Những điều cha mẹ cần biết về học tập dựa trên dự án

0 2,618

Là một phụ huynh, có lẽ bạn đã nghe thấy nhiều điều về việc học tập dựa trên dự án, nhưng bạn có thể không biết chính xác ý nghĩa của nó hoặc, quan trọng hơn là lý do bạn nên quan tâm đến nó khi bàn về giáo dục con cái. Bạn là giáo viên đầu tiên và quan trọng nhất trong cuộc đời của con bạn. Vì vậy, mọi điều về học tập dựa trên dự án và lý do rất nhiều trường học bắt đầu thực hiện nó là gì?

Học tập dựa trên dự án – PBL (Project-based learning) là một phương pháp dạy học, trong đó học sinh tích cực tham gia vào sự phát triển giáo dục của chính họ. Trong một lớp học PBL, bạn thường thấy học sinh giải quyết vấn đề, tham gia mô phỏng, thực hiện nghiên cứu trường hợp và thiết kế các dự án nghiên cứu dựa trên các lĩnh vực khác nhau. Phương pháp này khuyến khích học sinh nghiên cứu các vấn đề thực tiễn và phát triển các giải pháp cụ thể để truyền cảm hứng cho sự thay đổi ở cấp địa phương và toàn cầu. Việc thực hành PBL hiệu quả đòi hỏi một cách tiếp cận đa ngành, trong đó các nhà giáo dục hợp tác để hỗ trợ hình thành kỹ năng và nghiên cứu bền vững phân hóa, tiếp tục phát triển sự tự chủ và lựa chọn của từng học sinh. “Nếu giáo dục truyền thống là nhạc cổ điển, PBL là nhạc jazz”.

Các nhà giáo dục thế kỷ XXI chinh phục phương pháp này chủ yếu vì nó nuôi dưỡng sự tò mò của học sinh. Và tại sao điều đó lại quan trọng? Trước hết, các nhà tâm lý học đã phát hiện ra rằng “những người tò mò thường cảm thấy cuộc sống ý nghĩa hơn”. Thứ hai, nghiên cứu cho thấy những học sinh tò mò, có động lực nội tại trở thành những người học sâu, nắm vững các môn học phức tạp và phát triển “cảm giác say mê với chủ đề, ý thức về sự phù hợp của nó với cuộc sống và thế giới, ý thức việc làm chủ và vận dụng nó”.

Xem thêm: Những nhà giáo dục của thế kỉ 20 đang giáo dục những con người của thế kỉ 21

Nghe có vẻ lý tưởng, phải không? Mặc dù mô hình học tập lấy học sinh làm trung tâm được Jean Piaget lên tiếng ủng hộ lần đầu vào những năm 70 và được củng cố bởi các nhà giáo dục nổi tiếng khác như Howard Gardner, các trường học đã chậm chạp trong việc áp dụng phương pháp này trên quy mô lớn. Tại sao phải mất quá lâu để các trường học nảy ra ý tưởng này? Bởi vì PBL khó thực hiện và muốn thực hiện tốt thì còn khó hơn. PBL đòi hỏi phải chuyển đổi hoàn toàn lớp học truyền thống và phải mất nhiều công sức để tư duy lại về các mô hình học tập truyền thống trong quá khứ. Cải cách lớn thường đòi hỏi rủi ro lớn và rủi ro lớn thường biến thành quan niệm sai lầm.

Vì học tập dựa trên dự án chưa phải là tiêu chuẩn trong mỗi lớp học nên nhiều quan niệm sai lầm về thực hành vẫn còn rất nhiều. Dưới đây, chúng tôi sẽ liệt kê một số quan niệm sai lầm phổ biến hơn mà các bậc cha mẹ vẫn nghĩ, cũng như lý do chúng tôi cảm thấy chúng thực sự có thể được coi là cơ hội cải tiến, thay vì “dìm hàng”, PBL.

Con tôi sẽ không học nhiều như trong mô hình lớp học truyền thống.

Một trong những quan niệm sai lầm lớn nhất liên quan đến học tập dựa trên dự án là các trường thực hiện nó mà không bao quát tài liệu chủ đề cốt lõi cho các khóa học cụ thể. Vâng, ở mức độ nào đó, nhiều trường học dựa trên PBL đã hy sinh phạm vi bao quát nội dung truyền thống “cốt lõi” để học sinh có thể dành thời gian tham gia vào việc học tập điều tra, vận dụng.

Nhưng sự hy sinh là xứng đáng. Nhiều nghiên cứu cho thấy nội dung học tập thụ động theo cách học vẹt không còn đủ để chuẩn bị cho học sinh thành công trong thế giới ngày nay, đặc biệt là bây giờ học sinh có thể truy cập nội dung chủ đề thông qua một cú nhấp chuột trên web; tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy PBL giúp trang bị cho học sinh cách khắc phục sự cố trong thế giới thực, trên mạng và sẽ phát triển các kỹ năng cơ bản để tồn tại trong một xã hội công nghệ cao, dựa trên tri thức.

Mặc dù hầu hết mọi người đều đồng ý rằng cách chúng ta truy cập thông tin làm thay đổi cục diện giáo dục, một số người vẫn đặt câu hỏi liệu PBL có thực sự đủ để “kiểm tra” học sinh không. PBL đúng là phản đề của kiểm tra tiêu chuẩn, nhưng đó là bởi vì các lớp học PBL hỗ trợ tạo khung chương trình và giúp học sinh đạt được các mức độ thành thạo khác nhau cho mỗi dự án mà họ thực hiện. Vì công việc dự án thường được trình bày cho khán giả bao gồm các thành viên cộng đồng, trong đó có các chuyên gia địa phương có thể đóng góp cho việc học của họ, học sinh phải chủ động giành thành tích và tạo ra các sản phẩm có ý nghĩa. Vậy giáo viên đóng vai trò gì ở đây?

Giáo viên sẽ không giảng dạy nội dung thực tế.

Một quan niệm sai lầm khác về PBL là các giáo viên sẽ không bao quát đầy đủ nội dung hoặc thực sự dạy và ít nhất họ không đứng trước lớp. Vì một lớp học PBL trông rất khác so với một lớp học chủ yếu sử dụng phương pháp thuyết trình, họ dạy ở khắp mọi nơi trừ trên bục giảng. Đóng vai trò như một người tham gia tích cực chứ không phải người hướng dẫn duy nhất, giáo viên trong mô hình học tập dựa trên dự án liên tục thay đổi vị trí trong lớp học, đưa ra lời khuyên mang tính xây dựng khi học sinh dẫn dắt các cuộc nghiên cứu và việc học của riêng họ.

Xem thêm: Học tập dự án với ứng dụng podcast

Với nội dung dự án trôi chảy và luôn thay đổi, các nhà giáo dục thực sự trở thành nguồn lực quan trọng nhất đối với học sinh. Nhà giáo dục phải giúp tất cả học sinh phát triển một câu hỏi nghiên cứu đáng tin cậy, giám sát tư duy chu trình thiết kế, hướng dẫn học sinh tìm đến các nguồn lực vật lý và kỹ thuật số có liên quan, cung cấp phản hồi quan trọng và mang tính xây dựng, đánh giá mức độ thành thạo của học sinh trong việc hình thành các kỹ năng và nắm bắt nội dung phức tạp. Trong khi trình bày, học sinh trở thành giáo viên. Câu ngạn ngữ cũ “Nói với tôi thì tôi quên. Dạy tôi thì tôi nhớ. Cho tôi tham gia thì tôi học được” là triết lý tóm tắt của PBL. Giáo viên trở thành nhạc trưởng chỉ đạo, truyền cảm hứng, tập hợp và thúc đẩy những người tự giác học tập trong tương lai.

Con tôi không được chuẩn bị để vào đại học hoặc phát triển trong tương lai.

Không giống như thời ông bà ta, cơ hội để con bạn được làm cùng một công việc trong cùng một công ty suốt cuộc đời thực tế là không tồn tại. Sự bấp bênh và thay đổi là những yếu tố có thể dự đoán duy nhất trong tương lai.

Không phụ thuộc vào công nghệ định hướng chúng ta, các nhà tương lai học và thần kinh học tin rằng nhờ AI, nhu cầu ghi nhớ nội dung cốt lõi của học sinh trở nên vô ích. Thay vào đó, bộ kỹ năng hàng đầu cho tương lai đòi hỏi năng lực, khả năng thích ứng, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm và giao tiếp – tất cả các tính năng nổi bật của PBL. Công nghệ giáo dục là một phần không thể thiếu của PBL, và sự tích hợp này cho phép học sinh làm việc với chính các công cụ của tương lai trong khi truy cập kỹ thuật số tạo tiền đề cho công tác kiểm tra và giao tiếp đa văn hóa.

Một lĩnh vực mà học sinh PBL có lợi thế cạnh tranh trong quy trình nộp đơn đại học so với các ứng viên truyền thống nằm ở sức mạnh vốn có của hồ sơ kỹ thuật số. Với trọng tâm của quá trình học tập trung vào việc hoàn thành các dự án, học sinh tốt nghiệp các trường thực hành PBL được trang bị một danh mục sản phẩm thực tế chứng minh khả năng đối mặt với những thách thức lớn và đưa ra các giải pháp lớn của họ. Kết luận của các dự án này cho thấy khả năng giải quyết các vấn đề thực tiễn của học sinh và kinh nghiệm trình bày kết quả của họ trước các đồng nghiệp và chuyên gia sẽ là minh chứng vô giá trong quá trình phỏng vấn – cả hai kỹ năng tuyệt vời cho bất kỳ học sinh nào chuẩn bị lên cấp ba.

Vậy các trường đại học đã thực hiện tất cả những điều đó chưa? PBL đang dần được đưa vào các trường đại học khi ngày càng nhiều người nhận ra nó có hiệu quả. Sự thật cay đắng là các trường đại học quốc tế yêu cầu tuyển sinh không giống nhau và các kỳ thi truyền thống như SAT, ACT, IB, AP vẫn thường nằm trong đó. Một số phụ huynh đặt câu hỏi rằng liệu các trường đại học có phud hợp với con họ trong tương lai hay không, trong khi những người khác tin rằng AI sẽ đảm nhận hoàn toàn việc giảng dạy. Dù sao thì, nếu bạn không thể phản bác, hãy chấp nhận. Hầu hết các trường PBL (như THINK Global School, nơi tôi đang công tác) vẫn cung cấp bài kiểm tra và/ hoặc hỗ trợ chương trình ngoại khóa để phù hợp với học sinh có mục tiêu theo học một trong những trường đại học nói trên với yêu cầu tuyển sinh nghiêm ngặt hơn.

Xem thêm: Trường học nên chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai chứ không phải các kỳ thi

Học tập dựa trên dự án nên hay không?

Vì vậy, PBL có đáng để mạo hiểm? Trong khi lĩnh vực PBL chưa được khám phá sâu, đừng sợ cho con bạn thử. Chơi những bản nhạc jazz đôi khi hỗn loạn nhưng luôn luôn khuấy động bầu không khí. Jean Piaget từng nói: “Với hầu hết mọi người, giáo dục có nghĩa là cố gắng định hướng đứa trẻ trở nên giống với người lớn điển hình trong xã hội của nó, nhưng với tôi và không ai khác, giáo dục có nghĩa là sản sinh ra những người sáng tạo. Bạn phải đào tạo nên những nhà phát minh, nhà cải cách – chứ không phải những người bảo thủ. Là cha mẹ, đã đến lúc chúng ta tìm hiểu về quan điểm của Piaget và dìu dắt con trẻ trở thành những nhà, tương lai của chúng phụ thuộc vào nó.

Nguồn: gettingsmart

Đặng Thanh Hiền – Táo Trường Học dịch

Leave A Reply

Your email address will not be published.