Dạy trẻ tư duy phản biện: Hướng dẫn dựa trên bằng chứng

0 2,690

Dạy tư duy phản biện? Bạn có thể băn khoăn liệu trẻ có tự làm việc đó được không.

Rốt cuộc, rất nhiều người thông minh đã xoay sở để tư duy logic mà không có chỉ dẫn chính thức về logic. Hơn nữa, các nghiên cứu cho thấy trẻ em học tập tốt hơn khi bị buộc phải giải thích cách chúng giải quyết vấn đề. Vì vậy, có thể trẻ em sẽ khám phá các nguyên tắc logic một cách tự nhiên trong khi thảo luận về ý tưởng của bản thân với những người khác.

Xem thêm: 8 chiến thuật củng cố kỹ năng tư duy phản biện của con bạn

Những nghiên cứu cũng hé lộ về một điều gì khác.

Có lẽ cách hiệu quả nhất để bồi dưỡng các kỹ năng tư duy phản biện là dạy các kỹ năng đó. Một cách rõ ràng. (Abrami et al 2008).

Các nghiên cứu cho thấy học sinh giải quyết vấn đề tốt hơn đáng kể khi chúng ta dạy họ:

● phân tích những mẫu tương đồng

● tạo danh mục và phân loại các mục một cách hợp lý

● xác định thông tin liên quan

● xây dựng và phát hiện các quan điểm suy luận cố định

● kiểm chứng giả thuyết 

● nhận ra ngụy biện phổ biến

● phân biệt giữa bằng chứng và diễn giải về bằng chứng

Những bài học như vậy có kìm hãm sự sáng tạo? Không hề. Tư duy phản biện là tổ hợp của trí tò mò, sự linh hoạt và một tâm trí cởi mở (Quitadamo et al 2008). Và, như Robert DeHaan đã lập luận, việc giải quyết vấn đề sáng tạo phụ thuộc vào kỹ năng tư duy phản biện (DeHaan 2009).

Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy chỉ dẫn rõ ràng trong tư duy phản biện có thể khiến trẻ thông minh, độc lập và sáng tạo hơn.

Dưới đây là một số ví dụ – và một số lời khuyên của chuyên gia để dạy tư duy phản biện cho trẻ em.

Dạy tư duy phản biện có thể thúc đẩy tính sáng tạo và nâng cao chỉ số IQ

Richard Herrnstein và các đồng nghiệp đã đưa ra chỉ dẫn rõ ràng về tư duy phản biện cho hơn 400 học sinh lớp 7 – một chương trình bao gồm kiểm chứng giả thuyết, logic cơ bản và đánh giá các lập luận phức tạp, sáng tạo, ra quyết định và các chủ đề khác.

Sau sáu mươi bài học có thời lượng 45 phút, những đứa trẻ đã vượt qua nhiều nhiệm vụ khác nhau, bao gồm Bài kiểm tra năng lực của Trường Otis-Lennon và Ma trận tiến bộ Raven (cả hai được sử dụng để đo IQ). Dự án đã có hiệu quả rõ rệt.

So với các học sinh trong nhóm kiểm soát, số trẻ em tiếp nhận những bài học tư duy phản biện đã cải thiện đáng kể về khả năng đọc hiểu ngôn ngữ, tư duy sáng tạo và thậm chí cả IQ (Herrnstein et al 1986).

Dạy tư duy phản biện trong lớp Khoa học có thể giúp trẻ giải quyết các vấn đề hàng ngày

Trong một nghiên cứu thực nghiệm khác, nhà nghiên cứu Anat Zohar và các cộng sự đã kiểm tra kỹ năng phân tích của 678 học sinh lớp 7. Sau đó, họ ngẫu nhiên giao cho một số học sinh các bài học tư duy phản biện như là một phần của chương trình học môn Sinh.

Học sinh trong nhóm thực nghiệm được đào tạo rõ ràng để nhận ra ngụy biện logic, phân tích lập luận, kiểm chứng giả thuyết, phân biệt giữa bằng chứng và diễn giải về bằng chứng.

Học sinh trong một nhóm kiểm soát đã học môn Sinh từ cùng một cuốn sách giáo khoa nhưng không có huấn luyện đặc biệt trong tư duy phản biện.

Kết thúc chương trình, học sinh được kiểm tra lại. Các học sinh được đào tạo tư duy phản biện cho thấy sự cải thiện lớn hơn trong các kỹ năng phân tích của họ, và không chỉ đối với các vấn đề Sinh học. Những đứa trẻ được đào tạo về tư duy phản biện cũng giải quyết công việc hàng ngày tốt hơn (Zohar et al 1994).

Lời khuyên cho việc dạy tư duy phản biện: Phụ huynh và giáo viên nên làm gì?

Câu trả lời ngắn gọn là làm sáng tỏ các nguyên tắc tư duy lý tính và khoa học.

Philip Abrami và các cộng sự đã phân tích 117 nghiên cứu về giảng dạy tư duy phản biện. Phương pháp giảng dạy với sự hỗ trợ thực nghiệm mạnh mẽ nhất là chỉ dẫn rõ ràng – tức là, dạy trẻ những cách cụ thể để lập luận và giải quyết vấn đề. Trong các nghiên cứu mà giáo viên yêu cầu học sinh giải quyết vấn đề nhưng không cung cấp cho họ chỉ dẫn rõ ràng, học sinh có ít kinh nghiệm cải thiện (Abrami et al 2008).

Dường như trẻ em được hưởng lợi nhiều nhất khi chúng được dạy các nguyên tắc chính thức của lý luận.

Và các thí nghiệm được đề cập ở trên cho thấy học sinh cấp hai không còn quá trẻ để học về logic, tính hợp lý và phương pháp khoa học.

Nếu trường học không dạy cho con bạn những điều này, việc tìm một số tài liệu giáo dục và làm việc về các kỹ năng tư duy phản biện ở nhà có thể là một ý tưởng tốt.

Tôi cũng tự hỏi về sự cần thiết phải chống lại các lực lượng phi lý. Như tôi đã từng phàn nàn ở những nơi khác, tivi, sách, phần mềm giáo dục và các nhân vật có thẩm quyền sai lệch có thể làm thui chột tư duy phản biện ở trẻ em.

Ta còn có thể làm gì khác?

Nghiên cứu gần đây cho thấy các trường học của chúng ta có thể cải thiện các kỹ năng tư duy phản biện bằng cách dạy cho trẻ em nghệ thuật tranh luận.

Ở nhà, phụ huynh có thể xem xét các khuyến nghị này của Peter Facione và một nhóm chuyên gia do Hiệp hội Triết học Hoa Kỳ (Facione 1990) tổng hợp.

Lời khuyên của Hiệp hội Triết học Hoa Kỳ trong việc dạy tư duy phản biện:

Bắt đầu sớm. Trẻ nhỏ có thể không sẵn sàng cho các bài học logic chính thức. Nhưng chúng có thể được dạy để đưa ra lý do cho kết luận của chính mình. Và họ có thể được dạy để đánh giá những lý do của người khác. 

Tránh giáo điều. Khi chúng ta bảo trẻ làm mọi thứ theo một cách nhất định, chúng ta nên đưa ra lý do.

Khuyến khích trẻ đặt câu hỏi. Cha mẹ và giáo viên nên nuôi dưỡng sự tò mò ở trẻ. Nếu một đứa trẻ không thể hiểu nổi một lý do hợp lý, con nên được khuyến khích để bày tỏ sự phản đối hoặc khó khăn của mình.

Yêu cầu trẻ xem xét các diễn giải và giải pháp thay thế. Có được câu trả lời đúng là rất tốt. Nhưng nhiều vấn đề có nhiều hơn một giải pháp. Khi trẻ cân nhắc nhiều giải pháp, chúng có thể hình thành tư duy linh hoạt hơn.

Để trẻ diễn giải tường tận. Trẻ em nên thực hành trình bày mọi thứ bằng lời của mình (trong khi vẫn giữ nguyên nghĩa). Và trẻ em nên được khuyến khích để tạo sự khác biệt có ý nghĩa.

Nói về những thành kiến. Ngay cả học sinh cấp ba cũng có thể hiểu cảm xúc, động cơ – thậm chí là ham muốn của chúng ta – có thể ảnh hưởng đến những đánh giá của chúng ta như thế nào.

Đừng hạn chế tư duy phản biện đối với các vấn đề thực tế hoặc học thuật. Khuyến khích trẻ em suy luận về các vấn đề đạo đức, luân lý và chính sách công.

Cho trẻ viết. Lời khuyên cuối cùng này không đến từ Facione hoặc APA, nhưng nó có ý nghĩa. Như nhiều giáo viên biết, quá trình viết giúp học sinh diễn giải tường tận và mài sắc lập luận. Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học đã chỉ định sinh viên chuyên ngành Sinh học tham gia hai nhóm. Nhóm viết phải trình bày bằng văn bản về sản phẩm thí nghiệm của họ. Thay vào đó, nhóm kiểm soát phải trả lời các câu đố ngắn. Kết thúc nghiên cứu, các học sinh trong nhóm viết đã tăng đáng kể các kỹ năng phân tích của họ. Học sinh trong nhóm kiểm soát thì không (Quitadamo và Kurtz 2007).

Nguồn: parentingscience

Đặng Thanh Hiền – Táo Trường Học dịch

Leave A Reply

Your email address will not be published.