Giáo dục song ngữ

0 4,248

Giáo dục song ngữ là quá trình dạy học sinh sử dụng hai ngôn ngữ. Các nhà giáo dục thường dạy học sinh bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, kết hợp với ngôn ngữ thứ hai, sử dụng các cấp độ khác nhau của ngôn ngữ bản địa và ngôn ngữ thứ hai tùy thuộc vào các yêu cầu được chỉ định trong kế hoạch bài học và mô hình giảng dạy. Dưới đây là các mô hình giáo dục song ngữ phổ biến được sử dụng trong các trường công lập, bán công và tư thực trên khắp nước Mỹ.

● Giáo dục song ngữ chuyển tiếp (Transitional Bilingual Education). Loại hình giáo dục song ngữ này được thiết kế để giúp học sinh học một ngôn ngữ mới nhanh hơn và thực hiện chuyển tiếp để bắt đầu học Toán, Khoa học và các môn khác bằng tiếng Anh. Học sinh ban đầu được dạy bằng ngôn ngữ mẹ đẻ để cuối cùng học hoàn toàn bằng tiếng Anh.

● Giáo dục song ngữ hai chiều hoặc ngôn ngữ kép nhúng. Các chương trình này nhằm hỗ trợ cả học sinh nói tiếng Anh và không nói tiếng Anh học nói và viết bằng ngôn ngữ thứ hai. Tại Mỹ, hầu hết học sinh theo học chương trình song ngữ sẽ biết cả hai thứ tiếng Anh và Tây Ban Nha. Các chương trình này không phổ biến ở Mỹ, nhưng nghiên cứu đã chỉ ra rằng những học sinh không nói tiếng Anh tận dụng chúng để học cách viết và nói tiếng Anh một cách hiệu quả. Không chỉ những người không nói tiếng Anh được hưởng lợi từ các chương trình này. Học sinh không nói tiếng Anh và nói tiếng Anh cùng nhau học các chương trình giáo dục song ngữ chuyên sâu.

● Một loại chương trình ngôn ngữ kép khác dạy học sinh theo quy trình sau: 1) Giáo viên dạy học sinh bằng ngôn ngữ thứ hai nhưng vẫn hiểu nếu học sinh đặt câu hỏi bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Tuy nhiên, giáo viên trả lời bằng ngôn ngữ học sinh đang học; 2) Học sinh tiếp tục học các lớp cải thiện khả năng đọc viết và ngôn ngữ bằng tiếng mẹ đẻ vì các kỹ năng đó vẫn có thể được áp dụng cho các lớp học bằng ngôn ngữ thứ hai. Học sinh theo học các chương trình này không được dạy các môn học không liên quan đến ngôn ngữ bằng tiếng mẹ đẻ. Họ sẽ tiếp tục được dạy những môn học này bằng ngôn ngữ thứ hai. Như vậy, học sinh sẽ chỉ được dạy ngữ pháp và ngôn ngữ bằng tiếng mẹ đẻ để có thể áp dụng vào việc học ngoại ngữ của họ.

● Giáo dục song ngữ muộn hoặc phát triển. Học sinh được dạy đồng thời bằng ngôn ngữ mẹ đẻ và ngôn ngữ mới trong một khoảng thời gian. Bằng cách này, học sinh cải thiện khả năng đọc viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ rồi áp dụng vào việc học ngoại ngữ.

Ưu và nhược điểm

Những người phản đối giáo dục song ngữ trong lớp học tin rằng các chương trình đó tốn kém. Hơn nữa học sinh sống và thụ hưởng giáo dục ở Mỹ nên học tiếng Anh – ngôn ngữ của văn hóa và xã hội Mỹ. Mặc dù Quốc hội vẫn chưa thông qua dự luật công nhận tiếng Anh là quốc ngữ của Mỹ, một số lượng lớn người, nhóm và tổ chức cho rằng việc sử dụng và dạy “ngoại ngữ” như ngôn ngữ thứ hai trong hệ thống trường công không chỉ xa rời truyền thống sử dụng tiếng Anh mà còn thể hiện mối đe dọa thực sự đối với sự ổn định, phát triển và chủ quyền của Mỹ.

Những người ủng hộ giáo dục song ngữ trong các trường học của Mỹ thì lập luận ngược lại. Họ tin rằng khi học sinh không nói tiếng Anh được giáo dục bằng cả tiếng mẹ đẻ và tiếng Anh, khả năng học và nói tiếng Anh của họ được cải thiện đáng kể; họ học tiếng Anh hiệu quả hơn và có thể tiếp tục học các môn học chính (Toán, Lịch sử, Khoa học…) khi chuyển sang nói tiếng Anh.

Các chương trình giáo dục song ngữ thực ra đắt hơn các chương trình chỉ sử dụng tiếng Anh. Tuy nhiên, chi phí để chạy các chương trình như vậy có vượt quá lợi ích mà nó đem lại không? Giáo dục song ngữ dường như là cách hiệu quả nhất để dạy học sinh có ngôn ngữ chính hoặc tiếng mẹ đẻ không phải là tiếng Anh. Sự thay thế duy nhất khác cho giáo dục song ngữ là rèn luyện chuyên sâu và các nghiên cứu đã chỉ ra rằng phương pháp đó cũng không rẻ. Khi học sinh được dạy Toán, Khoa học, Lịch sử và các kỹ năng khác bằng ngôn ngữ mà họ không hiểu, việc học nội dung hoàn toàn bị mất và ít có sự tiến bộ.

Những người ủng hộ giáo dục song ngữ cũng cho rằng những chương trình như thế ở Mỹ đôi khi có liên quan đến vấn đề nhập cư và có thể tồn tại sự kỳ thị đối với những học sinh hưởng lợi khi tham gia các lớp học song ngữ. Những người phản đối cho rằng giáo dục song ngữ cho phép người thiểu số nói một ngôn ngữ chính không phải là tiếng Anh để chống lại sự đồng hóa, tránh học tập hay sử dụng thông thạo tiếng Anh.

Nguồn: www.educationcorner.com

Đặng Thanh Hiền – Táo Trường Học dịch

Xem thêm:

Chọn trường cho con theo những tiêu chí nào?

Chọn trường cho con không chỉ là một ngôi trường gần nhà

7 loại trường học cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt

Leave A Reply

Your email address will not be published.