Podcast là công cụ hỗ trợ học tập phổ biến ở các quốc gia như Anh, Mỹ. Có thể hiểu đơn giản nó là một kênh chứa nhiều những tập tin định dạng mp3 với nội dung là các buổi talk show, nói chuyện đa dạng các chủ đề. Người dùng có thể tải nội dung trên kênh trên kênh PodCast thông qua ứng dụng được trang bị sẵn trên điện thoại thông minh. Bài viết dưới đây là một gợi ý về khuyến khích học sinh kể chuyện bằng cách tạo ra các bài podcast. Các giáo viên và phụ huynh đều có thể tham khảo.
Một quy trình thiết kế podcast gồm sáu giai đoạn hướng dẫn học sinh hoàn thành sản phẩm cuối cùng trong một đơn vị học tập dựa trên dự án liên ngành.
Khi các giáo viên trung học ở một thị trấn nhỏ thuộc bang Tennessee hợp tác thiết kế một dự án làm podcast dành cho học sinh, họ không thể dự đoán rằng bốn học sinh đó sẽ tạo nên một câu chuyện hấp dẫn đến mức thu hút khán giả trên toàn quốc.
Các học sinh lớp 11, trường Trung học Elizabethton (Elizabethton, Tennessee) đã làm các giáo viên, cộng đồng địa phương và cả chính các em ngạc nhiên trước bài dự thi của mình trong Thử thách Podcast dành cho học sinh do National Public Radio tài trợ, lần đầu tiên được tổ chức vào đầu năm nay. “Mary ác quỷ và sự trỗi dậy của Erwin” là một câu chuyện lạ-lùng-hơn-cả-hư-cấu về thị trấn Tennessee, nơi treo cổ một con voi làm xiếc hơn một thế kỷ trước.
Mục tiêu của trải nghiệm học tập dựa trên dự án (PBL) không phải chiến thắng mà là phương pháp tích hợp hai môn học Lịch sử và Tiếng Anh – các giáo viên coi cuộc thi là cơ hội để giải quyết các mục tiêu học tập bằng cách cho học sinh thực sự trải nghiệm công việc của các nhà sử học và người kể chuyện. Khi dự án mở ra, “chiến thắng trở nên ít quan trọng hơn việc làm sao để truyền tải được câu chuyện”, giáo viên Tiếng Anh Tim Wasem nói.
LỰA CHỌN VÀ CẤU TRÚC
Tôi gặp Wasem và giáo viên nghiên cứu xã hội Alex Campbell khi năm học sắp kết thúc. Họ dạy trong các lớp học liền kề, cùng dạy 40 học sinh lớp 11 và thường xuyên cộng tác. Campbell là một giáo viên có kinh nghiệm tổ chức dự án học tập. Wasem là một giáo viên mới, cũng rất nhiệt tình với các dự án như thế.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi đã khiến tôi thêm vững tin rằng không cần bày vẽ một cuộc thi lớn thì học sinh mới tham gia làm podcast. Quan trọng hơn là sự lựa chọn của học sinh và khán giả đích thực. Để giúp các giáo viên khác tiến hành những ý tưởng tương tự, Wasem và Campbell đã chia sẻ thiết kế dự án và các chiến thuật giảng dạy cơ bản của họ.
CÁC BƯỚC ĐỂ THÀNH CÔNG
Dự án gồm sáu giai đoạn, mỗi giai đoạn có mục tiêu học tập rõ ràng và danh mục nhiệm vụ cụ thể.
Giai đoạn 1: Các đội đề xuất chủ đề. Các nhóm bốn học sinh bắt đầu bằng cách đề xuất các sự kiện lịch sử có ý nghĩa ở địa phương. Mỗi học sinh đưa ra 04 ý tưởng, vậy là mỗi đội có 16 phương án. “Chỉ cần sản sinh ra những ý tưởng có khả năng kết nối hàng tấn nghiên cứu”, Campbell Campbell nói, “thì học sinh có thể tập hợp nguồn khách hàng tiềm năng từ gia đình, bạn bè và những người khác trong cộng đồng”. Trước khi chuyển sang nghiên cứu sâu hơn, các nhóm phải thống nhất cốt truyện.
Giai đoạn 2: Tiến hành nghiên cứu bối cảnh. “Mỗi học sinh chọn 04 lĩnh vực mà các em cần tìm hiểu thêm”, Campbell nói. “Sau khi nghiên cứu, các em sẽ trình bày lại cho đội của mình. Trong quá trình đó, các em học được cách cộng tác.”
Giai đoạn 3: Đặt câu hỏi. Tiếp theo, học sinh điều chỉnh các câu hỏi định hướng yêu cầu của họ. Các em phải học cách đặt những câu hỏi hay. Mỗi học sinh đặt 20 câu hỏi, vậy là mỗi đội có một danh sách lớn gồm 80 câu. Các nhà báo địa phương sẽ hiệu đính các danh sách này và huấn luyện học sinh về các chiến thuật đặt câu hỏi. Cuối cùng, mỗi đội chắt lọc được 20 câu hỏi.
Giai đoạn 4: Tìm chuyên gia để phỏng vấn. Mỗi đội phải phỏng vấn 06 chuyên gia. “Một số đội giành được lợi thế”, Wasem thừa nhận, “vì ngay lập tức nhận ra 10 người đã xuất bản các bài báo hoặc sách về cùng một chủ đề”. Nhưng nếu những câu chuyện đã rất cũ, học sinh sẽ gặp khó khăn. Đội chiến thắng kể một câu chuyện xảy ra cách đây 100 năm. Không có ai còn sống.” Thử thách tìm kiếm các nguồn tư liệu đã chứng minh được lợi ích của hoạt động này: “Học sinh phải sáng tạo”, Campbell nói, “và nghiên cứu lịch sử từ nhiều góc độ. Một người bình thường cảm thấy thế nào về điều gì đó đã xảy ra trong thị trấn của họ 100 năm về trước? Điều đó được đưa thêm vào câu chuyện.”
Giai đoạn 5: Tiến hành phỏng vấn. Các cuộc phỏng vấn diễn ra ở trường, ở các địa điểm công cộng, trên Skype, bất cứ nơi đâu. Một số đội sử dụng thiết bị của nhà trường để ghi lại nhưng hầu hết dùng điện thoại di động. “Trong khoảng hai tuần”, Wasem kể lại, “hoạt động đó diễn ra rất sôi nổi”. Khi ấy, tôi chợt nhận ra: Đây quả là một dự án lớn!”
Giai đoạn 6: Sản xuất podcast. Cuối cùng, học sinh đã sẵn sàng để tạo ra những câu chuyện kỹ thuật số của họ. “Năm bước đầu tiên tạo nên cái khung”, Wasem nói. “Bây giờ các em phải kết hợp các vật liệu với nhau một cách nghệ thuật. Học sinh đã nghiên cứu thông tin thu thập từ các cuộc phỏng vấn để chọn các trích dẫn, lên kịch bản chi tiết, dựng các clip phỏng vấn và tường thuật của riêng các em trong khoảng thời gian 15 giây. Điều đó có nghĩa là các em phải chắt lọc năm hoặc sáu giờ nội dung thành 12 phút. “Học sinh ghét điều đó!” Campbell thừa nhận. Lắng nghe quá trình học sinh sáng tạo những câu chuyện, Wasem có thể hình dung ra các em đã đầu tư như thế nào. “Các em sẽ nói rằng không thể để xảy ra sai sót. Các em quan tâm đến dự án và muốn làm ra một sản phẩm tốt.”
Khi khâu kịch bản đã xong xuôi, Wasem giới thiệu cho học sinh phần mềm chỉnh sửa âm thanh có tên Audacity. “Tôi đã hướng dẫn nhanh”, anh ấy nói, “rồi cài đặt phầm mềm vào máy tính của các em”. Không có một học sinh nào có kinh nghiệm sử dụng công cụ này từ trước. Wasem gợi ý cho học sinh xem các hướng dẫn trên YouTube và nhờ một người bạn sản xuất âm nhạc giúp đỡ. “Một trong những khoảnh khắc đáng tự hào nhất của tôi”, Wasem cho biết, “là khi bọn trẻ nói ‘Cảm ơn thầy nhưng chúng em có thể tự xoay xở được.”
Ba ngày sau, podcast của học sinh đã sẵn sàng.
KẾT NỐI VỚI ĐỐI TƯỢNG
Khi các học sinh trường Trung học Elizabethton tham gia Thử thách Podcast NPR (cùng với 25.000 học sinh khác đến từ khắp nước Mỹ), họ biết tỷ lệ lọt vào vòng cuối cực kỳ mong manh.
Điều quan trọng hơn đối với học sinh là đảm bảo rằng các podcast của họ tiếp cận được với lượng khán giả mà họ mong muốn nhất. Một đội đã tổ chức bữa tiệc lắng nghe cho một cựu chiến binh 100 tuổi, cùng với gia đình và bạn bè của bà. Một đội khác đã tổ chức một bữa tiệc nấu ăn và podcast tại nhà của một hiệu trưởng trường đã về hưu nhưng tâm huyết với nghề, hiện đang bị bệnh thoái hóa.
“Các chương trình podcast rất hay”, Campbell nói, “nhưng những hành động này cho thấy các câu chuyện có ý nghĩa như thế nào đối với học sinh. Đây là một lời nhắc nhở cần thiết, rằng khán giả đích thực là nền tảng của dự án học tập hiệu quả.”
Campbell nói thêm rằng: “Trong thị trấn nhỏ này, chúng tôi không có phòng thu âm nhưng lại có những người sẵn sàng dành thời gian cho học sinh của chúng tôi. Sau khi kết thúc dự án, một học nói với Campbell: “Em không ngờ rằng nơi mình đang sống lại tuyệt vời đến vậy.” Đó chính là sự học suốt đời.
Đặng Thanh Hiền – Táo Trường Học dịch
Xem thêm
Vấn đề thực sự của giáo dục ngày nay là gì và tại sao trẻ ghét trường học