Nội quy gia đình

Nội quy gia đình dạy mọi người trong nhà cách cư xử với nhau. Chúng giúp các thành viên thỏa mãn nhu cầu của bản thân, đồng thời tôn trọng nhu cầu của người khác. Chúng cũng tạo cảm giác an toàn cho trẻ em và thanh thiếu niên.

0 19,381

Nội quy gia đình dạy mọi người trong nhà cách cư xử với nhau. Chúng giúp các thành viên thỏa mãn nhu cầu của bản thân, đồng thời tôn trọng nhu cầu của người khác. Chúng cũng tạo cảm giác an toàn cho trẻ em và thanh thiếu niên.

Nội quy gia đình: những điều cơ bản

Đó là những quan điểm tích cực của gia đình bạn về cách chăm sóc và đối xử với các thành viên. Các quy tắc có thể giúp mọi người trong gia đình bạn hòa thuận với nhau và cuộc sống gia đình trở nên yên bình hơn.

Nội quy rõ ràng sẽ giúp:

  • trẻ em và thanh thiếu niên nhận thức được đâu là giới hạn và mọi người kì vọng những gì ở họ.
  • người lớn kiên định trong cách ứng xử với trẻ em và thanh thiếu niên.

Ai đặt ra nội quy?

Điều quan trọng là tất cả các thành viên trong gia đình chung tay thiết lập nội quy.

Trẻ em từ ba tuổi có thể giúp bạn đưa ra các quy tắc và giải thích vì sao gia đình cần có các quy tắc đó.

Khi trẻ lớn hơn, chúng có thể tham gia nhiều hơn vào việc thiết lập nội quy và mức phạt nếu vi phạm. Thanh thiếu niên được lợi rất nhiều từ việc tham gia thiết lập nội quy, vì điều đó cho họ cơ hội chịu trách nhiệm về hành vi của bản thân.

Việc cho con bạn tham gia xây dựng nội quy gia đình và mức phạt nếu vi phạm giúp con hiểu và chấp nhận chúng.

Xây dựng nội quy như thế nào?

Chọn những điều quan trọng nhất để đưa vào nội quy – ví dụ, nguyên tắc “Không gây thương tích cho người khác” là bắt buộc đối với hầu hết các gia đình.

Bạn cũng có thể phát triển các nguyên tắc về an toàn, cách cư xử, lịch sự, thói quen hàng ngày và tôn trọng lẫn nhau.

Mỗi gia đình có nội quy khác nhau. Các tiêu chuẩn sẽ bị ảnh hưởng bởi niềm tin, giá trị, gia cảnh, mức độ trưởng thành và nhu cầu của con bạn.

Các tiêu chuẩn sẽ bị ảnh hưởng bởi niềm tin, giá trị, gia cảnh, mức độ trưởng thành và nhu cầu của con bạn.

Các loại nội quy

Nội quy thì muôn hình vạn trạng nhưng những nội quy tốt đều có một điểm chung: cụ thể và dễ hiểu.

Những điều nên làm

Đây là công cụ giảng dạy tốt nhất trong hầu hết các tình huống vì chúng định hướng hành vi của con bạn theo cách tích cực. Dưới đây là một số ví dụ:

  • Ngồi ăn.
  • Nói chuyện lịch sự.
  • Thắt dây an toàn khi ngồi ô tô.
  • Cư xử hòa nhã.
  • Về nhà trước giờ giới nghiêm.

Tốt nhất là có nhiều điều nên làm hơn là không nên làm.

Những điều không nên làm

Sử dụng nguyên tắc này khi bạn gặp khó khăn trong việc giải thích chính xác những gì cần làm. Dưới đây là một số ví dụ:

  • Không khạc nhổ.
  • Không vòi vĩnh khi đi siêu thị.
  • Từ chối đi xe nếu tài xế uống rượu.

Nội quy cơ bản

Đây là những quy tắc được áp dụng ở mọi nơi, trong mọi trường hợp. Một số nội quy cơ bản áp dụng cho cả gia đình, một số khác chỉ áp dụng cho trẻ nhỏ hoặc thanh thiếu niên. Nội quy về lịch sự và không làm tổn thương nhau là những ví dụ về nội quy cơ bản.

Nội quy tình huống

Đôi khi cần có một bộ nội quy ngắn cho các tình huống cụ thể. Ví dụ: Nội quy về:

  • đi du lịch bằng ô tô
  • đến chơi nhà người khác
  • sử dụng máy tính
  • đi mua sắm.

Một vài quy tắc rõ ràng và cụ thể thường hiệu quả hơn một danh sách dài, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Khi trẻ lớn lên và trưởng thành hơn, các quy tắc có thể phức tạp hơn. Nếu con bạn có xu hướng phá luật, bạn có thể cần phải xây dựng chiến thuật và tập trung vào các vấn đề cơ bản như an toàn và công bằng.

Làm thế nào để phát triển nội quy?

Trẻ em và thanh thiếu niên muốn được tham gia vào quá trình xây dựng nội quy.

Tham gia thảo luận về nội quy có thể không ngăn được đám trẻ phá luật nhưng ít nhất chúng sẽ nắm rõ nội quy và hiểu được ý nghĩa của nó.

Nhiều gia đình thấy rằng việc viết nội quy giúp họ thấu hiểu những kì vọng về cung cách ứng xử của mọi người. Việc viết ra khiến chúng rõ ràng và ngăn chặn tranh cãi xem điều nào được/ không được phép. Dán nội quy trên tủ lạnh hoặc ở một vị trí nổi bật khác, có thể giúp trẻ nhỏ nhận thức được chúng.

Văn bản nội quy cũng hữu ích đối với thanh thiếu niên. Đối với trẻ em ở độ tuổi này, thay vì công khai nội quy trên tủ lạnh thì một ý tưởng tốt là để chúng ở nơi riêng tư hơn mà vẫn tiện tham khảo khi cần.

Đối với trẻ nhỏ hơn, hãy xem xét vẽ tranh hoặc tải hình ảnh trên mạng về để minh họa nội quy. Sau đó dán những bức tranh ở một nơi mọi người có thể nhìn thấy chúng. Nếu bạn cho trẻ tham gia vẽ hoặc tô màu poster, bạn sẽ có cơ hội thảo luận về nội quy với trẻ.

Khi nào bắt đầu thực hiện nội quy?

Bạn có thể bắt đầu thực hiện các nguyên tắc đơn giản ngay khi con bạn có kỹ năng ngôn ngữ để hiểu chúng. Đây là một phần của việc dạy con.

  • Trẻ nhỏ sẽ cần được hỗ trợ và nhắc nhở để tuân thủ các nguyên tắc, bởi vì chúng có thể quên hoặc từ chối thực hiện. Điều này đặc biệt quan trọng với các nguyên tắc an toàn như “Tránh xa đập nước”, “Không bao giờ nghịch diêm”.

Một số trẻ em có nhu cầu đặc biệt cũng cần trợ giúp để hiểu và ghi nhớ các nguyên tắc.

Tất cả trẻ em đều khác nhau, nhưng nhìn chung, tầm giữa đến cuối cấp tiểu học, bạn có thể tin tưởng lũ trẻ sẽ tuân thủ nội quy mà không cần sự giúp đỡ của bạn trong hầu hết các tình huống.

Các nguyên tắc và ranh giới rõ ràng sẽ mang đến cho trẻ vị thành niên cảm giác an toàn và nhận thức về vị thế của bản thân. Điều này đặc biệt quan trọng trong thời niên thiếu – giai đoạn có rất nhiều thay đổi trong cuộc sống của con bạn.

  • Thanh thiếu niên và nội quy

Những năm thiếu thời đem đến một thách thức mới. Ở giai đoạn này, người trẻ có thể thúc đẩy quyền tự chủ và độc lập hơn. Điều này đôi khi liên quan đến việc chống đối nội quy gia đình, đặc biệt nếu con bạn cảm thấy bị giằng xé giữa các nguyên tắc của gia đình và bạn bè.

Nhưng nội quy cũng quan trọng đối với thanh thiếu niên cũng như trẻ nhỏ và nó không bao giờ là quá muộn để thiết lập hoặc củng cố chúng. Việc thuyết phục đứa con đang tuổi vị thành niên của bạn tham gia xây dựng nội quy gia đình có thể giúp con cảm thấy rằng bạn lắng nghe con. Có thể con còn đánh giá bạn là công bằng và song phẳng.

Các nguyên tắc về hành vi an toàn có khả năng giúp bạn và con bạn. Chúng có thể bao gồm các nguyên tắc về sử dụng rượu, quan hệ tình dục, hẹn hò và giờ giới nghiêm. Một số gia đình thảo luận và ký hợp đồng an toàn. Hợp đồng an toàn là một thỏa thuận bằng văn bản về các nguyên tắc – ví dụ: “Nhắn tin thông báo khi con sử dụng phương tiện giao thông công cộng vào ban đêm hoặc “Nói chuyện với người lớn đáng tin cậy nếu ai đó gửi cho con hình ảnh khiêu dâm”.

Hãy sẵn sàng thảo luận và điều chỉnh các nguyên tắc khi con bạn lớn hơn – ví dụ, nới rộng giờ giới nghiêm của con bạn.

Thay đổi nội quy

Các nguyên tắc sẽ thay đổi khi con cái trưởng thành và hoàn cảnh gia đình thay đổi. Chẳng hạn, khi trẻ lớn hơn, các quy tắc về quyền riêng tư có thể trở nên quan trọng hơn.

Thỉnh thoảng, hãy điều chỉnh nội quy để mọi người ghi nhớ những nguyên tắc quan trọng nhất. Thuyết phục trẻ lớn và thanh thiếu niên thực hiện bất kỳ thay đổi nào trong nội quy.

Củng cố nội quy

Nội quy chỉ có hiệu lực khi bạn củng cố nó. Nghĩa là bạn đặt ra một nguyên tắc thì phải đi kèm hậu quả nếu vi phạm. Hãy đảm bảo rằng cả nhà đều hiểu và đồng ý.

Khi ai đó vi phạm nội quy, bạn có thể chỉ đơn giản nhắc nhở con bạn về quy tắc đó và cho con một cơ hội khác, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Nhưng cuối cùng, sẽ hiệu quả hơn nếu bạn thực hiện mức phạt đã giao kèo từ trước.

Từ khi lên ba, nếu trẻ em đồng ý nhận hậu quả trước khi sự việc xảy ra, nhiều khả năng trẻ sẽ nghe lời bạn mà không cự cãi.

Khi trẻ đến tuổi thiếu niên, thỏa thuận về một bộ quy tắc và hậu quả rõ ràng sẽ giúp chúng phát triển tính tự giác và tự chủ.

Đặng Thanh Hiền – Táo Trường học dịch

Nguồn: Raisingchildren

Leave A Reply

Your email address will not be published.