem làm thế nào biết con bạn đang che giấu vấn đề ở trường học.

Con bạn có che giấu vấn đề ở trường học không?

Mỗi đứa trẻ đều trải qua những thăng trầm ở trường học. Thay đổi lớp học, tiếp thu các tài liệu khó và trải qua các thay đổi có tính phát triển là tất cả các nguồn gây căng thẳng có thể ảnh hưởng đến hành vi của con bạn ở trường cũng như sức khỏe tâm thần của chúng. Trách nhiệm của cha mẹ là phải theo dõi các dấu hiệu cảnh báo rằng con bạn đang gặp khó khăn nhiều hơn bình thường.

Dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến nhất của các hội chứng tâm thần ở trẻ em:

– Thay đổi tâm trạng (ví dụ: cảm thấy buồn bã, thu mình hoặc thay đổi tâm trạng).

– Cảm xúc mãnh liệt (ví dụ: nỗi sợ hãi tột độ, sự bộc phát giận dữ, lo âu quá mức).

– Thay đổi hành vi (ví dụ: hành vi mất kiểm soát, thường xuyên gây gổ, sử dụng vũ khí).

– Khó tập trung, giảm hiệu suất học tập ở trường.

– Sút cân vô cớ hoặc thay đổi khẩu vị.

– Các triệu chứng thể chất như đau đầu hoặc đau dạ dày thường xuyên.

– Tự gây thương tích hoặc tự làm hại bản thân, chẳng hạn như rạch tay hoặc gây bỏng và cố tự tử.

– Lạm dụng chất gây nghiện, sử dụng hoặc lạm dụng thuốc và đồ uống có cồn.

Thật không may, những dấu hiệu này không phải lúc nào cũng dễ xác định. Trên thực tế, con bạn có thể giấu bạn nếu chúng cảm thấy lo lắng hoặc xấu hổ. Sau đó, việc của bạn là điều tra xem chuyện gì đang thực sự xảy ra.

Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy con bạn đang vật lộn ở trường học:

– Lấy cớ nghỉ học, như giả vờ ốm.

– Bỏ học hoặc cúp tiết mà bạn không biết.

– Mất hứng thú với trường học và hoạt động ngoại khóa.

– Mai một lòng tự trọng, so sánh bản thân với những đứa trẻ khác.

– Thường xuyên bị kỷ luật ở trường.

– Không làm bài tập về nhà và/ hoặc bị điểm kém ở trường.

Nếu bạn nhận thấy con bạn có bất kỳ biểu hiện rõ ràng nào về bệnh tâm thần hoặc các dấu hiệu tiềm ẩn của các vấn đề trường học, đừng bỏ qua. Không thừa nhận cuộc đấu tranh của con bạn có thể làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn – nếu cha mẹ không nhận ra, đứa trẻ có thể cảm thấy mình có vấn đề hoặc không. Sức khỏe tinh thần của con bạn rất mong manh và đáng được bảo vệ.

________________________ Xem tiếp phần 2_______________________

Kate Barrington

Đặng Thanh Hiền – Táo Trường Học dịch

Xem thêm

Hiểu biết khoa học đằng sau căng thẳng của học sinh

Chia sẻ của giáo viên trung học: Phụ huynh nên giúp con như thế nào?

Leave A Reply

Your email address will not be published.