Áp lực của thanh thiếu niên

0 26,781

Những điểm chính

  • Áp lực là chuyện bình thường và nó không phải lúc nào cũng tồi tệ. Nhiều áp lực có thể thúc đẩy bạn hành động.
  • Áp lực trở thành vấn đề nghiêm trọng khi nó quá nặng nề hoặc kéo dài.
  • Dấu hiệu của áp lực ở thanh thiếu niên có thể bộc lộ qua hành vi, cảm xúc, cơ thể và suy nghĩ.
  • Bạn có thể giúp con giải tỏa áp lực bằng cách lắng nghe, dành thời gian bên con, khuyến khích con ăn ngủ điều độ, tập thể dục và suy nghĩ tích cực.

Áp lực của thanh thiếu niên là gì?

Áp lực của thanh thiếu niên – hoặc của bất cứ ai – có thể gây khó chịu nhưng nó không phải lúc nào cũng tồi tệ.

Áp lực là cách cơ thể phản hồi lại thách thức, thôi thúc bạn đối mặt với chúng bằng sự tập trung, năng lượng và sức mạnh. Khi bạn cảm thấy bạn có thể đương đầu với những thử thách đó, áp lực khiến bạn sẵn sàng hành động và cho bạn động lực để hoàn thành mọi thứ.

Mọi người đều có áp lực. Chẳng có gì sai nếu đứa con đang tuổi dậy thì của bạn cảm thấy áp lực. Nhưng áp lực có thể gây ra nhiều hệ lụy nếu kéo dài hoặc con bạn phải đối mặt với quá nhiều áp lực.

Dấu hiệu của áp lực ở thanh thiếu niên

Xem thêm: Thanh thiếu niên áp lực và ảnh hưởng từ bạn bè

Dấu hiệu của áp lực ở thanh thiếu niên có thể bộc lộ qua hành vi, cảm xúc, cơ thể và suy nghĩ.

Dấu hiệu hành vi

Nếu con bạn bị áp lực, bạn có thể nhận thấy điều đó qua hành vi của họ. Ví dụ, con có thể:

  • đột nhiên không muốn tham gia các hoạt động mà con vốn ưa thích, không muốn đến trường hoặc học hành sa sút
  • trông có vẻ lo lắng bất an
  • ngủ quá ít hoặc quá nhiều
  • ăn nhiều thức ăn nhanh hơn bình thường hoặc biếng ăn
  • uống nhiều đồ uống chứa caffeine hoặc lạm dụng thuốc giảm đau, đồ uống có cồn và các loại thuốc khác

Dấu hiệu cảm xúc

Nếu con bạn bị áp lực, bạn có thể nhận thấy điều đó qua biểu cảm của họ. Ví dụ, con có thể:

  • cáu kỉnh, ủ rũ, hay khóc, buồn bã, chán nản, vô vọng, cảm thấy “cái gì cũng không như ý” hoặc cảm xúc thất thường không rõ lí do
  • lo lắng bị lạc long so với bạn bè
  • cảm thấy khó giải tỏa cảm xúc, đặc biệt là trên mạng xã hội.

Dấu hiệu thể chất

Đôi khi bạn có thể thấy các dấu hiệu thể chất của áp lực. Con bạn có thể:

  • ốm yếu – ví dụ, con đau đầu, vai, dạ dày hoặc hàm
  • thường xuyên bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng
  • giảm hoặc tăng cân
  • hay bị hoảng loạn, chóng mặt, thở gấp hoặc bồn chồn
  • thay đổi khi đến tháng.

Dấu hiệu tư duy

Căng thẳng có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ của con bạn. Bạn có thể nhận thấy con:

  • khó tập trung và không kiên trì
  • gặp khó khăn trong việc ghi nhớ, tổ chức, lập kế hoạch hoặc đưa ra quyết định
  • hấp tấp quyết định hoặc phán đoán sai.

Nguyên nhân của áp lực tuổi teen

Rất nhiều điều gây áp lực cho thanh thiếu niên nhưng năm nguyên nhân hàng đầu là:

  • trường học, đặc biệt là bài tập về nhà, bài kiểm tra và áp lực phải học giỏi
  • mối quan hệ với bạn bè, bạn trai và bạn gái
  • những thay đổi trong cuộc sống như chuyển trường, vào đại học hoặc đi làm
  • bị quá tải hoặc cảm thấy chưa sẵn sàng
  • thiếu ngủ.

Điều quan trọng là phải nhận thức được những điều gây áp lực cho con bạn. Nếu bạn có thể hạn chế những điều này và xử lý kịp thời các dấu hiệu của áp lực, bạn có thể ngăn ngừa áp lực chuyển biến thành lo âu và trầm cảm.

Làm thế nào để giải tỏa áp lực ở thanh thiếu niên?

Nhìn chung, bạn có thể giúp con giải tỏa áp lực bằng cách:

  • lắng nghe
  • dành thời gian kết nối với con
  • làm những việc khiến con bạn cảm thấy thoải mái.

Bạn cũng có thể giúp con giải tỏa áp lực bằng cách cùng con hình thành lối sống lành mạnh và suy nghĩ tích cực.

Lối sống lành mạnh giúp giải tỏa áp lực tuổi teen

Dưới đây là một số hoạt động tạo nên lối sống gia đình lành mạnh mà bạn và con có thể áp dụng:

  • Thực hiện một số hoạt động thể chất: tập thể dục đốt cháy hormone gây ra căng thẳng, vì vậy nó có thể giúp cơ thể thư giãn.
  • Luôn kết nối với gia đình và bạn bè: lên kế hoạch một số dịp đặc biệt với con bạn khi bạn thấy con bị áp lực. Mối quan hệ tích cực là nền tảng sức khỏe tinh thần.
  • Ngủ đủ giấc: một trong những nguyên nhân gây áp lực lớn nhất ở thanh thiếu niên là không ngủ đủ giấc. Con bạn vẫn cần khoảng 8-10 giờ ngủ mỗi đêm.
  • Ăn uống lành mạnh: chế độ ăn uống gia đình với nhiều trái cây tươi và rau, thịt nạc, thực phẩm từ sữa và ngũ cốc.
  • Thư giãn: có thể là đi dạo, đọc sách, tắm bồn hoặc nghe nhạc.

Suy nghĩ tích cực để giải tỏa áp lực tuổi teen

Cách bạn suy nghĩ về mọi thứ có thể gây áp lực cho bạn. Giống như người lớn, thanh thiếu niên có thể hình thành suy nghĩ tiêu cực và điều đó khiến họ khó đối mặt với áp lực. Suy nghĩ tiêu cực có thể vượt khỏi tầm kiểm soát, đặc biệt là khi nó trở thành thói quen tư duy của bạn.

Một số kiểu suy nghĩ tiêu cực phổ biến là:

  • suy diễn rằng người khác đánh giá ​​không tốt về bạn – ví dụ, “Họ nghĩ rằng tôi rất ngu ngốc”, “Cô ấy nghĩ rằng tôi không giỏi cái gì hết”
  • nghĩ rằng mọi chuyện đều không như ý – ví dụ, “Tôi chẳng làm được gì ra hồn”, “Mọi người luôn chống lại tôi”, “Tôi sẽ không bao giờ làm được…”
  • tự dán nhãn mình – ví dụ, “Tôi không tốt”, “Tôi là kẻ ngu ngốc”, “Tôi vô vọng rồi”
  • áp đặt bản thân – ví dụ, “Tôi phải làm vậy – Tôi không có sự lựa chọn nào khác”, “Cách này sẽ không hiệu quả đâu”
  • theo thuyết định mệnh hoặc mong đợi điều tồi tệ nhất – ví dụ, “Tôi chắc chắn sẽ làm hỏng chuyện này”, “Việc này kiểu gì cũng hỏng bét”, “Tôi sẽ cảm thấy khủng khiếp khi điều đó xảy ra”
  • phiến diện – ví dụ, “Anh ấy làm gì cũng đúng còn tôi thì luôn hiểu sai”, “Nó phải hoàn hảo”, “Chỉ làm theo cách đó thì mới ổn”.

Làm thế nào để thay đổi lối tư duy tiêu cực?

Con có thể nhìn nhận mọi vấn đề một cách toàn diện hơn nếu trò chuyện cùng bạn và những người khác xung quanh con. Bạn và con có thể thử các bước sau:

1. Hãy giúp con tìm ra những nguồn cơn của áp lực. Ví dụ, bạn của con gửi một tin nhắn vào phút chót thông báo hủy hẹn với con.

2. Khuyến khích con giãi bày tâm tư về tình huống hoặc sự kiện đó. Ví dụ, “Bạn ấy không thực sự quý con”, “Bạn ấy nên nói với con sớm hơn”, “Ôi thật là một ngày tồi tệ”.

3. Nhẹ nhàng dẫn dắt con nghĩ khác về tình huống. Chẳng hạn, “Sao con biết là bạn không thích con?”, “Có khi nào bạn bận đột xuất nên không báo cho con sớm được?”, “Con có thể làm việc gì khác trong hôm nay?”

4. Khuyến khích con bạn lý giải tình huống theo những hướng khác. Ví dụ: “Con không thực sự biết vì sao bạn hủy hẹn – có thể do việc đột xuất”, “Cuộc sống có lúc nọ lúc kia”, ‘Dù sao con vẫn đi chơi được”, “Điều này cho con thời gian để làm những việc khác”, “Con thất vọng nhưng vẫn có thể đối mặt”, hoặc “Chúng con có thể đi chơi cùng nhau vào một ngày khác”.

5. Giúp con nhận ra rằng khi con nghĩ sâu hơn, cảm xúc của con cũng có thể thay đổi và thường là tốt hơn.

Xem thêm:

Làm cha mẹ thật khó: Tư duy tích cực có thể giúp

Tạo dựng một cuộc sống gia đình tích cực cho trẻ

Khi nào cần giúp thanh thiếu niên giải tỏa áp lực?

Nếu áp lực của con bạn không biến mất, đến gặp chuyên gia là một ý tưởng tốt.

Con bạn có thể bắt đầu bằng cách:

  • nói chuyện với bác sĩ gia đình của bạn
  • gặp cố vấn trường học – họ được đào tạo về sức khỏe tinh thần ở trẻ em và thanh thiếu niên
  • nói chuyện với một người từng trải
  • nói chuyện với một tư vấn viên thanh thiếu niên nếu con bạn đến một trung tâm thanh thiếu niên địa phương
  • Gọi đường dây hỗ trợ tâm lí thanh thiếu niên.

Xem thêm: 5 cách giúp thanh thiếu niên đối phó với khủng hoảng trong cuộc sống


Đặng Thanh Hiền – Táo Trường Học dịch

Nguồn: raisingchildren

Leave A Reply

Your email address will not be published.