5 cách giúp thanh thiếu niên đối phó với khủng hoảng trong cuộc sống

0 1,558

Tất cả chúng ta đều từng trải qua chuyện đó. Tất cả chúng ta đã phải vật lộn với những điều vượt quá sức chịu đựng của bản thân. Và tất cả chúng ta đều có cách riêng để xử lý nỗi buồn đau, xấu hổ và hối tiếc. Khi gặp hoàn cảnh khó khăn, tìm cách đối phó là điều hết sức bình thường.

Trong những năm qua, các bậc cha mẹ thường nói rằng họ không chắc chắn cách nào là hiệu quả nhất để giúp con cái vượt qua được những thăng trầm của cuộc sống. Không có câu trả lời ngắn gọn. Thẳng thắn mà nói, là một nhà trị liệu thường xuyên làm việc với thanh thiếu niên, tôi hiểu điều đó. Xã hội ngày nay thật khó khăn đối với một thiếu niên. Họ phải đối mặt với những kỳ vọng ngày càng tăng: quản lý nhiều lịch trình, yêu cầu khối lượng học tập, các hoạt động ngoại khóa mang tính cạnh tranh; trên hết là khám phá bản thân và biết cách hòa đồng với bạn bè cũng như hòa nhập với thế giới rộng lớn. Tất cả đều có thể và chắc chắn gây ra áp lực bên trong.

Một số thanh thiếu niên xử lý thành công những vấn đề này nhưng còn những em khác có thể thất bại hoặc bị áp lực đè bẹp. Ham muốn thoát khỏi thực tại là một trải nghiệm bình thường của con người.

Nghỉ ngơi, giải toả căng thẳng trong vài giờ để bộ não của bạn khởi động và tập trung lại, đó thực sự là một ý tưởng tuyệt vời. Tham dự một buổi hòa nhạc với bạn bè, nghe nhạc, đi dạo, cười đùa khi xem một bộ phim hài vui nhộn là một số cách lành mạnh để thư giãn đầu óc. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra khi sự phân tâm biến thành một tác nhân không lành mạnh? Thậm chí có thể phá hoại?

Sự phân tâm vô hại thường có thể dẫn đến tình trạng nghiện chơi điện tử, mua sắm qua internet, dán mắt hàng giờ vào Instagram hoặc Snapchat và các phiên bản bẻ khóa phổ biến rộng rãi của Netflix, điều đó sẽ không quá tồi tệ nếu không trùng với tuần ôn thi cuối cùng. Và kinh khủng nhất là những tình huống cực đoan như một thiếu niên bắt đầu thử dùng ma túy, rượu và tình dục để làm tê liệt những cảm xúc phức tạp.

Bất kỳ hành vi nào trong số đó trở thành một cách để XAO NHÃNG, TÊ LIỆT hoặc TRỐN TRÁNH đối mặt với hoàn cảnh khó khăn hay bộc lộ bản chất, điều đó có thể dẫn đến cảm giác bị mắc kẹt và mất kết nối, khiến người ta bị cuốn vào hành vi phá hoại nhiều hơn.

Biện pháp khắc phục tình trạng bế tắc và mất kết nối là gì?

Dấn thân. Là một nhà trị liệu, tôi thích giới thiệu cho các khách hàng tuổi teen của mình các chiến thuật sáng tạo để giải quyết các vấn đề dường như không thể vượt qua. Vâng, điều đó đôi khi có nghĩa là chấp nhận một thách thức mới hoặc thậm chí làm điều gì đó mà họ không thích, chẳng hạn như đối mặt với các vấn đề thực sự. Chúng ta càng dạy con cái mình đối phó với (và không trốn tránh) những thách thức trong cuộc sống, chúng càng có thể nhận ra những khả năng độc đáo của bản thân, tự nuôi dưỡng khả năng phục hồi và ý thức tự chủ.

Nhiệm vụ của cha mẹ trong việc giúp đỡ những thanh thiếu niên hay trốn tránh vấn đề rất phức tạp bởi những xung đột mâu thuẫn của họ. Họ muốn chúng ta ở bên cạnh, đồng thời, muốn chúng ta tránh thật xa. Tuy nhiên, nghiên cứu rất rõ ràng: Cha mẹ là chỗ dựa vững chắc trong cuộc sống của thanh thiếu niên!

Dưới đây là năm cách có thể giúp bạn nhận ra khi nào con cảm thấy bế tắc và bạn làm thế nào để giúp con thoát khỏi tình trạng đó.

1. Theo dõi các dấu hiệu cảnh báo

Một số thanh thiếu niên đang bế tắc sẽ thể hiện sự khó tập trung và động lực thấp. Họ có thể cáu kỉnh, tiêu cực, dễ nản lòng hoặc dễ nổi nóng. Một số thanh thiếu niên bị mắc kẹt trong quá khứ có thể rất nhạy cảm với những lời chỉ trích và bắt đầu xa lánh gia đình, bè bạn. Một số dấu hiệu trên đây là một phần của quá trình phát triển bình thường ở thanh thiếu niên nên điều quan trọng cần lưu ý là những thay đổi từ mô hình hành vi điển hình của con bạn.

2. Trò chuyện

Thể hiện sự quan tâm thông thường bằng cách đặt câu hỏi và phản ánh lại những gì bạn đã nghe. Thanh thiếu niên có thể nhận ra sự khác biệt giữa câu hỏi quan tâm và câu hỏi kiểu vô thưởng vô phạt. Bạn hãy ở bên và dõi theo nhưng không xâm phạm quyền riêng tư của con. Một cuộc trò chuyện có thể bắt đầu như này: “Cảm thấy kiệt sức là chuyện bình thường mà. Bố mẹ hiểu con muốn làm tốt (ở trường / khi chơi thể thao / kết bạn) vì vậy hẳn là đôi khi con sẽ cảm thấy áp lực. Con không cô đơn. Bố mẹ luôn sẵn lòng lắng nghe nếu con muốn nói.” Ban đầu, con bạn có thể không tâm sự ngay đâu. Điều quan trọng là bạn luôn chuẩn bị tinh thần chờ con sẵn sàng chia sẻ.

3. Hãy cởi mở

Chia sẻ trải nghiệm của bạn trong việc xử lý tình trạng xao nhãng, tê liệt và trốn tránh, điều đó có thể giúp con bạn ứng phó tốt hơn với hoàn cảnh của chính họ. Đối với nhiều bậc cha mẹ, việc tiết lộ những trò hề tuổi teen của bản thân là một ý tưởng ác mộng. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy rằng cha mẹ có mối quan hệ cởi mở, ấm áp và chăm lo cho con cái có thể giúp con giảm bớt sự căng thẳng gây hại. Con bạn có thể không tỏ ra quan tâm sâu sắc hoặc đặt nhiều câu hỏi. Đừng lồng lo lắng, họ đang lắng nghe đấy.

4. Hãy theo dõi

Là một nhà trị liệu, tôi xin nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gắn bó với con cái. Điều đó nghĩa là gì? Biết gu âm nhạc của họ, nghệ sĩ yêu thích của họ, thậm chí mua đĩa về nghe thử. Biết tên của bạn bè và thậm chí là những người họ không ưa. Tôi không ủng hộ việc cha mẹ giám sát con cái 24/24 trên các phương tiện truyền thông xã hội. Dù thế nào thì thanh thiếu niên cũng có quyền riêng tư nhất định. Nhưng trách nhiệm của cha mẹ là phải nắm bắt tình hình của con. Những thông tin mà bạn khám phá ra có thể giúp bạn kết nối tốt hơn với con hoặc cảnh báo bạn về các dấu hiệu căng thẳng của con. Là cha mẹ, chúng ta phải chú ý khía cạnh quan trọng này của đời sống xã hội tuổi teen. Đừng có nói với con bạn là tôi mách nước bạn đấy nhé!

5. Tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp

Một phần công việc của chúng ta, các bậc cha mẹ, là giúp con cái tìm ra con đường thành công. Bạn có thể tham khảo ý kiến của cố vấn trường học, nhà trị liệu hoặc linh mục đáng tin cậy. Hãy nhớ rằng nhiều hành vi trốn tránh né chỉ đơn giản là một biểu hiện của tuổi thiếu niên. Việc tham khảo ý kiến ​​của chuyên gia có thể giúp bạn đánh giá mức độ nghiêm trọng và cung cấp hỗ trợ phù hợp. Tôi rất muốn truyền đạt một kỹ thuật có tên là chánh niệm. Chánh niệm là lý tưởng để giảm bớt những suy nghĩ đau khổ. Khả năng phá vỡ một chu kỳ suy nghĩ tiêu cực là rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần của thanh thiếu niên, giúp họ vượt qua giai đoạn bế tắc trong cuộc sống. 

Cho dù họ tâm sự với bạn hay thể hiện cho bạn thấy hay không, con bạn rất trân trọng sự quan tâm của bạn. Bạn có những phương pháp gì để khám phá thế giới tuổi teen của con cái, hãy chia sẻ trong phần bình luận bên dưới nhé.

Đặng Thanh Hiền – Táo Trường Học dịch

Nguồn: theparentTHER.org  

Leave A Reply

Your email address will not be published.