Liệu pháp trò chơi là gì?

0 3,247

Liệu pháp trò chơi là một hình thức tư vấn hoặc tâm lý trị liệu sử dụng trò chơi để đánh giá, phòng ngừa hoặc điều trị các thách thức tâm lý xã hội. Liệu pháp trò chơi có thể được sử dụng cả cho người lớn, nhưng phổ biến nhất là cho trẻ em.

Nhìn bề ngoài, liệu pháp trò chơi có vẻ như chỉ là cho trẻ chơi đồ chơi. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy liệu pháp này có hiệu quả trong việc điều trị một loạt các vấn đề sức khỏe tinh thần và rối loạn hành vi.

Tại sao liệu pháp này được sử dụng?

Trẻ em thiếu các kỹ năng nhận thức và diễn đạt bằng lời một số vấn đề. Chẳng hạn, nỗi đau buồn thể rất phức tạp với một đứa trẻ và nó gặp khó khăn trong việc diễn đạt bằng lời những suy nghĩ và cảm xúc của bản thân.

Chơi có thể là một phương pháp thực hành để trẻ em giải quyết các vấn đề gây khó chịu cho chúng. Chúng có thể diễn hoạt cảnh, giải quyết các vấn đề cụ thể hoặc tạo ra các nhân vật để chia sẻ cảm xúc của họ.

Trẻ em thường bộc lộ cảm xúc của mình với đồ chơi. Một đứa trẻ đã mất người thân có thể sử dụng những con rối để miêu tả nhân vật buồn nhớ một người bạn. Hoặc một đứa trẻ đã chứng kiến ​​bạo lực gia đình có thể sử dụng một ngôi nhà búp bê để mô tả một đứa trẻ trốn dưới gầm giường vì người lớn đang đánh nhau.

Tùy thuộc vào loại liệu pháp trò chơi đang được sử dụng, nhà trị liệu có thể can thiệp vào nhiều điểm khác nhau trong vở kịch để giúp giải quyết vấn đề. Hoặc, nhà trị liệu có thể quan sát đứa trẻ khi nó đang giúp nhân vật vượt qua cảm xúc của bản thân.

Liệu pháp trò chơi có thể giúp trẻ:

– Khơi dậy sự tự tin trong con để con yên tâm về năng lực của bản thân

– Học các kỹ năng xã hội mới

– Phát triển kỹ năng giao tiếp tốt hơn

– Biết đồng cảm và tôn trọng

– Học cách xác định và thể hiện cảm xúc một cách lành mạnh

– Học và rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề tốt hơn

– Trở nên có trách nhiệm hơn đối với hành vi của bản thân

Các vấn đề liên quan đến liệu pháp trò chơi

Liệu pháp trò chơi thường được sử dụng để giúp trẻ em xử lý các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống như chuyển nhà, nhập viện, lạm dụng thể chất và tình dục, bạo lực gia đình và thiên tai.

Cũng có thể sử dụng liệu pháp này để điều trị bệnh tâm thần hoặc các vấn đề hành vi. Dưới đây là một số vấn đề phổ biến nhất được giải quyết bằng liệu pháp trò chơi:

  • Chấn thương và khủng hoảng
  • Rối loạn lo âu
  • Phiền muộn
  • Rối loạn tăng động giảm chú ý
  • Hội chứng rối loạn phổ tự kỷ
  • Đau buồn và mất mát
  • Kiềm chế cơn tức giận
  • Hiếu chiến
  • Ly hôn
  • Các vấn đề liên quan đến trường học
  • Các vấn đề xã hội
  • Khuyết tật về thể chất và học tập

Các công cụ và phương pháp phổ biến

Nhiều nhà trị liệu trò chơi có một phòng trị liệu chuyên dụng chứa đầy các vật phẩm hỗ trợ quá trình trị liệu. Một số món đồ chơi phổ biến bao gồm:

  • Nhân vật hành động
  • Các trò chơi trị liệu như Trò chuyện, Cảm nhận, Thẻ bài hoặc Dừng lại, Thư giãn và Thẻ tư duy
  • Nhà búp bê 
  • Con rối
  • Dụng cụ tạo tác nghệ thuật
  • Khay cát với bức tượng nhỏ
  • Tượng động vật
  • Xe đồ chơi
  • Khối ghép
  • Còng tay đồ chơi
  • Đồ chơi phát nhạc
  • Nhà bếp với thức ăn giả vờ

Phương pháp không chỉ thị

Liệu pháp trò chơi có hai dạng cơ bản: không chỉ thị (hoặc lấy trẻ em làm trung tâm) và có chỉ thị.

Trong liệu pháp trò chơi lấy trẻ em làm trung tâm, trẻ em được tặng đồ chơi và các công cụ sáng tạo. Chúng được phép chọn cách chơi. Nhà trị liệu không đưa ra bất kỳ chỉ dẫn nào về cách giải quyết vấn đề.

Phương pháp không chỉ thị là một loại trị liệu tâm lý. Tiền đề cơ bản là khi được phép chơi tự do, trẻ sẽ tự tìm ra giải pháp cho vấn đề của mình.

Mỗi phiên trị liệu thường không có cấu trúc. Nhà trị liệu có thể lặng lẽ quan sát trẻ hoặc nhận xét về những gì trẻ đang làm.

Nhà trị liệu có thể tham gia vào trò chơi nếu được đứa trẻ mời. Nhưng, cuối cùng, quyền chủ động thuộc về đứa trẻ.

Phương pháp có chỉ thị

Trong một số tình huống, các nhà trị liệu có thể sử dụng các chiến thuật chỉ thị. Mỗi phiên trị liệu có thể hướng đến giải quyết một chủ đề hoặc mục tiêu cụ thể.

Một đứa trẻ có thể được thông báo “Hôm nay chúng ta sẽ chơi với những con rối. Đây là con rối của con” hoặc nhà trị liệu có thể chọn một trò chơi cụ thể để đứa trẻ chơi.

Nhà trị liệu cũng có thể tham gia vào trò chơi để dẫn dắt câu chuyện. Ví dụ, nếu một đứa trẻ đang sử dụng con rối để mô tả tình huống bắt nạt, nhà trị liệu có thể can thiệp để giúp con rối tìm cách chống lại kẻ bắt nạt hoặc kêu cứu.

Các loại liệu pháp 

Ngoài các phương pháp cơ bản, cũng có một số loại liệu pháp trò chơi khác nhau. Dưới đây là một số loại phổ biến nhất:

  • Liệu pháp hiếu thảo: Cha mẹ tham gia và nhà trị liệu dạy cho cha mẹ cách tương tác với trẻ thông qua trò chơi. Mục tiêu là để thu hẹp khoảng cách giao tiếp giữa trẻ và cha mẹ.
  • Liệu pháp khay cát: Trẻ có thể dựng một hoạt cảnh trong một hộp nhỏ chứa đầy cát bằng cách sử dụng mô hình thu nhỏ, chẳng hạn như người và động vật. Hoạt cảnh đóng vai trò như một sự phản ánh cuộc sống của chính đứa trẻ và tạo cơ hội cho nó giải quyết xung đột, loại bỏ trở ngại và chấp nhận bản thân.
  • Liệu pháp đọc sách: Nhà trị liệu và trẻ có thể đọc sách cùng nhau để khám phá các khái niệm hoặc kỹ năng cụ thể.
  • Trò chơi tưởng tượng: Một đứa trẻ có thể được tặng đồ chơi kích thích trí tưởng tượng như quần áo để chơi hóa trang, ngôi nhà búp bê, con rối hoặc nhân vật hành động. Nhà trị liệu có thể sử dụng phương pháp có hoặc không chỉ thị.
  • Liệu pháp trò chơi hành vi nhận thức: Nhà trị liệu có thể sử dụng trò chơi để giúp trẻ học cách tư duy và hành xử khác biệt. Một con búp bê có thể được cho lời khuyên về cách thay đổi tư duy hoặc nhà trị liệu có thể yêu cầu đứa trẻ đưa ra một lời khuyên cho thú nhồi bông về cách xử lý một tình huống căng thẳng.

Lợi ích của liệu pháp trò chơi và hội chứng tự kỷ

Sự tham gia của gia đình

Gia đình thường là một phần quan trọng trong việc điều trị cho trẻ em. Tuy nhiên nhà trị liệu sẽ xác định mức độ tham gia của họ.

Đôi khi, cha mẹ có thể tham gia một phiên điều trị của trẻ. Nếu mục tiêu là giải quyết các vấn đề gia đình, cha mẹ có thể trực tiếp tham gia vào liệu pháp trò chơi (chẳng hạn như trong liệu pháp hiếu thảo nêu trên).

Trong các trường hợp khác, một đứa trẻ có thể tham dự các phiên điều trị độc lập. Nhà trị liệu thường sẽ liên lạc với người giám hộ về mục tiêu và phương hướng điều trị.

Trị liệu nhóm

Liệu pháp trò chơi có thể được sử dụng trong các buổi trị liệu nhóm. Ví dụ, một nhóm đau buồn có thể bao gồm những đứa trẻ cùng tuổi tham gia trị liệu trò chơi để đối mặt với nỗi mất mát của chúng. Chúng có thể chơi với những con rối hoặc các trò chơi giúp chúng nhận biết cảm xúc của mình hoặc tham gia vào các dự án nghệ thuật với tư cách nhóm. 

Một số trường học cung cấp các nhóm trị liệu trò chơi. Trẻ em có thể làm việc trong một môi trường nhóm với một nhà trị liệu để củng cố các kỹ năng xã hội như chia sẻ, thể hiện lòng tốt và sự tôn trọng.

Thời lượng trị liệu

Các buổi trị liệu trò chơi có độ dài khác nhau tùy thuộc vào mục tiêu điều trị, nhu cầu và khả năng của trẻ. Hầu hết các phiên kéo dài 30-50 phút. Có thể sắp xếp các cuộc hẹn ở bất cứ địa điểm nào phù hợp từ 01 lần/ tháng đến 02 lần/ tuần.

Trung bình, 20 buổi trị liệu trò chơi là cần thiết để giải quyết các vấn đề, nhưng một số trẻ em cải thiện nhanh hơn nhiều trong khi những đứa trẻ khác có thể cần nhiều buổi trị liệu hơn.

Nghiên cứu về liệu pháp trò chơi

Các bậc cha mẹ thường đặt câu hỏi về thời gian và tiền bạc dành cho liệu pháp này. Khó mà ngày một ngày hai có thể chữa lành tâm hồn tổn thương của một đứa trẻ bằng cách chơi. 

Nhưng các nghiên cứu kết luận rằng liệu pháp trò chơi có thể rất hiệu quả đối với trẻ em và gia đình chúng. Đây chỉ là một vài ví dụ về nghiên cứu liệu pháp trò chơi:

Hạn chế sự hiếu động ở trẻ em mắc ADHD: Một nghiên cứu năm 2012 được công bố trên tạp chí ADHD Attention Deficit and Hyperactivity Disorder cho thấy liệu pháp trò chơi hành vi nhận thức hạn chế sự hiếu động ở trẻ em được chẩn đoán mắc ADHD. Những đứa trẻ cho thấy sự cải thiện sau tám buổi trị liệu nhóm.

Giảm các vấn đề về hành vi, ít vấn đề về tinh thần hơn, cải thiện kết quả học tập: Một nghiên cứu năm 2015 đã xem xét 52 nghiên cứu khác về liệu pháp trò chơi. Nó kết luận rằng liệu pháp trò chơi đem lại hiệu quả điều trị đáng kể cho một loạt các vấn đề, bao gồm các vấn đề hành vi, trầm cảm và lo âu. Trẻ em tham dự trung bình 12 phiên trị liệu.

Giảm tình trạng gây hấn: Một nghiên cứu năm 2017 đã xem xét hiệu quả của liệu pháp trò chơi đối với trẻ em có vấn đề về hành vi. Trẻ em ở trong độ tuổi 6-9 và được điều trị 20 phiên (02 phiên/ ngày, 30 phút/ phiên). Dựa trên phản hồi của người giám hộ đối với Danh sách kiểm tra hành vi của trẻ em, trẻ em cho thấy sự giảm sút các vấn đề về hành vi, bao gồm gây hấn và phá luật.

Cải thiện mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong các gia đình nhận nuôi: Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy liệu pháp trò chơi hiếu thảo có hiệu quả trong việc gắn kết các gia đình nhận nuôi. Sau bảy phiên, 30 phút/ phiên, sự đồng cảm của cha mẹ tăng lên, căng thẳng trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái giảm đi, các vấn đề về hành vi của đứa con nuôi được cải thiện.

Tìm một nhà trị liệu trò chơi

Một chuyên gia sức khỏe tâm thần trình độ thạc sĩ hoặc cao hơn có thể sử dụng liệu pháp trò chơi trong điều trị. Một số nhà trị liệu được đào tạo chuyên môn về trị liệu trò chơi, trong khi những người khác thì không.

Các nhà trị liệu chuyên sử dụng liệu pháp chơi có thể được cấp phép trị liệu. Hiệp hội Trị liệu Trò chơi cung cấp thông tin xác thực cho các nhà trị liệu đã được cấp phép.

Nếu bạn nghĩ rằng con bạn có thể được hưởng lợi từ liệu pháp này, hãy trao đổi với bác sĩ của con bạn. Họ có thể đánh giá nhu cầu của con bạn và giới thiệu đến một chuyên gia sức khỏe tâm thần có trình độ.

Bạn cũng có thể tìm kiếm một nhà trị liệu trò chơi trên trang web của Hiệp hội Trị liệu Trò chơi. Thư mục chứa một danh sách cập nhật các nhà trị liệu đã được cấp phép trên toàn thế giới.

Đặng Thanh Hiền – Táo Trường Học dịch

Tác giả:  Amy Morin, LCSW

Bài liên quan:

Vai trò quan trọng của cha mẹ trong giáo dục đặc biệt

Biểu đồ hành vi cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt

Hiểu biết khoa học đằng sau căng thẳng của học sinh

Leave A Reply

Your email address will not be published.