8 lời khuyên cải thiện giao tiếp với con từ chuyên gia tâm lý

0 3,192

Có hai điều mà tôi nghĩ rằng bộ phim truyền hình The Simpsons đã phát hiện ra khi nói về vấn đề giao tiếp giữa cha mẹ và con cái. Một là, trẻ em thực sự có thể hỏi cha mẹ hết lần đến lần khác, miễn là chúng cần. Nhiều ngày của tôi gắn liền với điệp khúc “Mẹ ơi” ​​(Gần đây, khoảng cách giữa các lần gọi mẹ của con tôi ở nhà có vẻ dài ra, vì vậy có lẽ tình trạng này không tồn tại mãi mãi.)

Một bài học khác là cha mẹ thường không biết cách nói chuyện với trẻ. Cha mẹ thường xuyên nói dai nói dài và con cái toàn nghe tai nọ lọt sang tai kia. Giống như Bart và những đứa trẻ khác trong The Simpsons, lời giảng giải của cha mẹ có thể nghe như một chuỗi âm thanh vô nghĩa “blah, blah, blah”. Điều này thật đáng tiếc và khiến các bậc cha mẹ bực bội.

Hầu hết các vị phụ huynh rất giỏi đưa ra hướng dẫn hoặc cung cấp thông tin cho con họ. Ví dụ như “Chuẩn bị đi học đi con” hoặc “Con cần chú ý xe cộ khi sang đường” là những điều mà cha mẹ thường nói với con. Xung đột trong giao tiếp thường xảy ra khi xuất hiện sự bùng nổ cảm xúc của con bạn, của bạn hoặc cả hai.

Cùng với việc khiến trẻ lắng nghe, một số phụ huynh nói với tôi rằng họ rất vất vả để giao tiếp với con nhiều hơn là những câu trả lời nhát gừng. Họ muốn biết làm thế nào để kết nối tốt hơn với con cái, từ đó có thể chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc và kinh nghiệm với chúng.

Xem thêm: Làm thế nào để con (thật sự) lắng nghe: 7 bước để thành công

Việc giao tiếp tốt với con dẫn đến một mối quan hệ bền chặt, hợp tác sâu hơn và cảm thấy giá trị. Khi giao tiếp là một cuộc đấu tranh, nó có thể dẫn đến việc con bạn im lặng, chống đối và cảm thấy vô dụng.

Cha mẹ có thể làm gì để nói chuyện với con cái khi chúng (hoặc chính cha mẹ) đang phải vật lộn với những cuộc khủng hoảng cảm xúc? Chúng ta cần nói chuyện như thế nào để trẻ em sẵn lòng lắng nghe? Làm sao chúng ta có thể khuyến khích trẻ nói chuyện?

Dưới đây là những lời khuyên mà tôi đã lượm lặt từ các chuyên gia trong nhiều năm qua. Tôi sử dụng chúng trong phòng khám của tôi và với các con tôi.

1. Sử dụng những mệnh đề cởi mở

Những mệnh đề này khuyến khích con bạn nói nhiều hơn, từ đó chia sẻ ý tưởng và cảm xúc. Chúng cho con bạn biết rằng bạn thực sự lắng nghe và quan tâm. Chúng cũng thể hiện sự trân trọng của bạn dành cho ý tưởng và suy nghĩ của con.

Ví dụ về các mệnh đề mở:

● Wow 

● Mẹ thấy rồi.

● Ồ.

● Ôi con làm được thật rồi! 

● Thật ư?

● Kể cho mẹ nghe xem nào.

● Thật là thú vị. 

● Tuyệt vời!

Khi bạn sử dụng những mệnh đề này, con sẽ cảm thấy bạn thực sự quan tâm. Trẻ em nhiều khả năng sẽ chia sẻ khi chúng nghĩ rằng bạn đang chú ý lắng nghe những gì chúng nói. Không cần phải nhắc nhở con tập trung vào nhiệm vụ, những mệnh đề trên đã tự động truyền đi thông điệp đó.

2. Sử dụng nhiều mệnh đề khẳng định hơn 

Một số trẻ em nghe thấy rất nhiều mệnh đề phủ định. Thường thì cha mẹ biết những tình huống họ không muốn xảy ra, điều đó dẫn đến một mệnh đề phủ định. Nhược điểm của dạng mệnh đề đó là không thúc đẩy hành vi tích cực mà bạn mong muốn con thực hiện. 

Việc tôn trọng con cái trong khi nói chuyện có thể giúp phá vỡ thói quen sử dụng mệnh đề phủ định. Chúng ta hiếm khi nói “đừng làm điều này, đừng làm điều kia” với bạn bè khi họ ghé thăm. Thay vào đó, chúng ta thường sử dụng lời đề nghị cởi mở và tôn trọng hơn. Việc hoán đổi mệnh đề phủ định sang khẳng định có thể như thế này:

● “Không nên ra ngoài, trời lạnh lắm.” => “Ở trong nhà đi con. Ngoài trời lạnh lắm.”

● “Không được đánh em.” => “Nhẹ nhàng bế em thôi con.”

● “Không được vẽ bậy lên thảm.” => “Con nên ngồi vẽ trên bàn.”

3. Nói chuyện với con chứ đừng ra lệnh cho con

Thay vì chỉ đưa ra hướng dẫn, hãy gợi ý con thảo luận với bạn. Điều này có nghĩa là bạn vừa nói vừa lắng nghe con nói. Có thể sẽ khó khăn khi con bạn có vốn từ vựng hoặc sở thích hạn chế, nhưng quan trọng là phải thực hành nếu bạn muốn có một mối quan hệ lành mạnh ngay bây giờ và trong tương lai.

Đây là một thói quen tốt vì khi con bạn nói năng trôi chảy hơn, chúng sẽ muốn trò chuyện với bạn. Ra lệnh cho con cái tức là đưa ra thông điệp rằng suy nghĩ và cảm xúc của con không quan trọng hay thú vị. Điều đó cho thấy một mối quan hệ trong đó cha mẹ bắt con cái làm những gì họ muốn.

Xem thêm: Làm cha mẹ thật khó – tư duy phát triển có thể giúp

4. Sử dụng các mệnh đề “Bố/ mẹ…” để giao tiếp

Các bậc phụ huynh thường nói chuyện với con cái bằng những mệnh đề “Con…”: “Con thật là bừa bộn,” “Con là một đứa nghịch ngợm” hay “Con thật ngốc nghếch”. Sử dụng các mệnh đề “Bố/ mẹ…” có thể giúp chúng ta truyền đạt rõ ràng hơn về cách hành vi của con cái tác động đến chúng ta. Nó cũng giúp con hiểu sự kỳ vọng của chúng ta hơn và ý thức trách nhiệm cao hơn trong quá trình thay đổi.

Dưới đây là một số ví dụ:

● “Con là một đứa nghịch ngợm.” => “Bố/ mẹ không muốn chơi nữa vì bố/ mẹ mệt rồi.”

● Phòng ngủ của con bừa bộn quá” => “Bố/ mẹ muốn con dọn phòng.”

● “Con toàn nói nhăng nói cuộc.” => “Bố/ mẹ không hiểu. Con có thể giải thích lại không?”

5. Khiến cho các yêu cầu trở nên quan trọng

Một yêu cầu mơ hồ khiến con bạn nghe tai nọ lọt sang tai kia. Nếu không muốn thế, trước tiên bạn phải thu hút sự chú ý của con bạn. Sau đó, nói bằng giọng kiên quyết để cho thấy tầm quan trọng của yêu cầu và con bạn sẽ biết tại sao chúng phải làm điều này vào thời điểm này.

Nếu con bạn đang chơi, bạn khó có thể thu hút sự chú ý của con, vì vậy hãy chọn một thời điểm khác hoặc cố gắng dẫn dắt con ngừng chơi để yêu cầu của bạn thành công.

Một yêu cầu thành công sẽ như thế này: “James, mẹ cần con dọn đồ chơi trên bàn ngay bây giờ. Điều này rất quan trọng vì nếu con không dọn ngay thì không còn chỗ để ăn.” Mệnh đề đó sẽ hiệu quả hơn là “Con có thể dọn đồ chơi đi không? Mẹ đã nhắc con hai lần rồi đấy!”

6. Không quy chụp hay nói năng thô lỗ

Một số cách phổ biến nhưng vô ích trong giao tiếp với trẻ em là sử dụng sự chế giễu, xấu hổ và gọi tên. Phong cách giao tiếp này có thể dẫn đến trục trặc trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Tránh sử dụng các câu như “Con đang hành xử như một đứa trẻ hai tuổi”, “Con đang làm mẹ cảm thấy xấu hổ” hoặc “Con hư quá”.

Đôi khi cha mẹ sử dụng những kiểu mệnh đề này để nhắc con cư xử đúng mực nhưng chúng chỉ khiến con cảm thấy khó chịu và ảnh hưởng tiêu cực đến quan điểm của con về bản thân.

Xem thêm: Cha mẹ điềm tĩnh có thể giúp trẻ em xử lý sự thất vọng tốt hơn

7. Nói năng nhã nhặn

Những lời nói tử tế hình thành một mối quan hệ bền vững và sự giao tiếp tốt hơn với con bạn. Những đứa trẻ được dạy bảo với sự đánh giá cao và tôn trọng từ cha mẹ cũng có lòng tự trọng cao hơn, cho phép chúng phát triển mạnh. Thay vì nói “Con thật ngốc nghếch, bố đã bảo là con sẽ bị ngã nếu đùa nghịch trong phòng tắm cơ mà” hãy nói “Dọn dẹp thôi nào. Dù sao thì sự đã rồi”.

Các ví dụ khác:

● Cảm ơn con đã giúp mẹ dọn bàn ăn.

● Con đã làm tốt công việc dọn dẹp phòng của mình.

● Điều đó thực sự khiến mẹ cảm thấy hài lòng.

● Mẹ thích nhìn thấy con nhẹ tay nhẹ chân khi chơi với em bé.

● Mẹ yêu con.

8. Cho con thấy bạn chấp nhận con

Khi con bạn biết rằng bạn chấp nhận con là chính con, mọi thứ thay đổi. Nó cho phép con thay đổi và cảm thấy tốt đẹp về bản thân. Khi đó, con có thể sẽ hòa đồng với mọi người hơn. Con cũng cảm thấy an toàn khi chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của mình.

Khi bạn đe dọa, ra lệnh hoặc lên lớp con, con cảm thấy mình thật tệ, rằng bạn không thích con, và con không thể làm gì đúng đắn. Ví dụ: Nếu con bạn nói “Con không thích những loại rau này” và bạn trả lời “Ăn đi. Con lúc nào cũng trốn ăn rau,” con bạn sẽ cảm thấy bị ngắt kết nối với bạn và tin rằng bạn nghĩ con thật tệ.

Thay vào đó, hãy thử một cách nói chuyện khác. Ví dụ như “Thật khó để ăn lại một món mà con không chắc chắn hoặc không thích hương vị của nó lần trước. Mẹ muốn con cố gắng ăn một chút rau để cảm nhận hương vị của hôm nay”. Câu nói này thừa nhận cuộc đấu tranh của con bạn và đưa ra gợi ý về cách bé có thể xử lý tình huống.

Chấp nhận con bạn không có nghĩa là chấp nhận mọi hành vi, nó có nghĩa là giao tiếp theo cách không làm con cảm thấy xấu hổ.

Xem thêm: Chiến thuật rèn tính kỷ luật cho trẻ

Giao tiếp tốt là trái tim của gia đình hòa thuận và là chìa khóa cho mối quan hệ lành mạnh với con bạn. Nó tạo điều kiện cho con bạn phát triển và trưởng thành. Việc giao tiếp tốt với bạn tạo nền tảng cho sự giao tiếp tốt với người khác khi con bạn lớn lên.

Xem thêm: Dạy kĩ năng cho trẻ em: những cách tiếp cận khác

Hãy tiếp tục thực hành những kỹ năng giao tiếp này. Ban đầu có thể khó, đặc biệt nếu bạn bị những vị cha mẹ độc đoán chê bai. Giống như tất cả các kỹ năng, việc thực hành là cần thiết. Nếu sai thì sửa.

Nadene van der Linden

Đặng Thanh Hiền – Táo Trường Học dịch

Leave A Reply

Your email address will not be published.