Cha mẹ học sinh và giáo dục

Bằng cách hỗ trợ quá trình giáo dục trong các nhà trường, phụ huynh sẽ đưa ra những thông điệp tích cực cho con và các con sẽ có thêm động lực để đến trường và yêu thích công việc học tập.

0 1,923

Cha mẹ học sinh đóng vai trò như thế nào trong quá trình giáo dục của con em họ?

………..

Các bậc cha mẹ đóng vai trò to lớn trong quá trình giáo dục của con em mình. Phần lớn sự tác động của phụ huynh đều thể hiện qua thái độ đối với giáo dục và trường học. Trích dẫn sau đây từ cuốn sách “Giáo viên và trường học” xuất bản năm 1910 nó có thể đã cũ nhưng vẫn đúng cho đến ngày hôm nay:

Nếu các bậc cha mẹ ở bất kỳ cộng đồng nào đang thờ ơ với lợi ích tốt nhất và quá trình đào tạo thích hợp dành cho con em họ, nếu họ gửi gắm một người không phù hợp lên làm quản lý nhà trường, nếu họ cho phép các cuộc tranh cãi vụn vặt và đấu đá lẫn nhau can thiệp vào quá trình quản lý của nhà trường, nếu họ chấp nhận vận hành nhà trường với điều kiện cơ sở vật chất nghèo nàn, nếu họ khuyến khích con em đi học muộn, buổi có buổi không và dễ dãi với sự bất trị của trẻ, thì hệ quả là các trường học sẽ cho ra lò những sản phẩm là thói lười biếng, năng lực kém, coi thường pháp luật, thậm chí là vô đạo đức.

Nói cách khác, ngoài việc đồng hành và giúp đỡ khi con em gặp khó khăn, cha mẹ còn cần bày tỏ ý kiến về trường học và giáo dục. Nếu họ ​​hỗ trợ giáo viên, trường học và quá trình học tập nói chung, thì học sinh sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn. Tất nhiên còn nhiều yếu tố tác động khác nhưng để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho con, họ cần hiểu rằng học tập và cho trẻ đến trường là điều tích cực.

Cha mẹ học sinh cản trở sự giáo dục như thế nào?

Gia đình của học sinh có thể cản trở sự giáo dục của con trẻ theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Tôi đã nhiều lần tình cờ nghe các bậc cha mẹ nói chuyện với con về trường học hoặc giáo viên theo kiểu phê phán, hạ bệ. Ví dụ, tôi từng nghe có cha mẹ nói với con rằng không phải nghe lời giáo viên vì giáo viên toàn nói sai.

Tôi cũng biết có cha mẹ cho phép con trốn học khi nghe con nài nỉ kiểu như “Mẹ ơi, mới nghỉ Tết xong mà mẹ”…

Ngoài ra cha mẹ còn cản trở giáo dục theo nhiều cách gián tiếp khác: cho phép con phàn nàn về giáo dục mà không cố gắng chỉ ra cho con thấy những ưu điểm của giáo dục, đồng tình khi con đổ lỗi cho giáo viên về hành vi mà con làm sai.

Thực tế, nếu chỉ đơn giản hỗ trợ con mình mà không tìm hiểu cặn kẽ đã chỉ trích giáo viên làm sai có thể khiến học sinh mất đi sự tôn trọng đối với trường học. Tôi không có ý nói rằng giáo viên luôn đúng. Tôi muốn nói về một tình huống mà mình đã trải nghiệm vào năm đầu đi dạy. Một học sinh nói lời xúc phạm tôi ngay trên lớp. Đó là lần đầu tiên tôi thấy một học sinh có vấn đề về hành vi như vậy. Tôi đã viết một lá đơn kiến nghị kỷ luật học sinh này. Chiều hôm đó, tôi nhận được điện thoại từ mẹ học sinh. Lời đầu tiên mà người mẹ ấy nói với tôi đó là: “Cô đã làm gì KHIẾN con tôi phải nói cô như thế?” Tôi không hiểu cô ấy dạy con như thế nào.

Cha mẹ học sinh hỗ trợ sự giáo dục như thế nào?

Học sinh có thể tự vận động để đóng góp vào nền giáo dục nói chung. Hiển nhiên là các con sẽ kêu ca phàn nàn. Khi đó, cha mẹ có thể lắng nghe nhưng cần hạn chế việc vào hùa với con để chỉ trích. Thay vào đó, họ có thể lí giải tại sao trường học lại quan trọng và khuyên con nên làm thế nào để trường học vận hành tốt hơn. Thực tế cho thấy cha mẹ không nên tin mọi điều học sinh nói. Tất cả trẻ em, ngay cả những người trung thực, cũng có thể nói dối hoặc vô tình lái sự việc theo chiều hướng nào đó. Là một giáo viên, chúng ta lại càng phải tỉnh táo, nếu một học sinh gặp rắc rối với mình, điều quan trọng là phải nắm bắt trọn vẹn các tình tiết sự việc.

Tôi cũng làm cha làm mẹ nên tôi hiểu rằng: Khi đón con từ trường trở về nhà, cha mẹ nào cũng đinh ninh “Con tôi không bao giờ nói dối” Tuy nhiên, họ không nên chỉ nghe con kể về lời buộc tội của giáo viên mà cần phải đến gặp trực tiếp để nghe giáo viên trình bày lại sự việc.

Sự hỗ trợ đối với trường học chỉ đơn giản là phụ huynh hãy có thái độ tích cực đối với giáo dục nói chung. Ở đâu cũng có giáo viên tốt và không tốt. Nếu bạn có vấn đề với giáo viên của con mình, điều quan trọng là phải đến trường và có một cuộc trao đổi giữa phụ huynh và giáo viên. Bạn thậm chí còn cần phải trao đổi về thực trạng rằng không phải tất cả giáo viên đều phù hợp với con mình và hỗ trợ thêm cho họ.

Bằng cách hỗ trợ quá trình giáo dục trong các nhà trường, phụ huynh sẽ đưa ra những thông điệp tích cực cho con và các con sẽ có thêm động lực để đến trường và yêu thích công việc học tập.

Melissa Kelly

Táo trường học dịch

Leave A Reply

Your email address will not be published.