Phân tích hậu quả trong quản lý hành vi của con

Phân tích hậu quả cho trẻ biết những việc không nên làm, vì vậy, bộ công cụ quản lý hành vi của bạn nên có chúng. Bạn có thể điều chỉnh hậu quả cho các tình huống khác nhau, nhưng tốt nhất là đi kèm với việc tập trung vào hành vi tích cực của con bạn.

0 2,006

Phân tích hậu quả cho trẻ biết những việc không nên làm, vì vậy, bộ công cụ quản lý hành vi của bạn nên có chúng. Bạn có thể điều chỉnh hậu quả cho các tình huống khác nhau, nhưng tốt nhất là đi kèm với việc tập trung vào hành vi tích cực của con bạn.

Phân tích hậu quả là gì

Phân tích hậu quả là chỉ cho con những khả năng có thể sẽ xảy ra sau khi con bạn thực hiện một hành vi cụ thể. Đôi khi bạn có thể đưa ra việc phân tích nếu con thực hiện các hành vi không phù hợp.

Chẳng hạn, bạn có thể đưa ra việc phân tích để thực thi giới hạn và củng cố nội quy khi các lời nhắc đơn giản chưa phát huy tác dụng.

Bạn thực sự nên suy nghĩ về cách thức và lý do sử dụng việc phân tích hậu quả. Nếu bạn lạm dụng hoặc sử dụng chúng không nhất quán, bạn có thể nhận những kết quả không mong muốn.

Tốt nhất là tập trung vào việc định hướng con cư xử đúng mực. Nghĩa là bạn cần sử dụng ít hậu quả hơn.

Hành vi và hậu quả

Khi nói đến hậu quả, có ba kịch bản phổ biến:

Con bạn cư xử theo một cách riêng và nhận được một kết quả tích cực. Điều này gia tăng khả năng lặp lại hành vi trong cùng hoàn cảnh ở tương lai. Ví dụ, bạn khen ngợi con vì ăn hết suất của mình tại bàn.

Con bạn cư xử theo một cách riêng và tránh hậu quả. Điều này gia tăng khả năng lặp lại hành vi trong cùng hoàn cảnh ở tương lai. Ví dụ, nếu con bạn không đi giày bẩn vào nhà thì không phải lau nhà.

Con bạn cư xử theo một cách riêng và nhận hậu quả. Điều này làm giảm khả năng lặp lại hành vi trong cùng hoàn cảnh ở tương lai. Ví dụ, con bạn ném một món đồ chơi, và bạn tịch thu đồ chơi cho đến hết ngày.

 

Hậu quả tiêu cực có thể lại phát huy mặt tích cực đối với con bạn. Ví dụ, con bạn thích chơi nhảy hố cát. Nếu con cắn một đứa trẻ khác khi đang chơi và bạn phạt con ra hố cát, điều này thực sự sẽ khuyến khích hành vi của con. Đối với con, dường như hậu quả của việc cắn bạn là được chơi trong hố cát!

Hậu quả tất yếu

Đó có thể là một công cụ hiệu quả trong bộ công cụ quản lý hành vi của bạn.

Đôi khi tốt nhất là để trẻ em trải nghiệm những hậu quả tất yếu do hành vi của chúng. Khi đó, chúng biết rằng hành động của chúng có hậu quả. Chúng có thể học cách chịu trách nhiệm cho những gì mình làm.

 

Dưới đây là một số ví dụ về hậu quả tất yếu:

Nếu con bạn không chịu mặc áo khoác, con sẽ cảm thấy lạnh.

Nếu con bạn bỏ ăn, con sẽ cảm thấy đói.

Nếu con bạn không hoàn thành bài tập về nhà, con sẽ không làm được bài kiểm tra.

Nếu con bạn phạm luật trên sân thể thao, con sẽ bị đuổi.

Đây là những bài học quan trọng nhưng khó khăn và cuộc sống sẽ là người thầy tốt hơn cha mẹ. Bạn không phải đóng vai kẻ xấu. Bạn có thể dự đoán trước được hậu quả, nhưng nếu nói: “Bố/ mẹ đã bảo mà” có lẽ sẽ làm chúng buồn.

Đôi khi bạn cần phải can thiệp để bảo vệ trẻ khỏi những hậu quả tất yếu của hành vi. Hậu quả của hành vi nguy hiểm có thể là chấn thương nghiêm trọng và hậu quả của việc nghỉ học lâu có thể là không bắt kịp các bạn. Hậu quả tất yếu đôi khi dẫn đến cho hành vi chống đối xã hội – ví dụ, hành vi hung hăng của kẻ bắt nạt có thể được dung túng khi nạn nhân im lặng. Trong những tình huống như thế này, bạn cần định hướng hành vi cho con và áp dụng các hậu quả thích hợp.

Hậu quả liên quan

Hậu quả liên quan thường là một phần của quản lý hành vi.

Hậu quả liên quan – đôi khi được gọi là hậu quả logic – là khi bạn áp đặt một hậu quả liên quan đến hành vi mà bạn muốn ngăn cản. Ví dụ:

Nếu con cư xử ngốc nghếch và làm đổ đồ uống của mình, con phải lau dọn.

Nếu con vứt xe đạp trên đường vào gara, con sẽ bị tịch thu xe cho đến hết buổi chiều.

Nếu con phá đồ chơi, bố mẹ sẽ cất chúng trong 10 phút.

Ưu điểm của các hậu quả liên quan là họ khiến con bạn suy nghĩ về vấn đề này, chúng cảm thấy công bằng hơn và chúng có xu hướng làm việc tốt hơn để tránh hậu quả liên quan. Nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng tìm thấy một hậu quả liên quan.

Các loại hậu quả khác: mất quyền lợi và cấm túc

Những hậu quả đó không nhất thiết liên quan đến hành vi không phù hợp. Nhưng nếu được sử dụng khéo léo, chúng sẽ tạo cơ hội cho con bạn suy ngẫm về hành vi của bản thân và học hỏi từ hậu quả đó.

Mất quyền lợi là lấy đi một đối tượng hoặc hoạt động yêu thích của con trong một thời gian vì con đã có hành vi không thể chấp nhận được. Ví dụ:

Con hỗn với cha mẹ có thể mất quyền tham gia đội bóng đá.

Cấm túc là yêu cầu con đi đến một nơi – một góc, ghế hoặc phòng – cách xa các hoạt động thú vị và những người khác trong một khoảng thời gian ngắn. Bạn có thể áp dụng cấm túc cho hành vi đặc biệt nghiêm trọng hoặc những lúc bạn và con đều cảm thấy rất tức giận, bạn cần nghỉ ngơi để bình tĩnh lại.

Cách sử dụng phân tích hậu quả hiệu quả hơn

Một trong những điều quan trọng nhất về hậu quả là sử dụng chúng như một phản hồi đối với hành vi của con bạn, chứ không phải nhân phẩm của con. Như vậy, con biết rằng con được yêu thương và chở che – ngay cả khi bạn đưa ra phân tích hậu quả.

Nếu con bạn không thay đổi hành vi ngay lập tức, điều đó là bình thường. Bạn có thể cần phải sử dụng hậu quả một vài lần trước khi con bạn học được cách cư xử đúng.

Dưới đây là một số cách khác để áp dụng hậu quả tốt hơn.

Rõ ràng và nhất quán

Nếu trẻ em hiểu rõ kỳ vọng của bạn và bạn thường xuyên khuyến khích chúng thực hiện thì chúng ít khi làm những việc dẫn đến hậu quả. Quy tắc gia đình rõ ràng có thể khiến mọi người hiểu được kỳ vọng hành vi.

Hãy giải thích hậu quả trước khi sự việc xảy ra để lũ trẻ không bị bất ngờ. Nếu bạn nói chuyện với con về những hậu quả có thể xảy ra, con ít có khả năng hậm hực khi bị phạt. Điều đó giúp trẻ cảm thấy được lắng nghe và cởi mở hơn với sự dạy dỗ của bạn.

Nếu bạn sử dụng hậu quả theo cùng một cách đối với cùng một hành vi nhiều lần, con bạn sẽ hiểu. Ví dụ: Nếu con gây gổ sẽ bị cấm túc.

Bạn cũng cần áp dụng các hậu quả tiêu cực cho tất cả con cái trong gia đình. Ngay cả đứa trẻ con cũng sẽ buồn bã nếu nó thấy mình bị phân biệt đối xử.

Ngắn gọn

Bạn nhanh chóng tạo cơ hội cho con sửa sai.

Ví dụ: Nếu bạn tắt tivi trong 10 phút vì con phá quấy, chúng sẽ nhanh chóng có cơ hội giải quyết vấn đề theo một cách khác. Nếu bạn tắt tivi cả ngày thì chúng không còn cơ hội học cách xử lý tình huống.

Và thời gian phạt quá dài có thể khiến bạn trở nên tồi tệ hơn trong mắt con – ví dụ, một đứa trẻ bị tịch thu xe đạp trong một tuần có thể sẽ chán và cáu kỉnh!

Đúng thời hạn

Cảnh báo con trước khi áp dụng một hình phạt cho một hậu quả. Điều đó rất tốt vì con có cơ hội thay đổi hành vi của mình.

Ví dụ, “Các con hét to quá. Nếu không thể ngồi yên xem tivi thì bố sẽ tắt tivi trong 10 phút”. Nói là làm – đừng để con cảm thấy bạn chỉ dọa suông. Trừ phi bạn có nội quy nghiêm ngặt trước đó. Có những điều khoản cần được thực thi ngay sau khi con vi phạm.

Tuy nhiên, không nên áp đặt hình phạt cho hậu quả ngay lập tức nếu bạn đang mất bình tĩnh vì có thể chỉ là bạn phản ứng thái quá hoặc quá nghiêm khắc. Thay vào đó, hãy nói điều gì đó như: “Bố/ mẹ rất giận con. Chúng ta sẽ nói chuyện này sau khi bố/ mẹ cảm thấy bình tĩnh hơn”.

Điều chỉnh hình phạt phù hợp với nhu cầu và khả năng của trẻ

Hình phạt nên dành cho trẻ em trên ba tuổi. Trẻ nhỏ hơn không thực sự hiểu hậu quả là gì, đặc biệt nếu chúng không liên hệ được hành động của chúng và kết quả của những hành động đó. Nếu bạn áp dụng hình phạt, chúng sẽ chỉ cảm thấy không công bằng.

Bạn nên áp dụng phân tích hậu quả một cách bình tĩnh và công tâm. Cố gắng không công kích cá nhân. Thay vì phán xét con “xấu tính” hay hay “hư”, hãy nói về các quy tắc và hành vi của con bạn. Thường xuyên tỏ ra tức giận hoặc thất vọng chỉ khiến con nhờn – cảm thấy buồn cười, đáng sợ hoặc thú vị – hơn là rút kinh nghiệm.

Đặng Thanh Hiền – Táo Trường học dịch

Nguồn: Raisingchildren

Xem thêm:

Sự chú ý và hành vi của con bạn

Chiến thuật rèn luyện tính kỷ luật cho trẻ

 

Leave A Reply

Your email address will not be published.