5 cách thông minh để xử lý rắc rối với giáo viên của con

0 1,937

Nếu bạn thấy con đang gặp rắc rối với giáo viên, đừng trần chừ, hãy dành thời gian tìm hiểu kỹ vấn đề với con và thẳng thắn trao đổi với giáo viên với tinh thần hợp tác để cùng tháo gỡ vấn đề. Bởi điều cuối cùng mà cả phụ huynh và giáo viên hướng tới là tạo môi trường rèn luyện và phát triển tốt nhất.

Trong hoàn cảnh này, điều đầu tiên mà bạn cần là bình tĩnh, lúc đó mới là lúc bạn sẵn sàng giúp đỡ con. Hãy tự hỏi xem bạn có đang sáng suốt cho rằng lỗi nằm giáo viên hay con bạn? Làm thế nào để biết chính xác tại sao con bạn không vui khi ở trường? Làm thế nào để giải quyết rắc rối này càng nhanh càng tốt?

Kim Black, một bà mẹ của bốn đứa con trong đó có cậu bé Harrison đang học lớp 2 tại River Ridge, bang L.A. -Mỹ, đã chia sẻ về trường hợp của con mình.

Cô không nhận ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy mối quan hệ lạnh nhạt giữa Harrison và giáo viên của con. Thay vào đó, chỉ có một đống chuyện vụn vặt: Con trai của cô khăng khăng rằng “cô giáo không thích con”; “cô ấy thường xuyên mắng con trong lớp. Cô ấy hay gọi con ra gặp riêng để nhắc nhở“. Cô nói rằng: “Con tôi vốn là một đứa trẻ hạnh phúc, may mắn và bây giờ ngày nào tan học về nhà nó cũng khóc.”

Vì vậy, trước khi kết thúc tháng đầu tiên đi học, Black đã đến nói chuyện với giáo viên của con. Không dấu diếm vấn đề, cô hỏi: ‘Con trai tôi cảm thấy cô không thích nó. Có phải thế không ạ?”. Lúc đó giáo viên của con dè chừng trả lời cô rằng: “Tất nhiên là tôi quý con. Học sinh nào tôi cũng yêu quý.” Để xóa đi e ngại của giáo viên, Black nhanh chóng giải thích rằng cô không buộc tội cô giáo, chỉ đơn giản là cố gắng nói cho cô giáo biết cảm nhận của Harrison và muốn tìm hiểu nguyên nhân. Giáo viên khẳng định cô không biết gì. Black chia sẻ “Tôi nghĩ rằng điều đó đã khiến chúng tôi đi sai hướng”. Tình hình trở nên xấu đi kể từ sau đó. Harrison không còn thích đi học và điểm số của nó bị ảnh hưởng. Cuối cùng, con được chuyển đến một lớp khác, và tôi tiếp tục lo lắng.

Thật khó để đối mặt với tình huống con bạn về nhà với tâm trạng rõ ràng buồn bã như của Harrison.

Trên đây chỉ là một ví dụ về rắc rối với giáo viên mà con bạn có thể gặp phải, còn có những rắc rối khác

Susan Etheredge, PGS Giáo dục và Nghiên cứu trẻ em tại Đại học Smith nói: “Bạn có thể phải nghe những điều như giáo viên thiên vị, cả lớp đều bị phạt nếu ai đó làm sai, cô giáo thiếu kiên nhẫn với con, hoặc con cảm thấy chán học.” Một số vấn đề khác có thể liên quan đến các vấn đề xã hội, giao tiếp với một học sinh khác và giáo viên không giúp đỡ con… Và dường như đầu năm là cao điểm của tất cả những mối quan tâm này.

Vậy cách giải quyết cho những rắc rối này là gì?

Tùy vào phong cách của bạn và mức độ nhạy cảm của con, có thể bạn nên khuyên (tất nhiên bằng ngôn ngữ phù hợp với lứa tuổi) để kết thân với một bạn học. Tuy nhiên, nhiều khả năng, một phần trong bạn thôi thúc bạn bước vào lớp học của con và “chiến đấu” vì con bạn.

Hoàn toàn dễ hiểu, mặc dù nhiều khả năng điều đó sẽ khiến bạn bị dán nhãn “bà mẹ khó tính” hơn là giải quyết vấn đề. Thay vào đó, hãy sử dụng hướng dẫn sau đây của chúng tôi để phân loại rắc rối của con bạn với giáo viên. Bạn sẽ thấy rằng con có thể sớm mong quay lại trường học hoặc ít nhất là học cách giải quyết vấn đề thực tế.

Bước 1: Nói chuyện với con để tìm hiểu vấn đề

Đôi khi, bọn trẻ sẽ nói chung chung như “Giáo viên xấu tính với con.” Bạn muốn tìm hiểu điều đó có nghĩa là gì. Etheredge gọi đây là “giải nén” những gì con bạn đang nói. Cố gắng để thu thập càng nhiều chi tiết càng tốt.

Hỏi con xem “Chính xác thì cô giáo đã nói gì? Chuyện gì đang xảy ra trong lớp khi cô giáo nói vậy?” (Nên nhớ rằng lúc này rất có thể con bạn không ngại ngùng khi phóng đại sự việc.)

 “Xấu tính” có thể có nghĩa là “Cô giáo bắt con làm bài tập”, trong trường hợp đó bạn có thể giải thích rằng giáo viên đang cố gắng uốn nắn hành vi của con; Rốt cuộc, một số điều rất hợp lý nhưng một đứa trẻ bảy tuổi có thể không hiểu như vậy. Việc khám phá “sự thật” không hẳn là thử thách nhưng bạn cần có cảm nhận cụ thể hơn về những gì con bạn đang nhìn thấy.

Bước 2: Làm rõ quan điểm của bạn với con

Nói với con rằng bạn sẽ ghi lại những gì con nói để trao đổi với giáo viên của con bởi bạn cần lắng nghe vấn đề này từ phía giáo viên của con trước khi kết luận về sự việc.

Jan Harp Domene, một bà mẹ ba con ở Anaheim, bang CA, chủ tịch Hiệp hội Phụ huynh Quốc gia nói: “Hãy để trẻ hiểu rằng bạn, giáo viên và hiệu trưởng là những đối tác giúp trường học trở thành một trải nghiệm tuyệt vời đối với con“. Điều này phục vụ một số mục đích: Con bạn biết rằng bạn thực sự quan tâm, rằng những mối lo âu của con được lắng nghe, nhưng cũng có thể bạn sẽ không can thiệp và “khắc phục” vấn đề. Domene khuyên cha mẹ nên nói “Bố mẹ sẽ nói chuyện với giáo viên để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến cảm nhận của con” thay vì “Tại sao giáo viên lại làm điều đó.

Domene cũng nhấn mạnh rằng “khi bạn đối mặt với những cảm xúc của con bạn thì bạn càng cần bình tĩnh và xác định rõ ràng rằng lúc này bạn chưa thể hiểu toàn bộ sự việc cho đến khi trao đổi với giáo viên“. Điều bạn nên làm lúc đó, hướng dẫn con một số công cụ để kiểm soát cảm xúc. Sau đó đề xuất các lựa chọn, chẳng hạn như xin gặp giáo viên sau giờ học và bày tỏ rằng con chưa được cô giáo quan tâm. Đôi khi giáo viên có thể không nhận thức được cảm giác của con bạn.

Bước 3: Trao đổi với giáo viên của con

Nếu bạn quyết định bạn cần nói chuyện với giáo viên, hãy sắp xếp thời gian chứ không phải tranh thủ lúc đưa con đến lớp hay đón con tan học.

# Khi tham gia với tinh thần cầu thị trong việc giải quyết vấn đề

Etheredge nói rằng việc sử dụng ngôn ngữ tích cực rất quan trọng. Bạn nên nói “Tôi gặp cô giáo để trao đổi với về một vấn đề tôi chưa hoàn toàn hiểu, và tôi hy vọng chúng ta có thể tìm ra mối lo âu của con…” Đây là lúc bạn giải thích những gì con bạn nói với bạn và thời điểm con nói điều đó, hãy cố gắng diễn đạt theo góc nhìn của con nhiều nhất có thể. Để giữ cho cuộc trao đổi tính cực, bạn nên nói rõ với giáo viên bạn cần trợ giúp từ giáo viên để hiểu những gì làm phiền con bạn. Dù bạn làm gì, hãy khách quan. Con bạn có thể đã có hành vi gây phiền hà cho giáo viên và buộc giáo viên ấy phản ứng.

Domene nói: “Tôi đã thấy một số phụ huynh hoàn toàn cho rằng con họ không bao giờ làm điều gì sai và nếu bạn cũng cư xử như vậy, cơ hội xây dựng một năm học thành công thực sự sẽ giảm dần. Chúng ta cần nhìn nhận trẻ em là trẻ em và chúng ta yêu chúng, nhưng chúng cũng có thể nói những điều chưa thực sự chính xác.”

# Hãy giữ bình tĩnh và kiên định với mục đích ban đầu trong suốt buổi trao đổi với giáo viên

Trong buổi trao đổi hết sức tế nhị như thế này rất có thể lời nói của bạn khiến cho giáo viên cảm thấy bị chỉ trích. Cũng có thể một số giáo viên nhạy cảm, đặc biệt là những nhà giáo dục mệt mỏi và làm công ăn lương, đôi khi có thiên kiến hoặc đề phòng nhất định. Hãy cố gắng trấn an và thể hiện rõ bạn không đổ lỗi cho giáo viên ấy. “Bạn không muốn cô ấy dè chừng, bởi vì sau đó bạn sẽ rơi vào ngõ cụt“, Etheredge nói. Nếu giáo viên đứng dậy, chỉ cần giữ bình tĩnh và tiếp tục nói rằng bạn chỉ đang cố gắng hiểu tình hình.

# Tích cực trong mọi tình huống

Lý tưởng nhất là giáo viên sẽ làm sáng tỏ lý do con bạn cảm thấy như vậy và bạn có thể trao đổi để giúp giáo viên dạy con bạn một cách hiệu quả nhất. Nếu con bạn nói rằng giáo viên “không bao giờ” gọi con phát biểu, cô giáo có thể sẽ giải thích rằng con bạn thường biết câu trả lời nhưng cô ấy đang cố gắng cho những đứa trẻ nhút nhát khác một cơ hội.

Có thể giáo viên của con thực sự là một người khó tính, nghiêm khắc và con bạn nhìn nhận sự việc dưới góc độ cá nhân. Cảm nhận đầu tiên về cách giáo viên giao tiếp có thể làm sáng tỏ điều này. Sau đó, bạn có thể nói chuyện với con về việc một số người không cười hoặc có thể ít kiên nhẫn hơn những người lớn khác trong cuộc sống của mình, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không thích con. Domene chia sẻ.

Một cuộc trò chuyện dễ chịu sẽ đem lại nhiều lợi ích. Giáo viên sẽ xem bạn là đồng minh và tất nhiên có nhiều khả năng tâm sự với bạn.

Nhưng giả sử nếu giáo viên đó phù hợp hơn với một công việc khác, thì bạn đang gửi cho cô ấy một tín hiệu rằng bạn đang chú ý và có liên quan đến điều này. Bởi vì sự thật là, trong khi dạy học là một nghề cao quý, không phải mọi giáo viên đều cao quý như mong đợi.

Bước 4: Trao đổi với hiệu trưởng nếu cần thiết

Không ai muốn đến văn phòng hiệu trưởng, kể cả phụ huynh, nhưng nếu bạn đã nhiều lần bày tỏ mối quan ngại với giáo viên nhưng không nhận được sự hợp tác để giải quyết vấn đề, bạn phải lựa chọn hoặc là chấp nhận giáo viên đó hoặc là không. Cách bạn lựa chọn sẽ cho con bạn học được cách giải quyết vấn đề. Lời khuyên của Etheredge dành cho các phụ phuynh: “Chiến thuật đầu tiên có thể là điều tốt nhất cho con bạn. Hãy trao cho con khả năng tự giải quyết với sự động viên cần thiết. Sự thật là hầu hết trẻ em sẽ làm tốt” ngay cả khi chúng không thích giáo viên của mình. Hãy tự hỏi mình rằng con có đang học cách giải quyết những gì con cần?”

Đây là những gì đã xảy ra với Christine Klepacz ở Bethesda, MD. Giáo viên của con gái cô rất nghiêm khắc và không săn sóc học sinh cho lắm. Để giúp con vượt qua cả năm, cô luôn động viên con rằng mặc dù giáo viên có tính tình như vậy, cô ấy vẫn giỏi về mặt học thuật và con đang được thử thách. Cô chia sẻ: “Đó là một bài học tốt. Alysia học được rằng con có thể làm việc với tất cả mọi người.”

# Khi nào bạn nên gặp hiệu trưởng

Nhưng nếu không phải trường hợp trên, bạn cảm thấy rằng những gì đang diễn ra trong lớp học khiến con bạn chán nản, thì bằng mọi cách, hãy nói chuyện với hiệu trưởng hoặc bất cứ ai có trách nhiệm. Nói với hiệu trưởng các bước bạn đã thực hiện là gì và “tiếp tục trình bày dưới góc nhìn của con trẻ”. Chuyên gia giáo dục Etheredge nói. “Quan điểm của bạn vẫn y nguyên: tất cả vì con trẻ có một năm học tốt nhất có thể.”

# Giải thích cách bạn đã cố chờ đợi và thảo luận với giáo viên, nhưng mọi chuyện đang ảnh hưởng đến quá trình giáo dục của con bạn

Tùy vào phong cách của hiệu trưởng, người đó có thể sẽ sắp xếp cho bạn một cuộc trò chuyện khác với giáo viên hoặc đích thân trao đổi với giáo viên.

Như trong trường hợp của Goldberg. Cô nhận được sự thừa nhận của hiệu trưởng với rằng giáo viên là một lựa chọn tồi và lời hứa rằng năm sau con cô sẽ có một giáo viên xuất sắc. Dĩ nhiên, khi mọi thứ đến mức này, bạn có thể bị giáo viên ghét và ảnh hưởng đến con bạn. Nhưng nếu điều đó là cần thiết, như trường hợp của Goldberg, việc biện hộ cho con bạn quan trọng hơn việc bị gắn mác là người mẹ khó chịu.

Trao đổi thẳng thắn với giáo viên và nhà trường nếu cần thiết

Bước 5: Động thái kiên quyết

Nếu bạn nghi ngờ giáo viên đang trút sự thất vọng của cá nhân giáo viên lên con bạn, đặc biệt là sau khi bạn nói chuyện với hiệu trưởng, đó là lúc để nói rõ với hiệu trưởng, một cách kiên quyết và bình tĩnh, rằng bạn sẽ không bỏ qua. Như một phương sách cuối cùng, yêu cầu chuyển lớp học. Các trường học rất kị điều đó, Etheredge nói, nhưng có thể nếu một đứa trẻ thực sự đau khổ và tình hình khó có thể thay đổi thì đành phải thế.

Sau nhiều lần kiên trì, Harrison cuối cùng đã chuyển lớp và cảm thấy hạnh phúc hơn (và đạt điểm cao hơn) với giáo viên mới của cậu bé.

Nếu bạn không làm gì ngoài việc bảo vệ con bạn hoặc không tìm hiểu các vấn đề một cách rõ ràng, bạn sẽ không giúp đỡ được gì cho con. Hãy bình tĩnh dành thời gian tìm hiểu kỹ vấn đề với con và trao đổi với giáo viên và nhà trường với tinh thần hợp tác tích cực để cùng tháo gỡ vấn đề. Bởi điều cuối cùng mà cả phụ huynh và giáo viên hướng tới là tạo môi trường rèn luyện và phát triển tốt nhất.

Stephanie Dolgoff

Đặng Thanh Hiền – Táo Trường Học dịch

Xem thêm:

Chiến thuật giải quyết vấn đề cho phụ huynh và giáo viên

6 bước giải quyết vấn đề với thanh thiếu niên

Leave A Reply

Your email address will not be published.