Giải pháp xử lý nỗi lo âu tại trường học

Bằng cách dành thời gian tìm hiểu về trải nghiệm của họ, bạn học được nhiều hơn là chỉ biện hộ cho họ. Bạn cũng đang tìm hiểu thêm về con bạn. Trong khi lo lắng có thể mang lại những thách thức cho con bạn ở trường và ở nhà, con có thể chinh phục những thách thức với sự giúp đỡ tận tâm.

0 1,867

Nỗi lo âu có thể ảnh hưởng đến việc học tập và thành công ở trường học – đôi khi theo những cách đáng ngạc nhiên. Hiểu chính xác nỗi lo âu ảnh hưởng đến trẻ em và thanh thiếu niên ở trường học có thể giúp bạn hiểu những vấn đề mà con bạn phải đối mặt. Cho dù con bạn được chẩn đoán có rối loạn lo âu hay bạn nghi ngờ nỗi lo âu có thể gây khó khăn cho con khi đến trường, nhận thức về nỗi lo âu cùng với các chiến lược hoạt động trong trường sẽ giúp bạn hỗ trợ con khi đi học.

Có một số nỗi lo âu và các chứng rối loạn lo âu khác nhau mà trẻ em và thanh thiếu niên trải qua. Các tiêu chí chẩn đoán trẻ em và thiếu niên thay đổi đôi chút so với người lớn. Những chứng rối loạn này bao gồm rối loạn lo âu toàn thể, rối loạn hoảng sợ, rối loạn lo âu chia ly, rối loạn lo âu xã hội, chứng im lặng chọn lọc và ám ảnh. Điểm chung của chúng là xu hướng lo lắng quá mức, cảm thấy bồn chồn hoặc vô cùng hoảng sợ. Đó là những xu hướng gây ra rối loạn lo âu gián đoạn việc học tập và thành tích học tập.

Làm thế nào các rối loạn lo âu liên quan đến học tập và thành tích học tập

  • Khó hòa nhập: Con bạn có thể không tham gia vào các cuộc thảo luận trong lớp hoặc làm việc với các học sinh khác trong các dự án nhóm nếu họ cảm thấy sợ hãi. Họ có thể lo lắng đến nỗi không hoàn thành một bài kiểm tra nếu cảm thấy sự lo âu choán hết tâm trí. Con bạn có thể sợ bị gọi trả lời câu hỏi hoặc đọc trước lớp học.
  • Cảm giác đau: Lo lắng, sợ hãi, và hoảng loạn đều khiến cho tình trạng cơ thể trở nên tồi tệ. Đau dạ dày và đau thân thể vì lo lắng thường gặp ở trẻ em và thiếu niên bị rối loạn lo âu. Nếu các triệu chứng xảy ra vào ngày học nhưng biến mất vào cuối tuần hoặc giờ nghỉ giải lao thì nỗi lo âu liên quan đến trường học có thể là nguyên nhân gây ra các cơn đau.
  • Thường xuyên phân tâm: Lo lắng và sợ hãi làm giảm sự chú ý của một người, khiến họ không thể nhìn nhận những gì đang xảy ra xung quanh họ.
  • Thường xuyên mệt mỏi: Lo lắng và sợ hãi có thể khiến trẻ em hoặc thiếu niên mất ngủ và rơi vào tình trạng gà gật. Thiếu ngủ làm giảm hiệu suất nhận thức, thậm chí, có thể khiến trẻ ngủ gật ở trường.
  • Hầu như hoặc hoàn toàn im lặng: Trẻ em và thiếu niên cảm thấy lo lắng thường tránh việc phát biểu ở trường. Họ tránh đặt câu hỏi khi cần trợ giúp và thậm chí từ chối trợ giúp. Điều này có thể khiến trẻ bị bỏ lại phía sau vì chúng không thể lên tiếng để nhận được sự giúp đỡ cần thiết.
  • Từ chối đi học: Để tránh tất cả các sự kích động lo lắng tồn tại trong trường học, dù là các bài kiểm tra, các nhóm xã hội hoặc hoạt động liên quan đến trường học, đôi khi trẻ em từ chối đi học.

Dưới đây là các bước đầu tiên bạn có thể thực hiện nếu nghi ngờ nỗi lo âu đang gây ra các vấn đề ở trường của con bạn.

  1. Liên lạc với chuyên gia chăm sóc về lĩnh vực bạn đang quan tâm

Trong khi tất cả mọi người đều có thể cảm thấy sợ hãi hoặc lo lắng trong từng khoảng thời gian nhất định, chứng rối loạn lo âu lại dai dẳng và gây trở ngại cho cuộc sống của một người. Điều quan trọng là phải sớm tìm ra phương pháp đánh giá và tư vấn chuyên nghiệp. Những năm học trôi qua một cách nhanh chóng và càng để một đứa trẻ hoặc thiếu niên vật lộn lâu với sự lo lắng, việc học ở trường của họ trượt dốc càng nhanh.

Can thiệp sớm sẽ ngăn chặn nỗi lo âu kéo dài quá mức. Không có một quy tắc cố định nhưng tốt nhất là bạn nên nói chuyện với bác sĩ nhi khoa hoặc nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc chính của con bạn nếu các vấn đề kéo dài trong hai tuần.

  1. Tìm hiểu chính xác những gì bạn đang cần đối phó

Bạn nên đọc về nhiều tình trạng lo âu mà trẻ em và thiếu niên có thể mắc phải. Hiểu được con bạn đang trải qua những gì có thể giúp bạn và nhà trường đề ra những chiến lược hỗ trợ tốt nhất.

Bạn cũng cần phải nhận thức rằng nỗi lo âu thường có triệu chứng tương tự một số tình trạng khác, chẳng hạn như trầm cảm hoặc ADHD (tăng động giảm trí nhớ).

ADHD cũng có thể có các triệu chứng tương tự như lo âu. Sự hiện diện của một tình trạng khác có thể khiến ai đó dễ bị lo âu hơn vì gia tăng căng thẳng. Nếu đã sẵn nỗi lo âu thì sự căng thẳng đến từ các rối loạn khác có thể làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Mỗi người sẽ có một trải nghiệm riêng về nỗi lo âu. Hãy liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em để kiểm tra chắc chắn nếu có bất kỳ tình trạng nào khác.

Dưới đây là một số cách cụ thể mà bạn có thể hỗ trợ khi con có nỗi lo âu học đường.

  1. Hãy đề xuất một kế hoạch thay vì bỏ qua

Nếu đứa trẻ lo âu của bạn nói rằng con không thể làm điều gì đó, thật dễ dàng để khuyên con lờ nó đi. Tuy nhiên, việc đó chỉ mang tính tạm thời. Hãy nghĩ ra một kế hoạch để từ từ giúp con bạn nhận thức đầy đủ về tình huống khiến con lo âu. Thuật ngữ của việc này là “liệu pháp phơi nhiễm”.

Bạn có thể trao đổi với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em để đưa ra một kế hoạch điều trị thích hợp. Một ví dụ về kế hoạch như vậy là nếu con bạn từ chối đi học, con bạn bắt lại bằng cách đi học chỉ 01 giờ/ ngày, sau đó từ từ tăng thời gian lên đến cả ngày.

  1. Cho giáo viên biết về tình hình của con bạn và theo dõi con

Sắp xếp thời gian để gặp gỡ giáo viên của con bạn và giải thích nỗi lo âu của con cho giáo viên hiểu. Một khi giáo viên hiểu được nỗi lo âu ấy có thể ảnh hưởng đến con như thế nào trong lớp học, giáo viên có thể tìm cách hỗ trợ. Một số ví dụ:

  • Không yêu cầu học sinh đọc to hoặc trả lời các câu hỏi nếu con sợ phát biểu trước lớp. Xây dựng một hệ thống trong đó giáo viên gợi mở và cho học sinh thời gian suy nghĩ câu trả lời.
  • Cho con bạn phát biểu hoặc báo cáo bằng miệng với chỉ một người khác nếu con lo âu quá mức về việc nói trước đám đông. Hướng đến thuyết trình trong một nhóm nhỏ.
  • Cho con bạn làm bài kiểm tra với thời gian lâu hơn mức bình thường hoặc trong một căn phòng riêng biệt nếu con sợ kiểm tra. Một số trẻ sẽ trở nên lo lắng nếu cảm thấy áp lực về thời gian, trong khi những em khác lại lo lắng vì thấy các bạn khác đã hoàn thành bài trước mình.
  • Sử dụng thẻ “thư giãn” cho phép con bạn có thể rời lớp học và đi đến một khu vực yên tĩnh được chỉ định nếu con cảm thấy lo lắng bất thường.

Hãy ghi chép cẩn thận trong cuộc họp này. Bạn muốn có một hồ sơ rõ ràng, chính xác về những chiến lược đã được thỏa thuận và thời hạn thực hiện. Việc này sẽ giúp bạn nhớ chính xác những gì đã nói và cũng hữu ích nếu bạn cần thử các chiến lược khác nhau trong tương lai.

  1. Xem xét việc lập kế hoạch 504

Kế hoạch 504 là một kế hoạch về địa điểm dành cho một khuyết tật về thể chất hoặc tinh thần. Nếu con bạn được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu, kế hoạch 504 có thể giúp con tiếp cận với các lớp học ở cấp độ cao hơn bình thường. Nó cũng góp phần đảm bảo rằng bất kỳ sửa đổi nào được thỏa thuận đều do nhà trường thông qua.

  1. Trao đổi thường xuyên với con bạn về chuyện trường lớp

Tất cả trẻ em và thiếu niên có thể tránh né kể với cha mẹ về rắc rối ở trường. Có thể họ sợ cha mẹ sẽ thất vọng. Trẻ em và thiếu niên trải qua nỗi lo âu có thể trở thành các chuyên gia trong việc che đậy các vấn đề trường lớp. Trớ trêu thay nỗi sợ hãi làm người khác thất vọng – bất cứ ai nhận ra điều này đều thấy trường học không tuyệt vời – là kết quả của mong muốn trở nên thành công. Những đứa trẻ này quan tâm đến thành tích học tập của chúng.

Để có thể kể về chuyện trường lớp và những khó khăn họ đang đối mặt, họ cần phải cảm thấy an toàn. Họ cần phải biết rằng họ sẽ được hỗ trợ thông qua các chiến lược khả thi hơn là chỉ bị trừng phạt hoặc hứng chịu sự tức giận từ cha mẹ.

Nói chuyện với con thường xuyên sẽ tạo điều kiện cho bạn và con bạn giải quyết các vấn đề một cách nhanh chóng, trước khi mọi chuyện tồi tệ hơn. Bạn cũng có thể hướng dẫn con tự đề xuất giải pháp khắc phục thay vì tự đánh giá bản thân.

  1. Hãy bình tĩnh và cẩn thận khi thể hiện mối quan tâm

Trẻ em và thiếu niên học hỏi rất nhiều về thế giới thông qua cha mẹ của họ. Bạn có ảnh hưởng to lớn đối với ý kiến ​​và giá trị của con bạn. Trẻ em cũng soi vào tâm trạng và phản ứng của cha mẹ để định hướng cách nhìn nhận thế giới xung quanh họ.

Trẻ em và thanh thiếu niên mắc chứng lo âu có thể nhạy cảm bất thường với những nhận xét tiêu cực về một tình huống hoặc một người mà bạn đưa ra. Ví dụ, một đứa trẻ lo âu có thể ghi nhớ một lời nhận xét của bạn về sự gia tăng tỉ lệ chấn thương khi ở trường và trở nên sợ học môn Thể chất. Nếu bạn tình cờ thấy con bạn trông sợ hãi hay lo lắng sau khi bạn đưa ra một nhận xét có thể được xem là đáng sợ với họ, hãy nói chuyện với họ và cho họ sự yên tâm nhưng chân thực về những gì bạn đã thảo luận.

Một khởi đầu tốt

Mỗi trẻ em hoặc thiếu niên trải qua nỗi lo âu theo cách riêng của họ. Bằng cách dành thời gian tìm hiểu về trải nghiệm của họ, bạn học được nhiều hơn là chỉ biện hộ cho họ. Bạn cũng đang tìm hiểu thêm về con bạn. Trong khi lo lắng có thể mang lại những thách thức cho con bạn ở trường và ở nhà, con có thể chinh phục những thách thức với sự giúp đỡ tận tâm.

Lisa Linnell-Olsen

Táo trường học dịch

Nguồn:

“Rối loạn lo âu ở trường.” Hiệp hội lo lắng và trầm cảm của Mỹ, ADAA. Hiệp hội lo lắng và trầm cảm của Mỹ, ADAA.

Gillespie, Bradley, PharmD. “Rối loạn lo âu toàn thể (GAD) DSM-5 300.02 (F41.1).” Rối loạn lo âu toàn thể (GAD) DSM-5 300.02 (F41.1) – Therapedia. Theravive, 2016.

“Phòng học cho trẻ em lo âu.” WorryWiseKids.org | Mẫu phòng cho trẻ em lo âu. Trung tâm dành cho trẻ em và người lớn mắc OCD và chứng lo âu.

Leave A Reply

Your email address will not be published.