Bước 3: Tham quan và quan sát trường học
Liên lạc với các trường mà bạn quan tâm và đặt lịch hẹn. Nếu có thể, hãy tham quan các trường trong giờ học bình thường và ghé thăm một vài lớp học. Tránh đến thăm các trường trong tuần đầu hoặc tuần cuối của một học kỳ để có trải nghiệm thực tế về cách thức hoạt động của nhà trường.
Một cách tốt để giải đáp mọi thắc mắc của bạn là sắp xếp một cuộc hẹn với hiệu trưởng. Nếu có thể, hãy tham dự ngày hội trường, cuộc họp phụ huynh hoặc một số phòng ban của nhà trường cũng cung cấp thông tin có giá trị về thái độ của nhân viên, học sinh và phụ huynh.
Lắng nghe những gì giáo viên nói về trường học. Họ sẽ là những người gắn bó với con bạn nhất, bạn có lẽ cũng muốn biết liệu họ có được chuẩn bị tốt, tận tâm và hạnh phúc khi ở trường hay không.
Văn hóa
● Thư ký nhà trường có tháo vát và thân thiện không?
● Trường học có trật tự và gọn gàng không?
● Bảng thông báo trông như thế nào?
● Công việc của học sinh được hiển thị như thế nào?
● Trường học liên lạc với học sinh và phụ huynh như thế nào (bản tin hàng tuần/ hàng tháng, e-mail, trang web)?
● Học sinh có thái độ lịch sự, vui vẻ và kỷ luật không?
● Nhà trường có chào đón tất cả các bậc cha mẹ không?
● Học sinh có nhu cầu học tập đa dạng (ví dụ: học sinh khuyết tật và học sinh có trình độ tiếng Anh hạn chế) được đối xử như thế nào?
● Các giáo viên có tháo vát và thân thiện không?
Hiệu trưởng
● Triết lý giáo dục của hiệu trưởng là gì?
● Quan điểm của hiệu trưởng về vấn đề kỷ luật là gì?
● Hiệu trưởng quan tâm các hoạt động ngoại khóa nào nhất?
● Cộng đồng nhận xét thế nào về hiệu trưởng?
● Hiệu trưởng thường xuyên có mặt ở trường và sẵn sàng tiếp phụ huynh không?
● Hiệu trưởng có làm quen với học sinh không?
● Hiệu trưởng có thường xuyên quan sát giáo viên không?
● Nhà trường làm gì để giữ chân giáo viên giỏi và cải thiện thành tích của giáo viên?
● Hiệu trưởng trả lời các mối quan tâm/ khiếu nại của phụ huynh như thế nào?
● Thái độ của hiệu trưởng đối với học sinh có nhu cầu học tập đa dạng (ví dụ: học sinh khuyết tật và học sinh có trình độ tiếng Anh hạn chế) ra sao?
● Theo hiệu trưởng, điểm mạnh của trường là gì?
● Theo hiệu trưởng, điểm yếu của trường là gì?
● Theo hiệu trưởng, trường học có thể cải thiện ở đâu?
Giáo viên
● Giáo viên đánh giá sản phẩm của học sinh như thế nào?
● Giáo viên có kỳ vọng cao rằng tất cả học sinh đạt được các tiêu chuẩn học tập cao không?
● Giáo viên làm thế nào để truyền đạt cho học sinh về những kỳ vọng của họ?
● Giáo viên có chia sẻ nội dung khóa học và mục tiêu với phụ huynh không?
● Giáo viên tổ chức họp phụ huynh vào thời điểm nào, với tần suất như thế nào?
● Giáo viên có giao bài tập về nhà không? Có nghiêm chỉnh không? Có thường xuyên không? Có đủ không?
● Các giáo viên có chuyên môn cao trong lĩnh vực mà họ phụ trách không?
● Giáo viên có kỹ năng và kiến thức để phụ trách các học sinh có nhu cầu học tập đặc biệt không?
● Các nhân viên chuyên môn có sẵn sàng giải quyết các nhu cầu học tập đặc biệt của trẻ không (ví dụ: nhà trị liệu ngôn ngữ, nhà tâm lý học hoặc trợ lý)?
● Giáo viên có hiểu từng học sinh trong lớp không?
● Giáo viên có sẵn sàng giúp đỡ thêm cho học sinh không?
● Chính sách của nhà trường liên quan đến phản hồi của giáo viên đối với các câu hỏi của phụ huynh là gì?
● Giáo viên có trang web thông báo tình hình lớp học và các thông tin khác cho học sinh và phụ huynh không?
Học sinh
● Tỷ lệ đi học của học sinh là bao nhiêu?
● Học sinh nói gì về hiệu trưởng?
● Học sinh nói gì về giáo viên?
● Học sinh có tinh thần học tập không?
● Học sinh nói gì về bài tập về nhà?
● Học sinh có tham gia và tận hưởng các chuyến đi thực địa không?
● Học sinh có cảm thấy an toàn khi ở trường không?
● Ấn phẩm của học sinh nói lên điều gì?
● Học sinh còn nói gì khác về nhà trường?
Sự tham gia của phụ huynh và cộng đồng
● Trường học khuyến khích sự tham gia của phụ huynh như thế nào?
● Phụ huynh có thể hỗ trợ nhà trường như thế nào?
● Cha mẹ có được khuyến khích tham gia tình nguyện không?
● Các cuộc họp phụ huynh có tích cực không?
● Trường có tổ chức các cuộc họp và sự kiện vào những thời điểm mà phụ huynh có thể tham dự không?
● Phụ huynh tham dự các đêm tiệc tựu trường với thái độ ra sao?
● Các gia đình có được kỳ vọng hỗ trợ con làm bài tập về nhà không?
● Nhà trường có thường xuyên liên lạc với phụ huynh không?
● Các nhà lãnh đạo cộng đồng có quan tâm đến trường học không?
● Nhà trường có hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức địa phương không?
● Phụ huynh có tham gia góp ý xây dựng chính sách của nhà trường không?
Uy tín
● Cộng đồng đánh giá như thế nào về nhà trường?
● Trường học được các phụ huynh khác đánh giá như thế nào?
● Các trường khác đánh giá trường này như thế nào, đặc biệt là những trường tiếp nhận học sinh của trường này (khi họ chuyển cấp)?
● Trường có giành được giải thưởng nào không?
● Học sinh đã tốt nghiệp nói gì?
● Học sinh đã tốt nghiệp có đóng góp đáng kể cho cộng đồng và lĩnh vực họ lựa chọn không?
Bước 4: Ứng tuyển các trường bạn chọn
Sau khi chọn (các) trường mà bạn nghĩ là tốt nhất cho con, bạn sẽ trải qua quá trình nộp hồ sơ vào (các) trường mà bạn chọn. Cân nhắc nộp vào nhiều trường, đề phòng con bạn không được nhận vào lựa chọn đầu tiên.
Bạn cần bắt đầu quá trình này càng sớm càng tốt để đảm bảo chuẩn bị đủ hồ sơ trước thời hạn.
Quy trình tuyển sinh có thể khác nhau. Con bạn có thể cần được kiểm tra hoặc phỏng vấn và bạn phải cung cấp bảng điểm của trường, giấy giới thiệu hoặc làm một số thủ tục khác. Sẽ hữu ích nếu bạn tìm hiểu trước các tiêu chí tuyển sinh của các trường học. Bạn sẽ muốn kiểm tra lại để chắc chắn rằng bạn có thông tin chính xác về thời điểm và cách đăng ký.
Chọn một hoặc nhiều trường để đăng ký
● Bạn muốn nộp đơn vào trường nào?
● Hạn chót nộp đơn là bao giờ?
Gửi giấy tờ và đơn trước thời hạn
● Bạn đã điền đầy đủ đơn đăng ký cho từng trường chưa?
● Bạn đã chuẩn bị tất cả các thông tin bổ sung cần thiết đi kèm đơn đăng ký (phí vận chuyển, bảng điểm, điểm kiểm tra, thư giới thiệu) chưa?
● Bạn đã nộp đơn trước hạn chót do mỗi trường quy định chưa?
Theo dõi sát sao
● Bạn đã liên lạc với từng trường để kiểm tra tình trạng đơn xin học của con bạn chưa?
● Khi nào các trường thông báo trúng tuyển?
● Khi nào bạn cần thông báo đăng ký nhập học?
● Khi nào bạn sẽ thông báo cho các trường rằng con bạn không vào học?
Chúc mừng
Xin chúc mừng tất cả các kế hoạch bạn đã thực hiện để đi đến bước này. Con bạn sẽ hưởng lợi rất nhiều từ sự quan tâm tích cực và nhiệt tình của bạn. Bằng cách thu thập thông tin, nói chuyện với các phụ huynh khác, đến thăm trường học và thực hiện quyền lựa chọn của bạn, giờ đây bạn có thể đảm bảo con bạn nhận được sự giáo dục tốt nhất có thể. Tuy nhiên, đây mới chỉ là khởi đầu. Bằng cách tham gia vào việc giáo dục con bạn, khuyến khích con bạn làm việc chăm chỉ và tạo thêm cơ hội học tập ở nhà và trong cộng đồng, bạn có thể giúp con tiến xa hơn. Hãy nhớ rằng việc tìm kiếm sự giáo dục tốt nhất cho con bạn là quyền và trách nhiệm của bạn.
Nguồn: readingrockets.org
Đặng Thanh Hiền – Táo Trường Học dịch