Mô hình học tập lấy học sinh làm trung tâm: Bắt đầu từ giáo viên

0 4,256

Mô hình học tập lấy học sinh làm trung tâm là mô hình trong đó giáo viên cân nhắc việc chia sẻ “quyền lực” cho người học bằng cách trao quyền cho họ. Học sinh không chỉ tham gia việc học một cách thụ động mà còn có cơ hội tự tìm hiểu, lựa chọn và quyết định nội dung, kỹ năng và môi trường học tập nhất định. Từ đó tính trách nhiệm ở người học sẽ dần trở nên rõ ràng hơn. Hiển nhiên, các nhà giáo dục, giáo viên là những người nỗ lực nhất trong việc tìm kiếm và áp dụng cách thức chuyển đổi mô hình học tập sao cho phù hợp nhất để việc học tập cho học sinh được tạo dựng và diễn ra thuận lợi. Nhưng nếu bạn là phụ huynh, là người tham gia gián tiếp vào quá trình học tập của con, trong thời đại ngày nay, thì việc hiểu thêm những mô hình học tập luôn là điều cần thiết.

Bạn đã bao giờ tham dự một phiên hội nghị tập huấn và thấy các nhóm giáo viên bỏ dở giữa chừng chưa? Thật khổ tâm nhưng hoàn toàn dễ hiểu. Thông thường, họ rời đi vì hội nghị không như mong đợi. Hãy trung thực: Những kỳ vọng nào của giáo viên và/ hoặc ban giám hiệu tham gia trải nghiệm học tập, nếu không được đáp ứng thì hội nghị tập huấn coi như thất bại?

Trả lời: Các kỹ năng và chiến thuật có thể được sử dụng ngay để tác động đến quá trình dạy học và trách nhiệm liên quan đến công việc.

Đạt được mục tiêu này có nghĩa là hiểu những gì người tham gia đánh giá cao và thu hút sự chú ý họ vào những lĩnh vực đó. Phát triển chuyên môn hiệu quả phải đáp ứng nhu cầu dạy học hiệu quả của giáo viên. Điều này cũng áp dụng cho học sinh của họ. Học sinh không được phép ra khỏi lớp dù tiết học chẳng giúp ích gì cho họ nhưng họ có thể ngồi đó mà chẳng thèm nghe chữ nào.

Các lớp học lấy học sinh làm trung tâm đòi hỏi học sinh lập kế hoạch, thực hiện và đánh giá. Việc lôi kéo người học vào tham gia sẽ thúc đẩy sự chủ động của họ và đó có thể là một điều tốt. Giáo viên phải làm quen với việc thay đổi phong cách lãnh đạo từ chỉ thị sang cố vấn – từ “Làm như tôi nói” sang “Dựa trên nhu cầu của em, hãy cùng phát triển và thực hiện kế hoạch”.

Trong bài viết này tôi vấn đề các lớp học lấy học sinh làm trung tâm bắt đầu từ các nhà giáo dục. Là người trực tiếp tham gia vào quá trình giảng dạy, giáo viên cân nhắc việc “chia sẻ” quyền lực bằng cách trao quyền cho người học.

Cho phép học sinh bày tỏ quan điểm cá nhân

Đặt học sinh vào trung tâm của quá trình học tập đòi hỏi sự hợp tác của họ. Họ cần được tham gia vào quá trình trả lời các câu hỏi tại sao, cái gì làm thế nào để sản sinh và tích lũy kinh nghiệm học tập.

Tại sao là câu hỏi về mối quan hệ. Người học cần hiểu giá trị của môn học, từ vựng và các kỹ năng trước khi họ sẵn sàng đầu tư công sức. Câu trả lời “Đó là chương trình giảng dạy bắt buộc”, “Em phải học thì mới làm được bài kiểm tra” hoặc “Bởi vì tôi nói nó quan trọng” được giáo viên đưa ra nhằm tiết kiệm thời gian nhưng cách này chỉ khiến học sinh học tập đối phó. Cho học sinh thấy quá trình học tập của họ tương tự với quá trình phát triển chuyên môn của giáo viên là điều cần thiết.

Cái gì là câu hỏi liên quan đến việc học sinh lựa chọn nội dung học tập trọng tâm. Hãy để học sinh tự đề xuất học các kỹ năng và khái niệm. Ví dụ, khi học viết văn thuyết minh, một số học sinh có thể muốn phân tích cấu trúc của một tờ rơi quảng cáo, đánh giá sản phẩm, thư phản hồi các cơ quan truyền thông và/ hoặc xã luận bày tỏ quan điểm về các vấn đề xã hội. Chiến thuật tốt nhất chỉ đơn giản là hỏi học sinh muốn khám phá những gì. Bắt đầu bằng hoạt động viết nhanh những gì họ thích làm và thảo luận để thống nhất học các kỹ năng và khái niệm phù hợp với sở thích của họ.

Việc học sẽ diễn ra như thế nào tùy thuộc vào phương pháp xử lý tri thức của học sinh. Cung cấp nhiều lựa chọn về sản phẩm đầu ra dựa trên những gì bạn biết về học sinh. Một cách tiếp cận an toàn là cung cấp ba lựa chọn. Giáo viên thiết kế hai lựa chọn dựa trên nhu cầu của phần lớn học sinh. Lựa chọn thứ ba bỏ ngỏ – học sinh đề xuất sản phẩm hoặc mức độ hoàn thành của riêng họ. Nếu đề xuất đó tương ứng với các yêu cầu học tập, học sinh có thể được châm chước. Một số ví dụ: sử dụng Minecraft để thiết kế mô hình, trình bày hiểu biết bằng các công cụ truyền thông xã hội hoặc viết blog.

Tin tưởng vào khả năng dẫn dắt của học sinh

Tạo cơ hội cho học sinh phụ trách các hoạt động, ngay cả khi họ chưa hoàn toàn thành thạo tất cả các kỹ năng. Học sinh là những người tiêu dùng thông minh. Đứa trẻ học lớp 3 có kinh nghiệm ba năm về dạy và học, học sinh lớp 10 thì có thâm niên mười năm.

Trong khi nội dung ngày càng phức tạp thì môi trường học tập lại không thay đổi đáng kể. Học sinh trải nghiệm các môn Toán, Khoa học, Tiếng Anh, Lịch sử… và tương tác với các chuyên gia giáo dục (giáo viên). Các học sinh lâu năm, giống như các giáo viên giàu kinh nghiệm, biết loại kinh nghiệm học tập nào tốt nhất cho họ.

Hạn chế tình trạng giáo viên “cầm tay chỉ việc” bằng cách gia tăng các hoạt động học tập do học sinh chịu trách nhiệm. Một số cách tiếp cận bao gồm:

• Lựa chọn dựa trên sở thích

• Tập trung hứng thú (cũng áp dụng cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông)

• Giờ thiên tài

Thừa nhận rằng học sinh chính là chúng ta với tư cách người học

Khi các nhà giáo dục cảm thấy rằng kinh nghiệm chuyên môn của họ được tôn trọng trong các hội thảo và khóa học, mức độ tham gia của họ tăng lên. Sự tự tin tràn đầy khi họ hiểu làm thế nào để áp dụng chuyên môn hiện tại của họ vào việc dạy các khái niệm mới.

Trẻ em và thanh thiếu niên có nhu cầu tương tự, rằng chương trình giảng dạy phải có ý nghĩa đối với mình. Học sinh cần hiểu khả năng hiện có của mình có thể giải quyết các vấn đề cuộc sống bên ngoài trường học và làm thế nào để tự tin áp dụng các kỹ năng một cách có ý nghĩa. Hãy cho họ thấy mối quan hệ giữa các bài học với thế giới thực. Để có trải nghiệm sâu sắc hơn, hãy cho học sinh vận dụng các kỹ năng để củng cố hoặc cải tạo “thế giới thực” hiện tại của họ. Điều này có thể được tiếp cận trong các bài học cá nhân hoặc một đơn vị. Ví dụ, các giáo viên của quận Lounoun (Virginia), dưới sự dẫn dắt của TS. Eric Williams đã cho ra mắt One to World, nơi cung cấp trải nghiệm học tập lấy học sinh làm trung tâm.

Từ bỏ nhu cầu kiểm soát

Con trai lớp 5 của tôi đã chia sẻ những lời khôn ngoan này liên quan đến các hoạt động ở trường và ở nhà: “Tại sao giáo viên cứ nói về thế giới thực ngoài kia? Đây mới là thế giới thực của con.”

Trẻ em và thanh thiếu niên tạo ra một khối lượng đáng kể những nội dung thông qua phương tiện truyền thông xã hội, chẳng hạn như YouTube, podcast, Minecraft và Twitch. Một số trẻ em còn kiếm được tiền nhờ các hoạt động này. Với niềm đam mê, những người trẻ này thu hút sự quan tâm và cộng tác trong khi họ thiết lập và mở rộng mạng xã hội. Khi các tác giả và doanh nhân tương lai này đến trường, tất cả những gì họ biết và có thể sáng tạo được tạm gác sang bên. Tuy nhiên, khi họ rời trường, họ thu thập các kỹ năng còn lại bên ngoài và tái kết nối với các mạng lưới trong thế giới thực của họ.

Vốn tri thức của học sinh có thể được củng cố và đào sâu trong quá trình học tập của họ. Ở những bài viết tiếp theo của tôi sẽ bàn về vấn đề trao quyền cho học sinh trong một lớp học lấy học sinh làm trung tâm. Thách thức khó khăn – và bước đầu tiên – là cam kết của giáo viên trong việc phản hồi các bài thực hành để hỗ trợ học sinh thành công. Hãy nắm bắt các khả năng.

Lấy người học làm trung tâm là giáo viên cân nhắc việc “chia sẻ” quyền lực cho học sinh bằng cách trao quyền cho người học. Trao quyền cho người học có nghĩa là gì? Trao quyền có phải phó mặc cho học sinh không? Vai trò của giáo viên ở đâu nếu “trao quyền” cho học sinh. Vấn đề này chắc chắn sẽ cần phải suy nghĩ kỹ lưỡng hơn.

John McCarthy

Đặng Thanh Hiền – Táo Trường Học dịch

Xem thêm:

7 vấn đề lới và giải pháp trong giáo dục

Liệu pháp trò chơi là gì?

Rèn luyện kỹ năng giao tiếp giáo viên phụ huynh thành công

Leave A Reply

Your email address will not be published.