Tiếp phần trước
Trường học có thể làm gì để hỗ trợ sức khỏe tâm thần của học sinh?
Không thông báo hoặc giải quyết rắc rối ở trường học thì các vấn đề về tâm thần và hành vi của con bạn có thể trở nên tồi tệ hơn. Quan trọng hơn, điều đó có nghĩa là con bạn phải một mình giải quyết những vấn đề đó.
Các vấn đề trong trường học có thể dẫn đến một loạt các vấn đề phát sinh ở trẻ em. Trẻ em gặp rắc rối ở trường học có nguy cơ bỏ học cao hơn. Trốn học hoặc cúp tiết trong thời gian ngắn do các vấn đề trường học có thể ảnh hưởng lâu dài. Con bạn có thể không theo kịp cả lớp và nếu vấn đề sức khỏe tâm thần và hành vi của chúng vẫn còn, chúng có thể gặp khó khăn trong việc trở lại lộ trình hướng đến tương lai. Tồi tệ hơn, chúng có thể trở thành nhân tố gây rối và bị coi thường hoàn toàn.
Vậy, trường học có thể làm gì để hỗ trợ sức khỏe tinh thần của học sinh?
Đối với nhiều học sinh có vấn đề về hành vi, sức khỏe tâm thần hoặc khả năng học tập, giải pháp tốt nhất là phát triển chương trình giáo dục cá nhân (IEP) hoặc kế hoạch 504.
Về mặt kỹ thuật, IEP là một tài liệu pháp lý cụ thể hóa chương trình giáo dục đặc biệt liên quan đến việc giảng dạy, hỗ trợ và các dịch vụ khác mà trẻ cần để thành công ở trường. Tuy nhiên, trên thực tế, một bản IEP không chỉ là một văn bản – nó còn là một lộ trình cho giáo viên và các nhân viên khác trong trường học để đáp ứng các nhu cầu cá nhân của trẻ. IEP là một phần phổ biến trong giáo dục công lập.
Nếu con bạn không yêu cầu giáo dục đặc biệt, kế hoạch 504 có thể được áp dụng.
Các kế hoạch này dành cho trẻ em có thể học tốt trong một lớp học tiêu chuẩn nhưng vẫn cần hỗ trợ hoặc dịch vụ đặc biệt. Một số điều khoản mà con bạn có thể nhận được với kế hoạch 504 bao gồm thời gian làm bài kiểm tra kéo dài, quyền rời khỏi lớp học để nghỉ ngơi một chút hoặc tham gia các lớp hướng dẫn học tập.
Cho dù con bạn có nhận được một bản IEP, kế hoạch 504 hay không, việc của bạn – bậc cha mẹ – là cung cấp hỗ trợ tại nhà. Lý tưởng nhất, bạn có thể trao đổi với các giáo viên của con bạn và các nhân viên khác trong trường để đảm bảo rằng nhu cầu của con bạn được đáp ứng khi con ở trường, nhưng việc của bạn là hỗ trợ tại nhà.
Bạn làm thế nào để hỗ trợ sức khỏe tâm thần của con bạn ở nhà?
Là cha mẹ, bạn muốn dành những gì tốt nhất cho con. Thật không may, đôi khi có thể rất khó để xác định rõ, đặc biệt là khi con bạn không dự đoán được những vấn đề mà chúng gặp phải. Hơn nữa, thực tế là con bạn dành phần lớn thời gian ở trường, nơi bạn không thể quan sát chúng, và bạn có thể thấy các vấn đề về sức khỏe tâm thần thường bị bỏ qua như thế nào.
Là cha mẹ, bạn có thể làm gì để hỗ trợ sức khỏe tâm thần của con bạn khi ở nhà?
Bước đầu tiên để có được sự giúp đỡ của con bạn là chẩn đoán vấn đề. Nói chuyện với bác sĩ nhi khoa và cung cấp càng nhiều thông tin càng tốt về hành vi, tâm trạng và các vấn đề ở trường của con bạn. Nếu bạn không tận mắt trải nghiệm, hãy lấy một báo cáo chi tiết từ giáo viên dạy con bạn hoặc các nhân viên khác trong trường để giúp bác sĩ nhi khoa hình dung chính xác vấn đề.
Một khi con bạn đã được chẩn đoán có vấn đề về sức khỏe tâm thần hoặc hành vi, điều quan trọng là phải xây dựng một kế hoạch điều trị. Điều trị không phải lúc nào cũng (và trong nhiều trường hợp không nên) liên quan đến thuốc. Đối với trẻ em, nó thường bao gồm các liệu pháp hỗ trợ trẻ đối phó với những thách thức mà chúng đang trải qua. Bạn và bác sĩ nhi khoa sẽ cùng nhau quyết định điều gì là tốt nhất cho con bạn.
Dưới đây là một số lựa chọn điều trị hiệu quả nhất cho trẻ em có vấn đề về sức khỏe tâm thần:
– Tâm lý trị liệu – Còn được gọi là liệu pháp trò chuyện, là một trong những hình thức điều trị hiệu quả nhất cho các vấn đề sức khỏe tâm thần nói chung, không chỉ đối với trẻ em. Mục tiêu là dạy con bạn cách thấu hiểu những thách thức tinh thần của chúng và đối phó với những thách thức đó. Ngay cả khi bạn không trực tiếp tham gia vào các buổi học của con, nhà trị liệu của con vẫn muốn trao đổi với bạn để đảm bảo con có được thứ chúng cần.
– Thuốc – Thuốc không phải là lựa chọn đầu tiên được ưa thích để điều trị các rối loạn sức khỏe tâm thần ở trẻ em, nhưng nó được đảm bảo trong một số trường hợp. Tùy vào tình trạng của con bạn, bác sĩ nhi khoa có thể kê toa thuốc chống trầm cảm, chất kích thích, chất an thần hoặc một thứ gì khác. Việc của bạn là đảm bảo con bạn uống liều lượng thích hợp vào những thời điểm thích hợp, bạn cũng nên dạy trẻ cách quản lý thuốc.
– Tư vấn gia đình – Mặc dù con bạn là người đối mặt với các thách thức về sức khỏe tâm thần, điều đó có thể ảnh hưởng đến toàn bộ gia đình. Tư vấn gia đình có thể giúp bạn tìm hiểu những gì đang xảy ra với chính chúng và bạn có thể làm gì để giúp đỡ. Đó cũng là một cách tuyệt vời để rút ra những điều không nên làm – có thể khiến con bạn thu mình trở lại hoặc không nhận được sự hỗ trợ cần thiết.
– Hỗ trợ cho cha mẹ – Làm cha mẹ có nghĩa là đặt nhu cầu của con bạn lên trên nhu cầu của bạn, nhưng bạn không thể cung cấp cho con mọi thứ chúng cần nếu bạn không ủng hộ chính mình. Các nhóm hỗ trợ và các nguồn lực khác nhau có sẵn để giúp bạn giảm căng thẳng, tìm kiếm sự giúp đỡ cá nhân và các chiến lược mới để giúp con bạn giải quyết các vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Điều quan trọng nhất tiếp theo bạn có thể làm là xây dựng và duy trì mối quan hệ bền chặt với các giáo viên dạy con bạn cũng như nhà trường.
Nếu con bạn đã được chẩn đoán có vấn đề về sức khỏe tâm thần hoặc hành vi, hãy chú ý đến con và đảm bảo rằng chúng tuân thủ kế hoạch điều trị của bạn. Nếu con bạn cần sự chăm sóc đặc biệt khi ở trường, hãy trao đổi với nhà trường để đảm bảo chúng có được thứ chúng cần. Nếu nhà trường từ chối làm việc với bạn hoặc không thể cung cấp bất cứ hỗ trợ gì, có lẽ đã đến lúc bạn cần tìm một ngôi trường khác phù hợp hơn với nhu cầu của con bạn.
Bằng cách đồng thời làm việc với bác sĩ nhi khoa và giáo viên dạy con, bạn có thể tạo ra một hệ thống hỗ trợ toàn diện cho con. Việc của bạn là duy trì các kết nối đó và tạo điều kiện thuận lợi cho kế hoạch điều trị. Mặc dù có thể khó khăn, con bạn cần tình yêu và sự hỗ trợ của bạn, vì vậy hãy làm mọi thứ có thể để cung cấp cho con bạn những gì chúng cần trên con đường hướng đến thành công và phát triển.
Kate Barrington
Đặng Thanh Hiền – Táo Trường Học dịch
Xem thêm
Hiểu biết khoa học đằng sau căng thẳng của học sinh
Chia sẻ của giáo viên trung học: Phụ huynh nên giúp con như thế nào?