Kỹ năng đọc hiểu ở trẻ

0 18,275

Kỹ năng đọc hiểu là sự hiểu và giải thích những gì được đọc. Để có thể hiểu chính xác văn bản tài liệu, trẻ em cần có khả năng (1) giải mã những gì chúng đọc; (2) liên hệ giữa những gì chúng đọc và những gì chúng đã biết; (3) suy nghĩ sâu sắc về những gì chúng đã đọc.

Cần hiểu vấn đề này như thế nào?

Quan điểm của một đứa trẻ: Cảm nhận của tôi về điều này

Trẻ em thường thể hiện sự thất vọng và khó khăn một cách chung chung như “Em ghét đọc!” hoặc “Điều này thật ngu ngốc!”. Nhưng nếu có thể, trẻ em nên được phép mô tả mức độ khó hiểu đặc biệt ảnh hưởng đến việc đọc của chúng:

● Con mất quá nhiều thời gian để đọc một cái gì đó. Thật khó để theo dõi mọi thứ đang diễn ra.

● Con không thực sự hiểu cuốn sách đó nói về cái gì.

● Tại sao nhân vật đó làm điều đó? Con không thể hiểu nổi!

● Con không chắc phần quan trọng nhất của cuốn sách là gì.

● Con thực sự không thể hình dung chuyện gì đang diễn ra.

Quan điểm của một phụ huynh: Những gì tôi thấy ở nhà

Dưới đây là một số manh mối cho cha mẹ xem xét kỹ năng đọc hiểu của một đứa trẻ:

● Con không thể tóm tắt một đoạn văn hoặc một cuốn sách.

● Con có thể kể lại diễn biến của một câu chuyện, nhưng không thể giải thích tại sao các sự kiện diễn ra như thế.

● Con không thể giải thích suy nghĩ hoặc cảm xúc của nhân vật.

● Con không liên hệ các sự kiện giữa các cuốn sách hoặc với đời thực.

Quan điểm của một giáo viên: Những gì tôi thấy trong lớp học

Dưới đây là một số manh mối cho giáo viên nhận diện học sinh có thể gặp vấn đề đọc hiểu:

● Con dường như tập trung vào khía cạnh “sai” của một đoạn văn; ví dụ, con tập trung rất nhiều vào các chi tiết mà bỏ quên ý tưởng chính.

● Con có thể nêu kết quả của một câu chuyện, nhưng không thể giải thích tại sao mọi thứ lại diễn ra như vậy.

● Con không phân tích những gì được trình bày trong sách để dự đoán diễn biến có thể xảy ra tiếp theo hoặc lý giải tại sao các nhân vật hành động như vậy.

● Con đưa ra thông tin không liên quan khi cố gắng liên hệ một đoạn văn bản với một vấn đề trong đời sống cá nhân.

● Con dường như có vốn từ vựng yếu.

● Con không thể kể chuỗi sự kiện rõ ràng, hợp lý trong một câu chuyện.

● Con không chọn ra các sự kiện chính từ văn bản thông tin.

● Con không thể trình bày tổng quát diễn biến trong một đoạn văn bản; ví dụ, các nhân vật trông như thế nào hoặc bối cảnh của câu chuyện ra sao.

Làm thế nào để giúp đỡ trẻ rèn luyện kỹ năng này?

Với sự giúp đỡ của cha mẹ và giáo viên, trẻ em có thể học các chiến thuật để đối phó với các vấn đề đọc hiểu ảnh hưởng đến việc đọc của mình. Dưới đây là một số lời khuyên và những hành động cụ thể.

# Những gì trẻ em có thể làm để tự giúp mình

● Sử dụng bảng biểu, sơ đồ và ghi chú khi đọc.

● Làm thẻ flash ghi các thuật ngữ chính mà con có thể muốn nhớ.

● Đọc từng phần ngắn của các câu chuyện hoặc đoạn văn và đảm bảo con biết mình đang đọc gì trước khi đọc tiếp.

● Tự hỏi “Điều này có ý nghĩa không?” Nếu không, đọc lại phần mà con cảm thấy không có ý nghĩa.

● Đọc và ghi chú. Dừng lại ở mỗi trang hoặc sau khi đã đọc một số trang và lần lượt tóm tắt những gì bạn đã đọc.

● Xin cha mẹ hoặc giáo viên xem trước một cuốn sách với bạn trước khi bạn tự đọc nó.

● Khi đọc, cố gắng xây dựng bức tranh tinh thần hoặc hình ảnh phù hợp với câu chuyện.

Xem thêm: 5 điều phụ huynh cần hiểu về việc đọc hiểu của con

# Những gì cha mẹ có thể làm để giúp đỡ con ở nhà

● Thảo luận về những gì con bạn đã đọc. Gợi ý con bạn đặt câu hỏi về cuốn sách và kết nối các sự kiện với cuộc sống của chính mình. Ví dụ bạn có thể nói “Mẹ tự hỏi tại sao cô gái đó lại làm vậy?” hoặc “Con nghĩ anh ấy cảm thấy thế nào? Tại sao?” và “Vậy chúng ta có thể rút ra bài học gì ở đây?”.

● Giúp con bạn liên hệ giữa những gì con đọc với những trải nghiệm tương tự mà con từng trải qua, xem được trên phim hoặc đọc trong một cuốn sách khác.

● Giúp con bạn theo dõi sự hiểu biết của bản thân. Dạy con liên tục tự hỏi liệu mình có hiểu những gì mình đang đọc không.

● Giúp con bạn đọc lại văn bản để củng cố câu trả lời của mình.

● Thảo luận về ý nghĩa của những từ mà con đã đọc hay nghe nhưng chưa biết.

● Đảm bảo con bạn đọc và nắm chắc từng phần tài liệu.

● Thảo luận về những gì con bạn đã học được từ việc đọc văn bản thông tin, chẳng hạn như một cuốn sách khoa học hoặc nghiên cứu xã hội.

Xem thêm: 7 cách giúp con nhận thấy ý nghĩa của việc đọc sách

# Những gì giáo viên có thể làm để giúp đỡ học sinh ở trường

● Khi học sinh đọc, hãy đặt những câu hỏi mở cho họ như “Tại sao mọi việc xảy ra theo cách đó?” hoặc “Tác giả đang cố gắng làm gì ở đây?” và “Tại sao điều này hơi khó hiểu?”.

● Dạy học sinh cấu trúc của các loại tài liệu đọc khác nhau. Ví dụ, các văn bản tường thuật thường có một vấn đề, một cao trào của hành động và một giải pháp cho vấn đề. Các văn bản thông tin có thể mô tả, so sánh và đối chiếu hoặc trình bày một chuỗi các sự kiện.

● Thảo luận về ý nghĩa của các từ trong văn bản mà bạn đọc. Chọn một vài từ để giảng sâu hơn, thực sự tìm hiểu ý nghĩa và cách sử dụng chúng.

● Dạy các kỹ năng ghi chú và chiến thuật tóm tắt.

● Sử dụng công cụ trực quan giúp học sinh chia nhỏ thông tin và theo dõi những gì họ đọc.

● Khuyến khích học sinh sử dụng và xem lại các từ vựng mà bạn giảng sâu hơn.

● Dạy học sinh theo dõi sự hiểu biết của chính mình. Ví dụ, dạy họ tự hỏi “Điều gì không rõ ràng ở đây?” hoặc “Tôi thiếu thông tin gì?” và “Còn điều gì mà tác giả nên nói với tôi?”.

● Dạy trẻ cách đưa ra dự đoán và tóm tắt.

Nguồn: readingrockets.org

Đặng Thanh Hiền – Táo Trường Học dịch


Leave A Reply

Your email address will not be published.