So sánh trường dạy nghề và trường cao đẳng – đại học

0 2,345

Có nhiều sự khác biệt giữa các chương trình dạy nghề hoặc thương mại và các chương trình cấp bằng bốn năm. Sự khác biệt lớn nhất giữa hai loại hình giáo dục này là chương trình dạy nghề và thương mại chỉ đào tạo sinh viên các kỹ năng cần thiết cho một công việc cụ thể; có một vài hoặc không có yêu cầu “bổ sung” nào. Trái lại, các chương trình học bốn năm thường bao gồm các môn chung bên cạnh các môn chuyên ngành; điều này khiến cho các chương trình cấp bằng cử nhân mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành. Hãy cùng nhau so sánh một vài thông số sau đây.

Số lượng sinh viên theo học:

Trong năm 2012, đã có gần 8,5 triệu sinh viên tìm kiếm một chứng chỉ tú tài tại chức thông qua giáo dục nghề. Nói cách khác, gần 8,5 triệu sinh viên đang làm việc để đạt được chứng chỉ, bằng liên thông hoặc chứng chỉ tương đương trong một chương trình dạy nghề hoặc thương mại. Ngoài ra, cũng trong năm đó, hơn 13 triệu sinh viên đã ghi danh vào trường cao đẳng hoặc đại học. Trong khi năm 2012, nhiều sinh viên học để lấy bằng cử nhân hoặc cao học hơn là chứng chỉ nghề, một xu hướng mới đang hình thành: chỉ tiêu tuyển sinh đại học giảm trong khi giáo dục nghề đang ngày càng trở nên phổ biến.

Thời lượng của chương trình:

Một số chứng chỉ có thể kiếm được trong vài tháng, nhưng thời gian trung bình mà một sinh viên hoàn thành chương trình dạy nghề hoặc liên thông là khoảng hai năm. Trái lại, chương trình cử nhân điển hình kéo dài bốn năm (giả sử bạn tốt nghiệp đúng hạn, điều mà nhiều sinh viên không thực hiện được). Sau đó, sinh viên học nghề có thể gia nhập thị trường việc làm với tư cách là nhân viên toàn thời gian sớm hơn những sinh viên đầu tiên tốt nghiệp cử nhân.

Học phí tham khảo:

Mặc dù thông số này rất đa dạng, tùy từng chương trình cụ thể, học phí trung bình của toàn bộ chương trình dạy nghề là khoảng 33.000 đô-la. Chương trình cấp bằng cử nhân có mức học phí trung bình 8.000-27.000 đô-la/ năm, tổng số tiền trung bình cho bốn năm học là 32.000-108.000 đô-la. Trong khi các trường cao đẳng bốn năm có học phí thuộc diện rẻ nhất cũng tương đương với chương trình dạy nghề, nhiều trường cao đẳng bốn năm (đặc biệt là các trường tư thục, phi lợi nhuận) có học phí cao hơn mức trung bình (khoảng 60.000 đô-la/ năm). Tùy vào mục tiêu nghề nghiệp của bạn, hãy cân nhắc mức học phí.

Triển vọng nghề nghiệp:

Nhu cầu: Công nhân trong các lĩnh vực dạy nghề và thương mại đang có nhu cầu cao, và xu hướng đó dự kiến chỉ​​ tăng nếu các baby boomer nghỉ hưu. Với nhiều sinh viên đăng ký cao đẳng – đại học trong vài thập kỷ qua, ít người học nghề hơn, dẫn đến sự thiếu hụt các ứng viên đủ điều kiện. Công nhân xây dựng, thợ sửa ống nước và thợ điện là những nghề cần thiết cho cuộc sống hàng ngày, do đó, có rất nhiều công việc đang chờ đợi. Hơn nữa, bằng cử nhân sắp trở nên phổ biến đến nỗi nó buộc sinh viên phải kiếm bằng cao học (thạc sĩ, giáo sư hoặc tiến sĩ) để tạo sự khác biệt và thu hút nhà tuyển dụng. Bằng cao học đòi hỏi họ ít nhất hai năm nữa, cộng với học phí.

Thu nhập trung bình: Những người có bằng liên thông làm việc trong lĩnh vực dạy nghề có thể kiếm được khoảng 38.000 đô-la/ năm. Một cách tương đối, những người có bằng cử nhân có thể kỳ vọng mức lương trung bình là 50.000 đô-la/ năm. Mặc dù có sự khác biệt về thu nhập, hãy nhớ rằng những con số này chỉ là tương đối, sẽ thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố (vị trí, thâm niên,…) và hãy nhớ rằng các công ty khác nhau cũng có chế độ đãi ngộ khác nhau (thời gian nghỉ, tiền thưởng cuối năm…) Một yếu tố khác cần xem xét là độ chênh giữa chi phí đào tạo và giáo dục so với thu nhập. Người có bằng cử nhân thường kiếm được nhiều tiền hơn nhưng lại phải đầu tư khoản học phí cao hơn.

Tỷ lệ thất nghiệp: Tính đến năm 2009, 86% những người bắt đầu học tập vào năm 2003-2004 và có chứng chỉ nghề nghiệp đã được tuyển dụng. Trong số đó, 75% được tuyển dụng trong một lĩnh vực liên quan đến chứng chỉ của họ. Trong cùng một nhóm người bắt đầu vào năm 2003, có khoảng 82% số người có bằng cấp được tuyển dụng vào năm 2009. Nhưng chỉ có 53% được tuyển dụng trong một lĩnh vực liên quan đến bằng cấp của họ.

Tình trạng đó nói lên điều gì? Nhiều sinh viên vẫn đăng ký vào các chương trình cấp bằng cử nhân thay vì các chương trình dạy nghề hoặc thương mại nhưng xu hướng đó đang thay đổi. Học phí cho các chương trình bốn năm rất cao, bằng cao học thì phải có việc rồi mới cần đến và người lao động có kỹ năng trong các lĩnh vực thương mại ngày càng được ưa chuộng. Vì vậy, sinh viên học một ngành thương mại có thể được hưởng mức lương tốt với ít nợ học phí và đảm bảo việc làm ổn định trong tương lai.

Hannah Holley

Đặng Thanh Hiền – Táo Trường Học dịch

Xem thêm:

Tư vấn nghề nghiệp cho con bạn

Những điều cơ bản về hướng nghiệp, làm thế nào để quyết định

Trường học nên chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai của học sinh chứ không phải cho các kỳ thi

Leave A Reply

Your email address will not be published.