9 điều cần lưu ý khi con bạn tham gia các hoạt động ngoại khóa

0 8,978

1. Chọn một hoạt động mà con bạn quan tâm

Đừng ép con bạn tham gia một hoạt động mà bạn quan tâm hoặc bạn nghĩ là tốt nhất cho con. Nếu con hứng thú với bóng đá, đừng buộc chúng tham gia lớp học nhảy chỉ vì bạn nghĩ rằng khiêu vũ là một hoạt động tốt hơn. Điều đó có thể khiến con hoàn toàn không quan tâm trong mọi lớp ngoại khóa trong tương lai.

2. Cho con bạn tham gia hoạt động không chính thức trước

Nếu con bạn muốn học nhảy hoola – trước tiên hãy cho con học thử ở nhà với bạn bè. Điều này cho con biết hoạt động sẽ như thế nào và vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu của việc học mà không bị áp lực. Sau đó, hãy nghĩ đến việc đăng ký cho con tham gia một lớp học chính thức.

3. Sắp xếp cho con tham gia các lớp trải nghiệm trước

Trẻ em dưới 12 tuổi đang trong những năm thử nghiệm của cuộc đời. Chúng nên được phép khám phá hoạt động nào thúc đẩy chúng phát huy tiềm năng vào thời điểm vị thành niên. Đừng ép con bạn duy trì một hoạt động mà con không còn hứng thú.

Nếu bạn định cho con học một lớp nghệ thuật, đừng thanh toán học phí cả năm trong một lần. Điều này có thể gây căng thẳng không cần thiết nếu con bạn không thích nghệ thuật hoặc không hòa đồng với giáo viên. Yêu cầu một thời gian học thử. Nhưng hãy nói rõ với con rằng bạn đã trả 3 tháng học phí nên con phải học đủ 3 tháng trước khi quyết định nghỉ – bởi vì đó sẽ là một trải nghiệm công bằng.

4. Giúp con bạn vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu

Mỗi kỹ năng sẽ có một giai đoạn học tập khó khăn ban đầu. Điều quan trọng là giúp trẻ vượt qua giai đoạn thử thách đó nếu không chúng sẽ không thích bất kỳ hoạt động nào. Vì vậy, nếu con bạn đang học piano – hãy tham gia và giúp con bạn tiếp thu những nguyên tắc cơ bản của âm nhạc. Khi con bạn đã nắm vững những điều đó và có thể vừa đọc vừa chơi – hãy lùi lại và để trẻ tự lập.

5. Nếu con bạn không hứng thú, đừng ép buộc

Khi trẻ đã vượt qua giai đoạn đơn giản – chúng nên bắt đầu thưởng thức hoạt động này. Nếu chúng vẫn miễn cưỡng và không quan tâm – cho phép chúng ngừng tham gia. Chỉ vì con bạn bơi rất giỏi, không có nghĩa là con phải tiếp tục bơi và trở thành nhà vô địch bơi lội. Nếu sở thích của con là ca hát – hãy cho phép con nghỉ học bơi và chuyển sang học nhạc. Hãy hiểu rằng một ngày có tổng cộng 24 tiếng và con bạn chỉ có thể tập trung vào một việc tại một thời điểm.

6. Ưu tiên sức khỏe của con bạn 

Trẻ phải có đủ thời gian để ngủ, ăn và thở. Nếu hoạt động ngoại khóa lấn át thời gian con dành cho các chức năng quan trọng này – ngay lập tức dừng lại. Nếu lớp cờ cách nhà 30 km và bạn phải đánh thức con dậy quá sớm so với thói quen sinh hoạt chỉ để đến đó đúng giờ – bạn nên suy nghĩ lại về hoạt động này – dù nó có tốt đến đâu. Nước mắt và cơn giận không bao giờ có giá trị. Và những tác động bất lợi của việc ép buộc một đứa trẻ vượt xa những lợi ích mà bất kỳ hoạt động nào có thể cung cấp.

7. Hãy chắc chắn rằng con bạn có thời gian vui chơi tự do

Mỗi ngày, con bạn phải có một chút thời gian để “chẳng làm gì cả” và vui chơi tự do, trong đó con tự quyết định trò chơi và cách chơi. Nếu con bạn không có loại thời gian này – đừng đăng ký bất kỳ hoạt động ngoại khóa nào. Điều mà một đứa trẻ tự học dù không nhận được kỳ vọng cụ thể nào chính là thứ giúp bé trở nên khác biệt. Hoạt động ngoại khóa không nên chiếm thời gian con bạn cần để khám phá chính mình. Nếu bạn luôn nói rằng “Nhanh chân lên. Chúng ta sắp muộn rồi”, bạn cần suy nghĩ lại về hoạt động ngoại khóa của con bạn. Hoạt động ngoại khóa nên giữ cho con bạn bận rộn nhưng không quá bận rộn. Có phải con bạn đang quá bận rộn? Đã đến lúc thay đổi hoạt động rồi.

8. Đừng biến hoạt động trở thành cuộc thi

Trong nhiều trường hợp – ngay khi một đứa trẻ bắt đầu chọn một hoạt động – giáo viên và phụ huynh rất phấn khích và bắt đầu tin rằng đứa trẻ là một thần đồng. Họ đăng ký cho con tham gia các cuộc thi khác nhau rồi bắt đầu mong đợi chiến thắng và giải thưởng. Dù chiến thắng các cuộc thi là tuyệt vời nhưng con bạn cũng có khả năng thua. Nếu con bạn thích bầu không khí cạnh tranh này và bạn – với tư cách là cha mẹ – không câu nệ chuyện thắng thua thì không sao cả. Nhưng nếu trẻ bắt đầu có dấu hiệu căng thẳng và không muốn tham gia – đừng ép trẻ phải thi đấu. Một đứa trẻ chơi tennis rất giỏi gần đây đã đến gặp tôi cùng bố mẹ con. Họ phàn nàn rằng con trở nên thô lỗ, cáu kỉnh và khó ở. Cuối cùng, chúng tôi nhận ra rằng áp lực vừa phải chiến thắng các trận đấu tennis cho học viện vừa đảm bảo học tốt trên trường thực sự là gánh nặng với con. Và điều đó đã khiến con tỏ thái độ với bố mẹ mình mọi lúc. Việc cho con nghỉ ngơi giữa các trận đấu đã giúp con trở thành cậu bé đáng yêu như trước.

9. Chọn một giáo viên có thái độ đúng đắn

Có nhiều kiểu giáo viên nhưng bạn hãy chọn người nào tâm huyết với nghề. Đừng chọn một giáo viên chỉ muốn luyện thi cho trẻ. Tránh xa những giáo viên nhấn mạnh sự cạnh tranh và chiến thắng. Chọn một lớp học chào đón người mới bắt đầu và một giáo viên nhấn mạnh vào việc phát triển các kỹ năng, khuyến khích làm việc theo nhóm và vui chơi.

 Quá nhiều hoạt động ngoại khóa có thể là một vấn đề không?

Các hoạt động ngoại khóa chỉ tốt cho con bạn khi chúng không gây căng thẳng. Nhưng đa phần các hoạt động ngoại khóa có xu hướng trở nên khá áp lực. Điều này có thể do nhu cầu thể chất mà nó tạo ra cho đứa trẻ và gia đình hoặc những kỳ vọng vô lý từ đứa trẻ.

Việc tham gia một lớp học, đặc biệt nếu nó được tổ chức ở xa nhà đòi hỏi nhu cầu đi lại phức tạp. Điều đó khiến cuộc sống của cả gia đình trở nên vội vã. Không có thời gian thư giãn. Tất cả thời gian được dành để sẵn sàng đưa đón con đi học.

Khi một đứa trẻ bắt đầu học một cái gì đó, phụ huynh và giáo viên kỳ vọng vào con. Giáo viên muốn đứa trẻ trở thành một ngôi sao và gây áp lực cho con. Các bậc cha mẹ thì dành quá nhiều thời gian, công sức và tiền bạc cho hoạt động này với mong muốn con mình học càng nhiều càng tốt – càng nhanh càng tốt. Điều này gây ra căng thẳng độc hại cho trẻ.

Làm thế nào để cân bằng?

Mục tiêu cuối cùng của các hoạt động ngoại khóa là mang lại niềm vui, hạnh phúc và thư giãn. Nếu hoạt động gây căng thẳng cho bạn hoặc con bạn, đã đến lúc bạn nên suy nghĩ lại về việc tham gia hoạt động.

Các hoạt động tốt cho trẻ em – nhưng việc thu hẹp phạm vi vào một hoạt động cụ thể từ khi con còn nhỏ có thể gây bất lợi.

Tập luyện một môn thể thao trong quá nhiều giờ có thể gây thương tích. Chơi đàn piano trong thời gian quá dài có thể khiến trẻ bị cô lập và hạn chế các kỹ năng xã hội của trẻ.

Một đứa trẻ nên tham gia bao nhiêu hoạt động?

Một đứa trẻ nên dành không quá 3 ngày một tuần để đến các lớp ngoại khóa.

Hãy nhớ rằng thể thao có tổ chức – như bóng đá – cũng là một lớp ngoại khóa và không thể được coi là vui chơi. Vui chơi tự do là khi trẻ tự quyết định xem con có muốn chơi hay không, con muốn chơi gì, chơi với ai và chơi trong bao lâu. Vui chơi tự do là điều cần thiết cho con bạn vì nó dạy các kỹ năng ra quyết định và xã hội. Cả hai đều cần thiết và không thể bị xâm phạm.

Nên cho trẻ bắt đầu các hoạt động ngoại khóa ở độ tuổi nào?

Mỗi đứa trẻ trưởng thành ở những thời điểm khác nhau. Đừng so sánh con bạn với một đứa trẻ khác cùng tham gia một hoạt động và có thành tích xuất sắc. Con bạn có thể đang học ở nhà một cái gì đó giá trị hơn nhiều mà bạn không nhận thấy. Và điều này có thể quan trọng đối với con hơn những gì một lớp học có thể dạy.

Xem thêm: Tìm hoạt động ngoại khóa phù hợp nhất với sở thích của con bạn

Nói chung, trẻ phải bắt đầu các hoạt động ngoại khóa khi chúng có thể tự chăm sóc bản thân, chẳng hạn như mặc quần áo và đi giày trước khi bạn gửi con ra ngoài để học đá bóng hoặc chơi vi-ô-lông.

Nguồn: https://whatparentsask.com/

Đặng Thanh Hiền – Táo Trường Học dịch

Leave A Reply

Your email address will not be published.