Tự điều chỉnh ở trẻ nhỏ: những điều cha mẹ cần biết
Tự điều chỉnh là năng lực hiểu và quản lý hành vi, phản ứng của bản thân đối với cảm xúc và những điều xảy ra xung quanh. Trẻ bắt đầu phát triển năng lực này từ khoảng 12 tháng tuổi. Với sự giúp đỡ của bạn, lũ trẻ hoàn thiện năng lực trong quá trình trưởng thành và học hỏi.
Tự điều chỉnh là năng lực hiểu và quản lý hành vi, phản ứng của bản thân đối với cảm xúc và những điều xảy ra xung quanh. Trẻ bắt đầu phát triển năng lực này từ khoảng 12 tháng tuổi. Với sự giúp đỡ của bạn, trẻ hoàn thiện năng lực trong quá trình trưởng thành và học hỏi.
Tự điều chỉnh là gì?
Tự điều chỉnh là khả năng hiểu và quản lý hành vi của bạn và phản ứng của bạn đối với cảm xúc và những điều xảy ra xung quanh bạn.
Nó bao gồm khả năng:
- điều chỉnh các phản ứng với cảm xúc như thất vọng hoặc phấn khích
- bình tĩnh lại sau khi tiếp nhận điều gì đó thú vị hoặc khó chịu
- tập trung vào một nhiệm vụ
- tập trung vào một nhiệm vụ mới
- kiểm soát sự xúc động
- học cách cư xử hòa đồng với người khác.
Tại sao năng lực tự điều chỉnh lại quan trọng?
Khi con bạn lớn lên, năng lực này sẽ giúp con:
- trong việc học tập ở trường – chẳng hạn, năng lực tự điều chỉnh giúp con ngồi yên và lắng nghe trong lớp học
- cư xử đúng mực – chẳng hạn, năng lực tự điều chỉnh giúp con kiểm soát sự xúc động và không lớn tiếng bình phẩm những người khác con
- kết bạn – chẳng hạn, năng lực tự điều chỉnh giúp con biết thay phiên nhau trong các trò chơi, chia sẻ đồ chơi và thể hiện cảm xúc như niềm vui và sự tức giận một cách thích hợp
- trở nên độc lập hơn – năng lực tự điều chỉnh giúp con học cách ứng xử trong các tình huống mới mà không cần sự trợ giúp
- kiểm soát căng thẳng – chẳng hạn, năng lực tự điều chỉnh giúp con xử lí sự xúc động mạnh và con có thể bình tĩnh lại sau khi tức giận.
Năng lực tự điều chỉnh phát triển như thế nào?
Trẻ em không có năng lực bẩm sinh để tự kiểm soát phản ứng và hành vi. Năng lực đó phát triển mạnh nhất trong giai đoạn mầm non và tiếp tục ngay cả khi trẻ đã trưởng thành.
- Em bé
Con bạn còn quá nhỏ để học cách tự điều chỉnh, nhưng với sự giúp đỡ của bạn, bé có thể bắt đầu học cách xử lý cảm xúc của mình.
Khi bạn phản hồi kịp thời với biểu hiện buồn bã của con và âu yếm, an ủi con, con sẽ bình tĩnh lại. Trải nghiệm này giúp con học cách xoa dịu bản thân – ví dụ, con có thể mút ngón tay cái để tự an ủi. Đây có thể là bước đầu tiên để hình thành năng lực tự điều chỉnh.
- Mẫu giáo bé
Khi con bạn đến tuổi chập chững tập đi, con sẽ bắt đầu phát triển một số kỹ năng tự điều chỉnh cơ bản. Chẳng hạn, con học được cách đợi đến lượt ăn hoặc chơi.
Từ khoảng hai tuổi, con bạn có thể làm theo các chỉ dẫn hoặc quy tắc đơn giản như “Đội mũ vào đi con” và “Không được đánh nhau”.
Khi lớn hơn, con sẽ bắt đầu tự giác thực hiện các quy tắc đơn giản ngay cả khi không có mặt bạn. Nhưng ở tuổi này, bạn vẫn nên chuẩn bị tinh thần đón nhận sự phá luật của con trong các tình huống khó khăn. Ví dụ, nếu một đứa trẻ khác có một món đồ chơi mà con bạn thực sự muốn, nó có thể giật lấy thay vì chờ đến lượt.
- Mẫu giáo lớn
Từ khoảng 3-4 tuổi, con bạn sẽ bắt đầu biết bạn kì vọng gì về hành vi của con. Con có thể kiểm soát hành vi của bản thân dưới sự giám sát và giúp đỡ từ bạn. Ví dụ, con học cách nói khẽ trong rạp chiếu phim.
- Trẻ em đến tuổi đi học
Đến tuổi đi học, con bạn có khả năng lập kế hoạch tốt hơn – nghĩa là hình dung ra hậu quả của hành vi và quyết định cách phản hồi sao cho phù hợp. Ví dụ, con bạn có thể bắt đầu học cách bày tỏ quan điểm với người khác mà không cần tranh cãi.
Ở tuổi này, con bạn đang học cách nhìn nhận “hai mặt” của tình huống. Khi con hình dung ra cách nhìn và cảm nhận của người khác về một tình huống, nhiều khả năng con sẽ biết phải thể hiện mong muốn và nhu cầu của riêng mình như thế nào.
Mỗi đứa trẻ là một cá thể độc đáo và một số có năng lực tự điều chỉnh dễ dàng hơn. Ngay cả trẻ lớn và thanh thiếu niên đôi khi cũng phải vật lộn để học cách tự điều chỉnh. Năng lực đó của con bạn tùy thuộc vào sức mạnh và cường độ cảm xúc của con. Những đứa trẻ có cảm xúc mạnh sẽ khó khăn hơn trong việc tự điều chỉnh. Nhưng nếu bạn cảm thấy có gì đó không ổn, hãy gặp bác sĩ để trao đổi kĩ hơn.
Giúp con bạn học cách tự điều chỉnh
Dưới đây là một số bí kíp giúp con bạn học cách tự điều chỉnh:
- Làm mẫu cho con – ví dụ, làm mẫu cách bày tỏ cảm xúc tức giận mà không gây khó chịu. Bạn có thể nói điều gì đó như: “Chà, thật khó khăn nhưng bố/ mẹ thấy không việc gì phải bực tức về chuyện đó cả”.
- Nói về cảm xúc với con bạn – ví dụ, “Con có ném đồ chơi vì thấy nó bị hỏng không? Con có thể làm gì khác?” Khi con bạn vật lộn với cảm xúc khó khăn, hãy khuyến khích bé đặt tên cho cảm giác đó và nguyên nhân của nó. Đợi cho đến khi cảm xúc trôi qua nếu điều đó dễ dàng hơn.
- Giúp con bạn tìm ra những cách thích hợp để phản ứng với những cảm xúc khó khăn – ví dụ, dạy con cho tay vào túi khi nào muốn chạm, giật hoặc đánh ai đó. Nói những điều như “Hãy thả lỏng” và “Bố/ mẹ sẵn long giúp con nếu con muốn”.
- Có các quy tắc rõ ràng giúp con hiểu bạn kì vọng con ứng xử thế nào – ví dụ: “Hãy bày tỏ cảm xúc của con bằng lời”.
- Nói chuyện với con về hành vi mà bạn mong đợi – ví dụ, “Cửa hàng mà chúng ta sắp đến có nhiều đồ dễ vỡ. Con ngắm thôi chứ đừng chạm vào nhé”. Hãy nhắc nhở con thật nhẹ nhàng trước khi vào cửa hàng. Ví dụ: “Con nhớ là chỉ nhìn thôi nhé, được không?”
- Khen ngợi con khi con có tinh thần tự giác và tuân thủ nội quy. Lời khen cho con biết con đã làm tốt thế nào. Ví dụ: “Con ngoan lắm. Biết xếp hàng cơ đấy” hoặc “Mẹ rất vui vì con biết chia sẻ với bạn”.
Hãy kiên nhẫn với con bạn – trẻ nhỏ có thể rất khó tuân thủ nội quy nếu chúng hiếu động. Hãy đưa ra những kì vọng phù hợp với lứa tuổi và giai đoạn phát triển của con bạn.
Những vấn đề liên quan đến năng lực tự điều chỉnh
Đôi khi, có những tác nhân ảnh hưởng đến năng lực tự điều chỉnh của con bạn. Ví dụ – sự mệt mỏi, bệnh tật và thay đổi thói quen của con bạn, tất cả đều có thể ảnh hưởng đến năng lực tự điều chỉnh phản ứng và hành vi của con. Ngoài ra, một số trẻ có năng lực tự điều chỉnh tuyệt vời khi đến trường nhưng cảm thấy khó khăn khi ở nhà. Những đứa trẻ khác phải vật lộn ở những nơi náo nhiệt, ồn ào như trung tâm mua sắm.
Mặc dù những vấn đề này khá là bình thường, nhưng bạn nên nói chuyện với một chuyên gia nếu lo lắng về hành vi của con hoặc bạn gặp khó khăn trong việc quản lý hành vi của con khi nó lớn lên. Ví dụ, bạn có thể nói chuyện với bác sĩ gia đình, y tá sức khỏe trẻ em và gia đình của bạn hoặc giáo viên của con.
Cân nhắc tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp nếu:
- con bạn dường như cáu bẳn hoặc có hành vi nghiêm trọng hơn những đứa trẻ khác cùng tuổi.
- con bạn cư xử lạ hoặc mất kiểm soát thường xuyên hơn khi bé lớn hơn.
- hành vi của con bạn là một mối nguy hiểm cho bản thân hoặc người khác.
- con bạn rất khó tuân thủ nề nếp và các chiến thuật bạn sử dụng để quản lý hành vi của con đang không hiệu quả.
- con bạn nhút nhát và gặp khó khăn khi tương tác với người khác.
- con bạn dường như không có nhiều kỹ năng giao tiếp và xã hội so với những đứa trẻ khác cùng tuổi.
Nếu con bạn có hành vi thách thức và mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD) hoặc khuyết tật, hãy trao đổi với các chuyên gia. Họ có thể đề xuất các giải pháp quản lý hành vi của con và giúp con học các kỹ năng tự điều chỉnh.
Đặng Thanh Hiền – Táo Trường học dịch
Nguồn: Raisingchildren