Tạo dựng một cuộc sống gia đình tích cực cho trẻ em

0 1,269

Tất cả các bậc cha mẹ đều có mục tiêu nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc, khỏe mạnh, có khả năng thích nghi tốt. Hầu hết các bậc cha mẹ tìm kiếm thông tin trên mạng, sách báo và các nguồn tài liệu khác liên quan đến sự phát triển của trẻ, tâm lý trẻ em và nuôi dạy con cái để giúp chúng thành công trong việc đạt được mục tiêu của mình. Tuy nhiên, họ có thể đã bỏ qua tầm quan trọng của sự tương tác hàng ngày với con cái cũng như vai trò thiết yếu của gia đình trong việc hỗ trợ sức khỏe tinh thần và hạnh phúc cho tất cả các thành viên.

Trích dẫn Các vấn đề nuôi dạy con cái, một báo cáo đầy đủ được xuất bản năm 2016 bởi Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học (NASEM), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) chỉ ra rằng:

Việc có một ngôi nhà an toàn và đầy tình yêu thương, trong đó mọi người dành thời gian quây quần bên nhau – vui chơi, hát, đọc sách và trò chuyện – là rất quan trọng. Chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập thể dục và ngủ đúng giờ cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn.”


Ngoài ra, một trong những phát hiện chính của nhóm tác giả Vai trò của thời gian dành cho gia đình: Một nghiên cứu xuyên quốc gia đã được xuất bản (Khoa học Giải trí 2016) cho biết: “Sự tham gia kiên trì và liên tục vào các hoạt động chung vẫn quan trọng đối với sự gắn bó, khả năng thích ứng, vai trò của gia đình và sự hài lòng với cuộc sống đó; tuy nhiên, cần chú trọng hơn vào việc tạo ra những trải nghiệm thư giãn cùng gia đình thật sự chứ không chỉ đơn giản là làm lấy lệ.

Cuối cùng, Viện Nghiên cứu đã xác định năm loại trải nghiệm gia đình tích cực, bao gồm

(1) mối quan hệ nuôi dưỡng,

(2) thiết lập thói quen,

(3) duy trì kỳ vọng,

(4) thích nghi với các thách thức và

(5) kết nối với cộng đồng.

Cả năm trải nghiệm đều có thể là dấu hiệu rõ ràng về chất lượng cuộc sống gia đình và khả năng phục hồi.

Cha mẹ có thể nghĩ rằng việc ép con cái tham gia các hoạt động ngoại khóa và giúp chúng làm bài tập về nhà là điều quan trọng nhất mà họ có thể làm để đảm bảo rằng chúng khôn lớn. Tuy nhiên, họ dường như bỏ qua tầm quan trọng của việc dành thời gian tương tác với con.

Khi cha mẹ và con cái dành thời gian tương tác và vui chơi cùng nhau, kết quả rất nhiều và vô cùng quý giá. Qua nhiều năm tháng, trẻ em sẽ cảm thấy được tôn trọng và yêu thương. Chúng có cơ hội áp dụng các giá trị thiết yếu học được từ cha mẹ. Cha mẹ có cơ hội tìm hiểu điểm mạnh và điểm yếu của con cái, từ đó hỗ trợ và định hướng cho chúng một cách đúng đắn. Trong những khoảng thời gian bên nhau, đặc biệt là khi tâm sự 1:1, trẻ em thoải mái bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc. Tất cả những trải nghiệm này tạo nên một mối quan hệ cha mẹ và con cái bền vững, dẫn đến sự tự tin, kiên cường và tự lực của trẻ.

Dưới đây là một vài hoạt động vui vẻ và gia tăng tình cảm gia đình mà bạn có thể tham khảo:

1. Bữa ăn gia đình, cả nhà cùng lên thực đơn, chuẩn bị thức ăn, dọn bàn, dọn món và dọn dẹp. Dành thời gian ăn cơm cùng nhau là điều cần thiết. Không nên dùng các thiết bị điện tử trong bữa ăn. Tận dụng cơ hội này để thảo luận các vấn đề chung cũng như lập kế hoạch cho các hoạt động gia đình.

2. Tập thói quen đọc sách cho con vài lần một tuần. Đối với trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên, hãy hỏi chúng đang đọc cuốn sách nào và cùng con đọc nó. Hãy thảo luận với con sau khi đọc xong. Hỏi con thích gì ở cuốn sách. Nếu đó là sách hư cấu, hãy hỏi con muốn thay đổi tình tiết nào trong truyện. Ngoài ra, hãy hỏi con cảm thấy bản thân giống nhân vật nào và tại sao. Bạn cũng có thể hỏi liệu có nhân vật nào khiến họ nhớ đến một người quen không. Tạo cơ hội để thảo luận về đặc điểm và giá trị của nhân vật. Nếu cuốn sách không phải là tiểu thuyết, bạn có thể bắt đầu bằng cách hỏi tại sao con bạn chọn nó. Bạn có thể tiếp tục thảo luận về chủ đề và sở thích của con. Hỏi con bạn học được gì và sẽ làm gì với những điều đó.

3. Cùng con tham dự các sự kiện cộng đồng như diễu hành, lễ hội, dự án gây quỹ (đi bộ hoặc chạy).

4. Cùng nhau tham gia các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo.

5. Lập kế hoạch cho đêm tiệc gia đình. Chơi cờ và chơi bài là những cách tuyệt vời để giải trí.

6. Chia sẻ gu âm nhạc bằng cách nghe nhạc, hát hoặc nhảy cùng nhau.

7. Tham gia các hoạt động thể chất như đuổi bắt hoặc bắn rổ ở sân sau, cùng nhau đi tập gym hoặc đi bơi. Thả diều cùng nhau. Chơi ném đĩa nhựa. Ra biển và nô đùa.

8. Chơi lego cùng nhau.

9. Cùng nhau xem một bộ phim, tại nhà hoặc rạp chiếu. Thảo luận về ấn tượng của bạn. Tận dụng những khoảnh khắc có thể cùng con thảo luận về các nhân vật, giá trị và giải quyết vấn đề.

10. Lên kế hoạch cho các hoạt động gia đình ngoài trời như đi bộ đường dài, đi xe đạp, dã ngoại hoặc cắm trại.

Trên đây là một vài gợi ý. Bạn nên ngồi lại cùng con hoặc tổ chức một cuộc họp gia đình để lên kế hoạch cho những điều thú vị mà cả nhà có thể cùng nhau trải nghiệm. Lên lịch cho các hoạt động và cam kết thực hiện. Bạn sẽ thấy rằng việc dành thời gian vui chơi sẽ củng cố mối quan hệ gia đình, khuyến khích giao tiếp cởi mở và tạo cơ hội hiểu nhau nhiều hơn. Nó cũng cho bạn không gian để thảo luận và chia sẻ các giá trị, học hỏi lẫn nhau.

Cuối cùng, gia đình bạn sẽ trở nên thân thiết gắn bó. Con bạn sẽ cảm thấy được yêu thương và tôn trọng. Mọi người sẽ thấu hiểu, chấp nhận và đánh giá đa chiều về nhau.

TS. Robert Myers

Đặng Thanh Hiền – Táo Trường Học dịch

Leave A Reply

Your email address will not be published.