Rèn luyện kỹ năng giao tiếp giáo viên phụ huynh thành công

0 13,930

Một trong những khía cạnh có lợi nhất của việc dạy học là tạo dựng mối quan hệ tích cực với phụ huynh. Giao tiếp hiệu quả giữa phụ huynh và giáo viên là điều cần thiết để giáo viên thành công. Một mối quan hệ tốt giữa đôi bên tạo điều kiện cho giáo viên toàn tâm toàn ý với học sinh.

Một học sinh sẽ nỗ lực nhiều hơn ở trên trường nếu biết rằng giáo viên liên lạc thường xuyên với cha mẹ họ và cha mẹ cũng tin tưởng giáo viên. Trái lại, một học sinh sẽ bày trò ranh mãnh nếu biết rằng giáo viên hiếm khi hoặc không bao giờ liên lạc với cha mẹ họ và/ hoặc cha mẹ không tin tưởng giáo viên. Như thế là phản tác dụng và gây rắc rối trước hết là cho giáo viên và cuối cùng là cho học sinh.

Nhiều giáo viên đánh giá thấp giá trị của việc xây dựng mối quan hệ với phụ huynh học sinh. Họ có thể là người bạn tốt nhất, cũng có thể là kẻ thù tồi tệ nhất của bạn. Giáo viên sẽ thấy việc tạo dựng các mối quan hệ hợp tác đáng tin cậy là một nhiệm vụ khó khăn nhưng có giá trị lâu dài. Năm lời khuyên sau đây có thể giúp giáo viên xây dựng mối quan hệ vững chắc với phụ huynh học sinh.

Tạo dựng niềm tin

Đây thường là một quá trình diễn ra từ từ. Trước hết, cha mẹ cần đảm bảo rằng bạn luôn quan tâm đến con họ. Chứng minh điều này với một số phụ huynh có thể là thách thức, nhưng không phải là không thể.

Bước đầu tiên để tạo dựng niềm tin nơi họ đơn giản là cho họ thấy bạn không cứng nhắc trong vai trò giáo viên. Rõ ràng có những thông tin cá nhân mà bạn không muốn cung cấp cho phụ huynh nhưng đừng ngại tán gẫu với họ về sở thích bên ngoài trường học. Nếu phụ huynh có sở thích tương tự thì việc này có giá trị đấy. Nếu họ có thể trò chuyện với bạn thì mức độ tin tưởng giữa đôi bên sẽ cao hơn.

Đừng ngại đi sâu đi sát để giúp đỡ một học sinh. Điều này có thể chiếm được lòng tin và sự tôn trọng nhanh hơn bất cứ điều gì. Một việc đơn giản như gọi một cú điện thoại để hỏi thăm học sinh bị ốm lâu ngày sẽ gây ấn tượng tốt với phụ huynh. Cơ hội như thế này theo thời gian sẽ xuất hiện. Hãy nắm bắt lấy chúng.

Cuối cùng, cho họ thấy bạn là một giáo viên tuyệt vời và tâm huyết với con họ. Yêu cầu sự tôn trọng từ các học sinh và thúc đẩy họ thành công nhưng phải linh hoạt, hiểu biết và quan tâm đến quá trình phấn đấu của học sinh. Phụ huynh quan tâm đến giáo dục sẽ tin tưởng bạn nếu họ nhìn nhận những điều này.

Lắng nghe

Có đôi khi phụ huynh thắc mắc về vấn đề nào đó. Điều tồi tệ nhất bạn có thể làm trong trường hợp này là dè chừng. Nó khiến cho họ cảm thấy bạn đang che giấu. Thay vì tỏ thái độ dè chừng, hãy lắng nghe mọi điều họ nói trước khi phản hồi. Nếu họ có một mối quan tâm chính đáng, hãy cam đoan với họ rằng bạn sẽ chú ý. Nếu bạn mắc lỗi, hãy thừa nhận, xin lỗi và nói cho họ biết bạn dự định khắc phục nó như thế nào.

Hầu hết các câu hỏi hoặc mối quan tâm của phụ huynh đều liên quan đến thông tin sai lệch hoặc hiểu lầm. Đừng ngại làm sáng tỏ bất kỳ vấn đề nào, nhưng hãy giữ giọng điệu bình tĩnh và thái độ chuyên nghiệp. Lắng nghe cũng quan trọng không kém biện minh. Bạn sẽ thấy rằng đa phần phụ huynh không thất vọng về bạn mà về con họ và họ chỉ đang trút giận.

Liên lạc thường xuyên

Việc giao tiếp hiệu quả có thể tốn thời gian nhưng rất quan trọng. Có nhiều cách để giao tiếp như ghi chú, bản tin, thư mục hàng ngày, gọi điện, email, ghé thăm, các buổi tiệc do nhà trường tổ chức, trang web của lớp, bưu thiếp và các buổi họp phụ huynh. Đó là một số phương tiện giao tiếp phổ biến nhất. Một giáo viên hiệu quả cần sử dụng một số phương tiện trong suốt năm học. Giáo viên giỏi sẽ liên lạc thường xuyên. Nếu một phụ huynh cập nhật thông tin từ chính bạn, họ sẽ ít khi hiểu lầm trong quá trình này.

Một điều quan trọng cần lưu ý là hầu hết các bậc cha mẹ cảm thấy khó chịu khi chỉ nghe toàn những thông tin không hay về con mình. Chọn ba đến bốn học sinh mỗi tuần để liên lạc với phụ huynh của họ và thông báo một điều gì đó tích cực. Cố gắng không chêm xen bất cứ điều gì tiêu cực trong quá trình liên lạc. Khi bạn phải trao đổi điều gì tiêu cực với phụ huynh như vấn đề vi phạm kỷ luật của con họ, hãy cố gắng kết thúc cuộc trò chuyện trên tinh thần thiện chí.

Lưu hồ sơ liên lạc

Tầm quan trọng của hồ sơ là không thể xem nhẹ. Không phải bất cứ điều gì cũng được ghi vào đó. Nó cần bao gồm ngày, tên phụ huynh / học sinh và một bản tóm tắt ngắn gọn. Bạn có thể không bao giờ cần đến nó nhưng nếu bạn làm, nó sẽ có giá trị lâu dài. Cho dù bạn là một giáo viên giỏi đến đâu, bạn cũng không thể luôn làm mọi người hài lòng. Khi đó, hồ sơ là vô giá. Ví dụ, cha mẹ có thể không hài lòng về quyết định mà bạn đã đưa ra đối với con họ. Quá trình này thường kéo dài trong năm. Một phụ huynh có thể phàn nàn rằng bạn không bao giờ trao đổi với họ về điều đó nhưng nếu bạn có hồ sơ chứng minh rằng bạn đã thông báo bốn lần trong suốt cả năm thì phụ huynh không có cơ sở để khiếu nại.

Uyển chuyển khi cần thiết

Thực tế là bạn không phải lúc nào cũng hòa đồng hoặc quý mến mọi phụ huynh của mọi đứa trẻ mà bạn dạy. Sẽ có những xung đột về tính cách và đôi khi bạn không có bất kỳ mối quan tâm tương tự nào. Tuy nhiên, bạn có một công việc phải làm và thờ ơ với phụ huynh cuối cùng không phải là điều tốt nhất cho đứa trẻ đó. Đôi khi bạn sẽ phải mỉm cười và nhún nhường. Dù bạn không thích nhưng vì nó có lợi cho học sinh, bạn vẫn cảm thấy nên làm. Nếu bạn cố gắng hết mình, bạn có thể tìm thấy một số điểm chung với bất kỳ ai. Nếu nó mang lại lợi ích cho học sinh, bạn phải sẵn sàng dấn thân, thậm chí chấp nhận sự không thoải mái.

Đặng Thanh Hiền – Táo Trường Học dịch

Nguồn: thoughtco

Leave A Reply

Your email address will not be published.