8 chiến thuật củng cố kỹ năng tư duy phản biện của con bạn

0 1,778

Kỹ năng tư duy phản biện (Critical thinking) là nền tảng của giáo dục và phát triển kỹ năng sống.

Khi kỹ năng tư duy phản biện và đọc hiểu được kết hợp với nhau, chúng tạo thành một phần cơ bản của mọi nền giáo dục. Những kỹ năng này giúp củng cố sự phát triển giáo dục của trẻ, cung cấp cho chúng các bộ kỹ năng mà chúng sẽ cần trong cuộc sống sau này để đạt được các mục tiêu.

Khi chúng ta tiếp tục tiến đến một thế giới công nghệ, tư duy phản biện sẽ là một trong số ít các kỹ năng quyết định tương lai của con cái chúng ta. Ngày nay, chúng ta sống trong một thế giới chuyên sâu hơn, đòi hỏi nhiều kỹ năng chuyên biệt hơn trong sự nghiệp so với cha mẹ chúng ta đã từng.

Xem thêm: Tư duy khác biệt của thế kỷ xxi

Bất kể con cái chúng ta chọn nghề nào, chúng cần có trình độ độ tư duy phê phán nhất định.

Là cha mẹ, chúng ta cần đảm bảo các con có các kỹ năng tư duy phê phán cần thiết để thành công ở trường, trong sự nghiệp mà chúng đã chọn và cuộc sống.

Chúng ta cũng cần đảm bảo các con có thể tự suy nghĩ và tự vệ, với một tư duy phê phán lành mạnh.

Tư duy phản biện là gì?

Tư duy phản biện là khả năng tưởng tượng, áp dụng, phân tích, tổng hợp và đánh giá thông tin mà chúng ta thu thập hoặc tự tạo ra, quan sát, trải nghiệm, phản ánh, lập luận hoặc giao tiếp, như sự định hướng cho niềm tin và hành động.

Về bản chất, đó là khả năng quan sát, trải nghiệm và phân tích thông tin để thiết lập tính toàn vẹn của nó. Trong thế giới công nghệ thay đổi nhanh chóng ngày nay, chúng ta có nhiều thông tin hơn trong tầm tay, vì vậy kỹ năng tư duy phê phán là điều bắt buộc.

Trong mọi thông tin chúng ta xử lý mỗi ngày – một số thông tin chính xác – chúng ta có thể rất dễ bị lôi kéo tin vào điều gì đó là tuyên truyền hoặc bịa đặt hoàn toàn.

Phương tiện truyền thông xã hội là một nơi tuyệt vời để xem có bao nhiêu người sử dụng các kỹ năng tư duy phê phán.

Đã bao nhiêu lần bạn thấy các sự kiện và hiện tượng được giải thích kiểu meme lan truyền nhận định vô căn cứ?

Lúc nào chả vậy.

Dạy con cái chúng ta biết nghi ngờ và nghiên cứu các nhận định chưa chắc chắn nhưng được trình bày như sự thật, là nhiệm vụ bắt buộc ngày nay.

Trong nhiều trường học, trẻ em không phải lúc nào cũng được khuyến khích để hình thành tư duy phê phán và nghi vấn.

Trong thế giới hiện đại ngày nay, việc giáo viên luyện đề cho học sinh vượt qua một bài kiểm tra tiêu chuẩn hóa và lạm dụng việc học thuộc lòng dễ dàng ngăn chặn thao tác nghi vấn về thông tin. Điều này kết hợp với thực tế rằng có rất nhiều trẻ em trong lớp nhưng lại chỉ có một giáo viên với một danh sách các bài tập phải làm hàng ngày.

Giáo viên không có thời gian thử thách và cho trẻ em đặt câu hỏi. Ngay cả ở nhà, đôi khi tôi phải vật lộn với những thử thách và câu hỏi mà lũ trẻ liên tục đưa ra. Tuy nhiên, tư duy phê phán là một kỹ năng ngày càng cần thiết.

Đây là lúc chúng ta cần phụ huynh tham gia. Dù thật bất tiện khi con cái chúng ta liên tục thách thức giới hạn trí tuệ của chúng ta và đặt câu hỏi, chúng ta cần phải giải quyết thắc mắc của chúng và cho phép chúng thực hiện các kỹ năng tư duy phê phán.

Là cha mẹ, chúng ta cần khuyến khích trẻ đặt câu hỏi, phân tích thông tin và phát triển các kỹ năng cần thiết để nhận ra sự thật.

Bằng cách đặt câu hỏi đúng để phân tích các sự kiện, chúng có thể đi qua mọi sự tuyên truyền và đi đến sự thật.

Phương tiện truyền thông xã hội là một ví dụ khá thô thiển về việc thiếu kỹ năng tư duy phê phán nhưng còn những người trở thành nạn nhân của sự gian lận thì sao?

Các kỹ năng tư duy phê phán quan trọng vì nhờ chúng mà ta không bị lừa đảo qua email hoặc điện thoại.

Vậy làm sao để nhận định một tuyên bố hoặc yêu cầu là thật hay giả?

Làm sao để khuyến khích trẻ em tư duy phê phán, từ đó chúng có thể tự vệ?

Là cha mẹ, chúng ta cần dạy con cách kiểm tra thông tin. Lắng nghe và tìm kiếm những sơ hở. Nếu ai đó nói chuyện nghe có vẻ quá thuyết phục, hãy dạy con bạn chất vấn, tìm kiếm điểm yếu trong phát biểu của họ.

Các chiến thuật giúp con bạn củng cố kỹ năng tư duy phản biện

1. Củng cố kỹ năng đọc hiểu 

Giúp con củng cố kỹ năng đọc hiểu là bước đầu tiên quan trọng để phát triển các kỹ năng cần thiết hướng đến trở thành người đọc có năng lực và thấu hiểu. Trẻ em cần phát triển và cải thiện khả năng phân biệt giữa những gì chúng hiểu và những gì chúng không hiểu về một nhận định, đoạn văn hoặc cuốn sách. Kỹ năng này là bắt buộc nên bạn có thể hỗ trợ con luyện tập và tìm ra những cách có thể giúp con cải thiện kỹ năng nền tảng quan trọng này.

Xem thêm: 5 điều phụ huynh cần hiểu về việc đọc của con

2. Đặt câu hỏi

Cho phép con bạn hỏi và giải đáp các câu hỏi về những gì con đã đọc là một cách tuyệt vời để chuẩn bị cho con tư duy chủ động khi đọc. Việc này cũng giúp tập trung sự chú ý của con vào những gì con đang tìm hiểu về một câu chuyện cụ thể. Bằng cách trả lời các câu hỏi, trẻ em có thể cho thấy sự thành thạo khả năng hiểu những gì chúng đọc và giải thích. Việc này cung cấp cho cha mẹ khả năng xác định các lĩnh vực cụ thể của việc đọc hiểu mà con gặp khó khăn. Ngoài ra, nó còn cho trẻ em khả năng thể hiện kỹ năng tư duy phê phán.

3. Siêu nhận thức

Siêu nhận thức là nhận thức về nhận thức hoặc tư duy và tri giác trong quá trình tư duy của một người. Nó cho phép con bạn suy nghĩ về các chiến thuật mà chúng có thể sử dụng để hiểu một đoạn văn nhất định hoặc thực hành các cách khác nhau để chỉ ra ý nghĩa của những gì chúng đọc, cuối cùng con sẽ cải thiện kỹ năng đọc hiểu. Điều này có thể bao gồm việc bạn ngồi cùng con và hỏi con những câu như Tại sao, Ở đâu, Ai, Khi nào và Như thế nào khi đọc một đoạn văn. Bài tập này sẽ trau dồi khả năng tư duy phê phán.

4. Tạo ra các liên kết

Con bạn cần có khả năng tạo kết nối khi đọc. Khi làm việc với con, việc đặt câu hỏi cho phép con thực hành các kỹ năng tư duy phê phán. Nhờ đó, con cũng tìm ra cách liên kết các đoạn văn với nhau. Việc thực hành những kỹ năng này có thể giúp con dự đoán một câu chuyện có thể kết thúc như thế nào. Điều này trau dồi khả năng mở rộng tình huống và phân tích sâu sắc về kết quả tiềm năng.

5. Tóm tắt

Cho trẻ tóm tắt một câu chuyện hoặc chương sách. Kỹ năng này giúp chúng xác định điều gì là quan trọng trong câu chuyện. Cho trẻ xác định một ý tưởng chính của chương và vai trò của các nhân vật. Điều này giúp con bạn nhớ những gì chúng đã đọc, thực hành các kỹ năng tư duy phê phán và đọc hiểu. Bằng cách thực hiện bài tập này, bạn có thể thấy những gì con hiểu và không hiểu trong mỗi chương của một cuốn sách hoặc bài tập đọc.

6. Giải câu đố

Đọc một số câu đố cho con bạn và cùng nhau giải đáp. Điều này dạy con bạn phân tích thông tin.

7. Đọc báo cùng nhau

Chọn ra một vài bài báo trong tờ báo địa phương và cùng nhau đọc. Cho trẻ tìm gợi ý hoặc manh mối để xem bài viết có đang cố bán cho chúng thứ gì không. Cùng nhau kiểm tra các sự kiện để chỉ cho con cách sử dụng các kỹ năng phân tích và tư duy phê phán.

8. Khuyến khích con bạn đặt câu hỏi

Thách thức những nhận định và đặt câu hỏi để đảm bảo chúng trung thực là một yếu tố hình thành tư duy quan trọng. Dù hầu hết phụ huynh đều ghét trò chơi “20 câu hỏi”, thời gian họ bỏ ra sẽ được đền đáp bằng khả năng khái niệm hóa ý tưởng hoặc phát hiện những nhận định sai sự thật và chỉ đúng một nửa của con bạn.

Kết luận

Phát triển tư duy phản biện đang trở thành một trong những kỹ năng cần thiết nhất để thành công trong thế giới công nghệ và thông tin của chúng ta.

Bằng cách trau dồi các kỹ năng tư duy phê phán từ sớm, bạn đang dạy bọn trẻ cách phân tích thế giới xung quanh.

Xem thêm: Giúp con bạn phát triển các năng lực quan trọng

Carol Miller

Đặng Thanh Hiền – Táo Trường Học dịch

Leave A Reply

Your email address will not be published.