Làm thế nào để giúp con bạn vượt qua mùa thi

0 1,728

Một vài lần trong năm, vào các ngày lễ và vào cuối năm học, các kỳ thi trở thành tâm điểm bàn luận trong các gia đình của học sinh. Đối với một số người, các kỳ thi đại diện cho cơ hội cuối cùng để qua môn. Đối với những người khác, một số môn có thể được miễn thi nhờ điểm số cao. Và đối với những thành phần còn lại, các kỳ thi là một thực tế khó chịu của nhà trường, đòi hỏi một số nghiên cứu thêm và gây áp lực cho cả học sinh lẫn phụ huynh.

Nhiều bậc cha mẹ thường cảm thấy khó nắm bắt các chiến thuật và bí kíp giúp con mình thành công trong các kỳ thi. Tìm kiếm nhanh trên Google, bạn sẽ có rất nhiều thông tin, một số tốt và một số còn đang bị hoài nghi. Còn tôi, khi nói chuyện với cha mẹ của các học sinh mà mình phụ trách, tôi thường tập trung vào ba khía cạnh: cảm nhận chung, hệ quả tất yếu và nỗi lo thi cử.

Cảm nhận chung

Khi nói đến các kỳ thi, cảm nhận chung thường khá là đơn giản; những suy nghĩ truyền thống như ôn trước khi thi ba đến bốn ngày, ngủ nhiều và ăn sáng trước khi thi đều có ý nghĩa. Ngoài ra, một gia đình không có sự xáo trộn, sự kiện hay biến cố hoặc thay đổi lớn gì có thể là một môi trường học tập thuận lợi. Nếu gia đình bạn chuyển nhà, hoặc mâu thuẫn, điều đó rất có thể sẽ tác động tiêu cực đến khả năng học tập hoặc trình bày ý kiến của con bạn khi con có sự lo lắng trước kỳ thi.

Nỗi lo thi cử

Thanh thiếu niên thường dễ rơi vào tình trạng lo âu tột độ khi chuẩn bị cho kỳ thi. Nỗi lo âu đó là một vòng xoáy, trong đó một suy nghĩ tiêu cực bị nỗi lo phóng đại và thất bại ngày càng tồi tệ hơn sau mỗi kì kiểm tra. Tình huống đó có thể giống như thế này: Nếu bài kiểm tra này bị điểm kém, tôi sẽ không giành được điểm A môn này. Nếu tôi không được điểm A trong môn này thì tôi không thể vào trường đại học mà tôi muốn. Khi đó, tôi sẽ không được làm công việc mình muốn. Hệ quả là tôi không thành công rồi tôi sẽ trở thành người vô gia cư và nghiện ma túy.”

Là phụ huynh bạn nên hướng dẫn con tránh nhân thêm lo lắng bằng cách hít thở sâu, nhận định tình huống xấu nhất và nghĩ cho hiện tại – đừng cố đoán xem chuyện gì có thể xảy ra hay hối tiếc về những thất bại trong quá khứ. Lúc này chính là lúc bạn cần tập trung giúp đỡ con.

Một câu hỏi mà phụ huynh cần trả lời đó là BẠN đã gây áp lực lên con như thế nào để con vào trường đại học mà bạn mong muốn? Bạn có đang trong trường hợp xấu nhất?

Hệ quả tất yếu

Hệ quả tất yếu là chấp nhận một lựa chọn, đơn giản vì nó phải thế mà không bao che, loanh quanh hoặc đổ lỗi. Nếu con bạn bỏ qua lời khuyên của bạn và kết quả là chúng trượt môn hoặc bài kiểm tra, đừng bao che con bằng cách xin giáo viên hoặc nhà trường. Đừng dung túng con theo kiểu coi như chưa có gì xảy ra. Đừng đổ lỗi cho giáo viên hoặc kỳ thi.

Điều này nghe có vẻ khắc nghiệt. Tôi hiểu. Nhưng bạn có thể cho phép những hệ quả tất yếu xảy ra với sự đồng cảm và tình yêu.

Vậy thực tế thì sao? Nói điều gì đó chẳng hạn như: “Bố mẹ rất tiếc vì con đã trượt kỳ thi này. Bố mẹ biết điều đó không dễ chịu chút nào. Bố mẹ tin rằng con đủ thông minh để làm tốt hơn. Con nghĩ mình sẽ làm được gì khác?

Vế đầu: “Bố mẹ rất tiếc vì con đã trượt kỳ thi này. Bố mẹ biết điều đó không dễ chịu chút nào” thể hiện sự đồng cảm. Đây là lúc bạn tạo dựng mối liên hệ. Nếu bạn tức giận hoặc mệt mỏi, bạn sẽ khó mà làm được điều này. Tôi khuyên bạn nên dành thời gian bình tâm rồi mới đến cuộc trò chuyện này. Vế sau của câu là một niềm tin tích cực và một câu hỏi. HỎI con bạn xem con định cố gắng làm việc gì hiệu quả hơn là RA LỆNH chúng phải làm gì. “Bố mẹ tin rằng con đủ thông minh để làm tốt hơn” là niềm tin tích cực. “Con nghĩ mình sẽ làm được gì khác?” định hướng con suy nghĩ về việc học.

Sau kì thi

Ai phụ trách một lớp học ở trường? Tôi khuyên bạn nên bắt đầu học hành tử tế ngay từ cấp THCS, như vậy thì lên cấp THPT, học sinh sẽ thực hiện được 80-90% công việc còn bố mẹ thì khuyến khích, theo dõi và đưa ra lời khuyên. Khi đó, học sinh không thể đổ lỗi cho giáo viên, hoàn cảnh, môi trường lớp học hoặc bất kỳ vấn đề nào khác nếu điểm số của họ không như ý, đặc biệt là khi học phải chật vật vượt qua kỳ thi. Cuối cùng, con càng lớn càng có trách nhiệm với điểm số của bản thân.

Vì vậy, hãy nhìn nhận

Không khí trong gia đình bạn cần vui vẻ hoặc ít ra là ôn hòa. Khuyến khích học sinh ôn bài ít nhất ba ngày trước khi thi. Chú ý giảm áp lực lên học sinh. Hãy để những hệ quả tất yếu xảy ra, đừng bao che hoặc giả vờ như sự việc chưa từng xảy ra.

Tác giả: Daniel Walters

Đặng Thanh Hiền – Táo Trường Học dịch

Leave A Reply

Your email address will not be published.